1. Quy định pháp luật về tra cứu, xác minh phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Theo quy định tại Điều 47 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, hoạt động phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện tại cơ sở dữ liệu của Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (sau đây gọi tắt là Trung tâm). Theo đó, Sở Tư pháp và Trung tâm có nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp từ thời điểm Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 có hiệu lực pháp luật (ngày 01/7/2010). Đối với thông tin lý lịch tư pháp có từ ngày 01/7/2010 thì tra cứu tại cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp.
Tuy nhiên, do hệ thống cơ sở dữ liệu của Ngành Tư pháp mới được triển khai xây dựng nên đối với những thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày 01/7/2010, cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải phối hợp tra cứu, xác minh tại các cơ quan khác như: Tòa án, Viện kiểm sát, các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cơ quan thi hành án dân sự (Điều 55 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009). Để triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 và giải quyết thực trạng tình hình, ngày 23/11/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (Nghị định số 111/2010/NĐ-CP). Tiếp theo đó, ngày 10/5/2012, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp (Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP). Đối với thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày 01/7/2010 thì tra cứu tại cơ quan Công an (Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an cấp tỉnh và Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Bộ Công an). Trường hợp kết quả tra cứu thông tin lý lịch tư pháp tại cơ quan Công an vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận hoặc nội dung về tình trạng án tích của đương sự có điểm chưa rõ ràng, đầy đủ thì cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp (Trung tâm và Sở Tư pháp) gửi văn bản đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án hoặc Tòa án đã xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến đương sự để tra cứu hồ sơ, nhằm khẳng định người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp có án tích hay không có án tích.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, cũng như phù hợp với thực tiễn công tác tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, bảo đảm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân theo quy định của pháp luật, ngày 09/7/2015, Trung tâm và Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Bộ Công an đã ký Quy chế số 01/QCPH-TTLLTPQG-C53 trong công tác tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp, gọi là giải pháp “Kiềng ba chân” (Quy chế số 01/QCPH-TTLLTPQG-C53). Việc xử lý hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp sẽ chủ yếu trên môi trường mạng, theo đó, Sở Tư pháp chuyển hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên Phần mềm, Trung tâm sẽ truyền trực tiếp qua mạng yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp và hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu của cá nhân tới Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát. Kết quả tra cứu, xác minh thông tin qua đường mạng được thể hiện bằng Thông báo kết quả tra cứu để cấp Phiếu qua đường mạng có giá trị như văn bản giấy (bản giấy sẽ gửi sau để kiểm soát và lưu trữ). Trên cơ sở kết quả tích cực của Quy chế số 01/QCPH-TTLLTPQG-C53 và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn, Trung tâm và Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát đã ký Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018 nhằm thực hiện giải pháp “Xây dựng giải pháp kỹ thuật thực hiện Quy chế phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp” (Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53). Theo đó, thực hiện Quy chế số 02, Sở Tư pháp sẽ không cần phải phân loại hồ sơ mà có thể tiến hành tra cứu đồng thời tại 03 cơ quan: Trung tâm - Bộ Tư pháp; Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06), Bộ Công an; Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV06), Công an cấp tỉnh (PV06) trên đường truyền mạng qua Phần mềm Hỗ trợ tra cứu, xác minh, thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Ngày 09/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (Chỉ thị số 23/CT-TTg), trong đó yêu cầu các cơ quan rà soát lại các thủ tục để cắt giảm các yêu cầu người dân phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý và nhiều nội dung khác như: Phân quyền cho các Sở Tư pháp tự tra cứu, xác minh trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Trung tâm; thí điểm việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID để giảm thủ tục cho người dân và tiến tới triển khai trên toàn quốc.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp có văn bản gửi các Sở Tư pháp về việc triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg. Đồng thời, Trung tâm cũng tham mưu Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch của Bộ Tư pháp triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg.
2. Thực trạng hoạt động tra cứu, xác minh phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp
2.1. Kết quả đạt được
Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng trong thời gian qua, Trung tâm và Sở Tư pháp đã chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng các phương thức mới trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cấp Phiếu lý lịch tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình tiếp nhận, tra cứu, xác minh và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Nhiều giải pháp công nghệ được áp dụng như thực hiện tra cứu, xác minh thông tin trên môi trường mạng đã góp phần nâng cao chất lượng công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp, rút ngắn thời gian tra cứu, xác minh thông tin, rút ngắn thời gian trả kết quả cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực lý lịch tư pháp. Việc tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm và Sở Tư pháp đã nhận được sự quan tâm, phối hợp thường xuyên của hầu hết các cơ quan có liên quan và đặc biệt là Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Bộ Công an. Trong nhiều trường hợp, kết quả tra cứu, xác minh của cơ quan công an cho thấy, người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã bị bắt, bị lập danh bản, chỉ bản hoặc bị xét xử nhưng không rõ kết quả xử lý, sau khi tiếp tục phối hợp với các cơ quan để xác minh, làm rõ, Trung tâm và các Sở Tư pháp đã cung cấp kết quả tra cứu, xác minh thông tin cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ để cơ quan này cập nhật bổ sung thông tin vào cơ sở dữ liệu của Ngành Công an.
Để giải quyết tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Trung tâm đã phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06) - Bộ Công an xây dựng giải pháp tra cứu, xác minh thông qua đường điện tử giữa Trung tâm, Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06) - Bộ Công an, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV06) - Công an cấp tỉnh và các Sở Tư pháp trên cơ sở Quy chế số 01/QCPH-TTLLTPQG-C53; Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53. Tính đến nay, giải pháp này đã được hỗ trợ 63 Sở Tư pháp với 2.925.735 trường hợp, qua đó đã hỗ trợ kịp thời cho các Sở Tư pháp trong công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp và khắc phục được cơ bản tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho các địa phương trên. Việc triển khai các quy chế trên đã mang lại hiệu quả tích cực cho các Sở Tư pháp, thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp được rút ngắn và chính xác, được các địa phương đánh giá cao, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước.
Mối quan hệ phối hợp sẵn có trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu lý lịch tư pháp là lợi thế quan trọng giúp cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thực hiện tốt vai trò tra cứu, xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cấp Phiếu lý lịch tư pháp đối với người từng bị kết án. Hơn nữa, để bảo đảm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Trung tâm và Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06), Bộ Công an đã xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53. Với việc ban hành và triển khai đồng bộ các văn bản này, trong thời gian qua đã cơ bản khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp, bảo đảm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp nói chung và thời hạn xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cấp Phiếu lý lịch tư pháp nói riêng, nhiều địa phương đã bảo đảm trên 99% thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp đúng và sớm thời hạn.
Từ ngày 01/7/2018 đến ngày 27/3/2024, Trung tâm đã phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06) - Bộ Công an và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV06) - Công an cấp tỉnh tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp về án tích cho 3.204.943 trường hợp, qua đó góp phần tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, bảo đảm hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên toàn quốc đúng hoặc sớm hơn thời hạn và độ chính xác ngày càng cao.
2.2. Hạn chế, bất cập và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp vẫn một số hạn chế, bất cập sau đây:
Thứ nhất, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, kể cả những người làm công tác tư pháp, cán bộ lãnh đạo tại một số địa phương còn hạn chế, chưa đầy đủ và đúng mức về vai trò, ý nghĩa của công tác lý lịch tư pháp trong quản lý nhà nước, trong đời sống xã hội, vì vậy, công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin chưa thực sự chặt chẽ, kịp thời. Tại các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, cán bộ thực hiện nhiệm vụ phối hợp tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin chủ yếu là kiêm nhiệm. Việc bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp tại các cơ quan phối hợp cung cấp thông tin chưa được quan tâm, chú trọng. Một số địa phương chưa chủ động áp dụng các giải pháp, phương thức mới vào công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin; chưa chủ động tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tra cứu, xác minh.
Thứ hai, công tác phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại một số địa phương còn hạn chế. Nhiều cơ quan chậm trễ trong cung cấp thông tin, chủ yếu là các trường hợp phải xác minh về điều kiện xóa án tích theo quy định. Công tác xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các án tích có trước ngày 01/7/2010. Nhiều trường hợp kết quả tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích giữa Trung tâm, Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06) - Bộ Công an, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV06) - Công an cấp tỉnh và các Sở Tư pháp trên cơ sở Quy chế phối hợp số 01/QCPH-TTLLTPQG-C53 và Sở Tư pháp không thống nhất dẫn đến việc phải gửi lại thông tin để tra cứu, gây chậm trễ trong hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân.
Thứ ba, do số lượng tra cứu, xác minh ngày càng tăng, trong khi các cơ quan Công an cũng như Trung tâm nhân lực có hạn, dẫn đến tình trạng quá tải trong công tác tra cứu, xác minh (năm 2023: 1.068.268 thông tin; 04 tháng đầu năm 2024: 318.941 thông tin). Theo quy định thì cơ quan Công an (Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06) - Bộ Công an, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV06) - Công an cấp tỉnh và các Sở Tư pháp trên cơ sở Quy chế số 01/QCPH-TTLLTPQG-C53) thực hiện tiếp nhận, tra cứu và cung cấp thông tin về án tích phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Trung tâm và Sở Tư pháp đối với thông tin án tích có trước ngày 01/7/2010. Tuy nhiên, Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 lại có phạm vi phối hợp tra cứu, xác minh cả với thông tin về án tích có sau ngày 01/7/2010. Thực tế này đã làm gia tăng số lượng yêu cầu tra cứu, xác minh gửi theo Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53, điều này ảnh hưởng đến thời hạn trả kết quả cho Sở Tư pháp, từ đó dẫn đến số lượng hồ sơ quá hạn, chậm có kết quả tra cứu chiếm tỷ lệ tương đối cao...
Thứ tư, việc trả lời kết quả tra cứu, xác minh, nhất là việc tra cứu, xác minh về án tích để làm thủ tục xóa án tích vẫn còn bằng phương thức thủ công, tức là bằng công văn qua đường bưu điện; ngay cả một số cơ quan Công an vẫn chỉ trả kết quả tra cứu, xác minh theo phương thức gửi công văn bằng văn bản giấy qua đường bưu điện, không gửi qua đường điện tử nên thường bị chậm.
Nguyên nhân của một số tồn tại nêu trên có thể kể đến như: Còn sự bất cập về thể chế, chính sách, pháp luật; mô hình tổ chức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp chưa phù hợp; đội ngũ cán bộ công chức làm công tác cấp Phiếu Lý lịch tư pháp còn thiếu về số lượng và tính chuyên nghiệp; điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác cấp Phiếu Lý lịch tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chưa đẩy mạnh việc ứng dụng tin học trong hoạt động này; công tác phối hợp để tra cứu, xác minh thông tin phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp vẫn còn hạn chế...
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp liên ngành trong tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp phục vụ việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp
3.1. Giải pháp trước mắt
- Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành trong công tác phối hợp liên ngành về lý lịch tư pháp tại các địa phương; Sở Tư pháp cần có sự chủ động thường xuyên trao đổi, họp bàn với các cơ quan có liên quan trên địa bàn nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Khắc phục tình trạng các Sở Tư pháp gửi tra cứu quá nhiều và tình trạng quá thời hạn trả kết quả tra cứu, xác minh. Để giải quyết tình trạng tồn đọng hồ sơ trong phối hợp tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp không gửi yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp về Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06) - Bộ Công an, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV06) - Công an cấp tỉnh theo Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53, đối với trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp sinh sau ngày 01/7/1996 và người đã được Sở Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp lần đầu kể từ ngày 01/7/2010. Các trường hợp này, Sở Tư pháp thực hiện tra cứu tại Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp và Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Trung tâm theo quy định tại Điều 47 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009; tra cứu, xác minh tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP. Công an các cấp nghiên cứu có phương án theo hướng tiếp tục trả kết quả tra cứu cho Trung tâm với phương thức là gửi qua đường điện tử. Việc sử dụng phương thức này sẽ hỗ trợ trả kết quả trực tiếp cho Sở Tư pháp thông qua phần mềm chuyên dụng được nhanh chóng và tạo điều kiện để thực hiện việc đối soát, chuyển trả kinh phí kịp thời.
- Thực hiện bổ sung, chỉnh sửa Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp (Thông tư số 244/2016/TT-BTC) và Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp và bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là triển khai có hiệu quả đáp ứng đúng yêu cầu được giao tại Chỉ thị số 23/CT-TTg.
Trước mắt, công tác phối hợp giữa Trung tâm và Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06) - Bộ Công an, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV06) - Công an cấp tỉnh và Sở Tư pháp trong tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp vẫn thực hiện đúng theo Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 và quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp. Trong thời gian tới, để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp và bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg, sẽ phối hợp thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 theo hướng Sở Tư pháp trực tiếp gửi hồ sơ yêu cầu tra cứu thông tin lý lịch tư pháp cho Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06) - Bộ Công an, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV06) - Công an cấp tỉnh qua Phần mềm “Kiềng ba chân”, bỏ vai trò tổng hợp kết quả tra cứu, xác minh thông tin của Trung tâm. Tuy nhiên, Trung tâm vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò điều phối, đối soát trong việc chuyển trả kinh phí cho Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06) - Bộ Công an, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV06) theo đúng quy định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC. Đồng thời, Trung tâm sẽ thực hiện sửa đổi, nâng cấp Phần mềm “Kiềng ba chân” để tích hợp với Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia.
3.2. Giải pháp trung hạn
- Sớm xây dựng trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2010/NĐ-CP theo hướng tăng quyền chủ động và chịu trách nhiệm về hoạt động tra cứu, xác minh thông tin cho các Sở Tư pháp, đồng thời thể chế hóa các phương thức tiếp nhận, tra cứu, xác minh thông tin, trả kết quả cấp Phiếu lý lịch tư pháp, cần hướng tới thể chế hóa các phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua đường điện tử. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp triển khai hiệu quả công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Tăng cường công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp ngày càng đầy đủ, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng thông tin, phục vụ hiệu quả cho công tác tra cứu thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu, áp dụng các giải pháp mới trong công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
3.3. Giải pháp lâu dài
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 cần tập trung vào các nội dung cơ bản như: Xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp một cấp; thành lập Cục Lý lịch tư pháp trực thuộc Bộ Tư pháp; đổi mới, đa dạng hóa các phương thức tiếp nhận, trả kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp; sửa đổi quy định, hoàn thiện thể chế về lý lịch tư pháp, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp, trong đó trọng tâm là các quy định về phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác lý lịch tư pháp: Tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng cơ chế thông tin, phối hợp giữa các cơ quan quản lý lý lịch tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan, giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp ở Trung ương và địa phương. Đầu tư thỏa đáng về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp ở Trung ương và địa phương và tại các cơ quan có liên quan trong cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Triển khai thực hiện cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp bằng dữ liệu điện tử giữa Trung tâm, Sở Tư pháp với các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, các cơ quan thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cơ quan thi hành án dân sự. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là kiểm tra liên ngành để nắm bắt tình hình thi hành Luật Lý lịch tư pháp, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, sai phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực cấp Phiếu lý lịch tư pháp để tháo gỡ và chấn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác lý lịch tư pháp.
- Nâng cao chất lượng công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp theo hướng tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo chiều sâu, tăng cường kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ nhằm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp có chuyên môn cao, có đạo đức và uy tín nghề nghiệp. Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho người làm công tác tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp tại Trung tâm, Sở Tư pháp và các cơ quan phối hợp có liên quan./.
ThS. Nguyễn Văn Thắng
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 405), tháng 5/2024)