Hiện nay, ở một số địa phương, cấp chính quyền còn vướng mắc, chưa rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác hòa giải ở cơ sở, nên còn tình trạng coi công tác hòa giải ở cơ sở là của Ngành Tư pháp quản lý và chịu trách nhiệm, vì vậy, ít quan tâm đến công tác này; có nơi còn nhầm lẫn cho rằng hòa giải của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hòa giải ở cơ sở, nhất là, khi hoạt động hòa giải ở cơ sở có liên quan đến hòa giải tranh chấp đất đai (Luật Đất đai năm 2013), dẫn đến đùn đẩy, kéo dài gây khó khăn cho người dân khi có yêu cầu thụ lý vụ việc liên quan đến giải quyết tranh chấp đất đai.
Về vướng mắc nêu trên, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp đã hướng dẫn như sau:
Theo quy định tại Điều 28, Điều 29 của Luật Hòa giải ở cơ sở, Điều 4 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, thì trách nhiệm quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở như sau:
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở.
2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, có trách nhiệm sau đây: Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải ở cơ sở; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, kiểm tra thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải ở cơ sở; biên soạn, phát hành tài liệu, tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp tỉnh; quy định mẫu Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở; mẫu, biểu thống kê về tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở.
4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
4.1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở tại địa phương; trình dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương để Hội đồng nhân dân có thẩm quyền xem xét quyết định; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
4.2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở; xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải; thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên tại địa phương;
b) Chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.
c) Báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp huyện kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
5. Điều 4 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cũng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của Chính phủ, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân các cấp.
Ở địa phương, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp – hộ tịch có vai trò tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Trong Luật này, cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác. Ở cơ sở được thành lập tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân để hoạt động hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Như vậy, hoạt động hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
6. Liên quan đến hòa giải tranh chấp đất đai, khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở”. Theo quy định này, Nhà nước chỉ khuyến khích, không bắt buộc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Khoản 2 và khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Như vậy, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã là thủ tục bắt buộc, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai (không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hòa giải ở cơ sở như đã trình bày phần trên). Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trực tiếp là công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã) chủ trì tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.
Nguyễn Phương Thảo