Thứ nhất, Điều 37 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) chưa quy định, giải thích rõ khái niệm “quyết định về thi hành án”
Hiện nay có 02 quan điểm hiểu về khái niệm “quyết định về thi hành án” như sau: (i) Điều 37 Luật Thi hành án dân sự quy định việc thu hồi quyết định về thi hành án bao gồm thu hồi các quyết định về thi hành án (quyết định của thủ trưởng, chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án) và quyết định giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại bị thu hồi thì đối tượng khiếu nại mất đi. Xử lý tình huống này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định khiếu nại đã bị thu hồi sẽ không giải quyết khiếu nại mà có văn bản trả lời người khiếu nại: Quyết định giải quyết khiếu nại đã bị thu hồi. (ii) Chỉ áp dụng Điều 37 Luật Thi hành án dân sự để thu hồi các quyết định về thi hành án không bao gồm quyết định giải quyết khiếu nại vì khiếu nại được giải quyết theo trình tự, thủ tục được quy định từ Điều 140 đến Điều 153 Luật Thi hành án dân sự. Mặt khác, khoản 9 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Mỗi quyết định thi hành án là một việc thi hành án”.
Trên thực tế, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương khi nhận thấy có sai phạm trong việc giải quyết khiếu nại đều áp dụng điều luật này để thu hồi quyết định giải quyết khiếu nại.
Thứ hai, quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại về thi hành án theo khoản 1 Điều 140 và khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự
Theo đó, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án mới có quyền khiếu nại về thi hành án. Tuy nhiên, việc xác định ai là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến thi hành án còn vướng mắc. Ví dụ: Người mua trúng đấu giá; người nhận chuyển nhượng tài sản kê biên thi hành án ngay tình; cá nhân là cổ đông, người có cổ phần trong công ty cổ phần phải thi hành án… những người này khiếu nại thì người có thẩm quyền có ban hành quyết định giải quyết khiếu nại hay không hiện còn nhiều quan điểm giải quyết khác nhau, cụ thể:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, phải giải quyết khiếu nại do quyết định, hành vi bị khiếu nại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Bởi vì, khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự quy định: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự. Do đó, người được thi hành án, người phải thi hành án là công ty, mặc dù pháp luật không quy định cụ thể cổ đông của công ty có quyền khiếu nại, tuy nhiên, thực tế cho thấy, cổ đông chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của công ty nên họ có quyền khiếu nại; người mua trúng đấu giá tài sản có quyền khiếu nại nếu bị chậm giao tài sản…
- Quan điểm thứ hai cho rằng, không giải quyết khiếu nại vì cổ đông là người có cổ phần nhưng công ty cổ phần có đại diện theo pháp luật đã được các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân xác định và cổ đông cũng không được Tòa án xem xét với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong quá trình xét xử. Mặt khác, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông chỉ có quyền khiếu nại theo điều lệ công ty, trong đại hội đồng cổ đông hoặc khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp nội bộ.
Thực tế qua theo dõi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương cho thấy, rất nhiều trường hợp thụ lý và giải quyết khiếu nại đối với những người không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự. Ví dụ: Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự quận A ban hành quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất X của ông B (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông B) để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án của ông B tại bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tuy nhiên, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông B lại chuyển nhượng quyền sử dụng đất X cho bà C bằng giấy sang nhượng viết tay. Khi chấp hành viên kê biên, bà C có đơn khiếu nại quyết định cưỡng chế kê biên của chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự quận A. Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận A đã thụ lý và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại của bà C. Trong trường hợp này, việc Chi cục Thi hành án dân sự quận A thụ lý giải quyết khiếu nại của bà C là không đảm bảo căn cứ pháp lý. Bởi lẽ, đối tượng của khiếu nại là quyết định cưỡng chế thi hành án của chấp hành viên không tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của bà C. Chấp hành viên chỉ có thể hướng dẫn bà C khởi kiện ra Tòa để giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự. Nếu chấp hành viên không hướng dẫn bà C quyền khởi kiện và bà C có khiếu nại thì Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận A thụ lý, giải quyết khiếu nại đối với hành vi của chấp hành viên.
Bên cạnh đó, pháp luật chưa quy định cơ chế giải quyết đối với trường hợp đương sự khác (không phải là người đã khiếu nại lần đầu) khiếu nại tiếp đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Ví dụ: Trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại của người được thi hành án nhưng người phải thi hành án lại khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại. Xử lý tình huống này, người có thẩm quyền không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, bởi lẽ, theo Điều 140 Luật Thi hành án dân sự thì quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu giải quyết khiếu nại của người được thi hành án nên chỉ người này được khiếu nại lần hai. Tuy nhiên, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương còn lúng túng, chưa áp dụng thống nhất pháp luật như trên.
Thứ ba, quy định về thẩm quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại điểm b khoản 4 Điều 142 Luật Thi hành án dân sự
Điểm b khoản 4 Điều 142 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này” là xem xét lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh; thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp nhưng không quy định về hình thức, thẩm quyền, quy trình giải quyết và cơ chế xử lý nếu sau đó phát sinh khiếu nại. Đồng thời, không quy định thẩm quyền xem xét lại cũng như cơ chế giải quyết khi có phát sinh khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 142 Luật Thi hành án dân sự, cụ thể là khiếu nại tiếp đối với trường hợp thuộc khoản 1 Điều 142 Luật Thi hành án dân sự: Khi hết thời hiệu khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, đương sự mới khiếu nại mà người khiếu nại không đưa ra được bằng chứng chứng minh do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng nên không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn; hoặc đương sự khiếu nại tiếp đối với quyết định giải quyết khiếu nại về các biện pháp bảo đảm thi hành án.
Khoản 4 Điều 38 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP1 quy định: Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành được xem xét lại trong các trường hợp sau đây: Quyết định, hành vi bị khiếu nại là trái pháp luật nhưng quyết định giải quyết khiếu nại cho rằng quyết định, hành vi đó là đúng pháp luật; việc giải quyết khiếu nại đã vi phạm quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết khiếu nại về thi hành án; có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản kết quả giải quyết khiếu nại. Mặc dù Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP không quy định trình tự, thủ tục, hình thức xem xét lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, Tổng cục Thi hành án dân sự, Thanh tra Bộ tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật thuộc các trường hợp nêu trên đều thành lập đoàn xác minh (đoàn kiểm tra) kiểm tra toàn bộ hồ sơ thi hành án, hồ sơ giải quyết khiếu nại, làm việc với đương sự và các đơn vị có liên quan để xem xét lại toàn diện vụ việc. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đoàn xác minh báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp và đề xuất hướng giải quyết vụ việc ban hành kết luận kiểm tra (thanh tra).
Theo Quy chế phối hợp số 01/QCPH/TCTHADS-TTR ngày 01/8/2017 của Tổng cục Thi hành án dân sự và Thanh tra Bộ, tại Điều 9 quy định: Trách nhiệm tham mưu Lãnh đạo Bộ giải quyết tất cả các khiếu nại, tố cáo của công dân trong thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng được giao cho Thanh tra Bộ. Do vậy, quá trình tham mưu giúp Bộ trưởng xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại nếu có vướng mắc cần thiết phải có quy định về trình tự, thủ tục, hình thức xem xét lại quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật, Thanh tra Bộ sẽ báo cáo, xin ý kiến Lãnh đạo Bộ.
Thứ tư, thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề pháp luật chưa quy định
Một là, Luật Tố cáo, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định trình tự, thủ tục giải quyết vấn đề cụ thể như đối tượng tố cáo bị thu hồi, hủy bỏ (quyết định về thi hành án) trước và trong khi người có thẩm quyền giải quyết tố cáo thì có xem xét, giải quyết tố cáo không? Hiện nay có 02 quan điểm:
- Quan điểm thứ nhất: Cần xác định hành vi vi phạm pháp luật là hành vi ban hành quyết định về thi hành án (quyết định vi phạm cả về nội dung và hình thức). Do đó, nếu xác định người bị tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật thì về nguyên tắc, tại thời điểm đương sự tố cáo mà đối tượng tố cáo vẫn còn nhưng sau đó bị thu hồi hoặc hủy bỏ thì phải tiếp tục xem xét, giải quyết.
- Quan điểm thứ hai: Không giải quyết tố cáo do đối tượng bị tố cáo không còn (quyết định được cho là có vi phạm pháp luật bị thu hồi). Trường hợp này, hành vi vi phạm pháp luật không còn tồn tại (hiện hữu). Đồng thời, đối tượng tố cáo bị thu hồi, hủy bỏ sẽ không có căn cứ để xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Hai là, pháp luật chưa quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại khi đương sự khiếu nại văn bản, hành vi của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong quá trình giải quyết khiếu nại, bao gồm khiếu nại thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại, trả lời đơn; khiếu nại chậm giải quyết khiếu nại; không thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại như: Không xác minh, không đối thoại, không giám định…
Xử lý tình huống trên có 02 quan điểm. Quan điểm thứ nhất: Phải giải quyết khiếu nại theo trình tự giải quyết khiếu nại hành chính. Quan điểm thứ hai: Không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại mà chỉ có văn bản trả lời đương sự, vì pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự hiện nay chỉ quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại về trình tự, thủ tục thi hành án thuộc trường hợp quy định tại Điều 140 Luật Thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ yêu cầu người bị khiếu nại (cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới) giải quyết, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết của cấp dưới và áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với người thiếu trách nhiệm hoặc cố tình trì hoãn việc giải quyết khiếu nại đó. Trong trường hợp cần áp dụng biện pháp vượt quá thẩm quyền của mình thì kiến nghị cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền xử lý. Do đó, trường hợp đương sự khiếu nại về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với một số trường hợp được xử lý như sau:
- Khiếu nại thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới chậm giải quyết khiếu nại được xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP: Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới nhưng quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì thủ trưởng cơ quan thi hành án hoặc cơ quan quản lý thi hành án cấp trên yêu cầu cấp dưới giải quyết, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết của cấp dưới và áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với người thiếu trách nhiệm hoặc cố tình trì hoãn việc giải quyết khiếu nại đó.
- Khiếu nại thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới: Mặc dù pháp luật không quy định trình tự, thủ tục giải quyết nhưng thực tiễn xử lý trường hợp này hiện nay ở Tổng cục Thi hành án dân sự như sau: Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, kiểm tra việc cấp dưới không thụ lý giải quyết khiếu nại có phù hợp quy định pháp luật không. Trường hợp cấp dưới ra thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại là phù hợp thì Tổng cục Thi hành án dân sự có công văn trả lời cho đương sự biết việc thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới ra thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại là đúng quy định. Trường hợp cấp dưới ra thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại là không đúng quy định, việc khiếu nại của đương sự là đúng (theo quy định phải thụ lý giải quyết khiếu nại nhưng lại ra thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại) thì Tổng cục Thi hành án dân sự có công văn chỉ đạo thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới phải giải quyết khiếu nại cho đương sự.
- Khiếu nại thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới không thực hiện đúng trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại (không xác minh, làm việc với đương sự; không giám định theo yêu cầu của đương sự để giải quyết khiếu nại): Mặc dù pháp luật không quy định trình tự, thủ tục giải quyết nhưng thực tiễn xử lý trường hợp này cũng tương tự như trường hợp trên. Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, kiểm tra việc khiếu nại của đương sự là đúng hay không đúng. Trường hợp khiếu nại của đương sự không đúng, Tổng cục Thi hành án dân sự có công văn trả lời đương sự thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới giải quyết khiếu nại là đúng quy định. Trường hợp khiếu nại của đương sự là đúng, việc thực hiện các trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại không đúng nêu trên dẫn đến kết quả giải quyết khiếu nại không đúng, không khách quan thì Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ có văn bản yêu cầu thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới khắc phục sai sót; trường hợp cần thiết báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng.
Ba là, nhiều trường hợp, công dân khiếu nại đã được giải quyết thấu tình đạt lý nhưng vẫn cố tình tiếp tục khiếu nại để chây ỳ, kéo dài việc thi hành án nên cần có quy định xử lý, đặc biệt là chế tài.
Khoản 2 Điều 27 Thông tư số 02/2016/TT-BTP2 quy định: “Đối với việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật, nếu qua đối thoại, giải thích, vận động, thuyết phục mà người khiếu nại, tố cáo đồng ý với phương án giải quyết thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo ra thông báo chấm dứt khiếu nại, tố cáo. Trường hợp đương sự không đồng ý thì ra thông báo không thụ lý, xem xét, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đó, đồng thời, cơ quan ra thông báo sẽ lập hồ sơ trích ngang về nội dung vụ việc và quá trình giải quyết để công khai trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan và thông báo cho các cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương”. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định trình tự, thủ tục ra thông báo chấm dứt khiếu nại, tố cáo và thông báo không thụ lý đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài về thi hành án dân sự đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, thấu tình, đạt lý.
Bốn là, trường hợp người bị khiếu nại, tố cáo là công chức đã chuyển đến cơ quan khác hoặc đã chuyển ngành thì phát sinh khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định, hành vi trong quá trình tổ chức thi hành án khi còn công tác tại cơ quan trước khi chuyển công tác. Có 02 quan điểm xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo: Hoặc tại thời điểm có khiếu nại, tố cáo hoặc tại thời điểm thực hiện hành vi bị khiếu nại, tố cáo.
Về khiếu nại hiện nay chưa có quy định, còn tố cáo thì Thanh tra Chính phủ trả lời Tổng cục Thi hành án dân sự tại Công văn số 296/TTCP-PC ngày 26/02/2016 xử lý tình huống trên như sau:
- Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác mà không giữ chức vụ cao hơn chức vụ khi thực hiện hành vi bị tố cáo thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nơi chấp hành viên công tác trước đây (thời điểm chấp hành viên thực hiện hành vi bị tố cáo) có trách nhiệm giải quyết tố cáo.
- Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác, được điều động, bổ nhiệm vào vị trí công tác cao hơn vị trí công tác trước đó thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức, cấp trên trực tiếp của người đó có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Tại các khoản 6, 7 Điều 12 Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) năm 2016 quy định:
“6. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã nghỉ hưu do người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi cán bộ, công chức, viên chức công tác trước khi nghỉ hưu giải quyết.
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã nghỉ hưu do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức trước đó công tác giải quyết.
7. Tố cáo hành vi vi phạm phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác nay đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác, bị mất chức, cho thôi việc, bị buộc thôi việc, tự ý thôi việc hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức được xử lý như sau:
a) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác vẫn giữ nguyên chức vụ hoặc tương đương hoặc có chức vụ thấp hơn hoặc bị mất chức, cho thôi việc, bị buộc thôi việc, tự ý thôi việc hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý bộ, công chức, viên chức trước khi chuyển công tác chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức đang quản lý người đó giải quyết.
b) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác được bổ nhiệm chức vụ cao hơn thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý trực tiếp cán bộ, công chức, viên chức chủ trì, phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người đó trước khi chuyển công tác giải quyết.
c) Trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức nơi người đó đang công tác chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức đã quản lý người đó giải quyết”.
Năm là, biểu mẫu về giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay chưa đầy đủ; sổ theo dõi công tác giải quyết khiếu nại; các biểu mẫu báo cáo; quy định thống nhất về thời hạn và định kỳ báo cáo về khiếu nại trong thi hành án dân sự.
Sáu là, khó phân biệt khiếu nại với tố cáo trong thi hành án dân sự.
Quyền khiếu nại, quyền tố cáo là những quyền chính trị cơ bản của công dân được ghi nhận tại các bản Hiến pháp, cụ thể: Hiến pháp năm 1956 (Điều 29), Hiến pháp năm 1980 (Điều 73), Hiến pháp năm 1992 (Điều 74) và Hiến pháp năm 2013 (Điều 30). Quyền khiếu nại, tố cáo được quy định chi tiết tại Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011. Đối với khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự được quy định từ Điều 140 đến Điều 159 Chương VI của Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân định rõ ràng, chính xác giữa khiếu nại và tố cáo để giải quyết theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân của sự khó phân định này là do quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa rõ ràng, do ý chí chủ quan của đương sự, khi thì có đơn khiếu nại, khi thì có đơn tố cáo, thậm chí rất nhiều đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo.
Tổng cục Thi hành án dân sự
[1]. Nghị định ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
[2]. Thông tư ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự.