Với đặc thù hoạt động cấp tín dụng thường tiềm ẩn nhiều rủi ro phát sinh, trong đó rủi ro quan tâm nhiều nhất là việc không thu hồi được các khoản tín dụng đã cung cấp cho khách hàng. Do đó, mặc dù theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn, yêu cầu có tài sản bảo đảm khi cấp tín dụng không phải là điều kiện bắt buộc nhưng trong thực tế, khi cấp tín dụng, bên cạnh việc xem xét đánh giá về lịch sử thông tin tín dụng của khách hàng, mục đích sử dụng vốn, khả năng trả nợ,... thì thông tin về tài sản bảo đảm của khách hàng/bên thứ ba đề nghị sử dụng để tạo lập các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ của khách hàng tại tổ chức tín dụng cũng là một trong những nội dung quan trọng được đánh giá khi các tổ chức tín dụng xem xét, thẩm định và quyết định cấp tín dụng cho khách hàng.
Biện pháp bảo đảm được tạo lập thông qua giao kết hợp đồng bảo đảm là cơ sở để tổ chức tín dụng yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi các khoản nợ đến hạn, quá hạn, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng trong trường hợp khách hàng không hợp tác và/hoặc không còn khả năng trả nợ. Bên cạnh các thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm, để biện pháp bảo đảm phát huy được hiệu quả thì cần có hệ thống pháp luật đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức tín dụng với tư cách là bên nhận bảo đảm hợp pháp. Trong đó, hệ thống các quy định pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm và hệ thống các cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc: (i) Ghi nhận các biện pháp bảo đảm đã được đăng ký, bảo đảm điều kiện pháp lý để các biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và quyền ưu tiên thanh toán theo quy định của pháp luật cho các tổ chức tín dụng; (ii) Công khai và minh bạch tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm giúp cho các tổ chức tín dụng có nguồn thông tin hợp pháp, hiệu quả để xem xét, đề xuất, thẩm định và quyết định việc cấp tín dụng cho khách hàng.
Theo quy định tại Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính Phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định số 99/2022/NĐ-CP), các cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm bao gồm: (i) Hệ thống các Văn phòng đăng ký đất đai/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên toàn quốc thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 25; (ii) Cục Hàng không Việt Nam thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản là tàu bay quy định tại Điều 38; (iii) Các cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản bảo đảm là tàu biển, tài sản khác quy định tại Điều 41; (iv) Các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm đối với các tài sản là động sản trừ tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung và trường hợp khác quy định tại Điều 44; (v) Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam[1] thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản là chứng khoán đã lưu ký tại cơ quan này.
Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở thực tiễn về công tác đăng ký biện pháp bảo đảm, nhóm tác giả đề cập đến những ưu điểm, thuận lợi và một số nội dung còn tồn tại, từ đó đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện hơn việc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản là động sản (trừ tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung), cây hàng năm, công trình tạm thông qua Hệ thống đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.
1. Đánh giá về các thuận lợi khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm qua Hệ thống đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm
Thứ nhất, việc đăng ký biện pháp bảo đảm qua Hệ thống đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đang được thực hiện khá thuận tiện, mang lại nhiều thuận lợi cho các khách hàng nói chung, trong đó có tổ chức tín dụng. Sau khi đăng ký tài khoản khách hàng thường xuyên, tổ chức tín dụng thông qua người đại diện được ủy quyền (có thể) thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm qua hệ thống đăng ký trực tuyến trên trang web https://dktructuyen.moj.gov.vn/, việc này tiết kiệm thời gian và thuận lợi hơn nhiều so với hình thức nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bản giấy trực tiếp tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản, gửi hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm qua dịch vụ bưu chính hay qua thư điện tử.
Thứ hai, đồng thời với việc các tổ chức tín dụng được thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm qua hệ thống đăng ký trực tuyến, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã triển khai việc trả kết quả đăng ký qua hệ thống đăng ký trực tuyến (kết quả đăng ký biện pháp bảo đảm được ký, đóng dấu và trả trên hệ thống đăng ký trực tuyến). Theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP “Trường hợp kết quả đăng ký được trả bằng bản điện tử thì kết quả bằng bản điện tử có giá trị pháp lý như kết quả bằng bản giấy” đã tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng xem xét đã hoàn thành việc đăng ký biện pháp bảo đảm mà không cần trực tiếp đến các cơ quan đăng ký để nhận kết quả hay chờ gửi kết quả qua dịch vụ bưu chính.
Thứ ba, giao diện khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến trên trang web https://dktructuyen.moj.gov.vn/ đơn giản, dễ thao tác, thuận lợi, thân thiện với người sử dụng. Tại trang web cũng có trường hỗ trợ khách hàng, trong đó cung cấp đầy đủ văn bản, thông tin cần thiết hướng dẫn cho người sử dụng, đồng thời đăng tải đầy đủ thông tin số điện thoại, email để liên hệ hỗ trợ người sử dụng trong các trường hợp đề nghị: (i) Cấp mới, cấp lại mã số sử dụng cơ sở dữ liệu tài khoản đăng ký trực tuyến và hỗ trợ kỹ thuật sử dụng hệ thống; (ii) Hướng dẫn về thủ tục, chứng từ thanh toán phí sử dụng mã số sử dụng cơ sở dữ liệu; (iii) Hướng dẫn, giải đáp pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm; (iv) Hướng dẫn tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả đăng ký biện pháp bảo đảm; (v) Phí đăng ký, cung cấp thông tin biện pháp bảo đảm tại một trong ba Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản.
Thứ tư, việc cho phép tra cứu thông tin về các biện pháp bảo đảm đã giao kết, đăng ký của bên bảo đảm khi không cần đăng nhập, không sử dụng tài khoản cũng tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nếu có nhu cầu tìm hiểu thông tin của khách hàng liên quan đến sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức/cá nhân khác.
2. Một số hạn chế, vướng mắc
Bên cạnh những thuận lợi, ưu điểm của hệ thống đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến, trong quá trình sử dụng dưới góc nhìn từ phía tổ chức tín dụng cũng còn có một số hạn chế, vướng mắc phát sinh khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm qua hệ thống đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến, cụ thể như sau:
Thứ nhất, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm trong một số trường hợp vẫn còn chậm, có thể do nguyên nhân khách quan phụ thuộc vào đặc điểm của tài sản bảo đảm phức tạp, thông tin mô tả chưa rõ ràng nhưng cũng có trường hợp do nguyên nhân chủ quan phụ thuộc vào cán bộ được giao phụ trách hồ sơ.
Thứ hai, dù đã triển khai việc trả kết quả đăng ký bằng bản điện tử qua hệ thống đăng ký, chữ ký và dấu sử dụng là chữ ký điện tử nhưng từ thời điểm đã duyệt đăng ký đến thời điểm có kết quả hoàn chỉnh (có bản ký và đóng dấu) vẫn còn mất nhiều thời gian. Có trường hợp hệ thống chuyển trạng thái đã duyệt nhưng đến ngày hôm sau mới có kết quả đăng ký trả qua hệ thống đăng ký.
Thứ ba, theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu cấp tài khoản thông qua giao diện đăng ký trực tuyến, tuy nhiên, thực tế hiện nay chưa thực hiện được quy định này.
Thứ tư, trang web https://dktructuyen.moj.gov.vn/ của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm vẫn còn bị hạn chế về số lượng truy cập. Có những thời điểm không thể truy cập vào trang đăng ký do nghẽn mạng, số lượng truy cập lớn cùng thời điểm mà máy chủ chưa đáp ứng được nhu cầu đăng ký trực tuyến.
Thứ năm, việc duyệt hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm qua hệ thống đăng ký trong một số trường hợp còn chưa thống nhất, phụ thuộc vào quan điểm của cán bộ tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký. Có trường hợp các hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bị hủy đăng ký căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP trên cơ sở “không thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký”, tuy nhiên, trường hợp khác với hồ sơ gửi đăng ký tương tự vẫn được chấp nhận đăng ký.
Thứ sáu, trường hợp có nhiều tài sản trên một phiếu đăng ký, hệ thống hiện mới chỉ hỗ trợ cho tải lên file dữ liệu (theo định dạng chuẩn) đối với phương tiện giao thông cơ giới có số khung; đối với tài sản khác (đặc biệt là máy móc, thiết bị và hàng hóa), người dùng phải nhập thông tin của từng tài sản, mất nhiều thời gian để nhập dữ liệu khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm và có khả năng dẫn đến sai sót về thông tin dữ liệu đăng ký.
Thứ bảy, đối với tính năng tra cứu/cung cấp thông tin, hệ thống hiện có 03 tiêu chí tìm kiếm là số đơn đăng ký, bên bảo đảm, số khung. Hiện nay chưa có tính năng tra cứu trên cơ sở thông tin về biển số đăng ký của phương tiện giao thông cơ giới. Khi thực hiện đăng ký, cán bộ của tổ chức tín dụng nhập số khung bao gồm nhiều ký tự sẽ mất nhiều thời gian để nhập dữ liệu (bao gồm cả nhập lại dữ liệu do đánh không chính xác) hơn so với trường hợp được tra cứu thông qua biển số đăng ký của phương tiện giao thông. Đồng thời, thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm đối với phương tiện giao thông trên hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến và thông tin về tài sản trên hệ thống đăng ký phương tiện giao thông hiện chưa được kết nối, theo đó, chưa thuận tiện cho tổ chức tín dụng khi tra cứu thông tin, quản lý tài sản bảo đảm đối với tài sản là phương tiện giao thông.
Thứ tám, tại khoản 8 Điều 45 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP đã quy định rõ việc mô tả tài sản bảo đảm là quyền tài sản trên phiếu yêu cầu đăng ký phải có các thông tin cụ thể về căn cứ phát sinh quyền tài sản. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm đối với quyền tài sản nhưng không ghi rõ các thông tin cụ thể về căn cứ phát sinh quyền tài sản và được chấp nhận đăng ký ghi nhận trên hệ thống. Việc cho phép đăng ký quyền tài sản mô tả chung, không ghi rõ thông tin căn cứ phát sinh quyền tài sản có thể gây rủi ro như: (i) Quyền tài sản đó khi phát sinh tranh chấp không được Tòa án công nhận là tài sản bảo đảm, dẫn đến rủi ro cho tổ chức tín dụng khi xác định các quyền tài sản bảo đảm này là tài sản bảo đảm để xem xét, cấp tín dụng cho khách hàng; (ii) Tranh chấp giữa các tổ chức tín dụng cùng nhận bảo đảm trong trường hợp tổ chức tín dụng nhận và đăng ký biện pháp bảo đảm sau có mô tả đầy đủ, rõ ràng về cơ sở phát sinh quyền tài sản nhận bảo đảm nhưng theo cách hiểu khác thì quyền tài sản này lại nằm trong quyền tài sản khác được mô tả chung đã được đăng ký biện pháp bảo đảm trước đó cho một tổ chức tín dụng khác[2].
3. Một số kiến nghị
Trên cơ sở đánh giá về vướng mắc khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm qua hệ thống đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến, để khắc phục những vướng mắc phát sinh cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc đăng ký biện pháp bảo đảm thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị, giải pháp như sau:
Một là, đối với các vướng mắc liên quan đến thời gian đăng ký chưa kịp thời, kiến nghị Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có thống kê về các trường hợp thời gian đăng ký/từ chối đăng ký chậm so với quy định, trên cơ sở đó có tổng kết, đánh giá và văn bản hướng dẫn về các trường hợp tài sản đặc thù đang có cách hiểu chưa thống nhất về “trường hợp tài sản bảo đảm thuộc thẩm quyền đăng ký biện pháp bảo đảm của cơ quan đăng ký”, “tài sản không đủ điều kiện để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định” để cán bộ trực tiếp xử lý đăng ký qua hệ thống đăng ký trực tuyến có cơ sở thực hiện việc đăng ký/từ chối đăng ký khi tiếp nhận các phiếu yêu cầu đăng ký từ các tổ chức tín dụng.
Hai là, đối với các vướng mắc liên quan đến hệ thống (chưa thực hiện được đề nghị cấp tài khoản qua hệ thống, nghẽn mạng, người thực hiện đăng ký đang nhập thông tin trực tiếp chưa đưa được file đính kèm mô tả thông tin tài sản lên hệ thống, chưa tra cứu được thông tin phương tiện giao thông thông qua biển số xe…), kiến nghị:
- Trong thời gian phù hợp nâng cấp hệ thống, mở rộng phạm vi các tài sản được tải file dữ liệu thông tin tài sản thay thế cho việc nhập liệu thủ công, bổ sung tiêu chí tra cứu thông tin (ví dụ như tra cứu qua thông tin biển số xe,...) hỗ trợ người sử dụng khi tra cứu thông tin để đáp ứng được các yêu cầu thực tế của việc đăng ký biện pháp bảo đảm qua hệ thống.
- Trên cơ sở quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, nghiên cứu triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nên có phương án để chia sẻ dữ liệu trực tiếp. Ví dụ: Khi đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến bằng động sản, nhập số khung phương tiện, hệ thống đăng ký trực tuyến sẽ kết nối với hệ thống đăng ký phương tiện giao thông, hiển thị thông tin của chủ tài sản tương ứng. Điều này sẽ giúp cho các tổ chức tín dụng ngoài việc tra cứu được thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm của tài sản thì còn đồng thời xác thực được thông tin tài sản trên cơ sở hồ sơ do bên bảo đảm cung cấp. Ngược lại, khi hệ thống đăng ký phương tiện giao thông thực hiện việc thay đổi tên chủ phương tiện, hệ thống sẽ được kết nối với hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến và hiển thị phương tiện đó có đang thế chấp tại ngân hàng không. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu này có ý nghĩa quan trọng đối với các tổ chức tín dụng trong việc quản lý tài sản bảo đảm, giúp giảm thiểu tình trạng chủ tài sản bán tài sản bảo đảm khi chưa được sự đồng ý của ngân hàng.
Ba là, đối với các vướng mắc liên quan đến việc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản là quyền tài sản khi thông tin mô tả quyền tài sản chưa có thông tin về căn cứ phát sinh quyền tài sản, kiến nghị cần ban hành hướng dẫn xác định (các) trường hợp mô tả thông tin về quyền tài sản tại phiếu yêu cầu đăng ký không có căn cứ phát sinh quyền tài sản là không phù hợp với quy định tại khoản 1, khoản 8 Điều 45 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP và được xác định là phiếu yêu cầu đăng ký không hợp lệ, cơ quan đăng ký có cơ sở từ chối đăng ký theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP.
Bốn là, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ của Chính phủ và trên cơ sở thực tiễn hiệu quả mang lại và thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cũng như các tổ chức, cá nhân trong xã hội có tham gia vào công tác đăng ký biện pháp bảo đảm trong thời gian qua khi được thực hiện việc đăng ký biện pháp bảo đảm, tra cứu thông tin về biện pháp bảo đảm thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, kiến nghị cần sớm có phương án đưa các quy định tại Điều 23 (Cấp tài khoản đăng ký trực tuyến) Điều 24 (Thủ tục đăng ký trực tuyến) của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP vào thực tế về các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển, chứng khoán lưu ký.
Vũ Hải Bằng
Phan Thị Thùy Tâm
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam
[1]. Theo Quy định tại khoản 2 Điều 8 Quyết định số 26/2022/QĐ-TTg ngày 16/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tiếp tục tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán cho đến khi Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam bắt đầu hoạt động.
[2]. Ví dụ: Việc cơ quan đăng ký cho phép đăng ký biện pháp bảo đảm đối với trường hợp chủ đầu tư thế chấp toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng sẽ ký giữa chủ đầu tư và người mua nhà tại một tổ chức tín dụng khi chưa có các hợp đồng mua nhà được ký kết. Sau đó, người mua nhà lại tiếp tục thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua nhà cụ thể ký kết với chủ đầu tư tại tổ chức tín dụng khác. Mặc dù, tổ chức tín dụng nhận thế chấp sau xác định quyền tài sản thuộc sở hữu của người mua nhà phát sinh từ hợp đồng mua nhà cụ thể ký kết với chủ đầu tư, khác với quyền tài thuộc quyền sở hữu của chủ đầu phát sinh từ hợp đồng mua nhà đó. Tuy nhiên, thông tin về việc chủ đầu tư đã thế chấp toàn bộ quyền tài sản phát sinh các hợp đồng mua nhà thuộc dự án cũng là thông tin có thể gây rủi ro cho tổ chức tín dụng nhận thế chấp sau trong trường hợp phát sinh tranh chấp cần xử lý quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua nhà.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 387), tháng 8/2023)