1. Thực trạng công tác kiểm tra
1.1. Kết quả kiểm tra của Tổng cục Thi hành án dân sự
Năm 2017, công tác kiểm tra tiếp tục có những chuyển biến tích cực, thông qua kiểm tra, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ghi nhận nhiều kết quả đạt được của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương năm 2017 (từ ngày 01/10/2016 đến ngày 30/9/2017): Kết quả thi hành án dân sự đạt cao, tiếp tục vượt chỉ tiêu cả về việc và về tiền[1], công tác thi hành án hành chính cũng đạt được kết quả nhất định[2].
Trong năm 2017, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thực hiện 23 đoàn kiểm tra gồm: 04 đoàn kiểm tra toàn diện, 19 đoàn kiểm tra chuyên đề và các đoàn kiểm tra theo lĩnh vực công tác của các đơn vị. Kết quả kiểm tra cho thấy, đa số các đơn vị được kiểm tra đã tích cực, chủ động trong việc tổ chức thi hành án, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của toàn hệ thống thi hành án dân sự trong năm 2017. Bên cạnh đó, Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đã phát hiện nhiều sai phạm và vướng mắc, bất cập, từ đó có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng trong các mặt công tác của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
Để khắc phục những vi phạm, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức nhiều hội nghị về công tác kiểm tra[3], có văn bản triển khai những biện pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương[4].
1.2. Tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm tra
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác kiểm tra của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Công tác xây dựng kế hoạch kiểm tra có trường hợp chưa hợp lý về thời gian, khả năng, điều kiện và nhân lực thực hiện của đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra; kỹ năng kiểm tra của cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra không đồng đều; công tác “hậu kiểm” chưa được chú trọng; quy trình kiểm tra công tác thi hành án dân sự và bố cục mẫu kết luận kiểm tra (Mẫu số 15) còn một số chưa hợp lý cần được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Hiệu quả từ công tác kiểm tra chưa ngăn chặn được tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác thi hành án. Số công chức bị xử lý kỷ luật do vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ thi hành án tuy đã giảm so với năm 2016 (giảm 07 trường hợp) nhưng vẫn còn khá nhiều (29 trường hợp) và có xu hướng ngày càng phức tạp.
1.3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm tra
- Nguyên nhân khách quan
+ Pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật có liên quan còn bất cập, hạn chế dẫn đến có những đánh giá khác nhau về sai phạm của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự địa phương khi được kiểm tra, trong một số trường hợp để đảm bảo kết luận chính xác phải có thời gian để lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn dẫn đến quá thời hạn ban hành kết luận.
+ Chưa có quy định người được giao nhiệm vụ kiểm tra được quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như thanh tra và trường hợp cần thiết báo cáo người có thẩm quyền để xử lý ngay những sai phạm.
+ Chưa có tiêu chí đánh giá hiệu quả kiểm tra đối với các đoàn kiểm tra và công tác kiểm tra của từng địa phương.
- Nguyên nhân chủ quan
+ Trình độ, chuyên môn, kỹ năng của các công chức trong Tổng cục Thi hành án dân sự không đồng đều, trong khi đó, các đơn vị thuộc Tổng cục đều nhiều việc, không phải lúc nào cũng cử được cán bộ có kinh nghiệm, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ tham gia đoàn kiểm tra.
+ Một số trường hợp, người được giao nhiệm vụ kiểm tra nhưng ý thức, trách nhiệm chưa cao, còn có tâm lý kiểm tra cho xong, thậm chí có hiện tượng nể nang, bao che, không chỉ ra những tồn tại, hạn chế, sai phạm của cơ quan thi hành án dân sự địa phương dẫn đến đơn vị được kiểm tra không thấy được yếu kém để khắc phục và thực hiện giải pháp không mắc phải các sai phạm tương tự; chưa quan tâm bố trí thời gian hợp lý để hoàn thiện và ban hành kết luận kiểm tra đúng thời hạn quy định.
+ Việc theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện kết luận kiểm tra của Tổng cục Thi hành án dân sự chưa được chú trọng và việc tổng kết công tác kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên dẫn đến các kết luận kiểm tra, chỉ đạo chưa được thực hiện nghiêm túc, các tồn tại, hạn chế không được cơ quan thi hành án dân sự địa phương khắc phục.
+ Thời điểm ban hành kế hoạch kiểm tra hàng năm của Tổng cục Thi hành án dân sự muộn dẫn đến việc triển khai kế hoạch kiểm tra chưa bảo đảm tiến độ và rất nhiều lần phải điều chỉnh thời gian kiểm tra, gây ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra trong hoạt động thi hành án dân sự năm 2018
Một là, nâng cao nhận thức về công tác kiểm tra cho cán bộ, công chức, đặc biệt là lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và công chức thường xuyên làm công tác kiểm tra; quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của công tác kiểm tra trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
Hai là, việc kiểm tra phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định kiểm tra. Quá trình kiểm tra phải đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện, chính xác những mặt làm được và tồn tại, hạn chế, yếu kém, vi phạm của đơn vị được kiểm tra. Kiến nghị, đề xuất phải kịp thời, tương xứng với kết quả kiểm tra.
Ba là, nâng cao kỹ năng cho cán bộ làm công tác kiểm tra: Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát, đánh giá kỹ năng kiểm tra của cán bộ, công chức của đơn vị mình chính xác; chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của đơn vị mình đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm tra.
Bốn là, thực hiện tốt công tác chuẩn bị kiểm tra: Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát, dự kiến số lượng các đoàn kiểm tra, thời gian kiểm tra để xây dựng kế hoạch kiểm tra phù hợp với yêu cầu kiểm tra. Đơn vị chủ trì kiểm tra xây dựng kế hoạch kiểm tra và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác đảm bảo việc thực hiện kiểm tra có hiệu quả; thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục, ngoài Tổng cục trong việc cử công chức tham gia đoàn kiểm tra phù hợp với yêu cầu của đoàn kiểm tra; trước khi tiến hành kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra phân công công việc khoa học, chi tiết, cụ thể, phù hợp với trình độ, kỹ năng và sở trường của mỗi thành viên đoàn kiểm tra.
Năm là, khi triển khai kiểm tra tại địa phương, trưởng đoàn kiểm tra, phó trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên đoàn kiểm tra thực hiện đúng quy trình kiểm tra, nêu cao tinh thần trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, làm việc nghiêm túc, có thái độ đúng mực, chia sẻ kinh nghiệm với cơ quan thi hành án dân sự địa phương về nghiệp vụ thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các mặt công tác khác; đoàn kiểm tra khi thực hiện kiểm tra phải chú trọng chất lượng kiểm tra, làm rõ các sai phạm, cá thể hóa trách nhiệm của cá nhân có sai phạm để rút kinh nghiệm, xử lý và khắc phục kịp thời; đơn vị chủ trì kiểm tra xong báo cáo thủ trưởng đơn vị cho ý kiến về kết quả kiểm tra trình lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự.
Sáu là, kết thúc kiểm tra, các đoàn kiểm tra phải xây dựng kết luận kiểm tra theo đúng quy định. Trên cơ sở các kết luận chính thức của các đoàn kiểm tra, Tổng cục Thi hành án dân sự cần xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị có sai sót, vi phạm theo thẩm quyền; chấm dứt tình trạng trên “nóng”, dưới “lạnh”, trên “quyết liệt”, nhưng một số nơi, nhất là cấp cơ sở, vẫn “thờ ơ”, chưa làm tròn nhiệm vụ. Đồng thời, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo phương châm “hướng về cơ sở”, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở; gắn bó, phối hợp với địa phương, với cấp ủy chính quyền địa phương nhiều hơn, là chỗ dựa tin cậy, động viên, khích lệ cán bộ, công chức trong toàn hệ thống hoàn thành nhiệm vụ.
Bảy là, Tổng cục Thi hành án dân sự cần tăng cường công tác “hậu kiểm”, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các kết luận kiểm tra; yêu cầu thủ trưởng các đơn vị được kiểm tra trong năm 2017 thực hiện kết luận kiểm tra, khắc phục vi phạm. Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện kết quả kiểm tra của các đơn vị được kiểm tra, Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra để có đánh giá thực chất hiệu quả của công tác kiểm tra.
Tám là, về công tác phối hợp: Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án các cấp kịp thời chuyển giao bản án, quyết định để cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành kịp thời khoản chủ động thi hành án. Đối với những vụ việc chưa xử lý được tài sản, chưa thi hành án được do cơ quan công an chưa chuyển giao tang vật, Tòa án chưa giải thích bản án, Tổng cục Thi hành án dân sự kiến nghị Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan Công an, Tòa án phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện tốt việc chuyển giao tang vật và yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành.
Chín là, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục cùng các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, hạn chế phát sinh vi phạm trong công tác thi hành án dân sự; đôn đốc các địa phương có nhiều bản án, quyết định bị chậm thi hành hoặc có những vụ việc nổi cộm, làm rõ nguyên nhân, chỉ đạo thi hành án dứt điểm, nhất là các bản án, quyết định đã kéo dài nhiều năm; phối hợp với Tòa án nhân dân trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, để bảo đảm tính khả thi của các bản án, quyết định của Tòa án.
Mười là, Tổng cục Thi hành án dân sự có văn bản chỉ đạo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, quan tâm, sâu sát đến từng vụ việc cụ thể; chịu trách nhiệm về các vi phạm trong thi hành án tại đơn vị mình quản lý; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra chuyên đề, đột xuất, nhất là kiểm tra tập trung vào các đơn vị có lượng án lớn, có biểu hiện chạy theo thành tích, tăng cường kiểm tra đến đối tượng là cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện; có hình thức quán triệt, tự chấn chỉnh để tránh xảy ra sai phạm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức thi hành án, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, bảo đảm kết quả thi hành án dân sự, hành chính năm 2018 ổn định, thực chất.
Mười một là, về thể chế: (i) Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy trình kiểm tra và mẫu kết luận kiểm tra; nghiên cứu đề xuất xây dựng quy chế hoạt động của đoàn kiểm tra vào trong quy trình kiểm tra và mẫu kết luận kiểm tra; nghiên cứu xây dựng “quyết định ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra công tác thi hành án dân sự”; (ii) Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự tạo hành lang pháp lý tránh xảy ra sai phạm trong việc tổ chức thi hành án do pháp luật không rõ hoặc có mâu thuẫn giữa các luật. Ví dụ: Quy định về các khoản miễn giảm thu, nộp ngân sách nhà nước; sửa đổi mẫu bìa hồ sơ thi hành án để phản ánh đầy đủ quá trình tác nghiệp thi hành án; (iii) Hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định pháp luật về thi hành án dân sự... Việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về công tác kiểm tra và chế tài thống nhất về xử lý kỷ luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự nhằm tạo điều kiện cho công tác kiểm tra của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự được tiến hành thuận lợi. Đồng thời, giải quyết tốt mối quan hệ giữa kiểm tra và thi hành kỷ luật nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc phương châm: Công minh - chính xác - kịp thời. Xử lý kỷ luật đúng người, đúng sai phạm. Hiệu quả của công tác kiểm tra phải đạt được mục tiêu ngăn ngừa vi phạm, khắc phục những tồn tại, hạn chế và làm cho “khuyết điểm sẽ bớt đi”.
Tóm lại, công tác kiểm tra có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước đối với hệ thống thi hành án dân sự. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổng cục Thi hành án dân sự tổng kết đảm bảo số liệu thống kê kết quả thi hành án dân sự chính xác, bền vững; thực hiện quản lý, chỉ đạo, dự báo và giao chỉ tiêu phù hợp với thực tiễn của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Thông qua công tác kiểm tra, Tổng cục Thi hành án dân sự ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2017 và có giải pháp nâng cao hơn nữa kết quả thi hành án của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong năm 2018 và những năm tiếp theo, phấn đấu làm cho hoạt động thi hành án dân sự ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
[1]. Về việc: Tổng số thụ lý là 882.630 việc, tăng 5,57% so với năm 2016, số có điều kiện thi hành là 693.264 việc, trong đó đã thi hành xong là 549.415 việc, đạt tỉ lệ 79,25%, tăng 18.987 việc (0,72%) so với năm 2016, vượt chỉ tiêu được giao 9,25%. Một số địa phương đạt kết quả cao về việc là: Điện Biên, Nam Định, Đắk Lắk, Đồng Tháp... Về tiền: Tổng số thụ lý là 172.959 tỷ 724 triệu 927 nghìn đồng, số có điều kiện thi hành là 92.000 tỷ 198 triệu 484 nghìn đồng, trong đó đã thi hành xong đạt tỷ lệ 38,31%, tăng 21,12% so với năm 2016, vượt chỉ tiêu được giao 8,31%. Một số địa phương đạt kết quả cao về tiền là: Điện Biên, Khánh Hòa, Nam Định, Quảng Nam, Tiền Giang...
[2]. Năm 2017, có 361 bản án, quyết định có nội dung theo dõi (trong đó kỳ trước chuyển sang là 63 việc, trong kỳ báo cáo là 297 việc). Đã thi hành xong 276 việc, còn 85 việc chưa thi hành xong (trong đó số bản án, quyết định chưa thi hành xong mà người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là 50 vụ việc). Các cơ quan thi hành án dân sự đã ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 297 việc, 64 vụ việc còn lại không thuộc diện phải ra văn bản thông báo do Tòa án đã có quyết định buộc thi hành án; đăng tải quyết định buộc thi hành án hành chính trên cổng, trang thông tin điện tử thi hành án dân sự đối với 40 trường hợp; có văn bản kiến nghị xem xét đối với 14 trường hợp có nghĩa vụ chấp hành án.
[3]. Tại Hội nghị chủ chốt tháng 9/2017, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự và lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm tra của Tổng cục và thảo luận thống nhất một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2018, đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo - Tổng cục Thi hành án dân sự đã thông tin về kết quả kiểm tra và đề xuất những giải pháp cần khắc phục trong công tác xác minh, phân loại án của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
[4]. Thông báo số 291/TB-TCTHADS ngày 09/10/2017 của Tổng cục Thi hành án dân sự thông báo kết luận của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự về triển khai những biện pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
Các tin khác
Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại Vướng mắc trong thụ lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và thụ lý ly hôn Biện pháp bảo đảm thi hành án và thực tiễn áp dụng Tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong trường hợp nào? Mối quan hệ giữa Toà án và Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự Bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu Hủy giấy chứng nhận kết hôn có coi là hủy hôn nhân trái pháp luật không? Xác định mục đích của nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2005