Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu trực tiếp Quảng Bình
Đến dự khai mạc Hội thảo có ông Trần Chí Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình; ông Võ Khắc Hoan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Trung; ông Trần Quý Hoài, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình. Trao đổi, chia sẻ tại Hội thảo có Nhà báo Đinh Ngọc Sơn, Nguyên Phó Trưởng khoa, Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; GS.TS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng kiêm phụ trách Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, Viện sĩ Viện Hàn lâm quốc tế về Luật So sánh; GS.TS. Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, Biên tập viên Tạp chí Human Right Review; PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, ông Trương Thế Côn, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cho biết, trong bối cảnh ngày nay, truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các cơ quan, tổ chức cũng như với từng cá nhân. Qua hoạt động truyền thông sẽ giúp cho người dân, xã hội hiểu được hoạt động của các cơ quan, tổ chức, qua đó nâng tầm các cơ quan, tổ chức lên. Chính vì vậy, ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, trong đó yêu cầu các bộ xây dựng kế hoạch, bố trí bộ phận, kinh phí, chủ động thực hiện, phát triển mạng lưới truyền thông hàng năm… Đồng thời, ngày 30/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027". Đề án cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, từ quá trình xây dựng dự thảo chính sách cho đến quá trình thực hiện các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật.
TS. Trương Thế Côn - Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật chia sẻ tại Hội thảo
Hội thảo có mục tiêu nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông cho các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp địa phương cũng như các cơ quan, tổ chức. Vì vậy, đại biểu tham dự Hội thảo sẽ được các báo cáo viên trao đổi, chia sẻ nhiều kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và được thực hành các kỹ năng xây dựng, biên tập tin; viết, biên tập các bài báo nghiên cứu; thu thập thông tin, xác minh độ tin cậy của nguồn thông tin, tài liệu; xử lý thông tin trong viết tin, bài nghiên cứu; thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội. Hội thảo còn là dịp để các đại biểu trao đổi, thảo luận với các chuyên gia về những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc xây dựng, viết, biên tập tin, bài viết nghiên cứu và thực hiện truyền thông.
Vì vậy, Tổng biên tập tin tưởng, với sự truyền tải nội dung, kiến thức, kinh nghiệm trong thực tiễn của các chuyên gia, báo cáo viên và nhất là được thực hành thực tế, các công chức, viên chức tham dự Hội thảo sẽ có được kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ nên sẽ xây dựng được hệ tin, bài dưới dạng văn bản, hình ảnh, video clip để thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, cũng như trên các nền tảng mạng xã hội.
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:
Nhà báo Đinh Ngọc Sơn, Nguyên Phó Trưởng khoa, Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trình bày tại Hội thảo
GS.TS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Phụ trách Tạp chí Khoa học pháp lý; Thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Viện sĩ Viện Hàn lâm quốc tế về Luật So sánh trình bày tham luận tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh
Đại biểu trao đổi tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Sở Tư pháp Sơn La
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Sở Tư pháp Khánh Hòa
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Trường Đại học Luật Hà Nội
Thùy Dung
Ảnh: Hoàng Trung