Các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thủ tục, hình thức, trình tự áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bảo đảm chính xác, khách quan trong việc xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; góp phần tích cực vào việc giữ gìn trật tự, kỷ cương quản lý hành chính trên địa bàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với vi phạm hành chính. Các vụ việc vi phạm cơ bản đã được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo quy định. Sau 08 năm triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (từ tháng 7/2013 đến ngày 30/6/2021), toàn tỉnh Lào Cai đã ban hành 277.778 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền xử phạt là 586.441,4 triệu đồng. Trong đó, người có thẩm quyền xử phạt của lực lượng công an đã ban hành số lượng quyết định xử phạt nhiều nhất là 205.917 quyết định. Cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn toàn tỉnh đã ban hành 5.274 quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, trong đó: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn 1.584 trường hợp; đưa vào trường giáo dưỡng 23 trường hợp; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc 105 trường hợp; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 3.562 trường hợp.
Xử lý vi phạm hành chính là một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh cũng còn những khó khăn, bất cập nhất định. Hiện nay, kinh phí bố trí cho công tác xử lý vi phạm hành chính còn hạn hẹp, nhất là điều kiện bảo đảm cho cơ sở vật chất trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đội ngũ công chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh của một số đơn vị, lực lượng còn mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng, phức tạp, gây khó khăn cho công tác phát hiện và xử lý vi phạm. Với địa bàn chủ yếu là đồi núi, nhiều dân tộc sinh sống, đời sống nhân dân còn khó khăn, trình độ dân trí chưa cao nên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật mặc dù được thực hiện thường xuyên nhưng việc chấp hành pháp luật của một số người dân vẫn còn thấp. Cùng với đó, việc thi hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính bằng tiền còn khó khăn, một số đối tượng không có điều kiện kinh tế để nộp phạt… Mặt khác, quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước nên việc nghiên cứu, áp dụng các quy định pháp luật về vấn đề này (đặc biệt là trong áp dụng các biện pháp xử lý hành chính) chưa toàn diện...
Sở Tư pháp thực hiện chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương. Nhận thức rõ tầm quan trọng của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nên ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Lào Cai tập trung triển khai thi hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Qua đó, nhận thức của các tổ chức, cá nhân về công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính được nâng lên; bảo đảm trật tự, kỷ cương trong quản lý xã hội; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Trình tự, thủ tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa bảo đảm tính pháp lý; việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa triệt để; có quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước; công tác lưu trữ hồ sơ, thống kê, theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả xử phạt vi phạm hành chính chưa đầy đủ, kịp thời; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính chưa thường xuyên, liên tục, chưa có sự thống nhất nên hiệu quả của công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân tiếp theo xuất phát từ năng lực chưa cao của một số công chức, viên chức tham mưu và những cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Những sai phạm trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là nghiêm trọng, vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức; gây mất uy tín của cơ quan nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân với Nhà nước, mất trật tự, an ninh xã hội.
Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và thực trạng thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong những năm vừa qua, từ yêu cầu nhiệm vụ và những cơ sở pháp lý đặt ra, để tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đối với công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời, nâng cao nhận thức pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, việc xác định và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính là hết sức cần thiết. Theo đó, tỉnh Lào Cai cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật xử lý vi phạm hành chính phải được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức mới, phong phú, đa dạng hơn. Lồng ghép nội dung theo dõi việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính vào chương trình công tác pháp chế hàng năm của các cơ quan, đơn vị; nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; tăng cường nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, trường học nhằm tuyên truyền rộng rãi các quy định về xử lý vi phạm hành chính cho mọi tầng lớp nhân dân và lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, cán bộ chuyên trách theo dõi thi hành pháp luật. Mục tiêu của giải pháp là góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong công tác theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính của cán bộ, công chức, viên chức, cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn, từng bước hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật.
Hai là, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính và những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, qua đó, góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, hạn chế những sai sót trong quá trình thực thi công vụ về xử lý vi phạm hành chính.
Ba là, xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan chức năng, tăng cường đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính đủ về số lượng và có năng lực nghề nghiệp, trình độ chuyên môn vững vàng về xử lý vi phạm hành chính.
Bốn là, tăng cường trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra và xử lý các quyết định xử phạt vi phạm hành chính thông qua việc kiểm tra, xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Cần xem xét trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm trong việc xử lý, ban hành và tham mưu ban hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính không phù hợp với quy định của pháp luật.
Năm là, bảo đảm các điều kiện cho công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính như xây dựng cơ chế tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị, phục vụ cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Sáu là, thường xuyên rà soát để đề nghị sửa đổi, bổ sung những điểm bất cập, vướng mắc trong hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, bảo đảm hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính ngày càng hoàn thiện, thống nhất, có tính khả thi cao.
Bảy là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi văn bản, tài liệu, báo cáo, số liệu thống kê; phối hợp kiểm tra, xây dựng văn bản có liên quan...
Tám là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, sớm hoàn thiện việc xây dựng phần mềm dùng chung và hệ thống Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính đầy đủ, đồng bộ, thống nhất trên địa bàn để tập trung quản lý.
Thực hiện tốt những giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giúp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh, trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lào Cai