Trong giai đoạn hiện nay, thi hành án dân sự là một vấn đề bức xúc, bởi trong quá trình thực thi pháp luật về thi hành án dân sự đã nảy sinh rất nhiều vấn đề mới cần phải giải quyết, cũng như phải chịu áp lực từ nhiều phía, nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho việc thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nói chung và biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản nói riêng cũng có không ít những trở ngại cả về mặt pháp lý cũng như thực tiễn vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người của các bên đương sự bao gồm bên phải thi hành án, bên được thi hành án và bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Vì vậy, vấn đề đảm bảo quyền con người trong các hoạt động thi hành án dân sự mà cụ thể là khi kê biên tài sản thi hành án dân sự vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần được khắc phục kịp thời. Trong đó, không thể thiếu giải pháp xây dựng chế độ trách nhiệm của chấp hành viên, cán bộ thi hành án dân sự, nâng cao năng lực chuyên môn... hoàn thiện cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động thi hành án dân sự theo đúng quy định của pháp luật.
Trước mắt và trong thời gian tới, đối với cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự trong mối quan hệ với nhân dân (quan hệ cá nhân và Nhà nước) đòi hỏi xây dựng chế độ trách nhiệm bảo đảm mỗi cán bộ, công chức đặc biệt là chấp hành viên có thể phát huy tối đa năng lực cá nhân; đồng thời, xác định cụ thể trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ, công chức, chấp hành viên trong quá trình thực thi công vụ, giảm thiểu nguy cơ có thể xâm phạm quyền của công dân, xâm hại đến quyền con người của các bên đương sự. Theo đó, pháp luật thi hành án dân sự đã cụ thể hóa mối quan hệ giữa các bên đương sự với cơ quan thi hành án dân sự là đại diện cho quyền lực nhà nước. Mỗi cán bộ, công chức, chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự phải xác định mình là đại diện của tổ chức công quyền, nghĩa là người làm công, mang quyền lực được ủy quyền từ nhân dân, do đó, xác định cụ thể các bên đương sự có quyền được làm tất cả những gì luật pháp không cấm, còn bản thân chỉ được phép làm những gì mà luật pháp quy định. Đồng thời, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự là phải tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền con người và công dân cũng phải làm tròn những nghĩa vụ phát sinh từ việc hưởng thụ các quyền do Hiến pháp và pháp luật quy định.
Quyền và nghĩa vụ qua lại giữa cơ quan thi hành án dân sự và các bên đương sự bảo đảm tính ràng buộc hai chiều, trước hết, cần xác định việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, chấp hành viên là phục vụ nhân dân, tăng cường tính trách nhiệm của cán bộ trong thực thi công vụ, đòi hỏi xác định cho bằng được cơ chế tự chịu trách nhiệm, “cá thể hoá trách nhiệm cá nhân”; xác định rõ giữa quyền hạn được giao và trách nhiệm, nghĩa vụ tương ứng; tránh, giảm thiểu tình trạng chịu trách nhiệm tập thể, cuối cùng hậu quả xảy ra nhưng không ai chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền con người một cách tối đa trong các hoạt động của lĩnh vực thi hành án dân sự và tạo điều kiện để các bên đương sự được tham gia vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, hoạt động của cán bộ, công chức, chấp hành viên đòi hỏi phải có sự công khai, minh bạch trong mọi hoạt động, bảo đảm quyền được cung cấp thông tin một cách chân thực và chính xác từ phía cơ quan thi hành án dân sự.
Hơn nữa, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự, đặc biệt là với chấp hành viên. Trước khi tiến hành kê biên tài sản ít nhất 05 ngày làm việc, phải cung cấp đầy đủ hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân nghiên cứu để kiểm sát cưỡng chế. Hiện nay, theo quy chế phối hợp hai ngành, nội dung yêu cầu này đã được đưa vào quy chế để thực hiện, đảm bảo không để xảy ra sai sót, xâm phạm quyền con người của các bên đương sự khi tiến hành kê biên tài sản. Cụ thể như, xác định tài sản tiến hành cưỡng chế, kê biên có phải là của người phải thi hành án không, tài sản có thuộc loại được kê biên không, còn liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của ai, nghĩa vụ phải thi hành án của người phải thi hành án và tài sản được xác định sẽ cưỡng chế, kê biên có đảm bảo điều kiện để được đăng ký quyền sử dụng cho người mua đấu giá thành không, nghĩa vụ phải thi hành án của người phải thi hành án và tài sản được xác định sẽ cưỡng chế, kê biên có giá trị có tương ứng không, kiểm tra toàn bộ thủ tục giao nhận giấy tờ về thi hành án đã đảm bảo đầy đủ chưa, có còn người nào bị tước quyền lợi do không được giao nhận thủ tục thi hành án không? Nếu là trường hợp phải niêm yết thông báo về thi hành án thì xác định trường hợp đó có đủ điều kiện để buộc phải niêm yết không, thời gian niêm yết đã đảm bảo chưa. Trên cơ sở đó nhằm đánh giá hồ sơ có đủ điều kiện để cơ quan thi hành án dân sự đưa ra cưỡng chế, kê biên hay không, nếu phát hiện có vi phạm, chưa đảm bảo thì có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án phải dừng việc cưỡng chế, kê biên để bổ sung các thiếu sót cho đảm bảo rồi mới được tiến hành.
Ngoài ra, cần có cơ chế bổ sung kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, chấp hành viên thi hành án dân sự. Thực hiện tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ quan thi hành án, xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án, đảm bảo các chấp hành viên trước khi bổ nhiệm phải qua đào tạo nghề. Trên thực tế, hiện nay, nguồn này còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Mở nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ kê biên tài sản thi hành án, cập nhật kiến thức cho chấp hành viên về những quy định của pháp luật trong các lĩnh vực khác như: Nhà đất, xây dựng, sở hữu trí tuệ, ngân hàng… để từ đó, có thêm kinh nghiệm giải quyết, xử lý những khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có chế độ chính sách đãi ngộ với cán bộ, chấp hành viên một cách hợp lý, giúp họ có thể yên tâm về đời sống để tận tâm phục vụ cho công tác thi hành án dân sự.
Chi cục Thi hành án dân sự quận Hà Đông, Hà Nội