1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng vẫn có những diễn biến khá phức tạp, xâm hại đến những quyền cơ bản nhất của con người, có tác động trở ngại đến nhiều mặt của đời sống xã hội, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn người với sự tập trung và quyết tâm cao của tất cả các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương.
Theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và lực lượng Công an với vai trò nòng cốt đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Lực lượng Công an nhân dân thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011; Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người. Bộ Công an là thành viên thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm (Ban Chỉ đạo 138) được thành lập theo Quyết định 59/2004/QĐ-TTg ngày 09/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, chỉ đạo Công an các địa phương tham mưu cho chính quyền các cấp trong việc thực hiện chương trình quốc gia về phòng, chống mua bán người; Công an các địa phương với chức năng, nhiệm vụ của mình tiến hành các hoạt động điều tra, nghiên cứu, nắm tình hình, làm tốt công tác nghiệp vụ, đấu tranh với tội phạm liên quan đến mua bán người; phối hợp chặt chẽ với các các ban, ngành, đoàn thể trong việc hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân; dự báo tình hình và có kế hoạch đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến mua bán người theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian qua, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Công an tỉnh Cà Mau đã làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai, thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tiếp nhận 08 tin báo, tố giác về tội phạm mua bán người (từ năm 2018 đến năm 2022), khởi tố vụ án hình sự 01 vụ án, 02 bị can về Tội mua bán người dưới 16 tuổi theo Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015), chuyển 02 vụ sang cơ quan an ninh điều tra theo thẩm quyền với tội danh tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo điều Điều 349 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia. Đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn[1].
2. Thực trạng công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người của lực lượng Công an tỉnh Cà Mau
2.1. Tình hình vi phạm pháp luật về tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Qua kết quả nghiên cứu tài liệu, trao đổi với cán bộ thực tế, tổng hợp các số liệu cho thấy, từ năm 2018 đến năm 2022, Công an tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận 08 tin báo, tố giác về tội phạm mua bán người, cụ thể: Năm 2018 có 01 tin; năm 2019 có 03 tin; năm 2020 có 01 tin; năm 2021 có 01 tin và năm 2022 có 02 tin. Trong đó đã tạm đình chỉ 02 tin báo; ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với 03 nguồn tin báo; khởi tố vụ án hình sự thông qua 01 nguồn tin báo với 02 bị can (khởi tố vụ án “mua bán người dưới 16 tuổi” theo Điều 151 Bộ Luật hình sự năm 2015) vào năm 2020; chuyển 02 nguồn tin sang cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh khởi tố 03 vụ án, với 03 bị can (khởi tố vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo Điều 349 Bộ luật Hình sự năm 2015) năm 2022. Có thể thấy, công tác giải quyết tin báo tố giác tội phạm mua bán người của Công an tỉnh Cà Mau được thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm 100% nguồn tin báo đều được giải quyết kịp thời, đúng trình tự, có những nguồn tin báo đã được sử dụng làm tài liệu, chứng cứ trong điều tra các vụ án hình sự; điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm, thái độ với công việc và tính chuyên nghiệp của Công an tỉnh Cà Mau trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Qua nghiên cứu các đặc điểm nhân thân của nạn nhân trong vụ án đã được Công an tỉnh Cà Mau khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật cho thấy: Nạn nhân của vụ án là người dưới 16 tuổi (trẻ em gái); trình độ học vấn: Tiểu học; không nghề nghiệp; địa bàn cư trú: Xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; vụ án liên quan đến môi giới hôn nhân đưa nạn nhân trốn đi nước ngoài, liên quan đến người thân của nạn nhân (cô ruột). Vụ án có tính chất rất nghiêm trọng với 02 bị cáo bị Tòa án tuyên phạt 12 năm tù giam.
Từ năm 2018 đến năm 2022, số vụ án liên quan đến tội phạm mua bán người được khởi tố, điều tra, xét xử trên địa bàn tỉnh Cà Mau chỉ xảy ra 01 vụ liên quan đến 02 đối tượng, nhưng nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi, có trình độ học vấn thấp, bị lợi dụng bởi mối quan hệ họ hàng, thiếu hiểu biết về pháp luật, các đối tượng phạm tội lợi dụng vấn đề môi giới hôn nhân nhằm thực hiện hành vi phạm tội mua bán người với tính chất rất nghiêm trọng. Năm 2022, tại tỉnh Cà Mau nổi lên vấn đề người dân xuất cảnh trái phép sang Campuchia lao động, làm việc trong các sòng bạc trực tuyến, Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Cà Mau đã khởi tố 02 vụ án với 02 bị can về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo Điều 349 Bộ Luật hình sự năm 2015[2].
Nếu so sánh các vụ án liên quan đến tội phạm mua bán người đã bị cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý theo pháp luật thì tội phạm xảy ra tại tỉnh Cà Mau chiếm tỷ lệ rất nhỏ, tuy nhiên tiềm ẩn nguy cơ tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, thủ đoạn tinh vi, có sự móc nối giữa người thân, người quen biết với các đối tượng phạm tội chuyên nghiệp; các đối tượng rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ nhằm làm nạn nhân không đề phòng, mất cảnh giác, các đối tượng mua bán người không tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân mà thông qua các nền tảng mạng xã hội để thực hiện hành vi dẫn đến việc phát hiện, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
2.2. Các biện pháp phòng ngừa mua bán người của Công an tỉnh Cà Mau trong thời gian qua
2.2.1. Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người đến quần chúng nhân dân
Công an tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chỉ đạo Công an các địa phương trong tỉnh thực hiện việc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người đến quần chúng nhân dân, thực hiện tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, ngắn gọn, dễ hiểu; tuyên truyền đến vùng sâu, vùng xa, đến các cửa biển; tập trung tuyên truyền đối với phụ nữ, trẻ em. Từ năm 2018 đến năm 2022 đã có 1.221 lượt tuyên truyền thông qua nhiều cách thức khác nhau, với sự tham gia của 41.540 người tham gia tại các địa bàn nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa nơi dễ xảy ra tội phạm mua bán người.
2.2.2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn
Công an tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra 5.989 lượt cơ sở đăng ký hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, tiến hành kiểm tra ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như: Khách sạn; nhà nghỉ… kiểm tra tại các cửa biển (Khánh Hội; Sông Đốc…) nơi các đối tượng phạm tội có thể tập trung nạn nhân trước khi đưa nạn nhân ra nước ngoài. Phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm soát chặt chẽ tuyến, địa bàn, khu vực phức tạp về an ninh trật tự với 5.220 cuộc kiểm tra, hơn 46.130 lượt cán bộ tham gia nhằm chủ động phát hiện, nắm bắt tình hình, tiến hành xử lý các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.
Công an tỉnh đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ, Công an cấp huyện, thành phố Cà Mau tiến hành thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, nắm chắc địa bàn, xác định các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến mua bán người, quản lý chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mua bán người; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc xuất cảnh, nhập cảnh; chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
2.2.3. Tham mưu, ban hành chính sách, pháp luật, chương trình kế hoạch về phòng, chống mua bán người
Công an tỉnh Cà Mau với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tham mưu trực tiếp cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 ban hành Quyết định số 659/QĐ-UBND, ngày 14/4/2016 về Kế hoạch triển khai, thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, triển khai đến các huyện và thành phố Cà Mau để tổ chức thực hiện theo quy định. Công an tỉnh Cà Mau phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 473/QĐ-UBND, ngày 11/3/2021 về Kế hoạch triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Với vai trò và trách nhiệm thường trực Ban Chỉ đạo 138, lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, Công an tỉnh Cà Mau đã chủ động ban hành Kế hoạch số 90/KH-CAT ngày 19/4/2021 về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, ban hành Kế hoạch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đưa người ra nước ngoài trái phép, mua bán người trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Bên cạnh đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau cũng đã chỉ đạo trực tiếp Phòng Cảnh sát hình sự thực hiện chuyên đề “Theo dõi công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người” triển khai đến Công an các huyện, thành phố Cà Mau.
Qua nghiên cứu các văn bản pháp lý, các kế hoạch tổ chức thực hiện phòng, chống mua bán người, trao đổi với cán bộ thực tiễn cho thấy: Hằng năm, Công an tỉnh Cà Mau đều xây dựng, ban hành kế hoạch, báo cáo kết quả đấu tranh phòng, chống mua bán người đúng với quy định, bảo đảm kịp thời, khả thi của văn bản ban hành, có tính định hướng, chỉ đạo cụ thể, nhằm giúp cho các đơn vị chức năng thực hiện hiệu quả.
3. Đánh giá chung
3.1. Kết quả đạt được trên các mặt công tác
Công an tỉnh Cà Mau đã thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả mua bán người diễn ra trên địa bàn của tỉnh. So với các vụ án mua bán người đã bị phát hiện, xử lý thì tại tỉnh Cà Mau chỉ xảy ra 01 vụ, điều đó cho thấy công tác phòng ngừa, ngăn chặn, chủ động tấn công trấn áp tội phạm trong đó có tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Cà Mau thực hiện rất tốt.
Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân phòng ngừa mua bán người; làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
3.2. Một số tồn tại, hạn chế
Đời sống người dân một số nơi vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, nhận thức hạn chế, thiếu công ăn, việc làm ổn định,… là điều kiện để các đối tượng phạm tội mua bán người lôi kéo, dụ dỗ xuất cảnh trái phép, lao động trái phép tại nước ngoài hoặc là nạn nhân của mua bán người.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân tuy được nâng cao, mang lại nhiều hiệu quả nhưng vẫn còn chưa đến được nhiều người dân, chưa đi sâu vào giáo dục kỹ năng bảo vệ mình, chưa làm rõ được phương thức thủ đoạn của các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ, đặc biệt là qua mạng internet, nền tảng mạng xã hội, người thân trong gia đình…
Công tác quản lý địa bàn cơ sở, công tác nắm tình hình đôi lúc còn hạn chế, kiểm soát đối tượng đến, đi trên địa bàn chưa thực sự sát sao, nên chưa kịp thời xử lý nhiều vụ việc có liên quan đến mua bán người, xuất cảnh trái phép…
3.3. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, dân cư sống không tập trung, đặc thù miền sông nước, hoạt động nghề biển với hai cửa biển lớn, giáp ranh biên giới trên biển, giáp ranh với tỉnh có biên giới với nước bạn Campuchia, nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Trình độ, nhận thức người dân không đồng đều, chưa nắm bắt, hiểu biết về pháp luật, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ học vấn còn hạn chế ở một số nơi dẫn đến việc tiếp cận các biện pháp phòng ngừa, phát hiện hành vi lôi kéo, dụ dỗ của các đối tượng liên quan đến mua bán người.
Công tác dự báo tình hình của cơ quan chức năng, đặc biệt là Công an cơ sở chưa sát, chưa cụ thể nên hiệu quả công tác phòng ngừa chưa cao.
Lực lượng làm công tác phòng ngừa, đấu tranh với mua bán người đôi lúc chưa bảo đảm các yêu cầu đặt ra.
4. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa các hành vi mua bán người theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an tỉnh Cà Mau
Một là, Công an tỉnh Cà Mau phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở, với các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về pháp luật, phương thức, thủ đoạn phạm tội của tội phạm mua bán người, các thủ đoạn mới, xảo quyệt của các đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của người dân, để người dân chủ động phòng ngừa, không để bị lôi kéo dụ dỗ; bằng nhiều kênh thông tin từ báo chí, truyền hình, phát thanh, tờ rơi, mạng xã hội, các buổi sinh hoạt xóm, ấp… tạo được nhiều kênh thông tin nhằm tuyên truyền đến người dân để chủ động phòng tránh. Thiết lập đường dây nóng của chính quyền địa phương để người dân kịp thời trình báo khi có dấu hiệu của vụ việc liên quan, hoặc người thân trong gia đình có hành vi thể hiện việc môi giới hôn nhân, lôi kéo con em, đặc biệt là các em gái lấy chồng nước ngoài, xuất cảnh lao động…
Hai là, Công an tỉnh Cà Mau phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc đưa người xuất khẩu lao động, lao động nước ngoài; giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện việc tổ chức lao động nước ngoài, chủ động phát hiện những vấn đề bất thường, những dấu hiệu liên quan đến mua bán người để kịp thời xử lý, ngăn chặn.
Ba là, xây dựng lực lượng đấu tranh với tội phạm mua bán người, phòng, chống mua bán người để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Phân công, bố trí cán bộ tham gia học tập, tập huấn chuyên sâu, tham gia các hội thảo khoa học, các lớp bồi dưỡng về phòng chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức, nâng cao trình độ, đúc rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống mua bán người.
Bốn là, Công an tỉnh chỉ đạo Công an cấp cơ sở làm tốt công tác nắm địa bàn, nắm đối tượng, làm tốt công tác điều tra cơ bản, thực hiện tốt phương châm phòng ngừa là chính, chủ động tham mưu chính quyền cơ sở thực hiện đồng bộ quy định về phòng, chống mua bán người. Công an các cấp cần dự báo tình hình sát thực tế, đề ra phương hướng, kế hoạch xử lý chủ động, không để bị động, không bị bất ngờ trong các tình huống. Làm tốt công tác vận động quần chúng, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự, quản lý chặt đối tượng ra vào địa phương, phối hợp với gia đình, nhà trường trong quản lý con em trong độ tuổi dưới 18 tuổi trong việc sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả; quản lý chặt các mối quan hệ của con em, không để các đối tượng xấu lợi dụng, dụ dỗ… tổ chức nhiều chương trình hoạt động dành cho các em nhằm hướng đến nhiều giá trị tốt đẹp và định hướng cho tương lai./.
Võ Huỳnh Khuyên
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
Nguyễn Quang Vinh
Công an tỉnh Cà Mau