Theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 quy định trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân như sau:
“Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân các cấp quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương, có trách nhiệm sau đây:
a) Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
b) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
c) Kịp thời cung cấp thông tin cho Bộ Tư pháp về xử lý vi phạm hành chính để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; định kỳ 06 tháng, hằng năm báo cáo Bộ Tư pháp về công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn”.
Mặc dù pháp luật đã quy định rõ ràng nhưng trên thực tế công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính tại một số địa phương có thể nói là vẫn chưa được chú trọng, đang bị “bỏ ngỏ”, chưa giao nhiệm vụ thuờng xuyên cho cơ quan chuyên môn giúp việc tham mưu thực hiện công tác này. Trước đây, Ngành Kiểm sát có nhiệm vụ “kiểm sát chung” nên công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính được Ngành Kiểm sát thực hiện theo quy định nhưng đến nay chức năng “kiểm sát chung” của Viện kiểm sát không còn nên gần như mảng công việc này được giao cho các cơ quan hành chính nhà nước nếu như không phải là vụ việc lớn cần phải xử lý theo trình tự tố tụng. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân các cấp cũng thực hiện theo định kỳ hoặc đột xuất việc giám sát đối với việc xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa phương.
Thiết nghĩ, với nhiệm vụ được quy định, nhằm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc kiểm tra đối với công tác xử lý vi phạm hành chính tại địa phương có hiệu quả thì vấn đề cần thiết là các địa phương phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho một cơ quan chuyên môn thường trực giúp Ủy ban nhân dân theo dõi, quản lý công việc này. Theo quan điểm chúng tôi, cơ quan có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ này là Sở Tư pháp và các Phòng Tư pháp ở địa phương là hợp lý. Bởi:
Thứ nhất, theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nói trên, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp định kỳ 06 tháng, hàng năm phải báo cáo Bộ Tư pháp về công tác xử lý vi phạm hành chính tại địa phương. Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp là các cơ quan trực thuộc tỉnh, huyện về quản lý nhà nước nhưng trực thuộc Bộ Tư pháp về công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, nếu giao nhiệm vụ thường trực giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác xử lý vi phạm hành chính sẽ đảm bảo tính thống nhất trong quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.
Thứ hai, việc giao nhiệm vụ cụ thể, thưòng xuyên cho một cơ quan giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc kiểm tra xử lý vi phạm hành chính tại địa phương sẽ kịp thời tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử lý đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có các hành vi sai phạm thuộc lĩnh vực quản lý. Đồng thời, khắc phục được tình trạng chồng chéo, nhiều cơ quan cùng thực hiện công việc này như trong thời gian vừa qua, đưa việc xử lý vi phạm hành chính vào một “khuôn khổ” nhất định, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm hành chính.
Thứ ba, cơ quan tư pháp địa phương là cơ quan chuyên môn giúp việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong công tác xây dựng và thực hiện pháp luật tại địa phương. Cùng với các nhiệm vụ khác, định kỳ hoặc đột xuất thực hiện công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính của các ngành, đơn vị tại địa phương sẽ thuận lợi hơn trong việc tổng hợp, hệ thống, rà soát, kiến nghị… những vấn đề có liên quan đến các quy định của pháp luật sẽ thuận lợi hơn trong công tác tham gia góp ý đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính giúp cho việc áp dụng, thực hiện các quy định về xử lý xử lý vi phạm hành chính được thống nhất, tránh chồng chéo. Bên cạnh đó, thông qua công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính, cơ quan tư pháp địa phương sẽ có những kiến nghị kịp thời, phù hợp đối với các ngành cấp trên, các cơ quan trung ương trong việc hướng dẫn thực hiện các quy định còn vướng mắc trong quá trình áp dụng tại địa phương để từ đó có kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, thay thế các quy định, hướng dẫn chưa phù hợp.
Vì vậy, việc giao nhiệm vụ thường trực giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp cho các cơ quan tư pháp chắc chắn công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục, có hiệu quả. Qua đó, sẽ hạn chế được những khiếu kiện, khiếu nại của tổ chức, cá nhân đối với người có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm hành chính. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, hạn chế được những sai sót, vi phạm… trong quá trình xử lý vi phạm hành chính của những người có thẩm quyền theo quy định. Có như vậy, pháp luật mới được thực hiện nghiêm minh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phù hợp với tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trường Đại học Thủ đô, Hà Nội