1. Thực trạng giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân tại Tòa án nhân dân trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
1.1. Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân
Hình ảnh, uy tín, danh dự, nhân phẩm, quyền riêng tư của cá nhân đang trở nên ngày càng mỏng manh bởi sự phát triển của công nghệ. Những nhóm quyền này dễ bị xâm phạm trên không gian mạng bởi sự rò rỉ thông tin phục vụ phát triển Big data; bởi những phát ngôn lăng mạ, vu khống bịa đặt cá nhân trên môi trường mạng xã hội như: Zalo, facebook và được lan tỏa một cách chóng mặt bởi sự liên kết của nhiều thiết bị thông qua mạng internet.
Theo báo cáo của tổ chức We Are Social năm 2018, dân số Việt Nam là hơn 96 triệu người với 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số (tăng 28% so với năm 2017), tỷ lệ người thường xuyên sử dụng mạng xã hội là 57% với 55 triệu người (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017), thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội của một người là 02 giờ 37 phút mỗi ngày[1]. Đây là tỷ lệ khá cao so với mức trung bình của toàn cầu.
Việc thu thập thông tin phục vụ phát triển Big data có thể thông qua nhiều con đường, tuy nhiên sự phát triển của mạng xã hội, internet, đặc biệt là IoT (Internet of Things[2]) là một trong những cách dễ dàng và hiệu quả. Việc khai thác dữ liệu phát triển Big data thông qua IoT đang trở nên phổ biến. Đây gần như là phương án hiệu quả nhất cho việc thu thập dữ liệu, thông qua phương pháp này, thông tin người dùng có thể bị nghe lén, đánh cắp mà chủ nhân của thiết bị cũng không hay biết.
Mạng xã hội với những nghi vấn làm rò rỉ thông tin người dùng cụ thể như Facebook đã bị điều trần trước lưỡng viện Mỹ hay Ccleaner - ứng dụng dọn dẹp khá phổ biến với phiên bản 5.45 tự ý thu thập thông tin người dùng thông qua tính năng ẩn... Điều này đang xâm phạm rất lớn đến quyền riêng tư của cá nhân, thông tin của bản thân bị khai thác trái phép phục vụ cho mục đích thương mại.
Thêm vào đó, theo một khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet & Xã hội của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, hành vi nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự cá nhân, tổ chức và hành vi vu khống, bịa đặt thông tin là những hình thức phổ biến nhất về phát ngôn tấn công, gây thù ghét trên mạng xã hội tại Việt Nam[3]. Những phát ngôn trên mạng xã hội Việt Nam có khi là phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quê quán hay có khi chỉ đơn giản là do bất đồng quan điểm mà đã đưa ra các phát ngôn, hình ảnh, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, dùng danh tính “ảo” hoặc ẩn danh để tung tin giả gây khủng hoảng thậm chí đe dọa tính mạng của người dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khôn lường.
Như vậy, cá nhân có thể không hề biết mình đang bị xâm phạm quyền riêng tư hoặc không biết ai đang xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, hình ảnh của mình. Trường hợp nhận thấy thông tin cá nhân bị xâm phạm nhưng để đủ chứng cứ khởi kiện rất khó khăn nếu không thật sự chuyên sâu về công nghệ, do đó, người bị xâm phạm thường để mặc nếu hậu quả không quá nghiêm trọng hoặc chấp nhận hậu quả đó.
Với những thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra, pháp luật sẽ “đáp trả” như thế nào hay cụ thể hơn quy trình, phương pháp giải quyết tranh chấp như thế nào để kịp thời bảo vệ, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho bên bị xâm phạm? Đây là câu hỏi mang tính toàn cầu cần được giải đáp.
1.2. Thực trạng giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân
Có thể khẳng định tại Việt Nam hiện nay, những vụ tranh chấp liên quan đến bảo vệ quyền nhân thân, phổ biến nhất là những vụ án về xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, hình ảnh trên môi trường internet, mạng xã hội đang có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất. Những vụ việc trên mạng xã hội đều có thể được giải quyết bằng cách thương lượng hoặc do sức ép của dư luận, cộng đồng mạng yêu cầu cải chính công khai. Tuy nhiên, luôn có những vụ tranh chấp không thể tự giải quyết, cần có sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền là Tòa án.
Có thể nhận thấy, với những vụ việc đơn giản, biết rõ danh tính các bên đương sự, chứng cứ có thể dễ dàng nhận thấy, thì việc giải quyết tại Tòa án vẫn tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian xử lý khá lâu, mà những trường hợp bị xâm hại đến quyền nhân thân cần được đính chính ngay, chưa kể đến những bất cập đang còn tồn tại ở quy trình thủ tục tố tụng hiện nay. Như đã phân tích ở trên, khi những vụ việc xảy ra với tần suất nhiều hơn, mức độ tinh vi hơn, những tổ chức công nghệ lớn với nhiều thủ đoạn về công nghệ, thì Tòa án sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế, số lượng người vi phạm đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ và hậu quả của những hành vi đó ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, điều đáng nói là số lượng người bị xâm phạm rất nhiều, nhưng chỉ số ít những người bị xâm phạm (cho dù thủ tục mất thời gian) đứng lên đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình đến cùng tại Tòa án. Còn lại hầu hết các vụ việc đều chìm xuống và người vi phạm không bị xử lý thích đáng do người bị vi phạm ngại đấu tranh. Đó cũng là một trong các nguyên nhân chính khiến cho việc xâm phạm hình ảnh, danh dự, uy tín, quyền riêng tư của người khác trên mạng internet vẫn diễn ra tràn lan, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội như: Facebook, zalo… một cách công khai, ngang nhiên như một hành vi hợp pháp, được thừa nhận.
2. Đánh giá hiệu quả giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân tại Tòa án nhân dân
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, hành vi xâm phạm đến hình ảnh, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân của người khác trên internet và mạng xã hội ngày càng phổ biến, tuy nhiên, số lượng tranh chấp về vấn đề này chưa được khởi kiện nhiều tại Tòa án với nhiều lý do khác nhau, cụ thể:
Thứ nhất, người bị xâm phạm đã quen dần với việc quyền nhân thân của họ thường xuyên bị xâm phạm đặc biệt là người nổi tiếng, với hậu quả xảy ra chưa nghiêm trọng nên họ thường lựa chọn phương thức im lặng để bỏ qua.
Thứ hai, người bị xâm phạm lo lắng về những “hậu quả ngược” có thể xảy ra nếu đưa vụ việc ra Tòa án như: Có nhiều người biết hơn về vụ việc (đặc biệt là những người nổi tiếng), chi phí khởi kiện...
Thứ ba, người bị xâm phạm thường có suy nghĩ đầu tiên là liên hệ với người có hành vi xâm phạm để đưa ra những yêu cầu của mình như: Yêu cầu bồi thường, yêu cầu chấm dứt và khắc phục hành vi vi phạm hay yêu cầu xin lỗi... Đây là phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải - một trong những cách thức giải quyết hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí mà quan trọng là không bị công khai cho nhiều người biết.
Thứ tư, do quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn chưa cụ thể, rõ ràng nên các Tòa án cũng chưa có nhiều biện pháp hiệu quả, thống nhất để giải quyết các loại tranh chấp này.
Bên cạnh đó, pháp luật chưa quy định cụ thể chế tài xin lỗi, cải chính công khai trên mạng xã hội, internet nên các Tòa án đã ra các quyết định không thống nhất. Có Tòa án không chấp nhận yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai trên facebook; có Tòa án lại chấp nhận nhưng chỉ là yêu cầu “cải chính công khai” chứ không phải là “xin lỗi công khai” trên facebook. Việc áp dụng không thống nhất các chế tài của Tòa án đã làm hạn chế việc bảo vệ quyền nhân thân đối với hình ảnh, uy tín, danh dự, nhân phẩm khi bị xâm phạm trong không gian mạng internet của cá nhân trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay. Bởi vì, “sai ở đâu thì sửa ở đó”, hành vi xâm phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh, uy tín, danh dự, nhân phẩm được thực hiện trong không gian mạng internet thì việc xin lỗi công khai hay cải chính thông tin cũng phải được thực hiện trên chính phương tiện này thì mới đảm bảo độ lan truyền rộng rãi của lời xin lỗi, cải chính và khắc phục phần nào thiệt hại về tinh thần và vật chất mà nạn nhân đã phải gánh chịu.
Đối những vụ việc được đưa ra giải quyết tại Tòa án, tuy đa số đều giải quyết xong nhưng thời gian giải quyết khá lâu và còn gặp nhiều vướng mắc khiến cho kết quả giải quyết chưa được như mong đợi của người bị xâm hại. Do đó, cần có những biện pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền nhân thân tại Tòa án trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
3. Kiến nghị nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp tại Tòa án trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
Hiện nay, với sự gia tăng của các hoạt động trên môi trường số, Tòa án cần phát triển để phù hợp hơn cùng thời đại. Cụ thể, việc xử lý các vụ việc tranh chấp như hiện nay đòi hỏi chi phí, thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian và cần sự có mặt của đương sự tại Tòa án nhiều lần, trong khi đó, việc ứng dụng những công nghệ mới có thể giải quyết hầu hết những bất cập đó. Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều công trình, thành tựu hữu ích. Vì thế, vận dụng lợi ích của Cách mạng công nghiệp 4.0 là bước đi hiệu quả không chỉ riêng ngành Tòa án mà hầu hết các lĩnh vực. Từ đó, tác giả có một số đề xuất sau:
Thứ nhất, Nhà nước cần tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp về quyền nhân thân để đảm bảo tính thống nhất. Vì muốn hiệu quả giải quyết tranh chấp về bảo về quyền nhân thân được nâng cao tại Tòa án thì cần có những quy định pháp luật chi tiết và rõ ràng để thủ tục áp dụng được tiến hành nhanh, thuận lợi; tránh trường hợp mỗi Tòa án xử theo một cách thức khác nhau.
Ví dụ, khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Tuy nhiên, việc xác định “thù lao cho người có hình ảnh” hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể, do đó, nếu có tranh chấp về mức thù lao mà các bên không thỏa thuận được cũng là một khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết. Mặt khác, do chưa có điều luật cụ thể quy định về bồi thường thiệt hại khi hình ảnh bị xâm phạm nên khi giải quyết tranh chấp về vấn đề này, cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào quy định chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đề giải quyết. Tuy nhiên, với hành vi phát tán hình ảnh của cá nhân nhằm xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, uy tín, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình họ ngoài việc phải bồi thường vật chất, còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần. Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự, mức bồi thường thiệt hại về tinh thần trước hết do các bên thỏa thuận, nếu các bên không thể thỏa thuận thì Tòa án sẽ xác định một mức hợp lý nhưng không vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Tuy nhiên, với quy định mức bồi thường không vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì không phản ánh hết được những thiệt hại của chủ thể hình ảnh vì chủ thể hình ảnh luôn luôn độc lập với nhau trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng như mức độ vi phạm của hành vi xâm phạm hình ảnh của cá nhân liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trên môi trường mạng xã hội có những đặc thù riêng so với các trường hợp xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình thông thường.
Thứ hai, xây dựng cơ chế Tòa án trực tuyến. Việc xử lý các vụ việc về quyền nhân thân thường đòi hỏi sự có mặt của các đương sự tại trụ sở Tòa án rất nhiều lần. Gặp gỡ trực tiếp giữa cán bộ Tòa án với các đương sự có liên quan là cần thiết, tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ việc thường mất khá nhiều thời gian, khiến cho các đương sự gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trường hợp nguyên đơn là người nổi tiếng, người bận rộn thường xuyên đi công tác, không có mặt tại nơi có Tòa án giải quyết vụ việc. Điều này có thể không còn đúng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Các thành tựu mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại được ứng dụng vào việc tổ chức và vận hành Tòa án nhằm giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả. Để tiết kiệm thời gian, công sức cho các bên tham gia kiện tụng nhờ vào việc ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, một vài năm gần đây, nhiều quốc gia đã thiết lập Tòa án trực tuyến. Chẳng hạn, từ năm 2017, Trung Quốc đã chính thức thiết lập một số Tòa án giải quyết tranh chấp trực tuyến qua mạng internet (còn gọi là Tòa án Internet) đó là: Tòa án Internet Hàng Châu (thành lập vào tháng 8/2017), Tòa án Internet Bắc Kinh và Tòa án Internet Quảng Châu (được thành lập vào tháng 9/2018)[4].
Thứ ba, nâng cao trình độ, kỹ năng cũng như kiến thức chuyên môn của thẩm phán trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền nhân thân.
Thứ tư, tuyên truyền, phố biến pháp luật về bảo vệ quyền nhân thân cho mọi người thông qua các trang mạng, báo chí, đài phát thanh - truyền hình… để giúp mọi người nhận thức rõ hơn về vấn đề này, từ đó có thể giảm thiểu khả năng vi phạm cũng như giúp cho người bị xâm hại biết được quyền và lợi ích của mình.
Lê Hồng Thái
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1]. We Are Social, Digital in 2018 in Viet Nam, tham khảo trực tuyến tại: Https://www.slideshare.net/truongbang/digital-in-2018-vietnam, đăng tải ngày 26/02/2018.
[2]. Internet of Things, hay IoT, Internet vạn vật là đề cập đến hàng tỷ thiết bị vật lý trên khắp thế giới hiện được kết nối với internet, thu thập và chia sẻ dữ liệu. Nhờ bộ xử lý giá rẻ và mạng không dây, có thể biến mọi thứ, từ viên thuốc sang máy bay, thành một phần của IoT. Điều này bổ sung sự “thông minh kỹ thuật số” cho các thiết bị, cho phép chúng giao tiếp mà không cần có con người tham gia và hợp nhất thế giới kỹ thuật số và vật lý.
[3]. TS. Phạm Hải Chung, Thực trạng phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo “Phạm vi và giới hạn của tự do Internet”, Khoa Luật - Đại học Quốc Gia Hà Nội, ngày 29/5/2018, tr. 30 - 31.
[4]. TS. Nguyễn Văn Cương, Một số yêu cầu đổi mới tư duy pháp lý thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tài liệu Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Cách cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” ngày 24/6/2019, tại Hà Nội, tr. 73.