Theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (gọi tắt là Hội đồng) được thành lập ở ba cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Hội đồng Trung ương do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; Hội đồng cấp tỉnh, cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thành lập. Hội đồng là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và huy động nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; cơ quan thường trực Hội đồng của Trung ương là Bộ Tư pháp, của Hộ đồng cấp tỉnh là Sở Tư pháp, của Hội đồng cấp huyện là Phòng Tư pháp (Điều 7); thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng được quy định tại Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập, củng cố, kiện toàn Hội đồng Trung ương khi có sự thay đổi về nhân sự (Quyết định số 1060/QĐ-TTg ngày 05/7/2013; Quyết định số 1500/QĐ-TTg ngày 26/8/2014; Quyết định số 1430/QĐ-TTg ngày 20/9/2017). Tại 100% cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đều đã ban hành quyết định thành lập; củng cố, kiện toàn Hội đồng cùng cấp; ban hành quy chế hoạt động. Thành viên Hội đồng được phân công, giao nhiệm vụ phụ trách một số lĩnh vực, địa bàn theo quy chế hoạt động; Ban Thư ký giúp việc Hội đồng được củng cố, kiện toàn cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (Quyết định số 3010/QĐ-HĐPH ngày 09/12/2013; Quyết định số 2610/QĐ-HĐPH ngày 21/12/2017; Quyết định số 2056/QĐ-HĐPH ngày 19/8/2013 và Quyết định số 2611/QĐ-HĐPH ngày 21/12/2017). Hàng năm, Hội đồng các cấp đều tổ chức họp định kỳ 02 lần theo quy chế hoạt động, ban hành kế hoạch, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra để nắm bắt tình hình; kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; có văn bản, kế hoạch định hướng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành Hiến pháp, pháp luật trong toàn xã hội.
Từ thực tiễn hoạt động cho thấy thiết chế Hội đồng hoạt động khá hiệu quả, bước đầu phát huy vai trò trong tư vấn cho Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong hoàn thiện thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng, ban hành, kiểm tra, đôn đốc chương trình, kế hoạch trung hạn, dài hạn về phổ biến, giáo dục pháp luật; xác định nội dung trọng tâm cần phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm; đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, lồng ghép, gắn kết chặt chẽ hơn giữa chức năng tư vấn, tham mưu của Hội đồng với chức năng phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành; kịp thời định hướng chủ đề, nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam; tư vấn, tham mưu triển khai quán triệt, phổ biến Hiến pháp, luật, pháp lệnh và các văn bản mới để kịp thời đưa chủ trương, chính sách pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm quyền được thông tin pháp luật của nhân dân, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong hoạt động của Hội đồng các cấp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc tư vấn tham mưu, ban hành chương trình, đề án, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật; kế hoạch hoạt động của Hội đồng hằng năm còn chậm; tính chất tư vấn, tham mưu của một số Hội đồng chưa rõ nét. Hiệu quả công tác phối hợp trong phổ biến, giáo dục pháp luật chưa cao, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng, nhất là trong chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành và phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Việc triển khai chương trình, kế hoạch phối hợp về phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thường xuyên. Một số Hội đồng cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chưa thực chất, thiếu thường xuyên, hiệu quả thấp; có nơi còn giao hoàn toàn cho cơ quan tư pháp; chưa phân định rõ trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng; chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như hiệu quả chưa rõ nét, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt trong ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; thiếu thường xuyên, liên tục và rộng khắp…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên như vẫn còn cơ quan, tổ chức, người đứng đầu nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chưa thấy hết trách nhiệm, cá biệt còn coi phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của riêng Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp. Một số Hội đồng, Ban Thư ký chậm được củng cố, kiện toàn, chưa phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; hầu hết thành viên Hội đồng đều kiêm nhiệm, chế độ, chính sách đãi ngộ thấp. Một số thủ trưởng cơ quan, tổ chức, thành viên Hội đồng chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm khi tham gia Hội đồng nên chưa chủ động đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến lĩnh vực, địa bàn, đối tượng quản lý.
2. Một số giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật
Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cùng với việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cần chú trọng một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; bám sát hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn số 6265/BTP-PBGDPL ngày 24/11/2017 về kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng để triển khai các hoạt động của Hội đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương; kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập, những quy định không khả thi hoặc không còn phù hợp với thực tiễn để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Thứ hai, thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn Hội đồng, Ban Thư ký giúp việc Hội đồng khi có sự thay đổi thành viên (do nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc không còn được giao giúp thủ trưởng cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật). Từng thành viên Hội đồng, Ban Thư ký giúp việc Hội đồng cần quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc trách nhiệm được giao theo Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg; Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg; sớm rà soát, ban hành và triển khai thực hiện tốt quy chế hoạt động của Hội đồng để phân công rõ phạm vi trách nhiệm của tập thể Hội đồng, của từng thành viên gắn với nhiệm vụ thường xuyên, có tính ổn định theo lĩnh vực, địa bàn, đối tượng quản lý. Thành viên Hội đồng đến từ cơ quan, tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn, đối tượng được giao quản lý nhà nước của cơ quan, tổ chức mà mình là đại diện. Thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, đánh giá, tổng kết thực tiễn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến lĩnh vực, địa bàn quản lý và tham mưu, đề xuất Hội đồng các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các thành viên Hội đồng, Ban Thư ký giúp việc Hội đồng với nhau và với cơ quan thường trực Hội đồng (Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp). Hội đồng cần làm tốt công tác tư vấn, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong hoàn thiện thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật; trong công tác lập kế hoạch trung hạn, dài hạn, hằng năm; chỉ đạo, hướng dẫn định hướng chủ đề, nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật hằng năm; điều tiết các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phân bổ nguồn lực bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực hiệu quả; huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia.
Thứ tư, để cao trách nhiệm, phát huy đầy đủ vai trò của từng thành viên Ban Thư ký giúp việc Hội đồng, của cơ quan thường trực Hội đồng trong tư vấn, tham mưu giúp Hội đồng triển khai chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; gắn trách nhiệm của thành viên Hội đồng, Ban Thư ký giúp việc Hội đồng với trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thành viên tham gia Hội đồng, Ban Thư ký giúp việc Hội đồng.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới nội dung hoạt động của Hội đồng gắn với chú trọng việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và đề ra các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các phiên họp Hội đồng, Ban Thư ký giúp việc Hội đồng; đa dạng hóa các hình thức hoạt động của Hội đồng gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ, duy trì hoạt động (nhất là trong phối hợp, trao đổi thông tin tại các cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản, qua email) và trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để phát huy trí tuệ tập thể và đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Hội đồng tại các phiên họp và tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng liên quan đến lĩnh vực được giao phụ trách.
Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp