1. Tình hình xây dựng lực lượng bảo vệ dân phố tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở của Công an phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời gian qua
Bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, do Ủy ban nhân dân phường quyết định thành lập. Bảo vệ dân phố có trách nhiệm làm nòng cốt trong việc thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện một số biện pháp, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn.
1.1. Kết quả đạt được
Nhận thức được vị trí, vai trò của lực lượng bảo vệ dân phố trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, trong những năm qua, Công an phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã chủ động trong xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung kế hoạch của cấp trên đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng bảo vệ dân phố đối với công tác giữ gìn an ninh, trật tự tại cơ sở trong tình hình hiện nay. Triển khai thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp địa giới hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương, Công an tỉnh đã chủ động báo cáo đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập lực lượng bảo vệ dân phố tại các phường mới thành lập. Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Hải Dương có 47 phường và đã xây dựng, kiện toàn được 47 ban bảo vệ dân phố với 362 tổ bảo vệ dân phố và 1.653 thành viên bảo đảm đủ số lượng, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình hiện nay.
Công an các phường, thị trấn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân phường, thị trấn, khu dân cư tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động cũng như tiến hành lựa chọn nhân sự và tổ chức bầu cử thành viên bảo vệ dân phố tại các khu dân cư bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng. Thường xuyên tham mưu cho Công an cấp trên, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức cho lực lượng bảo vệ dân phố tham gia các đợt sinh hoạt chính trị, học tập, nghiên cứu, quán triệt thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động do Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể các cấp phát động; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng và cập nhật tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của địa phương. Qua các đợt sinh hoạt chính trị, các lớp bồi dưỡng đã trang bị cho lực lượng bảo vệ dân phố có nhận thức đầy đủ về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong, trình độ nghiệp vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; xây dựng lực lượng bảo vệ dân phố ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội nói chung và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói riêng trong tình hình hiện nay.
Theo Báo cáo thống kê của Công an tỉnh Hải Dương từ năm 2017 đến hết năm 2022, thông qua công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động, lực lượng bảo vệ dân phố đã tiếp nhận và cung cấp cho lực lượng Công an 4.128 tin liên quan đến an ninh, trật tự, trong đó có 2.330 tin có giá trị, giúp lực lượng Công an điều tra, khám phá và xử lý kịp thời 1.167 vụ việc, qua đó đã góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ngay tại địa bàn cơ sở. Lực lượng bảo vệ dân phố đã phối hợp với Công an phường, thị trấn tiến hành tuần tra kiểm soát 13.095 lượt; phối hợp giải quyết trật tự công cộng 11.454 lượt; phối hợp giải quyết, hòa giải thành công 708 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; phối hợp giải quyết 1.338 vụ việc xảy ra trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ dân phố đã phát hiện, chuyển lực lượng Công an xử lý theo thẩm quyền 992 vụ việc, gồm 1.337 đối tượng vi phạm; thực hiện vận động 25 đối tượng có quyết định truy nã ra đầu thú; phối hợp quản lý 1.787 đối tượng; tiến hành quản lý, cảm hóa giáo dục 1.138 đối tượng, đã có 598 đối tượng tiến bộ, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn đô thị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương.
1.2. Khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động xây dựng lực lượng bảo vệ dân phố tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở của Công an phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời gian vừa qua còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót cần khắc phục, đó là:
- Một số Công an phường, thị trấn chưa làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện chế độ, chính sách đối với bảo vệ dân phố chưa thực sự quan tâm đến công tác bồi dưỡng, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh, trật tự đối với bảo vệ dân phố, nội dung bồi dưỡng, tập huấn còn chưa phù hợp với đối tượng; một số bảo vệ dân phố vẫn chưa được bồi dưỡng, tập huấn. Việc trang bị đồng phục còn thiếu do phụ thuộc vào nguồn kinh phí của địa phương; công cụ hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác; địa điểm làm việc, trực của tổ bảo vệ dân phố ở nhiều nơi còn khó khăn, thậm chí phải nhờ cơ quan, doanh nghiệp, nhà dân...
Một số địa phương không bố trí tổ bảo vệ dân phố ở khu dân cư, theo địa bàn công tác của cảnh sát khu vực, chỉ bố trí tại mỗi tổ dân phố một chức danh hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm bảo vệ dân phố, do đó, các tổ viên bảo vệ dân phố hoạt động độc lập, không có sự hỗ trợ lẫn nhau trong khi thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn; có địa phương bố trí tổ bảo vệ dân phố theo khu phố (một khu phố bố trí nhiều địa bàn công tác của cảnh sát khu vực); có địa phương bố trí ở mỗi tổ dân phố một tổ bảo vệ dân phố gồm 02 người, do đó, cảnh sát khu vực gặp khó khăn trong chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh, trật tự đối với thành viên tổ bảo vệ dân phố... Việc không bố trí tổ bảo vệ dân phố theo đúng quy định của Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 01/3/2007 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ bảo vệ dân phố (Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC) phần nào tác động, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bảo vệ dân phố.
- Một số thành viên bảo vệ dân phố còn chưa nắm vững kiến thức cơ bản về pháp luật cũng như nghiệp vụ công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do chưa được tập huấn và bồi dưỡng dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác chưa cao; chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm, chưa chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao nên quá trình thực hiện nhiệm vụ kết quả còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức của một số thành viên bảo vệ dân phố về nhiệm vụ còn hạn chế nên quá trình thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng, bị động; một số người còn thiếu tinh thần trách nhiệm, có trường hợp tự ý nghỉ, không tham gia hoạt động... đã ảnh hưởng đến hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
- Đa số các tòa nhà chung cư cao tầng và khu nhà ở thương mại (biệt thự, liền kề do các doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành) chưa bố trí được bảo vệ dân phố, nguyên nhân chủ yếu là do thành phần, đặc điểm dân cư, phương pháp quản lý, vận hành các khu nhà này mang tính đặc thù; trong khi đó, nhiều nơi chưa bố trí được chi bộ, tổ dân phố, các chi hội, đoàn thể. Đa số cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn có số nhân khẩu cao hơn nhiều so với quy định nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là công tác quản lý cư trú, nắm hộ, nắm người, nắm địa bàn, quản lý đối tượng, lựa chọn, vận động nhân sự tham gia bảo vệ dân phố, tổ chức họp các hộ dân... cũng gặp nhiều khó khăn. Có những nơi không thể thực hiện được, thậm chí một số người dân cho rằng, hằng tháng họ đã đóng tiền phí dịch vụ bảo vệ (thuê bảo vệ chuyên trách tòa nhà, khu nhà) nên không cần có bảo vệ dân phố, không phải tham gia bảo vệ dân phố. Mặt khác, lực lượng bảo vệ tòa nhà, khu nhà nào chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ tại tòa nhà, khu nhà đó (do chủ đầu tư, ban quản trị tự tổ chức hoặc đi thuê các công ty dịch vụ bảo vệ và làm theo yêu cầu của chủ thuê), cho nên không có sự kết nối với nhau. Lực lượng này thường xuyên có sự thay đổi, khó nắm được tình hình liên quan đến an ninh, trật tự do không cư trú ở đó và không có chức năng, nhiệm vụ như của bảo vệ dân phố...
Những hạn chế, khó khăn trong thực tiễn hoạt động xây dựng lực lượng bảo vệ dân phố tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở của Công an phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan trong nhận thức, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm công tác của một bộ phận cán bộ; các biện pháp kiểm tra, bồi dưỡng, hướng dẫn lực lượng bảo vệ dân phố chưa hiệu quả; việc thực hiện chế độ chính sách, đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện đối với bảo vệ dân phố còn bất cập.
2. Một số đề xuất
Để tổ chức thực hiện tốt hoạt động xây dựng lực lượng bảo vệ dân phố tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong thời gian tới, theo tác giả, Công an phường, thị trấn cần tập trung chỉ đạo, thực hiện những vấn đề sau:
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ Công an và của cấp ủy, chính quyền các cấp về xây dựng bảo vệ dân phố, trọng tâm là: Nghị định số 38/2006/NĐ-CP CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về bảo vệ dân phố, Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC, Chỉ thị số 08/CT-BCA-V28 ngày 01/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo vệ dân phố đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo hoạt động của bảo vệ dân phố hằng năm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời, tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan, ngành, đoàn thể, cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ dân phố trong tình hình hiện nay. Quan tâm củng cố, xây dựng lực lượng chuyên trách xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc thuộc Công an cấp huyện và Công an phường trong sạch, vững mạnh, nhất là bố trí đội ngũ lãnh đạo Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, lãnh đạo Công an phường, thị trấn và cảnh sát khu vực là những đồng chí có phẩm chất chính trị vững vàng, hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực, kinh nghiệm và uy tín trong công tác để tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc bảo vệ dân phố thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Hai là, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo, quản lý, xây dựng bảo vệ dân phố vững mạnh về tổ chức. Thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của bảo vệ dân phố; kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức bảo vệ dân phố bảo đảm đúng cơ cấu, đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng theo quy định của pháp luật. Chú trọng việc rà soát, kịp thời cho thôi tham gia bảo vệ dân phố đối với những thành viên bảo vệ dân phố hoạt động kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vi phạm phẩm chất đạo đức... lựa chọn, giới thiệu những người có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, nhất là những người trẻ tuổi, nhiệt huyết để nhân dân tín nhiệm bầu vào bảo vệ dân phố.
Ba là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm của bảo vệ dân phố trong thực hiện nhiệm vụ; xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong bảo vệ dân phố. Định kỳ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh, trật tự đối với bảo vệ dân phố đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, chú trọng bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phương pháp nắm tình hình về an ninh, trật tự; kỹ năng trong phối hợp hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ đối tượng tại cộng đồng dân cư, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú; phương pháp phối hợp với các lực lượng trong bảo vệ an ninh, trật tự, tổ chức tuần tra, kiểm soát; kỹ năng tiếp cận giải quyết ban đầu các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra trên địa bàn... đa dạng hóa hình thức tổ chức bồi dưỡng, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh, trật tự đối với bảo vệ dân phố bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương như: Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, giao lưu trao đổi kinh nghiệm thực tiễn công tác; cung cấp thông tin về pháp luật và tình hình an ninh, trật tự cho bảo vệ dân phố.
Bốn là, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của bảo vệ dân phố; hướng dẫn bảo vệ dân phố phối hợp với lực lượng dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong công tác nắm tình hình, tuần tra kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự; tổ chức các chương trình phối hợp hoạt động trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy sức mạnh của các lực lượng trong việc bảo đảm an ninh, trật tự. Chú trọng việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch công tác, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; các quy định về lề lối làm việc, quy trình công tác của bảo vệ dân phố, kịp thời phát hiện, uốn nắn, khắc phục những hạn chế, thiếu sót ngay từ khi mới phát sinh.
Năm là, chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành Nghị quyết về chế độ bồi dưỡng hằng tháng đối với các chức danh bảo vệ dân phố và các chế độ chính sách khác phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trang bị đồng phục, công cụ hỗ trợ và các phương tiện cần thiết khác theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với bảo vệ dân phố, nhất là những trường hợp bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Công an phường, thị trấn tham mưu với Ủy ban nhân dân phường, thị trấn bố trí nơi làm việc, trực tuần tra; cấp, quản lý các trang bị, phương tiện phục vụ công tác của bảo vệ dân phố theo quy định của pháp luật; có chế độ khuyến khích về vật chất và tinh thần đối với bảo vệ dân phố, nhất là trong việc hưởng ứng các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tuần tra, bảo vệ các sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương.
Trung tá, ThS. Đặng Xuân Quỳnh
Phòng Quản lý đào tạo và Bồi dưỡng nâng cao, Học viện Cảnh sát nhân dân
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 390), tháng 10/2023)