Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân như: Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư (khoá IX); Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 - 2012; Đề án 212... đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 tạo điều kiện để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần thiết thực vào việc ngăn chặn và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
1. Vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đời sống xã hội
Thứ nhất, phổ biến, giáo dục pháp luật tác động vào ý thức của các đối tượng trong xã hội
Với nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức và tác động trực tiếp đến ý thức của đối tượng. Trước hết, các hoạt động này tạo ra sự quan tâm đối với pháp luật. Từ chỗ không để ý đến sự tồn tại của pháp luật, đối tượng được phổ biến, giáo dục bắt đầu dành sự quan tâm của mình đối với pháp luật, đồng thời sự hiểu biết về pháp luật cũng ngày càng được nâng cao. Pháp luật chính là phương tiện hàng đầu để Nhà nước quản lý xã hội và cũng là phương tiện cho mỗi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giúp cho đối tượng nhận thức được những giá trị cao đẹp ấy của pháp luật và biết sử dụng phương tiện hữu hiệu đó trong cuộc sống. Bên cạnh đó, một vai trò hết sức quan trọng của phổ biến, giáo dục pháp luật là tạo được niềm tin vào pháp luật. Khi đã có niềm tin, đối tượng sẽ biết tự điều chỉnh hành vi của mình theo đúng các quy định của pháp luật. Không những thế, họ còn có ý thức phê phán, lên án những hành vi vi phạm, đi ngược lại với các quy định của pháp luật.
Thứ hai, phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng trong giáo dục chính trị tưởng
V.I. Lênin đã nhấn mạnh: “Luật là biện pháp chính trị, là chính trị”. Đường lối chính trị của Đảng ta là chỗ dựa của công cuộc đổi mới mọi mặt về chính trị, kinh tế, xã hội đã đi vào tất cả các mặt của hoạt động lập pháp, chỉ đạo nội dung của pháp luật. Có thể thấy rằng, ý thức pháp luật là một bộ phận của ý thức chính trị. Vì vậy, khi thực hiện giáo dục pháp luật sẽ tạo ra khả năng cho việc giáo dục chính trị, hình thành ở đối tượng giáo dục những hiểu biết nhất định về chính trị. Ngược lại, giáo dục chính trị có những sự đan xen nhất định trong nội dung của mình những tư tưởng pháp lý.
Thứ ba, giáo dục pháp luật chính là giáo dục ý thức pháp luật và đạo đức
Đạo đức là những tiêu chuẩn, những nguyên tắc ứng xử được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội. Trong các quan niệm về công bằng, thiện ác, nhân đạo, tự do, lương tâm, danh dự... không có sự đối lập giữa pháp luật và đạo đức. Pháp luật là chỗ dựa và là cơ sở của việc hình thành đạo đức mới. Các nguyên tắc căn bản của đạo đức mới được thể chế hoá thành các quy phạm pháp luật. Do đó, pháp luật bảo vệ và phát triển đạo đức, bảo vệ tính công bằng, chủ nghĩa nhân đạo, tự do, lòng tin và lương tâm con người. Giáo dục đạo đức tạo nên những tiền đề cần thiết để hình thành ở công dân sự tôn trọng sâu sắc đối với pháp luật. Ngược lại, giáo dục pháp luật tạo ra khả năng thiết lập trong đời sống thực tiễn thường ngày những nguyên tắc của đạo đức, củng cố các nghĩa vụ đạo đức, thiết lập lập trường không dung thứ với các biểu hiện chống đối xã hội. Có thể nói, giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức cùng tác động vào lòng tin của con người đối với sự cần thiết tuân theo những nguyên tắc cơ bản của đạo đức mới, lòng tin đối với giá trị xã hội của pháp luật và lòng tin đối với những quy phạm đạo đức và pháp luật trong đời sống thực tế hàng ngày, hướng đến hoàn thiện những mối quan hệ lẫn nhau giữa con người với con người.
Thứ tư, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật
Sự khẳng định vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội gắn liền với quá trình không ngừng nâng cao ý thức và tính tích cực tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ pháp luật. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa (mà một trong những yếu tố cấu thành là sự phát triển của nhận thức pháp luật và văn hoá pháp lý của nhân dân), mở rộng và hoàn thiện nền dân chủ sẽ không có ý nghĩa khi không thực hiện được một cách toàn diện, hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Việc thực thi và chấp hành pháp luật phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý của nhân dân. Đặc trưng rõ nét của ý thức pháp luật là thể hiện thái độ của các thành viên trong xã hội đối với kỷ cương, pháp luật là sự đánh giá và ghi nhận tính công bằng của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Pháp luật chỉ có thể trở thành công cụ có tác dụng điều chỉnh những hành vi đúng đắn khi sự cần thiết của nó đối với xã hội được ghi nhận, chấp nhận, khi mà nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật thực sự trở thành nhu cầu chấp hành một cách tự nguyện và có ý thức của bản thân mỗi người. Bởi thế có thể coi ý thức pháp luật như là tiền đề tư tưởng cho sự củng cố và phát triển nền pháp chế. Trong thực tế, không phải lúc nào việc chấp hành pháp luật cũng trở thành ý thức tự nguyện. Bởi vậy trong điều kiện hiện nay, vai trò của giáo dục pháp luật là hình thành ý thức pháp luật, góp phần giúp mỗi người nhận ra tính công bằng của pháp luật, chấp hành pháp luật trên cơ sở tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu của bản thân, mà không phải do sự sợ hãi trước sự trừng phạt.
Tuân thủ pháp chế xã hội chủ nghĩa còn phụ thuộc không nhỏ vào trình độ văn hoá pháp lý của nhân dân. Trình độ văn hóa pháp lý không chỉ phản ánh sự hiểu biết các quy định của pháp luật một cách tổng thể, cần thiết cho mỗi con người, gắn liền với các nghĩa vụ của họ, mà còn là sự hiểu biết một cách sâu sắc ý nghĩa của pháp luật trong cuộc sống xã hội, sự tôn trọng pháp luật và biết vận dụng pháp luật một cách đúng đắn. Như vậy, giáo dục pháp luật với những phương thức khác nhau, trong đó có phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tạo điều kiện cho việc nâng cao trình độ văn hoá pháp lý của người dân. Đồng thời, sự phát triển của văn hóa pháp lý cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước. Hiệu quả tác động này lại phụ thuộc vào trình độ văn hoá pháp lý của đội ngũ cán bộ, công chức; phụ thuộc vào việc họ thực thi đúng pháp luật, có thái độ tôn trọng pháp luật. Một trong những nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật hiện nay là do trình độ văn hoá pháp lý của một bộ phận nhân dân, trong đó có cả cán bộ, công chức còn thấp. Rõ ràng, việc nâng cao văn hoá pháp lý có quan hệ gắn bó mật thiết với việc tiếp tục tăng cường pháp chế.
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân trong giai đoạn hiện nay
Trong tình hình hiện nay, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là cần phải có các phương thức tác động làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của nhân dân đối với pháp luật. Người dân thường chỉ quan tâm tới pháp luật khi bản thân họ phải rơi vào tình thế sự việc miễn cưỡng, lợi ích bị xâm hại... dính líu tới pháp luật (kiện cáo, tranh chấp, bị phạt, bị cưỡng chế...). Bởi vậy, khi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần giải thích, phân tích cho người dân hiểu được rằng, pháp luật không chỉ bao gồm các quy định cưỡng chế, thực thi pháp luật, biện pháp giải quyết tranh chấp mà pháp luật còn bao gồm các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, khuyến khích sự giao dịch lành mạnh giữa các thành viên trong xã hội vì sự phát triển và bảo đảm trật tự ổn định. Pháp luật là môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho người giao dịch với nhau trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo cho các thành viên trong xã hội phụ thuộc và gắn bó với nhau một cách hợp lý. Trong thời gian tới để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cần quan tâm đề cập đến một số vấn đề sau:
Một là, coi trọng và xây dựng nhận thức đúng về vị trí, vai trò quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Quán triệt quan điểm, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ văn hóa pháp lý cho mọi tầng lớp nhân dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ động bố trí và kiện toàn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tạo cơ chế phối hợp giữa cán bộ phụ trách tư pháp với các cấp các ngành của địa phương trong giáo dục pháp luật cho cán bộ hội viên.
Hai là, xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa chuyên môn và các đoàn thể (như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh...) trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lồng ghép các hoạt động nhằm phổ biến kiến thức pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân.
Ba là, đổi mới phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo tính tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu, nhận thức bằng nhiều hình thức khác nhau như hình thức sân khấu hóa, áp dụng các phương thức hiện đại trong việc tuyền tải thông tin, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành... Qua đó, hình thành ý thức tự giác, thói quen học tập nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, sống học tập và làm việc theo pháp luật. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, triển khai trên diện rộng những hình thức mới đang phát huy hiệu quả trên thực tế như mạng internet, xây dựng chuyên mục phổ biến pháp luật, lựa chọn nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng sao cho có hiệu quả.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên có kế hoạch, các văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo các ngành đoàn thể địa phương đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực tiễn cho thấy, những thành công cũng như hạn chế đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đều xuất phát từ nhận thức của quần chúng. Vì thế, các cấp, các ngành, các đơn vị, cần làm tốt công tác giáo dục, làm rõ vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với việc nâng cao ý thức, điều chỉnh hành vi chấp hành pháp luật của cán bộ nhân dân. Công tác này phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên của các cấp. các ngành, các đơn vị.
Năm là, phát huy vai trò của người làm công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan, tổ chức, thường xuyên kiện toàn, bảo đảm đủ thành phần, có quy chế làm việc rõ ràng để hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên tham mưu, hướng dẫn các ban ngành đoàn thể, các đơn vị triển khai các kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp nội dung và tình hình mới. Tăng cường cả về số lượng và chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật của cơ quan, đơn vị. Cần có kế hoạch bố trí, bồi dưỡng nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật. Việc cung cấp thông tin pháp luật, tài liệu văn bản pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với tình hình mới. Việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình, nhận thức của các đối tượng được tuyên truyền. Trong đó cần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của quần chúng nhân dân đối với pháp luật. Tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu rõ vai trò của pháp luật trong cuộc sống để họ hiểu và tôn trọng pháp luật và chấp hành đúng pháp luật. Cần tăng cường nâng cao hiệu quả của Tủ sách pháp luật ở cơ sở, thường xuyên cập nhật các thông tin, nội dung mới của các văn bản quy phạm pháp luật để cán bộ và nhân dân thực hiện và áp dụng thống nhất các quy định pháp luật trong đời sống xã hội.
Khoa Giáo dục chính trị, Đại học Hải Phòng