Abstract: Improving the investigation efficiency of the investigating agency in the People's Public Security, which plays a very important role in the fight and prevention of crime in our country in the current period, has been cared by the Ministry of Public Security, and this Ministry has promulgated a master plan with a high political, legal and practical basis, contributing to ensuring and improving the quality of the fight and prevention work according to the functions, tasks and powers of the public people's security forces.
1. Sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân ở nước ta hiện nay[1]
Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân là một trong những Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền tiến hành hầu hết các loại tội phạm được quy định trong Phần Các tội phạm - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Xuất phát từ thẩm quyền điều tra được quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân phải đảm nhiệm công tác điều tra một khối lượng vụ án hình sự rất lớn. Theo thống kê của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra trong giai đoạn từ năm 2018 đến hết tháng 6/2021, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân phải giải quyết 455.255 việc tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Bên cạnh đó, số liệu thống kê cũng cho thấy, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân cũng đã khởi tố, điều tra 355.220 vụ án hình sự với 502.026 bị can. Như vậy, xét trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý các loại tội phạm hình sự ở nước ta hiện nay.
Xuất phát từ vai trò rất quan trọng của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đã thường xuyên quan tâm, có những chỉ đạo kịp thời về điều chỉnh mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn để bảo đảm và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan này. Sự quan tâm, chỉ đạo nói trên được cụ thể hóa trong những quy định của pháp luật về mô hình tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân. Theo đó, căn cứ vào đặc điểm tình hình diễn biến, xu hướng phát triển của các loại tội phạm và yêu cầu thực tế của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong từng thời kỳ, Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật quy định về mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân sao cho phù hợp với tình hình công tác, cụ thể như: Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 1989, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung các năm 2006, 2009) và đặc biệt là Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Trong những năm qua, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát hiện, khởi tố, điều tra các loại tội phạm theo thẩm quyền được giao. Hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân được thể hiện trên một số khía cạnh cụ thể như:
Thứ nhất, về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố: Theo thống kê của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, trong giai đoạn từ 2018 đến hết tháng 6/2021, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã ra quyết định giải quyết 382.558/455.255 việc tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố phải giải quyết (đạt tỉ lệ 84,03%), trong đó có 199.887 quyết định khởi tố vụ án, 117.718 quyết định không khởi tố vụ án.
Thứ hai, về kết quả điều tra: Trong giai đoạn từ năm 2018 đến hết tháng 6/2021, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 355.220 vụ án hình sự với tổng số 502.026 bị can. Kết quả, Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra 221.139 vụ (đạt tỉ lệ 62,3% số vụ) với 367.605 bị can (đạt tỉ lệ 73,2% số bị can), trong đó, đề nghị truy tố 212.694 (đạt tỉ lệ 96,2% số vụ kết thúc điều tra) với 360.348 bị can (đạt tỉ lệ 98,02% số bị can trong các vụ án đã kết thúc điều tra). Từ những số liệu thống kê nói trên, có thể đánh giá những kết quả mà Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã góp phần tích cực trong việc ngăn chặn, kiềm chế hoạt động phạm tội của nhiều loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự ở nước ta trong thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hoạt động của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân vẫn bộc lộ một số thiếu sót nhất định, cụ thể là:
Một là, số lượng tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố bị tạm đình chỉ và tồn đọng từ năm trước sang năm sau vẫn còn chiếm tỉ lệ tương đối cao. Theo số liệu thống kê của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, từ năm 2018 đến hết tháng 6/2021 có tổng số 44.931 trường hợp ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (chiếm tỉ lệ 9,9% tổng số tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải giải quyết), bên cạnh đó, trung bình hàng năm còn tồn đọng 20.778 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố từ năm trước sang năm sau.
Hai là, quá trình áp dụng các biện pháp ngăn chặn vẫn còn nhiều trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, số liệu thống kê cũng chỉ ra trong giai đoạn từ năm 2018 đến tháng 6/2021 có 388 trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, 466 trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam của Cơ quan điều tra.
Ba là, số lượng vụ án bị đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra, trả hồ sơ để điều tra bổ sung và điều tra lại khá cao, số liệu thống kê của của Văn phòng Cơ quan điều tra cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2018 đến hết tháng 6/2021, có 8.455 vụ bị đình chỉ điều tra (chiếm tỉ lệ 3,82% tổng số vụ án Cơ quan điều tra thụ lý), 7.526 bị can bị đình chỉ điều tra (chiếm tỉ lệ 1,41% tổng số bị can bị khởi tố), bên cạnh đó, có 47.599 vụ bị tạm đình chỉ điều tra (chiếm tỉ lệ 13,4% tổng số vụ án Cơ quan điều tra thụ lý), 9.461 bị can được tạm đình chỉ điều tra (chiếm tỉ lệ 1,88% tổng số bị can bị khởi tố), ngoài ra, có 08 vụ án bị trả hồ sơ để điều tra lại, 41 vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Những số liệu thống kê trên cho thấy, mặc dù Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân có tỉ lệ điều tra, khám phá thành công các vụ án hình sự cao, nhưng trong quá trình hoạt động vẫn bộc lộ những thiếu sót nhất định làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong bối cảnh tình hình tội phạm ở nước ta hiện nay đang có những diễn biến hết sức phức tạp, gia tăng cả về số vụ và số đối tượng, phương thức, thủ đoạn cũng có xu hướng tinh vi, xảo quyệt hơn, đặc biệt là thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, câu kết giữa đối tượng phạm tội trong nước và nước ngoài để hoạt động đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng, trong đó có Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân. Hơn nữa, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, những quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã đặt ra yêu cầu lớn hơn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân trong việc bảo đảm tính chính xác, khách quan, toàn diện của hoạt động điều tra hình sự. Những vấn đề thực tiễn và lý luận nói trên đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân nói riêng phải không ngừng đổi mới nhằm nâng cao năng lực công tác để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
2. Cơ sở pháp lý định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân
Một là, các quan điểm chỉ đạo của Đảng:
Vấn đề nâng cao năng lực của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân giai đoạn 2021 - 2025 là một chủ trương chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phù hợp với xu thế, tình hình mới trong lĩnh vực đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm ở nước ta. Vấn đề có tính chất chỉ đạo nói trên được thể hiện qua một số văn kiện cụ thể như: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với mục tiêu cụ thể là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Bên cạnh đó, Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc với tư tưởng chỉ đạo xuyên xuốt đó là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm nhằm mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất đó là bảo đảm nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời, chính xác, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật và quy định của Đảng. Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã xác định vấn đề cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế là vấn đề then chốt, trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2030. Để thực hiện được mục tiêu nói trên vấn đề đặt ra đó là phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân.
Hai là, các quy định của pháp luật hiện hành:
- Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định rất chặt chẽ nhằm bảo vệ các quyền của công dân, hạn chế việc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong các hoạt động tố tụng hình sự thông qua quy định về kiểm soát quyền lực nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng và bảo đảm quyền được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích của bị can, bị cáo, đương sự.
- Những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về bảo đảm cơ chế giám sát của các cơ quan, tổ chức, Viện kiểm sát đối với công tác điều tra vụ án hình sự.
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định mở rộng các quyền của người bị buộc tội, đặc biệt quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”, bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định về việc tăng cường, bảo đảm hoạt động tranh tụng trong các giai đoạn tố tụng hình sự cũng đòi hỏi phải nâng cao năng lực của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân.
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng đề ra những quy định mới về sự tham gia của người bào chữa, kiểm sát viên vào các hoạt động tố tụng hình sự và những quy định về tiến hành tố tụng trong điều kiện ghi âm, ghi hình có âm thanh, tiến hành tố tụng trong vụ án có sự tham gia của người dưới 18 tuổi. Điều này đòi hỏi đội ngũ điều tra viên, cán bộ điều tra phải được trang bị, huấn luyện, đào tạo những kỹ năng để có thể tiến hành các hoạt động điều tra vụ án hình sự theo những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 một cách có hiệu quả.
3. Một số phương hướng nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay
Thứ nhất, cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an cần rà soát lại biên chế và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra hình sự.
Thứ hai, cơ quan điều tra các cấp cần chú trọng áp dụng các biện pháp điều tra kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ trong điều tra vụ án hình sự.
Thứ ba, nâng cao năng lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp.
Thứ tư, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với điều tra viên, cán bộ điều tra, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của điều tra viên, cán bộ điều tra trong thời gian tới.
Thứ năm, Bộ Công an cần nghiên cứu tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ hoạt động của Cơ quan điều tra các cấp trong lực lượng Công an nhân dân.
Học viện Cảnh sát nhân dân
[1]. Số liệu sử dụng trong mục này được trích dẫn theo Báo cáo tổng kết năm 2018, 2019, 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.