1. Quy định về khởi tố vụ án hình sự
Khởi tố vụ án là giai đoạn đầu tiên mà trong đó cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành việc xác định có hay không các dấu hiệu của tội phạm trong hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện, đồng thời ban hành quyết định về việc khởi tố (hoặc không khởi tố) vụ án hình sự liên quan đến hành vi đó[1]. Quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự không chỉ được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 mà còn được quy định tại Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự[2], Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân[3], Luật Tổ chức Tòa án nhân dân[4]. Vì vậy, khi xác định có dấu hiệu tội phạm dựa trên một trong các căn cứ quy định Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì các cơ quan và người có thẩm quyền trong các cơ quan sau, có quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự:
Thứ nhất, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư; các cơ quan của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Thứ hai, các cơ quan tiến hành tố tụng gồm: Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Hội đồng xét xử.
2. So sánh với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Nếu như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 tại chương khởi tố vụ án hình sự quy định 10 điều luật từ Điều 100 đến Điều 109 thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung, hoàn chỉnh thêm một số quy định và nâng lên thành 20 điều luật từ Điều 143 đến Điều 162. Ngoài việc chuẩn hóa từ ngữ pháp lý, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn có những điểm mới so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, cụ thể như sau:
Một là, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định duy nhất một điều luật về nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Điều 103). Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 giải thích cụ thể thế nào là tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Điều 144), tuy khái niệm này không có nhiều sự thay đổi so với cách giải thích từ ngữ tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành hành quy định của bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhưng đã thể hiện sự đầy đủ, tính chính xác cao, dễ hiểu và quan trọng hơn nữa nó được nâng lên thành một quy định trong luật. Bên cạnh đó, nếu như trước đây Viện kiểm sát chỉ có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục. Đây là quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 vào pháp luật tố tụng hình sự[5]. Ngoài ra, còn quy định cụ thể về thủ tục tiếp nguồn tin, thời hạn giải quyết và các hoạt động được tiến hành trong giai đoạn này. Một trong những quy định mới quan trọng, giải quyết được những khó khăn vướng mắc trước đây đó là quy định về việc tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 148) khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đang trong thời hạn xác minh, yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc cung cấp tài liệu, đồ vật có liên quan đến nguồn tin về tội phạm hay như việc cần trưng cầu giám định, định giá tài sản mà kết quả của nó là căn cứ để khởi tố hoặc không khởi tố vụ án (ví dụ: Các vụ án cần giám định tuổi; tình trạng năng lực hành vi; các vụ án quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt…) mà thời hạn giải quyết nguồn tin đã hết, đồng thời quy định việc phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 149) khi những vấn đề trên đã được giải quyết.
Hai là, phân định rõ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, hội đồng xét xử. Trong đó, quy định 03 trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự gồm: Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử. Một điểm đáng chú ý nữa là đối với những vụ án chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của người bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất hoặc đã chết thì người đã yêu cầu có thể rút yêu cầu bất cứ khi nào mà không bị giới hạn về thời điểm như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 là phải trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm, còn Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cho phép rút đơn yêu cầu bất kỳ giai đoạn nào, kể cả tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, vấn đề này đã được hướng dẫn cụ thể tại Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Ba là, bổ sung thêm một trong các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự khi tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 155, 156, và 226 của Bộ luật Hình sự khi bị hại hoặc người đại diện của bị hại không có yêu cầu khởi tố, đồng thời phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố với việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, cũng như chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự. Hay nói cách khác là có sự tách bạch khi quy định chức năng hiến định của Viện kiểm sát là chức năng thực hành quyền công tố với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Bên cạnh đó, quy định trách nhiệm của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về khởi tố vụ án hình sự
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định mới, những sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong một thời gian dài khi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo các quy định trước đây, việc loại bỏ những quy định cũ không còn phù hợp, bổ sung các quy định mới đầy đủ, kịp thời thể hiện quan điểm của Đảng, nhà nước ta trong công cuộc cải cách tư pháp, đáp ứng được thực tiễn, cũng như nhất quán trong việc áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự của các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, phân tích các quy định để tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới là cần thiết. Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến khởi tố vụ án hình sự như sau:
Thứ nhất, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp như đã phân tích ở trên, khi đó mọi trình tự, thủ tục, thời hạn mà Viện kiểm sát tiến hành giải quyết phải tuân thủ như đối với trường hợp Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Vấn đề ở chỗ, nếu trường hợp phải tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 148 thì Viện kiểm sát có quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm theo điều này và đó cũng là một trong các nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát (điểm b khoản 2 Điều 41 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lại không có quy định về thẩm quyền phục hồi giải quyết nguồn tin khi một trong các lý do tạm đình chỉ không còn nữa, mà nhiệm vụ này chỉ quy định cho cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 149) là chưa hợp lý. Do đó, tác giả đề xuất nên bổ sung vào khoản 1 Điều 149 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: “Khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố…”.
Thứ hai, hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm và trong 24 giờ phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp. Trong khi đó, quyền thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự thuộc về cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát (Điều 156). Như vậy, hội đồng xét xử đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì không có thẩm quyền thay đổi, bổ sung trong mọi trường hợp và như thế sẽ bất cập khi hội đồng xét xử phát hiện ra quyết định khởi tố của mình là không đúng với hành vi phạm tội xảy ra hoặc trường hợp còn có thể khởi tố thêm một hoặc nhiều tội phạm khác nhưng không thể thực hiện việc thay đổi hay bổ sung vì luật không cho phép, trong khi cũng chưa có quy định về việc cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát có quyền thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự của hội đồng xét xử, mà chỉ có trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị lên Tòa án trên một cấp khi cho rằng quyết định khởi tố vụ án của hội đồng xét xử không có căn cứ (điểm c khoản 1 Điều 161). Vì vậy, theo tác giả cần bổ sung thêm chủ thể có thẩm quyền thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự là hội đồng xét xử vào Điều 156 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Thứ ba, một trong những sửa đổi, bổ sung của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đó việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, tuy nhiên các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự được quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa thể hiện đầy đủ nội hàm trách nhiệm hình sự của cá nhân và pháp nhân thương mại. Mặc dù, thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân đã được quy định riêng tại chương XXIX Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng tại chương này chỉ có quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án, nghĩa là khi này vụ án đã được khởi tố (Điều 443 Bộ luật Hình sự năm 2015). Bởi lẽ trên, tác giả cho rằng nên bổ sung thêm vào khoản 4 Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trường hợp không được khởi tố vụ bao gồm cả pháp nhân thương mại, theo hướng như sau: “Người hoặc pháp nhân thương mại mà hành vi phạm tội của họ đã bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật” thì sẽ hợp lý hơn. Hơn nữa, cần bổ sung thêm vào khoản 8 cùng điều luật trên đối với trường hợp người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố trong trường hợp nào? Để tương thích với quy định các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, vì nếu chỉ quy định là người đại diện của bị hại thì phạm vi sẽ rất rộng bao gồm cả các trường hợp đại diệncủa bị hại theo quy định tại khoản 5 Điều 62 Bộ luật Hình sự năm 2015. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng cần bổ sung vào khoản 8 như sau: “…bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không yêu cầu khởi tố”.
Viện kiểm sát nhân dân huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp