Abstract: Guaranty of human rights and social democracy are core issues which have key role in the establishing a state of rules of law. Within this article, the author raises "some ideas for protection of rights and lawful interests of victims under 18 years in the Criminal Procedural Code of 2015", at the same time makes some proposals for further guaranty of human rights in general and rights of victims under 18 years at best.
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, đảm bảo quyền con người và dân chủ xã hội là những vấn đề cốt lõi, có vị trí then chốt để thành công mục tiêu này. Có thể nói tố tụng hình sự là một trong những lĩnh vực dễ đụng chạm đến quyền con người nhất. Nghiên cứu các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản có liên quan, cho thấy các quy định bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội tương đối đầy đủ, trong khi bị hại nói chung và bị hại là người dưới 18 tuổi nói riêng chưa được quan tâm một cách thích đáng. Trong phạm vi bài viết, tác giả muốn đưa ra “Một số ý kiến nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại dưới 18 tuổi trong Bộ luật tố Tụng hình sự năm 2015”, hướng đến việc bảo đảm quyền con người nói chung và quyền con người của người bị hại dưới 18 tuổi một cách tốt nhất.
Dựa vào quy định tại khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, có thể hiểu: “Người bị hại dưới 18 tuổi là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”. Họ là những người chưa có sự phát triển đầy đủ về thể chất và chưa hoàn thiện về nhận thức, cần được xã hội, Nhà nước, nhà trường và gia đình quan tâm, bảo vệ đặc biệt. Hơn nữa, trước đó, họ đã bị tội phạm xâm hại, là nạn nhân trong vụ án hình sự, vì vậy, họ cần được pháp luật bảo đảm quyền lợi, được quan tâm nhiều hơn ai khác. Những hành vi phạm tội có thể gây thiệt hại cho người dưới 18 tuổi chủ yếu ở nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người. Ngoài ra, còn rải rác các tội phạm ở nhóm tội khác như xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự quản lý hành chính… Về tố tụng hình sự, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có nhiều thay đổi theo hướng đảm bảo tốt hơn quyền con người, đặc biệt là đối với người bị buộc tội. Tuy nhiên, những quy định về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại dưới 18 tuổi vẫn chưa có những quy định đổi mới căn bản, thậm chí có một số quy định còn có thể gây ra những bất lợi cho bị hại nói chung và người bị hại dưới 18 tuổi nói riêng. Để có nhìn nhận khách quan về vấn đề này, trước hết, tác giả đánh giá về một số quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại dưới 18 tuổi.
1. Đánh giá một số quy định bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại dưới 18 tuổi trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Thứ nhất, về các nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người bị hại dưới 18 tuổi trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Về cơ bản, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 kế thừa Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, trong đó có nhiều nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại nói chung và của người bị hại dưới 18 tuổi nói riêng như: Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân (Điều 8); bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 9); bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 10); bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân (Điều 11); bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín cá nhân (Điều 12); bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 16)… Tuy nhiên, nguyên tắc “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” ở Điều 16 chỉ mới quy định về “quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa” của người bị buộc tội mà không quy định bị hại, đương sự có quyền tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ. Vì đây là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt quá trình tố tụng hình sự nên nếu không được quy định ở nguyên tắc cơ bản sẽ khó cụ thể trong các quy định về phần quyền và thủ tục tố tụng đối với bị hại nói chung và người bị hại dưới 18 tuổi nói riêng.
Ngoài ra, việc Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định nguyên tắc tiến hành tố tụng riêng đối với người dưới 18 tuổi trong đó có người bị hại dưới 18 tuổi ở Điều 414 là hoàn toàn hợp lý. Nhìn ở góc độ bảo vệ quyền con người nói chung thì những nguyên tắc trên về cơ bản đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, các nguyên tắc còn rất chung chung, cần được triển khai cụ thể trong các quy định có liên quan và có hướng dẫn cụ thể khi áp dụng. Ví dụ: Cần giải thích rõ như thế nào là “bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” (khoản 1 Điều 414) hay “giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án có liên quan đến người dưới 18 tuổi” bởi vì không chỉ những vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi mới phải “giải quyết nhanh chóng, kịp thời” mà đây còn là đòi hỏi chung cho quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Việc “giải quyết nhanh chóng kịp thời” trong những vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi cụ thể như thế nào, có khác gì với các vụ án khác còn là một câu hỏi cần được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể trong các thủ tục tố tụng…
Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của người bị hại dưới 18 tuổi
Nếu đặt một phép so sánh giữa người bị hại và người bị buộc tội đều là người dưới 18 tuổi thì thấy rõ ràng quy định của pháp luât tố tụng hình sự trong bảo vệ người bị buộc tội tốt hơn, có phần ưu ái hơn. Cụ thể: khoản 3 Điều 422 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này”. Trong khi đó, nếu người bị hại dưới 18 tuổi không có điều kiện để thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình thì không được cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định người bảo vệ quyền lợi cho họ. Điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng rất rõ giữa hai người tham gia tố tụng này, thậm chí, rõ ràng trước hết người bị hại đã bị thiệt hại do tội phạm xâm hại nhưng họ lại không được bảo vệ bằng người đã gây ra thiệt hại cho xã hội. Khoản 4 Điều 423 quy định: Phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi phải có mặt người đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt; trong khi không quy định vấn đề này đối với người bị hại dưới 18 tuổi. Điều này có nghĩa vụ án xét xử mà bị hại là người dưới 18 tuổi thì không nhất thiết phải có người đại diện, đại diện nhà trường, tổ chức nơi người bị hại học tập, sinh hoạt. Vậy ai sẽ bảo vệ người bị hại dưới 18 tuổi trong phiên tòa khi họ có thể vừa không có người bảo vệ quyền lợi, vừa không có người đại diện?
Thứ ba, về thủ tục tố tụng đối với những vụ án mà người bị hại dưới 18 tuổi
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án mà người bị hại là người dưới 18 tuổi về cơ bản cũng sẽ được thực hiện như các vụ án khác, trừ việc lấy lời khai, đối chất được quy định tại Điều 421 và thủ tục xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa quy định ở Điều 424. Thực tiễn giải quyết các vụ án mà người bị hại dưới 18 tuổi trong thời gian qua (điển hình như làm rõ dấu hiệu tội phạm trong các vụ án xâm hại tình dục) cho thấy nếu áp dụng thời hạn, thủ tục khởi tố vụ án và các biện pháp điều tra thông thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn, dễ dẫn tới tình trạng kéo dài quá trình tố tụng, thậm chí có thể khiến vụ án rơi vào bế tắc khi không đảm bảo được yếu tố nhanh chóng, kịp thời trong khởi tố, điều tra. Quá trình tố tụng càng kéo dài bao nhiêu thì càng khoét sâu thêm nỗi đau không chỉ của người bị hại dưới 18 tuổi mà còn cả với người thân thích của các em, tạo ra sự bức xúc cho xã hội. Thận trọng trong tố tụng hình sự là cần thiết, nhưng cũng cần phải nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả vì bị hại ở đây là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt. Việc Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định áp dụng các biện pháp tố tụng thông thường như các vụ án khác để giải quyết các vụ án mà người bị hại dưới 18 tuổi thật sự không thỏa đáng.
2. Kiến nghị nhằm đảm bảo hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại dưới 18 tuổi
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại dưới 18 tuổi theo tác giả, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần có một số sửa đổi, bổ sung như sau:
Thứ nhất, để có cơ sở thống nhất trong quy định cũng như triển khai các nội dung của nguyên tắc cơ bản trong các điều luật cụ thể, Điều 16 cần được bổ sung như sau:
Điều 16. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự
Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Bị hại, đương sự có quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ.
Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này.
Thứ hai, cần triển khai nguyên tắc “giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án có liên quan đến người dưới 18 tuổi” trong quá trình giải quyết vụ án
Cụ thể, ở mỗi giai đoạn tố tụng cần quy định rõ việc giải quyết nhanh chóng, kịp thời này thể hiện như thế nào, có được rút ngắn thời gian trong quá trình giải quyết không, có được thực hiện các biện pháp tố tụng đặc biệt để vụ án giải quyết có hiệu quả nhằm đảm bảo quyền lợi của người bị hại dưới 18 tuổi hay không. Cần thiết phải quy định cụ thể để người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nâng cao trách nhiệm của mình hướng tới việc giảm thiểu sự kéo dài quá trình tố tụng gây tổn thương về tinh thần và thể xác của người bị hại là người dưới 18 tuổi cũng như người thân của họ. Thiết nghĩ, đối với việc khởi tố, điều tra các vụ án đặc biệt như các vụ án xâm phạm tình dục, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người dưới 18 tuổi, cần cho phép áp dụng những biện pháp điều tra đặc biệt quy định tại chương XVI, thậm chí có thể quy định riêng thủ tục khởi tố, điều tra cho các vụ án này để bảo vệ quyền của người bị hại dưới 18 tuổi một cách tốt nhất. Theo tác giả ngoài các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền như đã quy định ở Điều 224 được áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt thì nên bổ sung một số tội danh liên quan tới người bị hại dưới 18 tuổi cũng được áp dụng các biện pháp này. Với một số vụ án như bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội chiếm đoạt trẻ em…, nên quy định Cơ quan điều tra được quyền áp dụng việc ghi âm, nghe điện thoại bí mật hay thu thập bí mật dữ liệu điện tử không chỉ nhằm nhanh chóng giải quyết được vụ án mà còn để đảm bảo an toàn của người bị hại dưới 18 tuổi khi các em chưa đủ điều kiện để giải thoát hay tự bảo vệ mình trong hoàn cảnh đặc biệt nguy hiểm như vậy. Sẽ có ý kiến cho rằng quy định này sẽ dẫn đến lạm dụng biện pháp điều tra đặc biệt và xâm phạm quyền con người của người bị buộc tội. Tuy nhiên, đặt trong thế cân bằng giữa tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người nói chung và đối tượng bị xâm hại là người dưới 18 tuổi nói riêng với quyền bí mật về thư tín điện tín… của con người thì áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt là có thể chấp nhận được.
Thứ ba, bổ sung điều luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi vào Chương XXVIII, sau Điều 422
Điều luật về Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi
1. Người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi có quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
2. Người đại diện của người dưới 18 tuổi là bị hại, người làm chứng có quyền lựa chọn người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại dưới 18 tuổi.
3. Trường hợp người bị hại là người dưới 18 tuổi không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định tại Điều … Bộ luật này.
Ngoài ra, để đảm bảo sự hoàn thiện trong các quy định, trước đó, nên bổ sung thêm điều luật về Chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại:
Điều luật về Chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại
1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị hại, đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ:
a) Người bị hại trong các trường hợp bị can, bị cáo phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình.
b) Người bị hại là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:
a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại;
b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;
c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là thành viên của tổ chức mình.
Thứ tư, đối với phiên tòa xét xử các vụ án mà người bị hại là người dưới 18 tuổi theo tác giả, cũng cần bổ sung thêm một số quy định để đảm bảo người bị hại không bị chấn thương về mặt tinh thần thêm một lần nữa. Theo đó, nên bổ sung vào Điều 423 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
Điều 423. Xét xử
…3. Phiên tòa xét xử bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi phải có người đại diện của bị cáo, người bị hại, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo, người bị hại học tập, sinh hoạt trừ trường hợp những người này vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
… 5. Đối với vụ án có người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi Hội đồng xét xử phải hạn chế việc tiếp xúc giữa bị hại, người làm chứng với bị cáo khi bị hại, người làm chứng trình bày lời khai tại phiên tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hỏi bị hại, người làm chứng. Trong trường hợp đặc biệt để tránh gây tổn thương về tâm lý cho người bị hại hội đồng xét xử có thể cho phép xử vắng mặt người bị hại.
Những “trường hợp đặc biệt” là trường hợp cụ thể nào thì văn bản hướng dẫn Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sẽ quy định cụ thể, như các vụ án xâm hại tình dục, các vụ án mà hành vi phạm tội man rợ…
Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh