Thực hiện quy định nêu trên cũng như ý thức được tầm quan trọng của việc thông tin về dịch bệnh cho mọi tầng lớp nhân dân, Chính phủ đã liên tục thông tin về diễn biến của dịch bệnh trên thế giới và trên lãnh thổ Việt Nam. Đi kèm theo đó là việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 qua nhiều kênh tiếp cận khác nhau, từ các kênh chính thống như truyền hình, phát thanh, báo chí, trang thông tin của Bộ Y tế, tờ rơi, biểu ngữ đến các trang mạng xã hội như Zalo, Lotus, Facebook. Không dừng ở đó, các biện pháp tuyên truyền miệng thông qua họp dân phố, người thân, bạn bè cũng được Chính phủ khuyến khích.
Hơn một năm kể từ ngày Việt Nam công bố ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng vi-rút Corona mới, Việt Nam đã trở thành hình mẫu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 được cả thế giới công nhận. Nội dung bài viết “Mức độ tiếp cận và phản ứng của người dân đối với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam” của tác giả Đoàn Kim Vân Quỳnh và Đỗ Quang Thuần sẽ tập trung vào việc phân tích mức độ tiếp cận và tiếp nhận của người dân đối với các biện pháp cơ bản được Chính phủ triển khai và phân tích các nguyên nhân giúp các biện pháp này được thực hiện thành công trong thời gian qua trên thực tiễn ở Việt Nam.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.