Ngày 9/12/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Mười năm qua, việc triển khai thực hiện chỉ thị này trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả khích lệ.
Những kết quả nổi bật
Trong những năm qua, các chương trình PBGDPL khác của trung ương và của tỉnh, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đã được hình thành, củng cố và phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, trở thành lực lượng chủ lực trong công tác tuyên truyền miệng của Đảng bộ và ngày càng có những đóng góp to lớn, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác tư tưởng. Vì vậy, tỉnh Gia Lai luôn chú trọng đến công tác xây dựng, phát triển, kiện toàn, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 60 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 381 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 2.526 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.
Với trách nhiệm là cơ quan thường trực của hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật nói riêng và chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL nói chung. Các hoạt động chủ yếu là thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, PBGDPL (trong đó chú trọng hình thức tuyên truyền miệng pháp luật); giới thiệu văn bản pháp luật mới; phát hành các tài liệu, đề cương pháp luật; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh và xây dựng quy chế hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương.
Thực tế những năm qua, công tác tuyên truyền miệng của tỉnh Gia Lai đã hoạt động đúng mục đích, đúng định hướng chính trị, luôn duy trì với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, cung cấp thông tin kịp thời, đảm bảo tính định hướng và tính thời sự, giải đáp đúng những vấn đề nổi cộm đang được dư luận quan tâm. Từng bước đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng bám sát thực tiễn, bám sát cơ sở. Vì vậy, chất lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật từng bước được nâng lên. Kết quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của tỉnh thời gian qua đã góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Để công tác tuyên truyền miệng đạt hiệu quả cao hơn
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế: Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tuy mạnh về số lượng nhưng chất lượng hoạt động vẫn còn yếu, thiếu kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, một số báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn thiếu cập nhật thông tin, kỹ năng sử dụng máy vi tính, máy chiếu,… nên việc tuyên truyền không tạo được hiệu quả tốt đến đối tượng được tuyên truyền. Hơn nữa, chế độ thù lao không tương xứng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật không tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền.
Để công tác tuyên truyền miệng trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn nữa, vấn đề quan trọng nhất là phải tiếp tục nâng cao nhận thức các cấp uỷ Đảng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đối với công tác tư tưởng của Đảng; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, nhận thức tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đảm bảo đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao; đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, đảm bảo tính định hướng, phong phú, thiết thực; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại hoá phục vụ công tác tuyên truyền miệng, góp phần tích cực thúc đẩy việc đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền miệng và nâng cao trình độ, kỹ năng của đội ngũ thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL; ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong công tác tuyên truyền miệng, góp phần quan trọng tạo sự thống nhất cao về tư tưởng trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần trực tiếp và có hiệu quả vào thành tựu chung toàn tỉnh…
Dương Thị Thanh Hiếu
Sở Tư pháp Gia Lai