Thứ nhất, khi xây dựng các nội dung trong pháp luật môi trường ở Việt Nam, cần quan tâm đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành, cụ thể là người dân được quyền sống trong một môi trường không bị ô nhiễm, đảm bảo cuộc sống được hài hòa với thiên nhiên[1]. Trong giai đoạn hiện nay, quyền con người, dân chủ và công bằng là những vấn đề rất được Đảng và Nhà nước ta đề cao, do vậy, yêu cầu tôn trọng quyền về môi trường của con người đã được đặt ra ngay từ những bước đầu xây dựng pháp luật môi trường. Tiêu chí của Ngân hàng Thế giới về đánh giá chất lượng cuộc sống con người của các nước dựa trên ba tiêu chí sau đây: (i) Thu nhập của người dân; (ii) Hệ thống an sinh xã hội và (iii) Chất lượng môi trường. Từ mục đích đảm bảo cho con người có được chất lượng môi trường trong lành, các nhà làm luật đã đưa ra những lập luận về tầm quan trọng của quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền quyết định đến vấn đề sức khỏe, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống nói chung; phân tích, đánh giá thực trạng môi trường hiện nay đang bị ô nhiễm, suy thoái nên quyền tự nhiên này của người dân đang bị xâm phạm; căn cứ vào những cam kết quốc tế và xu hướng chung trên thế giới là thể chế quyền này trong pháp luật quốc gia: Không ràng buộc các quốc gia về mặt pháp lý, nhưng ràng buộc về mặt chính trị, đạo lý buộc chúng ta phải thực hiện. Như vậy, quan điểm về bảo vệ môi trường khi xem xét cần đứng trên nhiều góc độ nhưng không thể bỏ qua quan điểm vì lợi ích của con người.
Thứ hai, pháp luật môi trường ở Việt Nam phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng các yêu cầu về phát triển bền vững. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, phát triển bền vững được hiểu là “phát triển để đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”. Quy định này nhấn mạnh việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho nhu cầu hiện tại phải chú ý trữ lượng hiện có để dành cho thế hệ sau. Nói cách khác, phát triển bền vững chính là phát triển trên cơ sở duy trì được mục tiêu và cơ sở vật chất của quá trình phát triển. Muốn vậy, cần phải có sự tiếp cận mang tính tổng hợp và bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường. Tuy còn nhiều tranh luận về khái niệm “phát triển bền vững”, song hiện đã có sự thống nhất cao là tập trung coi trọng phúc lợi lâu dài của con người và bao hàm những yêu cầu về sự phối hợp một cách hài hòa ít nhất ba phương diện là tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, pháp luật môi trường ở Việt Nam phải chú ý đến yếu tố phòng ngừa, tức là chủ động ngăn chặn rủi ro mà các chủ thể có thể gây ra cho môi trường. Hoạt động bảo vệ môi trường phải thường xuyên, lấy phòng ngừa là chính kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái để cải thiện chất lượng môi trường. Các nhà làm luật dựa trên cơ sở chi phí phòng ngừa bao giờ cũng nhỏ hơn chi phí khắc phục, phục hồi môi trường. Từ đó, đặt ra yêu cầu lường trước những rủi ro và đưa ra những phương án, biện pháp phù hợp để giảm thiểu, loại trừ những rủi ro đó.
Thứ tư, pháp luật môi trường ở Việt Nam phải chú ý thực hiện nguyên tắc ai gây ô nhiễm, người đó phải trả tiền, phải khắc phục ô nhiễm. Có nghĩa là, chủ thể gây hậu quả, tác động xấu đến môi trường thì phải trả tiền để mua quyền khai thác, sử dụng các yếu tố của môi trường. Những người gây ô nhiễm phải chịu các chi phí thực hiện các biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm được quy định bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đảm bảo môi trường trong trạng thái chấp nhận được[2]. Chủ thể phải trả tiền có thể là người khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; người có hành vi xả thải vào môi trường; người có những hành vi khác gây tác động xấu tới môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Tiền phải trả cho hành vi gây ô nhiễm phải tương xứng với tính chất và mức độ gây tác động xấu tới môi trường. Tiền phải trả cho hành vi gây ô nhiễm phải đủ sức tác động đến lợi ích và hành vi của các chủ thể có liên quan đến hoạt động làng nghề, nếu không sẽ không có tác dụng trong việc hạn chế, răn đe hành vi gây ô nhiễm môi trường tiếp tục xảy ra. Hình thức trả tiền cho hành vi gây ô nhiễm có thể là thuế tài nguyên, thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường hay chi phí sử dụng dịch vụ (thu gom rác, quản lý chất thải nguy hại...), kinh phí sử dụng cơ sở hạ tầng, ví dụ như tiền thuê kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp bao gồm cả tiền thuê hệ thống xử lý chất thải tập trung... Ngoài ra, hình thức trả tiền cho hành vi gây ô nhiễm cũng có thể là chi phí phục hồi môi trường trong quá trình khai thác tài nguyên[3].
Thứ năm, pháp luật môi trường ở Việt Nam phải rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu và mang tính ổn định. Các nội dung của pháp luật môi trường cần phải thể hiện rõ ràng và minh bạch, áp dụng đối với mọi chủ thể (Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cộng đồng dân cư, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân…). Chẳng hạn, pháp luật môi trường phải chỉ rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật quản lý chất thải: Từ phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý… chất thải, chất thải nguy hại ở các khu vực như thế nào? Quy định rõ những đối tượng nào phải đánh giá môi trường khi thực hiện các mục đích phát triển gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và con người? Ngoài ra, trong pháp luật môi trường ở Việt Nam cũng phải chỉ rõ chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm, về thủ tục cũng như quy định cụ thể mức xử lý vi phạm là bao nhiêu đối với mỗi hành vi vi phạm. Pháp luật môi trường cần được quy định rõ ràng về nội dung để các chủ thể có liên quan dễ dàng cập nhật và áp dụng. Pháp luật môi trường ở Việt Nam phải mang tính ổn định và phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, quan điểm bảo vệ môi trường sẽ giao thoa với quan niệm và nhận thức về lĩnh vực này của các nước trên thế giới. Pháp luật môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn cụ thể.
Những yêu cầu cơ bản đối với pháp luật môi trường đề cập ở trên cần phải được thực hiện và đảm bảo tính khả thi. Đây là yêu cầu quan trọng, bởi vì pháp luật môi trường không thể tự mình đi vào trong thực tiễn, cho nên, cần có cơ chế để tổ chức thực hiện hiệu quả. Việc xây dựng và thi hành pháp luật phải được tiến hành một cách đồng bộ, đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, có như vậy, mới đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh pháp luật đối với việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay./.
Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội