Học sinh trung học phổ thông là đối tượng đang ở lứa tuổi phát triển trí tuệ, nhận thức và thể chất. Bởi vậy, nếu không có sự định hướng, giáo dục theo các chuẩn mực xã hội, thì các em rất dễ bị lôi kéo vào các việc làm, hành vi vi phạm pháp luật. Bài viết đề cập đến thực trạng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh các trường trung học phổ thông tại Yên Bái và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này.
1. Những kết quả đạt được trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh các trường trung học phổ thông tại Yên Bái
Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc, nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ nước ta, có 09 đơn vị hành chính cấp huyện và toàn tỉnh có 25 trường trung học phổ thông1. Xác định hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho học sinh trung học phổ thông (THPT) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Yên Bái đã chủ động xây dựng kế hoạch PBGDPL cho học sinh các trường THPT, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch như: Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường”; “Tăng cường hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập trường học”; tổ chức các hoạt động đợt cao điểm hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”; thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh…hoạt động tuyên truyền, PBGDPL tại các trường THPT được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia. Các chương trình này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, thể hiện ở một số kết quả sau:
Một là, chủ thể thực hiện hoạt động PBGDPL cho học sinh các trường THPT tại Yên Bái đã từng bước phát huy khả năng, tích cực tham gia nhiệt tình và có trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, có nhiều chủ thể cùng tham gia như: Ngành Giáo dục, Tư pháp, Công an, Đoàn Thanh niên,... dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã thành lập Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL để lên kế hoạch và tổ chức các chương trình PBGDPL cho học sinh THPT, bước đầu xây dựng 165 chương trình, phóng sự, tin ngắn và bài viết liên quan đến công tác PBGDPL về phòng chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em; tuyên truyền, PBGDPL về trật tự an toàn giao thông, tuyên truyền về tác hại của ma túy2… Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ngày càng được kiện toàn, bổ sung cả về chất lượng và số lượng. Công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng sư phạm, kỹ năng mềm được thực hiện thường xuyên hơn. Việc cập nhật kiến thức pháp luật mới, tự trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ được thực hiện thường xuyên, liên tục; lực lượng tham gia PBGDPL ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Đặc biệt, đội ngũ tình nguyện viên PBGDPL của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên, học sinh các trường học, lực lượng công an… là những chủ thể hỗ trợ rất đắc lực cho hoạt động tuyên truyền, PBGDPL.
Hai là, nội dung PBGDPL cho học sinh các trường THPT tại Yên Bái được xây dựng theo chương trình chung, thống nhất, phù hợp với đối tượng giáo dục là thanh thiếu niên trong lứa tuổi học sinh THPT. Những nội dung sử dụng để PBGDPL cho học sinh THPT tại Yên Bái thời gian qua đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ làm công tác PBGDPL đặc biệt quan tâm, chú trọng. Ngoài việc xây dựng những nội dung phù hợp với những quy định tại Điều 23 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, các chủ thể đã nghiên cứu, xây dựng những nội dung gắn với đặc điểm vị trí địa lý, văn hóa, xã hội… của tỉnh như: Phòng chống hành vi xâm hại trẻ em; phòng ngừa bạo lực học đường; phòng, chống tệ nạn xã hội trong học đường; phòng, chống tác hại thuốc lá, rượu bia trong trường học… những nội dung này giúp các em nhận thức đúng đắn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân, đề cao ý thức tôn trọng pháp luật, hình thành thói quen chấp hành pháp luật.
Ba là, các hình thức PBGDPL cho học sinh các trường THPT tại Yên Bái được chú trọng, đa dạng hóa. Thời gian qua, hoạt động PBGDPL cho học sinh THPT được các chủ thể kết hợp sử dụng nhiều hình thức phù hợp với lứa tuổi như: Thông qua việc tích hợp, lồng ghép vào nội dung, chương trình môn Giáo dục công dân; các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; các nội dung, chương trình công tác của Đoàn Thanh niên… Ngoài ra, các chủ thể còn áp dụng các hình thức phổ biến lồng ghép trong các chương trình văn hóa, văn nghệ của địa phương, trả lời những thắc mắc của các em qua các trang Facebook, Zalo...
Cùng với sử dụng các phương pháp truyền thống như thuyết giảng, nghe nhìn, đọc chép, thì các chủ thể còn kết hợp áp dụng nhiều phương pháp học tập chủ động, như sân khấu hóa, chơi trò chơi, nêu gương…. Chỉ tính riêng trong năm 2020, đã tổ chức được 38 buổi tuyên truyền có lồng ghép các phương pháp trên tại các trường THPT, thu hút hơn 18000 lượt nghe3.
2. Một số hạn chế trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh các trường trung học phổ thông ở Yên Bái
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động PBGDPL cho học sinh các trường THPT tại Yên Bái vẫn tồn tại một số hạn chế, cụ thể:
Thứ nhất, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL cho học sinh các trường THPT tại Yên Bái chưa thực sự đồng đều, một số ít cán bộ năng lực sư phạm, kỹ năng truyền đạt còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Mặc dù đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, cử nhiều lượt cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn, nhưng vẫn còn một số ít cán bộ có năng lực sư phạm và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như công tác tập huấn, bồi dưỡng chưa toàn diện, nặng về kiến thức mà thiếu về kỹ năng. Điều này dẫn đến đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL vẫn còn yếu về kỹ năng sư phạm, truyền tải...
Thứ hai, nội dung PBGDPL cho học sinh các trường THPT tại Yên Bái còn nặng về lý thuyết, đơn điệu, chủ yếu cung cấp điều luật chung chung dẫn đến việc người nghe dễ nhàm chán; tài liệu phổ cập về pháp lý còn ít, nội dung chưa thực sự phong phú, chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhiều trường không tổ chức theo định kỳ, mà chỉ tổ chức khi có các văn bản pháp luật mới hoặc quy định mới của địa phương. Hoạt động PBGDPL cho học sinh một số trường ở những huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh chưa được coi trọng đúng mức, chưa có những giải pháp kết hợp giữa PBGDPL với các chế tài xử lý để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật.
Thứ ba, cơ chế phối hợp giữa các chủ thể trong hoạt động PBGDPL chưa thực sự hiệu quả, chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng. Còn những khó khăn về tài chính và các phương tiện hỗ trợ hoạt động PBGDPL. Hiện nay, nguồn kinh phí phục vụ hoạt động PBGDPL cho học sinh THPT tại Yên Bái chủ yếu lấy từ ngân sách nhà nước, song nguồn ngân sách này chưa đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Công tác xã hội hóa để tìm kiếm nguồn kinh phí phục vụ hoạt động PBGDPL nói chung và PBGDPL cho học sinh THPT nói riêng vẫn chưa huy động hết được các nguồn lực và kêu gọi sự ủng hộ của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh các trường trung học phổ thông ở Yên Bái
Trên cơ sở nghiên cứu những tồn tại, hạn chế, cần đề ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả PBGDPL cho học sinh các trường THPT tại Yên Bái như sau:
Thứ nhất, xây dựng và củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác PBGDPL. Chất lượng của hoạt động PBGDPL phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó việc xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có ý nghĩa rất quan trọng. Đội ngũ này ngoài việc có trình độ chuyên môn, năng lực công tác, thì cần phải am hiểu đặc điểm kinh tế, xã hội, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt của đồng bào các dân tộc sinh sống tại tỉnh Yên Bái. Do đó, cần chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch tập huấn cho đội ngũ làm công tác PBGDPL một cách đồng bộ, kết hợp giữa việc tập huấn lý thuyết pháp luật, các nội dung của văn bản pháp luật mới với việc tập huấn các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng sư phạm và khả năng nắm bắt tâm lý của lứa tuổi học sinh THPT4.
Thứ hai, đổi mới nội dung và hình thức PBGDPL cho học sinh các trường THPT. Nội dung PBGDPL cho các em học sinh THPT không chỉ dừng lại ở các bộ luật, luật, pháp lệnh… mà còn cả các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản của chính quyền địa phương, trong đó, tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến đối tượng học sinh, như quyền, nghĩa vụ và cách thức thực hiện, bảo vệ các quyền, nghĩa vụ đó. Ngoài việc đổi mới, hoàn thiện nội dung còn cần phải cải tiến phương pháp và hình thức giáo dục để phù hợp với lứa tuổi vị thành niên. Do đó, thời gian tới các chủ thể cần tiếp tục phát huy các hình thức tuyên truyền hiệu quả như thông qua tổ chức hội nghị, tọa đàm; chương trình ngoại khóa đồng thời đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền qua tổ chức sân khấu hóa, các trang wed, mạng xã hội,… Việc lựa chọn, áp dụng hình thức giáo dục pháp luật phải dựa trên cơ sở phù hợp với nội dung và điều kiện sinh hoạt của địa bàn dân cư, phù hợp với nhận thức, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các em.
Thứ ba, thời gian tới, các cấp, các ngành tỉnh Yên Bái và các chủ thể thực hiện hoạt động PBGDPL cho học sinh các trường THPT cần tiếp tục chủ động xây dựng triển khai các chương trình, kế hoạch PBGDPL theo các chương trình, đề án đã được phê duyệt. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động PBGDPL theo hướng thường xuyên, sâu sát hơn, đặc biệt quan tâm đến những các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, hoàn thiện và phát huy cơ chế phối hợp trong hoạt động PBGDPL5.
Định hướng phát triển giáo dục và đào tạo đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”6. Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Yên Bái đó là nâng cao hiệu quả hoạt động PBGDPL nói chung và PBGDPL cho học sinh THPT nói riêng. Xác định hoạt động PBGDPL cho học sinh các trường THPT không phải là nhiệm vụ của một vài chủ thể nhất định, mà đây là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành và của toàn xã hội, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là hoàn thiện quy chế hoạt động của Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL.
Thứ tư, bảo đảm kinh phí và các điều kiện vật chất phục vụ hoạt động PBGDPL. Hiện nay, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động này nhìn chung còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Để có nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động PBGDPL cho học sinh các trường THPT tại Yên Bái cần: (i) Lập dự toán kinh phí dành cho hoạt động PBGDPL từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên, bảo đảm đáp ứng kịp thời, đầy đủ về kinh phí, cơ sở vật chất và phương tiện; (ii) Huy động các nguồn kinh phí khác từ sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp và toàn thể xã hội.
Thứ năm, thực hiện có hiệu quả và mở rộng Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”7 (Đề án 1928). Thời gian tới, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái cần xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án 1928 một cách quy mô và toàn diện hơn nữa để đề án thực sự mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của của các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh THPT.
Thứ sáu, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, kế hoạch PBGDPL. Trên cơ sở hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết việc thực hiện các chương trình, kế hoạch sẽ giúp cơ quan quản lý nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn, những bất cập trong quá trình thực hiện để đề ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập đó. Ngoài ra, việc kịp thời khen thưởng, động viên các đơn vị, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc sẽ là “đòn bẩy”, kích thích các cá nhân, tập thể phát huy hết năng lực của bản thân, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho học sinh các trường THPT tại Yên Bái.
Học viện Cảnh sát nhân dân
[1]. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái (2021), Báo cáo tổng kết năm học 2020 - 2021.
[2]. Ủy ban nhân nhân tỉnh Yên Bái (2020), Báo cáo tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2020.
[3]. Ủy ban nhân nhân tỉnh Yên Bái (2020), Báo cáo tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2020.
[4]. Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 01/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân.
[5]. Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018-2021”.
[6]. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2021, tr.231.
[7]. Quyết định số 1928/QĐ-TTg, ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”.