Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 được xây dựng gồm 03 chương, 14 điều, cụ thể: (i) Chương 1: Quy định chung (gồm 02 điều); (ii) Chương 2: Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 (gồm 08 điều); (iii) Chương 3: Điều khoản thi hành (gồm 04 điều), được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm việc phân bổ vốn đúng mục tiêu, tránh đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng tính công khai, minh bạch, tính khả thi khi triển khai, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời hoàn thiện quy định, bao quát các nội dung được sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đối với từng ngành trong 13 ngành, lĩnh vực.
Nội dung chính sách quy định tại Dự thảo Nghị quyết gồm: (i) Ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được quy định đồng bộ, thống nhất với việc phân loại 13 lĩnh vực đang được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước; (ii) Quy định các nguyên tắc chung về phân bổ vốn; (iii) Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương; (iv) Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan trung ương; (v) Nguyên tắc phân bổ đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương cho các địa phương; (vi) Vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu đều nhất trí về nội dung của Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030. Ngoài ra, các đại biểu còn cho một số ý kiến khác, cụ thể:
Đại biểu đại diện cho Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc phân bổ vốn đầu tư công nhà nước giai đoạn 2021 - 2015 theo hướng phân bổ cùng lúc cho cả vốn thực hiện và vốn chuẩn bị đầu tư đang được thực hiện là rất tốt; việc phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư do các các cơ quan, đơn vị tự quyết định thực hiện cũng tạo điều kiện chủ động cho các bộ, ngành. Tuy nhiên, tại điểm đ khoản 8 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết chỉ quy định việc làm rõ vốn chuẩn bị đầu tư dự án dự kiến khởi công mới giai đoạn 2026 - 2030 mà không nhắc đến vốn thực hiện. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại nội dung này. Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhất trí đối với nội dung làm rõ vốn bố trí cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2031 - 2035 trong việc phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư.
Đại biểu đại diện cho Thanh tra Chính phủ hoàn toàn đồng ý với 12 quan điểm, định hướng trong việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 tại Tờ trình Dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu đến từ Thanh tra Chính phủ đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm nội dung về việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội vào phần này. Đối với ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc các ngành, lĩnh vực của Thanh tra Chính phủ.
Ngoài ra, các đại biểu còn đưa ra một số nội dung đề nghị cho cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu như: Bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp; cần nghiên cứu xây dựng nội dung về phân bổ vốn đầu tư công mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với các bộ, ngành có dự án nhỏ; cần bổ sung báo cáo rà soát vào Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết; nghiên cứu sửa lại tờ trình theo đúng mẫu, báo cáo đánh giá tác động cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; rà soát các lỗi kỹ thuật tại Dự thảo Nghị quyết; cần làm rõ thêm nội dung giải trình cụ thể trong Tờ trình Dự thảo Nghị quyết; bổ sung thêm các khái niệm liên quan đến nội dung Dự thảo Nghị quyết...
Phát biểu kết luận phiên họp thẩm định, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo và ý kiến đóng góp của các bộ, ngành. Theo Vụ trưởng, Dự thảo Nghị quyết cơ bản bảo đảm các yêu cầu trong việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức cho phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030; nội dung của Dự thảo Nghị quyết phù hợp của với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, Vụ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, cập nhật những điểm mới theo các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Dự thảo, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ các quy định của pháp luật; cần hoàn thiện một số lỗi kỹ thuật như: Thay vì dùng dấu “+” hoặc “-”, cơ quan soạn thảo nên sửa thành điểm a1, a2, a3; nghiên cứu sửa lại Tờ trình Dự thảo Nghị quyết theo đúng Mẫu số 3, Phụ lục 3 Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ...
Thùy Dung