1. Dẫn nhập
Trong sự phát triển của ngành du lịch cả nước nói chung, có sự đóng góp không nhỏ của loại hình du lịch sinh thái. Đây là một xu thế phù hợp với sự phát triển kinh tế xanh, ngành công nghiệp không khói của nhiều nước trên thế giới mà Việt Nam đã và đang khai thác hiệu quả. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển du lịch sinh thái của cả nước, chính quyền huyện Cần Giờ luôn tăng cường quản lý nhà nước phát triển du lịch sinh thái. Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch sinh thái của huyện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập chưa khai thác hết các thế mạnh về cảnh quan môi trường rừng, biển, sông, ngòi vốn là lợi thế của du lịch sinh thái so với nhiều địa phương khác trong nước.
Theo Hiệp hội Du lịch sinh thái quốc tế, “du lịch sinh thái là việc đi lại có trách nhiệm tới các khu vực thiên nhiên mà bảo tồn được môi trường và cải thiện phúc lợi cho người địa phương”[1]. Theo pháp luật Việt Nam, “du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường”[2]. Có thể nói, du lịch sinh thái là loại hình du lịch gắn với thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, đây là sự khác biệt cơ bản giữa du lịch sinh thái với các loại hình du lịch khác vì một phần thu nhập từ hoạt động du lịch được tái đầu tư trực tiếp vào bảo vệ các đối tượng du lịch cũng như nâng cao mức sống cộng đồng địa phương thông qua sự tham gia có tổ chức của họ. Cũng theo Luật Du lịch Việt Nam hiện hành, quản lý nhà nước về du lịch là hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó, “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về du lịch; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về du lịch… Các bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện quản lý nhà nước về du lịch; Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương, cụ thể hóa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch phù hợp với thực tế tại địa phương”[3]. Cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch trong phạm vi cả nước là Tổng cục Du lịch[4]. Đối với chính quyền cấp tỉnh, huyện có cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về du lịch là Sở Du lịch và Phòng kinh tế. Riêng cấp xã thường phân công Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và công chức văn hóa xã hội phụ trách nội dung này.
2. Thực trạng quản lý nhà nước về du lịch sinh thái tại huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh
Huyện Cần Giờ có diện tích tự nhiên 71.361 ha, là huyện duy nhất của thành phố tiếp giáp biển với bờ biển dài 23 km, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, diện tích rừng ngập mặn 33.917 ha chiếm gần 50% diện tích tự nhiên toàn huyện, được tổ chức UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”. Trên địa bàn huyện có 24 cơ sở thờ tự và 45 cơ sở tín ngưỡng dân gian, có 7 điểm và trung tâm du lịch và 01 lễ hội được công nhận theo quy định.
Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch sinh thái, như Kế hoạch số 2572/KH-UBND về phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 -2020; Đề án số 3020/ĐA-UBND về phát triển du lịch sinh thái huyện Cần Giờ giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Quyết định số 360/QĐ-UBND ngày 08/4/2016 về quy chế phối hợp quản lý nhà nước lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện Cần Giờ[5].
Nhằm thực hiện Quyết định số 360/QĐ-UBND ngày 08/4/2016 về ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về lĩnh vực phát triển du lịch trên địa bàn huyện, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức thực hiện tốt các nội dung quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, công khai số điện thoại tại các khu, điểm du lịch, các bến phà, trạm dừng chân và yêu cầu các bộ phận chức năng có trách nhiệm trực 24/24 giờ để tiếp nhận và giải quyết kịp thời những phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch và các vấn đề phát sinh. Chính quyền huyện còn chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn tăng cường quản lý, kiểm tra bảo đảm vệ sinh tại các khu vực có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đảm bảo an toàn thực phẩm, giữ vệ sinh đường phố, lòng đường, hè đường..., kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch đến các điểm du lịch để tuyên truyền cho cộng đồng dân cư và khách du lịch khi đến du lịch Cần Giờ. Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện thành lập các đoàn, tổ kiểm tra liên ngành về hoạt động kinh doanh tại các khu du lịch, về an toàn vệ sinh thực phẩm, về buôn bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường...
Có thể nói, so với các quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh, thì huyện Cần Giờ được đánh giá là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên phù hợp phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển du lịch sinh thái ở huyện Cần Giờ vẫn còn một số bất cập như: Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy phát triển chưa đồng bộ; cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch còn ít, chất lượng phục vụ chưa tốt; bãi biển dài nhưng còn hoang sơ, việc cải tạo bãi biển phục vụ du lịch không được quan tâm đúng mức; các di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ học, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng chưa được đưa vào khai thác du lịch phục vụ du khách; nguồn nhân lực phát triển du lịch sinh thái còn hạn chế về trình độ chuyên môn; công tác quảng bá, xúc tiến giới thiệu du lịch Cần Giờ chưa nhiều[6]...
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển du lịch sinh thái tại huyện Cần Giờ
Thứ nhất, hoàn thiện các văn bản quản lý nhà nước về phát triển du lịch sinh thái của chính quyền huyện gắn chương trình xây dựng huyện nông thôn mới tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, vận dụng cơ chế, chính sách của trung ương và TP. Hồ Chí Minh với những điều kiện đặc thù của huyện Cần Giờ để phát huy tiềm năng thế mạnh vốn có. Tăng cường quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch, về giá cả, quản lý các đối tượng xã hội, vận động nhân dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị nhằm chấm dứt hành vi chèo kéo, tranh giành khách du lịch, nạn ăn xin, buôn bán hàng rong không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch. Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch sinh thái huyện Cần Giờ nhằm phát huy tinh thần chủ động, tích cực của các thành viên trong việc triển khai, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch của huyện.
Thứ hai, tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch nói chung, phát triển du lịch sinh thái nói riêng của huyện, xã, thị trấn gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường thực hiện các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng người có đạo đức, trình độ, năng lực, chuyên môn, kỹ năng nhiệt tình, tâm huyết để phục vụ phát triển du lịch sinh thái. Ủy ban nhân dân huyện cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch để phát triển chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch sinh thái.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch sinh thái, lợi ích từ phát triển du lịch cho các đối tượng. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch sinh thái; phối hợp với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức các sự kiện quảng bá du lịch tại huyện và nâng cao chất lượng các hoạt động lễ, hội truyền thống ở Cần Giờ nhằm thu hút du khách. Xây dựng các bài viết quảng bá du lịch Cần Giờ trên các tạp chí, ấn phẩm và các trang mạng xã hội. Tham gia các hội chợ, triển lãm, lễ hội du lịch do thành phố tổ chức; gắn kết chặt chẽ công tác quảng bá xúc tiến du lịch của địa phương với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Thứ tư, tăng cường xây dựng các trạm dừng chân trên đường Rừng Sác để khách du lịch nghỉ ngơi mua sắm đặc sản Cần Giờ, đồng thời, có các phòng giao dịch, đăng ký, bán tour tham quan du lịch trên địa bàn huyện, để khai thác du lịch mang tính chuyên nghiệp, cung cấp sản phẩm du lịch một cách đa dạng, phong phú, làm được điều này cần chung tay của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lớn của thành phố. Tập trung quy hoạch khai thác chợ đêm tại xã Long Hòa, Cần Thạnh để phục vụ du khách mua sắm, ăn uống, vui chơi, giải trí. Triển khai thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá tại các cơ sở kinh doanh du lịch và yêu cầu cam kết thực hiện theo quy định. Phát triển, quản lý sản phẩm quà tặng du lịch sinh thái đặc trưng của huyện Cần Giờ như xoài, mãng cầu, vườn nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGap góp phần phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn kết với du lịch sinh thái vườn. Xây dựng kế hoạch bảo vệ và quảng bá thương hiệu hàng hóa đối với các sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa Cần Giờ, như xoài cát, khô cá dứa, yến sào[7]...
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Thiết lập quy chế bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo chất lượng môi trường để phát triển du lịch sinh thái bền vững. Quan tâm xử lý kịp thời theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục đối với các hành vi xâm phạm đến môi trường du lịch sinh thái trên địa bàn huyện.
Trong tương lai, cùng với nhiều chủ trương, chính sách thuận lợi, chắc chắn huyện Cần Giờ sẽ trở thành khu đô thị du lịch sinh thái, du lịch đường sông, biển của TP. Hồ Chí Minh kết nối với các vùng trọng điểm về du lịch của cả nước và thế giới.
Liên đoàn Lao động huyện Cần Giờ
[1]. Phạm Trung Lương (2002) Du lịch sinh thái - Những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, Nxb. Giáo dục.
[2]. Luật Du lịch số 09/2017/QH14, ngày 19/6/2017.
[3]. Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017.
[4]. Nghị quyết số 17/2018/NQ-TTg ngày 30/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
[5]. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ (2016) Kế hoạch số 2572/KH-UBND của Ủy ban nhân dân huyện ngày 30/6/2016 về phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 - 2020.
[6]. Nguyễn Thị Phương Kiều (2017) Quản lý nhà nước về phát triển du lịch từ thực tiễn huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh, Luận văn Thạc sĩ luật học, Học viện Khoa học Xã hội.
[7]. Ủy ban nhân nhân huyện Cần Giờ (2020) Báo cáo phát triển du lịch huyện Cần Giờ năm 2020.