Từ khi các tuyến đường cao tốc được đưa vào khai thác đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có tuyến cao tốc đi qua nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời, là một trong những “đòn bẩy” thu hút đầu tư. Có thể nói, đường cao tốc có vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, giúp đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, rút ngắn thời gian đi lại của hành khách, mở rộng thị trường và nâng cao đời sống văn hóa xã hội, đối với lĩnh vực xã hội. Cùng với đó, việc xây dựng, khai thác sử dụng đường bộ cao tốc góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm thiểu đáng kể các nguồn ô nhiễm do khói bụi, khí thải, tiếng ồn của hoạt động giao thông gây ra.
Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài là 105,5 km, đi qua 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh), được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, gồm 06 làn xe chạy và 02 làn dừng khẩn cấp. Đoạn cao tốc Hạ Long - Vân Đồn có chiều dài từ km 0 đến km59+465, toàn tuyến thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Từ khi đưa vào sử dụng, tuyến đường cao tốc này đã đem lại được nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì vấn đề đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc cũng được xã hội quan tâm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng phương tiện vi phạm giao thông trên đường cao tốc ngày một gia tăng. Theo thống kê số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, từ năm 2016 đến năm 2020, đã kiểm tra và lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5.576 trường hợp, tước giấy phép lái xe 807 trường hợp và nộp Kho bạc Nhà nước 6,8 tỷ đồng...
Trên thực tế, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Công tác phối hợp của lực lượng Cảnh sát giao thông với các lực lượng chức năng khác nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến cao tốc này trong những năm qua đã được triển khai và đã đạt được những kết quả nhất định. Số vụ tai nạn giao thông đã giảm đáng kể so với các năm trước đây, các hành vi vi phạm như dừng đỗ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc cũng đã giảm, đặc biệt tình trạng ùn tắc giao thông không xảy ra, luôn đảm bảo được cho các phương tiện tham gia giao thông được thông suốt. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho người tham gia giao thông cũng được diễn ra liên tục trong năm và các đợt cao điểm. Việc phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác dẫn đoàn, bảo vệ đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế khi đi trên tuyến đường cao tốc được đảm bảo an toàn. Công tác phối hợp được thực hiện thường xuyên, góp phần gắn kết giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng khác với chung mục đích là bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành chính, các hành vi vi phạm pháp luật khác diễn ra trên đường cao tốc.
Tuy nhiên, mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc còn tồn tại một số hạn chế. Công tác phối hợp chưa được thực sự quan tâm, mô hình tổ chức lực lượng cảnh sát giao thông làm quản lý trật tự, an toàn giao thông nói chung chưa thống nhất, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác phối hợp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến, đặc biệt năng lực trình độ nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ, chiến sĩ vẫn còn nhiều hạn chế, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phối hợp …
Để khắc phục những bất cập và nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc nói chung và tuyến cao tốc Hà Nội - Quảng Ninh nói riêng, tác giả cho rằng, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Một là, lực lượng Cảnh sát giao thông cần làm tốt công tác tham mưu xây dựng các chủ trương, kế hoạch cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền đề ra các phương pháp, kế hoạch phối hợp với các đơn vị chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc. Với chức năng là lực lượng trực tiếp được giao nhiệm vụ tiến hành các biện pháp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, địa bàn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông là những người nắm rõ nhất tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các địa bàn khác nhau, vì vậy, cần tham mưu cho lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông và lãnh đạo các đơn vị địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, biện pháp thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn các tỉnh, thành phù hợp với tình hình thực tiễn và mang lại hiệu quả công tác cao nhất. Để làm tốt công tác tham mưu này, thì chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc phải luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời phát hiện những bất cập, thiếu sót trong công tác phối hợp với các đơn vị chức năng, từ đó, trực tiếp tham mưu đề xuất với các đơn vị chức năng có thẩm quyền xây dựng, ban hành các văn bản pháp lý, xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể, rõ ràng để thực hiện công tác phối hợp nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông hiệu quả.
Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm trong công tác phối hợp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Hoạt động phối hợp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên đường cao tốc là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, vì nó liên quan đến rất nhiều ban ngành khác nhau với mục đích là để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội trên tuyến đường cao tốc, vì vậy, lãnh đạo đơn vị phải thường xuyên trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra giám sát tổ công tác thực hiện nhiệm vụ phối hợp với cơ quan chức năng trên tuyến cao tốc, từ đó, phát hiện những sơ hở thiếu sót hoặc những sai phạm trong công tác phối hợp thì phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Để thực hiện tốt giải pháp này, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải thường xuyên xây dựng các kế hoạch, tổ chức các buổi kiểm tra công khai, kiểm tra đột xuất, giám sát công việc của cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và làm nhiệm vụ khi phối hợp cùng với các cơ quan chức năng khác, từ đó, phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong công việc và trực tiếp hướng dẫn chỉ đạo, xử lý nghiêm những sai phạm đó tránh tình trạng làm ảnh hưởng đến lực đơn vị và lực lượng toàn ngành. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy cần quan tâm đến đời sống vật chất, tâm tư tình cảm chế độ chính sách, nâng cao trình độ mọi mặt cho lực lượng cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt nhất là những người trực tiếp làm nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị chức năng, thường xuyên bổ túc nâng cao trình độ, có bản chính trị lĩnh vững vàng khi làm nhiệm vụ phối hợp cho cán bộ để giải quyết bất kỳ công việc gì mà được cấp trên giao phó, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ luôn phát huy tinh thần sáng tạo học hỏi kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện hơn.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông, thực hiện văn hoá giao tiếp ứng xử văn minh trong hoạt động phối hợp với cơ quan chức năng trong và ngoài ngành Công an. Để công tác phối hợp nhằm đảm bảo trật tự an, toàn giao thông trên tuyến đường cao tốc ngày càng đạt hiệu quả cao, lực lượng Cảnh sát giao thông phải có phẩm chất đạo đức tốt, phong cách làm việc văn hoá, chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử khi tiếp xúc với các đơn vị chức năng khác, với nhân dân có một vai trò vô cùng quan trọng nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nhằm thực hiện tốt giải pháp này, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải thường xuyên cung cấp các thông tư, văn bản quy định về văn hoá ứng xử của lực lượng Công an nhân dân, trong đó, có quy định riêng về văn hoá ứng xử của lực lượng Cảnh sát giao thông. Cán bộ, chiến sĩ phải tập trung nghiên cứu, bổ sung kiến thức về văn hoá ứng xử khi giao tiếp với đồng chí, đồng đội, với nhân dân cho phù hợp tạo nên những hình ảnh đẹp cho lực lượng toàn ngành.
Bốn là, tăng cường phối hợp tiến hành công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên tuyến đường cao tốc. Ngày 19/6/2020, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BCA quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Công an nhân dân. Trong đó, có quy định lực lượng Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường cao tốc khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về việc xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ cần khẩn trương tiến hành các biện pháp khẩn cấp tại hiện trường và tổ chức tiến hành điều tra, giải quyết những vụ tai nạn giao thông đường bộ theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được phân công. Như vậy, quy định này đã có sự thay đổi so với trước đây đó là lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trên đường cao tốc khi phát hiện ra vụ tai nạn giao thông chỉ tiến hành các biện pháp khẩn cấp tại hiện trường và thông báo cho lực lượng Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện tới điều tra, giải quyết theo quy định. Do đó, để bảo đảm lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường cao tốc có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ tiến hành hiệu quả việc phối hợp thực hiện công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ trên đường cao tốc cần phải tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn cho lực lượng này.
Để thực hiện có hiệu quả giải pháp này cần tập trung giải quyết một số nội dung cụ thể như sau: (i) Xây dựng nội dung, chương trình tập huấn đặc biệt là những nội dung tập huấn về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ liên quan tới ô tô, việc phát hiện, thu thập và đánh giá các dấu vết có liên quan... để tập huấn cho lực lượng Cảnh sát giao thông. Trên cơ sở đó phối hợp với các cơ quan, lực lượng có liên quan báo cáo lãnh đạo để mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho lực lượng Cảnh sát giao thông; (ii) Xây dựng các nội dung, biện pháp phối hợp với các lực lượng có liên quan để tổ chức phối hợp thực hiện phối hợp trao đổi thông tin, tiến hành các biện pháp khẩn cấp tại hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc...; (iii) Tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trên phạm vi tuyến cao tốc đi qua trong công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm xảy ra trên tuyến cao tốc.
Năm là, xây dựng quy chế, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng có liên quan trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến cao tốc. Mọi hoạt động phối hợp trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến cao tốc, trước hết phải có sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ huy giữa các lực lượng tham gia quan hệ phối hợp và chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó, quy chế của từng lượng tham gia phối hợp có ý nghĩa quan trọng đến kết quả quan hệ phối hợp. Quan hệ phối hợp trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường cao tốc được tiến hành bởi rất nhiều hoạt động và từng hoạt động cần có sự phối hợp để giải quyết. Căn cứ vào từng nội dung hoạt động để có cơ chế điều hành các hoạt động phối hợp cho phù hợp với thực tiễn. Quy định về quy chế, cơ chế trong phối hợp liên ngành và các kế hoạch đã được ký kết còn rất chung, chưa thực sự rõ ràng đã hạn chế sự điều hành thống nhất trong các hoạt động phối hợp. Vì vậy, cơ chế của từng lực lượng tham gia phối hợp phải được ghi nhận và xác định là một nội dung của quy chế và được thể chế hóa trong các văn bản được ký kết./.
Học viện Cảnh sát nhân dân