1. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo dưới góc độ bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực dân sự
Mang thai hộ (MTH) là vấn đề không mới về mặt thực tiễn. Ở Việt Nam, thuật ngữ này thường được nhắc đến bằng các tên gọi như “đẻ thuê”, “đẻ mướn”, “chửa hộ”... với các hình thức thực hiện khác nhau. Một số quan điểm cho rằng, MTH được hiểu là việc các chủ thể nhờ sự can thiệp của y học để người phụ nữ không phải là người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh mang thai và sinh con (phôi thai được hình thành từ trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng nhờ MTH) cho cặp vợ chồng nhờ mang thai. Quan điểm khác hiểu rằng, MTH chính là chủ thể thực hiện việc mang thai bằng cách người chồng trong cặp vợ chồng nhờ mang thai có quan hệ sinh lý trực tiếp với người phụ nữ nhận MTH với mục đích người phụ nữ này sau khi mang thai và sinh con sẽ giao con cho cặp vợ chồng nhờ MTH. Tuy nhiên, quan điểm của tác giả cho rằng, xét về mặt bản chất, không thể xem trường hợp này là mang thai hộ. Bởi lẽ, đứa trẻ được sinh ra có quan hệ huyết thống với chính người mang thai và sinh ra nó nên đứa trẻ này thực chất là con của người phụ nữ mang thai. Việc giao con theo thỏa thuận chính là việc chuyển con của chính người mang thai cho người khác nuôi dưỡng chứ không phải là người phụ nữ nhận mang thai chỉ mang thai “hộ” đứa con của người khác.
Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của y học hiện đại, MTH đã trở thành nhu cầu có thực của không ít cặp vợ chồng hiếm muộn. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, quan điểm về vấn đề cho phép hay không cho phép MTH tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều[1]. Ở Việt Nam, vấn đề này cũng từng gây khá nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, xét dưới phương diện pháp lý, việc lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (MTHVMĐNĐ) được ghi nhận và pháp điển hóa tại các điều từ Điều 94 đến Điều 100 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được xem như một bước tiến quan trọng trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Trước đây, Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học đã đề cập đến vấn đề này nhưng lại quy định nghiêm cấm mang thai hộ. Do đó, để có con chung cùng huyết thống, các cặp vợ chồng thường đi đến việc lựa chọn MTH vì mục đích thương mại[2] với nhiều nguy cơ rủi ro tiềm ẩn. Ngoài ra, một số cặp vợ chồng còn thực hiện quyết tâm của mình bằng việc ra nước ngoài - nơi mà pháp luật sở tại cho phép MTH dưới bất kì hình thức nào để thực hiện việc mang thai và sinh con. Tuy nhiên, điều này cũng chưa phải là giải pháp tối ưu bởi việc giải quyết mối quan hệ nhân thân giữa đứa trẻ được sinh ra và cặp vợ chồng MTH khi trở về nước cũng không hề đơn giản… Như vậy, việc cho phép MTHVMĐNĐ đã tạo ra hi vọng cho những cặp vợ chồng vô sinh khi họ đã thực hiện các biện pháp có thể với mong muốn có được đứa con cùng huyết thống với chính mình. Đây là một nguyện vọng chính đáng của một số người kém may mắn trong xã hội không có cơ hội làm cha, mẹ. Do đó, cho phép MTHVMĐNĐ là một bước tiến quyết liệt nhưng cũng rất nhân văn trong chính sách pháp luật của Nhà nước ta đối với các trường hợp hiếm muộn, thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước và xã hội trước các hoàn cảnh cần được bảo vệ.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, pháp luật hiện hành mới chỉ ghi nhận quyền nhờ MTH của cặp vợ chồng vô sinh[3]. Điều này là chưa phù hợp và chưa đảm bảo tính hài hòa về lợi ích của các cá nhân trong xã hội. Bởi lẽ, quyền làm cha mẹ là quyền thiêng liêng cần được tôn trọng và bảo vệ của bất kì ai. Song, với quy định của pháp luật hiện hành thì quyền làm mẹ của những người phụ nữ đơn thân nhưng không thể sinh con là chưa được đảm bảo. Theo pháp luật hiện hành, người phụ nữ đơn thân có quyền thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm[4]. Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp bản thân người phụ nữ đơn thân vẫn đảm bảo các yếu tố về sinh học như noãn hoàn toàn bình thường để có thể có con nhưng họ lại bị chỉ định không được mang thai vì lý do bị bệnh tim, bị cắt bỏ tử cung... thì họ lại không thể thực hiện ước mơ làm mẹ bằng cách xin tinh trùng kết hợp với noãn của chính mình để tạo phôi và nhờ người thân thích cùng hàng MTH. Điều này là chưa thực sự phù hợp vì đứa trẻ được sinh ra mặc dù không do người mẹ đơn thân mang thai nhưng giữa họ và đứa trẻ vẫn có cùng huyết thống để thiết lập mối quan hệ mẹ con, vẫn có sự liên kết về tình cảm nên lo ngại về việc người nhờ mang thai và đứa trẻ không có sự ràng buộc là không có cơ sở. Do đó, pháp luật hiện hành nên mở rộng chủ thể có quyền nhờ MTHVMĐNĐ bao gồm cả trường hợp người phụ nữ đơn thân nhằm đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật này.
Bên cạnh quy định về mục đích của việc MTH chỉ được pháp luật công nhận và bảo vệ khi nó hoàn toàn đơn thuần mang tính chất nhân đạo, pháp luật Việt Nam hiện hành cũng đặt ra hành lang pháp lý bằng cách quy định rõ ràng các nội dung về MTHVMĐNĐ nhằm hạn chế tối đa việc thực hiện MTH vì mục đích thương mại có khả năng phát sinh. Theo đó, chủ thể tham gia việc thực hiện MTHVMĐNĐ bao gồm bên nhờ mang thai và bên được nhờ mang thai phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Đồng thời, các quy định trong những văn bản pháp luật có liên quan cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Dưới góc độ bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực dân sự, các quy định trong những văn bản pháp quy này thể hiện rõ yêu cầu về việc tôn trọng và bảo vệ một cách cao nhất vấn đề nhân quyền trong rất nhiều lĩnh vực đối với các chủ thể tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số vấn đề pháp lý cũng bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập cần được cân nhắc rà soát điều chỉnh nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền dân sự hợp pháp của các chủ thể. Cụ thể:
Thứ nhất, về việc bảo đảm quyền được khai sinh cho trẻ em được sinh ra từ kỹ thuật MTHVMĐNĐ
Quyền được khai sinh và có quốc tịch là một trong những quyền quan trọng và đầu tiên của trẻ em đã được quy định trong các văn bản pháp luật của Việt Nam và trong Công ước về quyền trẻ em năm 1989, Công ước về những quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam đã tham gia, ký kết. Để cụ thể hóa vấn đề này, Điều 15 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con, thì ông, bà hoặc người thân thích khác hoặc tổ chức, cá nhân đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, về mặt nguyên tắc, bên nhờ MTH được xác định là cha, mẹ của đứa trẻ được sinh ra (Điều 94). Do đó, các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ và con cũng được đặt ra giữa bản thân cặp vợ chồng vô sinh và đứa trẻ. Điều đó cũng có nghĩa là, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đứa trẻ được sinh ra, cặp vợ chồng nhờ MTH hoặc người thân thích của họ có nghĩa vụ đi đăng ký khai sinh cho trẻ. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ trở nên khả thi đối với các trường hợp giữa bên nhờ MTH và bên MTH không có tranh chấp và việc giao nhận con được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Song, thực tế không phải trong mọi trường hợp các bên đều thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình. Chẳng hạn, trong trường hợp đứa trẻ được sinh ra vì lý do nào đó mà bên nhờ MTH không muốn nhận con (con sinh ra bị dị tật, vào thời điểm sinh con thì cặp vợ chồng nhờ MTH đã ly hôn nên không bên nào muốn nhận con...) thì việc khai sinh cho trẻ sẽ được thực hiện như thế nào? Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu bên nhờ MTH không muốn nhận con thì bên MTH có quyền khởi kiện yêu cầu bên nhờ MTH nhận con (khoản 5 Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Nhưng nếu bên nhờ MTH cũng không khởi kiện và vẫn tiếp tục nuôi con thì rõ ràng quyền và lợi ích hợp pháp của đứa trẻ trong trường hợp này sẽ bị ảnh hưởng mà trước hết là việc thực hiện quyền được khai sinh của trẻ. Bởi lẽ, pháp luật hiện hành không cho phép chủ thể là người MTH đi khai sinh cho trẻ vì bản thân người này không phải là mẹ hợp pháp của đứa trẻ được sinh ra (Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn về việc xác định ai là người có quyền yêu cầu đăng ký khai sinh trong trường hợp MTH. Người MTH có quyền yêu cầu khai sinh cho trẻ trong trường hợp cha mẹ trẻ không nhận trẻ không, quyền và nghĩa vụ của người MTH với đứa trẻ được giải quyết như thế nào? Vấn đề này cần được giải quyết triệt để nhằm bảo vệ quyền công dân cho trẻ. Theo đó, tác giả đề xuất, trong thời gian bên nhờ MTH chưa nhận trẻ (hoặc đang tranh chấp về xác định quan hệ cha, mẹ, con), người MTH được xác định là người đang nuôi dưỡng và họ có quyền yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ theo quy định của Luật Hộ tịch.
Thứ hai, bảo đảm vấn đề liên quan đến quyền sống của trẻ em được sinh ra từ kỹ thuật MTHVMĐNĐ
Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện”. Ghi nhận và bảo vệ quyền sống của trẻ em lại càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa hơn bởi đây là đối tượng yếu thế, không thể hoặc ít có khả năng tự bảo vệ chính mình. Bảo vệ quyền sống không nên hiểu quyền này theo nghĩa hẹp chỉ là sự toàn vẹn về tính mạng mà quyền này bao gồm cả khía cạnh nhằm đảm bảo sự tồn tại của con người. Để bảo vệ quyền sống của trẻ em, Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ. Tuy nhiên, đối với đối tượng là trẻ em được sinh ra từ việc áp dụng kỹ thuật MTHVMĐNĐ thì vấn đề này cần được xem xét một cách đầy đủ và toàn diện hơn nữa. Bởi vì, đây là đối tượng trẻ em có nguy cơ bị xâm phạm quyền sống cao hơn những trường hợp thông thường khác, đặc biệt là đối với trẻ em sinh ra bị dị tật hoặc vì lý do nào khác dẫn đến cha mẹ hợp pháp của trẻ không nhận con sau khi người phụ nữ MTH sinh ra nó. Để giải quyết triệt để vấn đề này, có hai giải thiết được đặt ra:
- Giả sử trong trường hợp MTHVMĐNĐ, nếu đứa trẻ vừa được sinh ra nhưng cha mẹ đứa trẻ đã chết (trẻ dưới 07 ngày tuổi), thêm nữa, đứa trẻ này lại bị dị tật, người phụ nữ MTH lúc này vì “hoàn cảnh khách quan đặc biệt” (đông con, điều kiện kinh tế không đủ, tâm lý sau sinh hoảng loạn, trẻ sinh ra lại tật nguyền...) nên không muốn nuôi trẻ, do đó, người này đã bỏ lại đứa trẻ nơi hoang vắng dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, vậy có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phụ nữ MTH với tội danh nào? Rõ ràng, theo pháp luật hiện hành không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phụ nữ MTH với tội danh giết con mới đẻ theo Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), vì người này sau khi sinh con không được xác định là “mẹ” của đứa trẻ theo quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Như vậy, tội danh được áp dụng sẽ là tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, việc không áp dụng tội danh giết con mới đẻ với trường hợp trên là chưa thật sự hợp tình, hợp lý vì người phụ nữ MTH cũng vừa trải qua một quá trình mang thai và sinh con với nhiều tác động về tâm lý. Y học đã chứng minh rằng, người phụ nữ sau khi sinh con dễ lâm vào tình trạng tâm sinh lý không bình thường do tác động của việc sinh con cộng với các tác động ngoại cảnh bất lợi nên có thể dẫn đến việc họ có những hành vi gây hậu quả xấu. Do đó, luật cần điều chỉnh theo hướng xác định “người phụ nữ mang thai hộ và người chồng của người này sẽ là bố mẹ hợp pháp của đứa trẻ từ lúc bắt đầu mang thai cho đến lúc chuyển giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ”. Sự điều chỉnh này sẽ phù hợp hơn về mặt chủ thể ngay cả đối với quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình cũng như quan hệ pháp luật hình sự.
- Giả sử sau khi sinh đứa trẻ, người MTH đã giao con ngay cho bên nhờ MTH. Tuy nhiên, người mẹ nhờ MTH do “hoàn cảnh khách quan đặc biệt” (con sinh bị tật nguyền, trước khi sinh vợ chồng đã ly hôn...) nên không muốn nuôi nữa. Do đó, sau khi nhận con, người này đã giết con hoặc vứt bỏ đứa trẻ nơi hẻo lánh dẫn đễn đứa trẻ chết. Vậy, theo pháp luật hiện hành, nếu rơi vào trường hợp này thì hoàn toàn có cơ sở để truy cứu người mẹ về tội danh giết con mới đẻ nếu đứa trẻ dưới 07 ngày tuổi. Tuy nhiên, khác với những người phụ nữ trực tiếp sinh con đồng thời cũng là mẹ hợp pháp, bản thân họ sau quá trình mang thai và sinh nở có thể chịu những sang chấn về mặt tâm sinh lý không bình thường thì người mẹ trong cặp vợ chồng nhờ MTH không phải trải qua quá trình này. Do vậy, người mẹ trong trường hợp này nếu có hành vi giết hoặc vứt con mới đẻ dẫn đến hậu quả là đứa trẻ chết thì không thể hưởng sự “ưu đãi” về mặt pháp luật như những trường hợp thông thường khác. Vì vậy, đối với các trường hợp này thì vẫn nên truy cứu với tội danh giết người nhằm bảo vệ và ngăn ngừa việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em trong trường hợp MTHVMĐNĐ.
Thứ ba, về vấn đề bảo đảm quyền nhận nuôi con nuôi đối với trẻ em được sinh ra trong trường hợp MTHVMĐNĐ
Một trong những nội dung pháp lý được Luật Hôn nhân và gia đình đề cập nhằm tôn trọng và thực thi quyền con người trong trường hợp MTHVMĐNĐ là ghi nhận vấn đề nhận nuôi con nuôi đối với đứa trẻ được sinh ra từ kỹ thuật MTHVMĐNĐ. Điều 99 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà cả hai vợ chồng bên nhờ MTH chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên MTH có quyền nhận nuôi đứa trẻ”. Điều này có nghĩa là, nếu đứa trẻ được sinh ra mà cả hai vợ chồng nhờ MTH chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì người MTH có quyền được nhận đứa trẻ là con nuôi. Tuy nhiên, quy định này sẽ dẫn đến sự chồng chéo và mâu thuẫn với quy định của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 nếu người MTH không đồng thời là cô/gì ruột; vợ của chú/bác ruột của đứa trẻ được sinh ra. Theo quy định tại Điều 5 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, chủ thể có quyền được ưu tiên nhận nuôi trẻ em đầu tiên là cha dượng, mẹ kế, cô, gì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi. Vậy, nếu người MTH là anh chị em họ của cặp vợ chồng vô sinh thì họ có được ưu tiên nhận nuôi đứa trẻ không? Rõ ràng về nguyên tắc áp dụng pháp luật, trong trường hợp này phải áp dụng văn bản luật chuyên ngành là Luật Nuôi con nuôi năm 2010, theo đó, người MTH không phải là đối tượng chủ thể được ưu tiên đầu tiên. Theo quan điểm của tác giả thì điều này là chưa phù hợp. Bởi vì, đặt trong mối liên hệ của quan hệ pháp luật về MTHVMĐNĐ cũng như xét dưới góc độ bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho trẻ thì rõ ràng người MTH chính là người đã mang nặng đẻ đau sinh thành nên đứa trẻ. Bản thân họ và đứa trẻ được sinh ra có mối liên kết chặt chẽ về tình cảm mặc dù bản thân đứa trẻ và người MTH có thể không cùng huyết thống. Vì vậy, nếu trong trường hợp cha mẹ trẻ chết hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự thì thứ tự ưu tiên nhận nuôi con nuôi nên thực hiện theo nguyên tắc người MTH là chủ thể được ưu tiên nhận nuôi trẻ đầu tiên.
Thứ tư, về vấn đề bảo đảm quyền ly hôn của vợ chồng trong trường hợp MTHVMĐNĐ
Đối với trường hợp các chủ thể trong quan hệ hôn nhân đang thực hiện kỹ thuật MTHVMĐNĐ thì việc điều chỉnh về vấn đề ly hôn cần xét tới các yếu tố đặc thù nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, đồng thời dung hòa về lợi ích của các bên tham gia trên cơ sở đảm bảo quyền dân sự của các cá nhân được tôn trọng và thực thi.
Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Như vậy, quyền yêu cầu ly hôn không bị hạn chế đối với người chồng trong cặp vợ chồng nhờ MTH khi người phụ nữ MTH đang mang thai. Xét một cách toàn diện, việc sinh con bằng kỹ thuật MTH là biện pháp sinh sản mang tính chất đặc thù. Do vậy, trong thời gian người phụ nữ mang thai, các tác động của vấn đề ly hôn có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý của người “mẹ” từ đó tác động gián tiếp đến sự phát triển của thai nhi không chỉ đến từ việc vợ/chồng người đang trực tiếp mang thai yêu cầu ly hôn mà còn có thể bị tác động bởi việc cặp vợ chồng nhờ MTH yêu cầu ly hôn. Trong khoảng thời gian mang thai, người chồng trong cặp vợ chồng nhờ MTH yêu cầu ly hôn, bản thân người MTH cũng sẽ không tránh khỏi tâm lý lo lắng, e ngại về việc đứa trẻ mình đang mang thai sau khi sinh ra sẽ như thế nào, liệu các bên ly hôn rồi thì có chối bỏ trách nhiệm nhận và nuôi dưỡng con không...? Do đó, để đảm bảo tâm lý của người MTH không bị tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi thì việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn cần được áp dụng ngay cả với cặp vợ chồng nhờ MTH khi người phụ nữ MTH đang mang thai.
Xét dưới góc độ đảm bảo quyền bình đẳng của các chủ thể trong quan hệ hôn nhân, việc điều chỉnh về vấn đề ly hôn cũng cần dung hòa lợi ích giữa vợ và chồng; giữa cá nhân, gia đình và xã hội. Trong đó, vấn đề hạn chế quyền yêu cầu ly hôn đối với người chồng cần phải cân nhắc trên cơ sở hợp tình, hợp lý. Điều đáng lưu ý là, khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có bổ sung một trường hợp hạn chế quyền yêu cầu ly hôn đối với người chồng so với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 là người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ sinh con. Theo tác giả, dụng ý của nhà làm luật khi bổ sung trường hợp này là nhằm hạn chế quyền yêu cầu ly hôn đối với người chồng trong trường hợp người vợ thực hiện MTH. Trong thời gian người vợ mang thai hoặc sinh con và giao con cho cặp vợ chồng nhờ mang thai thì người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không giải thích cụ thể trường hợp người vợ sinh con là như thế nào? Nếu người phụ nữ này sau khi sinh con nhưng không gắn với trách nhiệm nuôi con thì trong khoảng thời gian bao lâu người chồng của họ có quyền yêu cầu ly hôn? Theo tác giả, không thể đồng nhất về thời gian hạn chế quyền yêu cầu ly hôn đối với người chồng là 12 tháng sau khi sinh trong hai trường hợp người vợ trực tiếp sinh con đồng thời nuôi con với việc người vợ MTH sinh con rồi giao đứa trẻ đó cho người khác (cặp vợ chồng nhờ mang thai) nuôi. Bản thân người MTH chỉ cần khoảng thời gian để phục hồi sức khỏe sau sinh. Vì vậy, để đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành viên gia đình, pháp luật hiện hành cần có hướng dẫn cụ thể về thời gian hợp lý trong trường hợp này.
Đại học Luật thuộc Đại học Huế
[1]. Trên thế giới hiện nay, quan điểm về MTH được chia thành bốn nhóm quốc gia cơ bản: (i) Nhóm quốc gia tuyệt đối không cho phép mang thai hộ (Pháp, Đức...); (ii) Nhóm quốc gia chỉ cho phép MTH vì mục đích nhân đạo (Việt Nam, Canada, Australia...); (iii) Nhóm quốc gia ghi nhận MTH cả vì mục đích nhân đạo lẫn mục đích thương mại (Thái Lan, Ấn Độ...); (iv) Nhóm quốc gia không ghi nhận. Bộ Tư pháp, Kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề lớn được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Hồ sơ dự án Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tr. 8.
[2]. Theo khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “MTH vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác”.
[3]. Xem Điều 3 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, sử dụng thuật ngữ cặp vợ chồng vô sinh là chủ thể có quyền thực hiện MTH vì mục đích nhân đạo là không thống nhất với các quy định khác của Nghị định này. Bởi lẽ, khái niệm vô sinh được đề cập tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP là “tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống có quan hệ tình dục 2- 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai”. Song, đối với chủ thể nhờ MTH thì có thể họ không rơi vào tình trạng “vô sinh” nhưng vẫn không thể có con do người vợ bị bệnh tim hoặc các bệnh khác mà bác sĩ chỉ định không thể mang thai thì vẫn có thể thực hiện kỹ thuật MTH vì mục đích nhân đạo. Do đó, khái niệm này cần thống nhất.
[4]. Xem thêm Nghị định số 10/2015/NĐ-CP.