Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định: “Xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp. Trên cơ sở đó, Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” (Điều 106). Theo đó, mọi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành.
Theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 và Luật Cạnh tranh năm 2018 (Luật Thi hành án dân sự) những bản án, quyết định được thi hành theo Luật Thi hành án dân sự bao gồm: (i) Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 Luật Luật Thi hành án dân sự đã có hiệu lực pháp luật: Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 15 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án[1]; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định của Tòa án giải quyết phá sản; (ii) Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị: Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo đó, phạm vi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo Luật Thi hành án dân sự là rất lớn. Tuy nhiên, trong thực tiễn, chất lượng các bản án, quyết định của Tòa án ban hành vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức thi hành án, có thể kể đến một số bất cập cụ thể như sau:
Một là, nội dung bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành
Theo thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự[2], năm 2020, toàn quốc có 392 bản án, quyết định[3] Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành, tương ứng với 421 quyết định thi hành án với số tiền phải thi hành là 2.839 tỷ 595 triệu 144 nghìn đồng, bao gồm tiền và tài sản đã quy ra tiền. Có thể thấy, số lượng bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành hiện nay là rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tổ chức thi hành án.
Trong thực tiễn, nội dung bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành rất đa dạng, cụ thể như: Tuyên không rõ về đối tượng thực hiện nghĩa vụ hoặc nội dung nghĩa vụ phải thực hiện; không xác định rõ vị trí tài sản được chia trong khối tài sản thừa kế chung là quyền sử dụng đất; không tuyên rõ nghĩa vụ cụ thể của cá nhân, tổ chức với từng hợp đồng tín dụng trong những vụ việc tranh chấp về nhiều hợp đồng tín dụng với nhiều tài sản bảo đảm; không xử lý tài sản trên đất có từ trước khi có xét xử; không tuyên biện pháp xử lý đối với công trình xây dựng trên đất phát sinh sau khi thế chấp và trước khi xét xử; tuyên giao quyền sử dụng đất nhưng diện tích đất, ranh giới thửa đất phải giao không đúng thực tế; tuyên chưa rõ hoặc có thiếu sót về phần xử lý vật chứng, tài sản[4]... Đối với các bản án này, cơ quan thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn khi tổ chức thi hành án, mặt khác còn gây kéo dài vụ việc, lãng phí thời gian, chi phí của Nhà nước và nhân dân.
Hai là, về cách tuyên giá trị trong các bản án, quyết định của Tòa án
Trong thực tiễn, có rất nhiều trường hợp bản án tuyên giá trị phải thi hành án lẻ tới hàng đồng. Ví dụ: Bản án tuyên: Công ty TNHH in HV phải chịu án phí 49.233.316,2 đồng án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp về kinh doanh thương mại có giá ngạch.
Trong thực tiễn, việc tuyên án lẻ đồng như trên là rất phổ biến. Đây là một bất cập trong thực tiễn tổ chức thi hành án. Bởi vì quyết định thi hành án phải ghi rõ số tiền chính xác theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng khi tổ chức thi hành thì không thể có số tiền lẻ đồng để thu, nộp ngân sách cũng như chi trả cho đương sự như theo quyết định thi hành án và bản án. Trong khi đó, trong các đơn vị tiền tệ của Việt Nam hiện nay, loại tiền mặt có giá trị thấp nhất được lưu hành là tiền có mệnh giá 100 đồng[5], dẫn đến việc ghi biên lai thu tiền và nộp tiền thi hành án trên thực tế là chưa thật sự hợp lý. Do đó, cần thống nhất liên ngành Tòa án, thi hành án về việc làm tròn số tiền phải thi hành để việc tuyên án chính xác, phù hợp và thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án.
Ba là, cách xác định khoản lãi suất trong bản án chưa cụ thể, rõ ràng
Theo quy định về lãi suất cho vay tại Điều 466, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, được sửa đổi bổ sung năm 2017 và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng thì tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Khoản 4 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN nêu trên quy định: “Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn”.
Đối với các khoản vay của tổ chức tín dụng, ngân hàng thì cách tính lãi suất và thời điểm tính lãi suất sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật được tính theo nội dung quyết định của Tòa án và thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Khi tổ chức thi hành án, chấp hành viên phải nghiên cứu và căn cứ vào hợp đồng tín dụng để xác định mức lãi suất này.
Ví dụ: Bản án tuyên anh A và chị B phải có nghĩa vụ liên đới trả nợ cho Ngân hàng Z toàn bộ nợ gốc và nợ lãi là 1.687.102.000 đồng. Tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số MCA:0011 được ký kết giữa Ngân hàng Z với vợ chồng anh A, chị B. Kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm vụ án, các bị đơn là anh A, chị B còn phải chịu lãi suất theo thỏa thuận tại hợp đồng cấp tín dụng số MCA:0011 và Khế ước nhận nợ số 02 ngày 22/3/2012 được ký giữa Ngân hàng Z với anh chị A, B đối với số nợ gốc chưa thanh toán cho đến khi anh chị A, B thanh toán hết nợ gốc cho ngân hàng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, khi xem xét hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ thì chấp hành viên rất khó xác định khoản lãi suất này, bởi vì, những hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ của ngân hàng thường có rất nhiều điều khoản phức tạp với ngôn ngữ chuyên ngành rất khó hiểu. Mặt khác, trong hợp đồng tín dụng lại có quy định về rất nhiều loại lãi như lãi suất vay quá hạn, lãi phạt, lãi suất chiết khấu… và mức lãi khác nhau trên số tiền vay gốc, khiến chấp hành viên không biết phải tính theo loại lãi nào.
Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc tính lãi suất đối với trường hợp chậm thanh toán nghĩa vụ. Theo đó, việc tuyên lãi suất của Tòa án được thực hiện theo hai phương thức: (i) Theo thỏa thuận của đương sự: Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; (ii) Nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ. Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Hiện nay, trong rất nhiều bản án, quyết định của Tòa án có tuyên nội dung: “Người phải thi hành án còn phải trả cho người được thi hành án khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án”. Xem xét quy định trên, có thể thấy, việc tuyên áp dụng mức lãi suất theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 là rất chung chung, chưa cụ thể, dẫn đến khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự khi xác định rõ mức lãi suất cần phải thi hành.
Một trong những khó khăn khác là khi tổ chức thi hành khoản lãi suất chậm thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước. Trong thực tiễn, có rất nhiều bản án, quyết định tuyên lãi suất chậm thi hành án đối với các khoản án phí, tiền phạt… thu nộp ngân sách nhà nước. Có những khoản phải thi hành có giá trị không lớn (dưới 5 triệu đồng) nhưng cũng có lãi suất chậm thi hành án kèm theo. Tuy nhiên, việc thi hành khoản lãi suất này cũng gặp nhiều khó khăn khi nhiều trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện kinh tế, không có tiền để nộp, chấp hành viên đôn đốc thu được khoản tiền gốc đã là rất nan giải. Do đó, đối với các khoản phải thi hành án khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị không lớn (có thể xác định mức dưới 5 triệu đồng) thì đề nghị pháp luật có quy định rõ về việc không tuyên lãi suất chậm thi hành án.
Bốn là, về thời hạn giải thích bản án
Điều 179 Luật Thi hành án dân sự quy định về trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án. Theo đó, cơ quan ra bản án, quyết định có trách nhiệm bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế. Có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Theo quy định tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật Thi hành án dân sự, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành; kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc giải thích bản án, quyết định tuyên không rõ vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự, năm 2020[6], các cơ quan thi hành án dân sự đã ban hành 385 văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền xử lý theo quy định, trong đó có 313 văn bản yêu cầu đính chính, giải thích và 72 văn bản kiến nghị xem xét kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Kết quả, các cơ quan thi hành án dân sự đã nhận được 104 văn bản phúc đáp, trong đó có 61 văn bản phúc đáp đầy đủ nội dung theo đề nghị, 43 văn bản giải thích nhưng chưa đầy đủ, nội dung chưa rõ, nên cơ quan thi hành án dân sự vẫn chưa thi hành được... Số còn lại là 281 văn bản, cơ quan thi hành án dân sự chưa nhận được trả lời, trong đó có 136 văn bản đang trong thời hạn trả lời, 145 văn bản đã hết thời hạn trả lời.
Mặc dù Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành chỉ thị về việc giải quyết các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành, trong đó, đưa ra nhiều giải pháp về việc rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cơ quan thi hành án cho rằng bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành và phân công trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc rà soát, xem xét và xử lý, khắc phục đối với các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành… Tuy nhiên, phân tích số lượng các bản án chưa được giải thích, chưa trả lời cho các cơ quan thi hành án dân sự thì thấy rằng vẫn cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác này.
Năm là, về cách thức sửa chữa, bổ sung bản án
Theo quy định tại Điều 268, Điều 486 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì: “1. Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. 2. Trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định tại khoản 1 Điều này thì thẩm phán phối hợp với các hội thẩm nhân dân là thành viên hội đồng xét xử đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án và gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự nếu bản án đã được gửi cho cơ quan thi hành án dân sự…” (Điều 268).
Theo Điều 9 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự thì: Trường hợp phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có những điểm chưa rõ gây khó khăn cho việc thi hành án hoặc phát hiện lỗi chính tả, số liệu có nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có văn bản yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ, sửa chữa lỗi chính tả hoặc số liệu nhầm lẫn. Tòa án có trách nhiệm trả lời về những vấn đề được nêu trong văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự. Việc giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ, sửa chữa lỗi chính tả hoặc sai sót về số liệu được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng và Điều 179 Luật Thi hành án dân sự. Điều 179 Luật Thi hành án dân sự quy định: Tòa án có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan thi hành án dân sự.
Thực tiễn, khi sửa chữa, bổ sung bản án, Tòa án thường chỉ ban hành công văn về việc sửa chữa, bổ sung bản án mà không ban hành quyết định sửa chữa, bổ sung bản án. Do đó, cần quy định thống nhất về hình thức ban hành văn bản sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định để áp dụng, thực hiện.
Một phán quyết đúng, chính xác, rõ ràng là điều kiện vô cùng quan trọng để việc thi hành phán quyết được thuận lợi[7]. Vì vậy, một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng là Tòa án phải nâng cao chất lượng của phán quyết. Để làm được điều này đòi hỏi một giải pháp đồng bộ trong toàn bộ quá trình tố tụng và trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Bên cạnh các quy định về đính chính, sửa đổi, bổ sung bản án, hủy bản án, cần có các quy định cụ thể về trách nhiệm cá nhân của thẩm phán ra bản án, quyết định không rõ, không thống nhất, khó thi hành để hạn chế tình trạng này. Đồng thời, cần có cơ chế phát huy vai trò chủ động của cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên trong việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án giải thích các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội