Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang được tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ, nhất là trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. TMĐT hàm chứa những đặc điểm riêng biệt của TMĐT so với thương mại truyền thống, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng phải có cách thức đặc thù, đặc biệt là quản lý nhà nước trên các phương diện về người nộp thuế, căn cứ tính thuế, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, từ đó, bảo đảm tính công bằng trong các hoạt động TMĐT và thương mại truyền thống, đồng thời, tạo điều kiện cho hoạt động TMĐT ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
1. Quản lý thuế và pháp luật quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam
1.1. Quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử
Hoạt động quản lý có thể được tiến hành bởi nhiều chủ thể khác nhau, đây là sự tác động có mục đích lên các đối tượng quản lý nhằm đạt được các mục tiêu khác nhau. Đứng trên phương diện quản lý nhà nước thì hoạt động quản lý được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước.
Quản lý thuế là một bộ phận của quản lý nhà nước về kinh tế, công tác quản lý được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước; trong đó, cơ quan thuế là đơn vị trực tiếp thay mặt Nhà nước thực hiện quản lý các hoạt động thu thuế nội địa trong nền kinh tế.
Quản lý thuế theo nghĩa rộng là tất cả các hoạt động quản lý của Nhà nước liên quan đến thuế. Bao gồm hoạt động tổ chức, điều hành quá trình thu, nộp thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN); hoạt động xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển hệ thống thuế; ban hành pháp luật về thuế và hoạt động kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền thuế từ quỹ NSNN. Như vậy có thể thấy, quản lý thuế theo nghĩa rộng là một phạm trù rất rộng lớn, bao trùm lên nhiều cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngược lại, quản lý thuế theo nghĩa hẹp được hiểu là công tác quản lý hành chính về thuế được thực hiện bởi cơ quan thuế. Quản lý thuế theo nghĩa hẹp bao gồm việc tổ chức, quản lý, điều hành quá trình thu nộp thuế cho Nhà nước từ các tổ chức, cá nhân là đối tượng nộp thuế đã được xác định theo pháp luật. Các nội dung quản lý theo nghĩa hẹp được bó hẹp trong phạm vi thẩm quyền của cơ quan thuế. Trong bài viết này phạm trù quản lý thuế được tác giả tiếp cận dưới góc độ theo nghĩa hẹp. Theo đó, quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT là hoạt động tổ chức và điều hành các công việc của cơ quan thuế đối với người nộp thuế có hoạt động TMĐT trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo các quy định do pháp luật ban hành, nhằm thực hiện được các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong từng thời kỳ.
Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT là một nội dung trong hoạt động quản lý thuế nên các phạm trù về chủ thể quản lý, đối tượng quản lý, công cụ và phương pháp quản lý, mục tiêu quản lý là những vấn đề then chốt cần phải được nhận thức đúng đắn.
Chủ thể quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT là Nhà nước, cụ thể là các cơ quan nhà nước có quyền hạn và nhiệm vụ thực hiện nhất định, bao gồm cơ quan lập pháp với vai trò là người nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật thuế; cơ quan hành pháp với tư cách là người điều hành, tổ chức thực hiện pháp luật thuế; hệ thống các cơ quan chuyên môn giúp việc cho cơ quan quản lý hành chính nhà nước tổ chức và thực hiện thu thuế, thông thường đó là các cơ quan thuế và cơ quan hải quan.
Đối tượng quản lý thuế là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thuộc các hình thức khác nhau trong nền kinh tế có hoạt động TMĐT. Do vậy, đối tượng quản lý thuế rất đa dạng và phức tạp, đòi hỏi các công cụ và phương pháp quản lý thuế khác nhau cho từng đối tượng riêng biệt.
Công cụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT là hệ thống chính sách, pháp luật, kế hoạch và các công cụ khác. Trong đó, chính sách là một công cụ rất quan trọng trong quản lý thuế, có độ nhạy cảm cao đối với sự thay đổi của các yếu tố trong nền kinh tế. Hệ thống chính sách chủ yếu có tác động tới công tác quản lý thuế bao gồm chính sách thuế, chính sách cơ cấu kinh tế và chính sách kinh tế đối ngoại. Trong đó, chính sách thuế có tác động trực tiếp đến công tác quản lý thuế và trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay đòi hỏi chính sách thuế cần phải thiết kế phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Pháp luật là công cụ quản lý có tính pháp lý cao, có tính định hướng và quy định cụ thể hành vi, nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước và người nộp thuế. Pháp luật thuế thể hiện chủ yếu ở các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành dưới các dạng luật, nghị định, thông tư. Kế hoạch cũng là một công cụ quan trọng trong quản lý. Việc xây dựng một kế hoạch đúng đắn sẽ là một kim chỉ nam định hướng quan trọng cho việc thực hiện các nhiệm vụ. Quản lý thuế được thực hiện bằng các kế hoạch dài, trung hoặc ngắn hạn một cách cụ thể thì sẽ có cơ sở chắc chắn cho việc đánh giá hiệu quả quản lý thuế qua các giai đoạn và thời kỳ tương ứng.
Phương pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT là tổng hòa nhiều phương pháp khác nhau như: Phương pháp hành chính - tổ chức, phương pháp kinh tế, phương pháp tâm lý - giáo dục… Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng. Do vậy, tùy theo từng đối tượng, tùy theo từng sắc thuế để có thể vận dụng phương pháp phù hợp trong quản lý thuế.
Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT có mục tiêu quan trọng là huy động nguồn lực tài chính cho NSNN và góp phần thực hiện các mục tiêu của Nhà nước trong từng thời kỳ thông qua việc ban hành và tổ chức thực thi pháp luật. Quản lý thuế cần bảo đảm tối thiểu hóa chi phí góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế và tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
2.2. Pháp luật về quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam
Nhìn chung, trong thời gian vừa qua, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm hơn đến việc điều chỉnh các hoạt động kinh tế mới phát sinh, trong đó có giao dịch TMĐT và thuế áp trên giao dịch TMĐT. Tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, Thủ tướng đã phê duyệt một số nội dung cải cách chính sách thuế như:
Đối với thuế giá trị gia tăng, bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường; đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội; đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, bổ sung quy định để bao quát được các hoạt động kinh tế mới phát sinh trong kinh tế thị trường hội nhập và phù hợp với thông lệ quốc tế như TMĐT; đối với thuế thu nhập cá nhân, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng cơ sở thuế và xác định rõ thu nhập chịu thuế, cơ bản thống nhất mức thuế suất đối với thu nhập cùng loại hoạt động hoặc hoạt động tương tự nhằm bảo đảm công bằng về nghĩa vụ thuế giữa thể nhân và pháp nhân (doanh nghiệp), điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp.
Theo định hướng của Chiến lược cải cách hệ thống thuế, Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành một số quy định có liên quan để tạo điều kiện cho TMĐT phát triển như Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ (có hiệu lực từ 01/11/2018), Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trong đó, thừa nhận giá trị pháp lý của vé máy bay điện tử, thẻ lên máy bay (boarding pass) là chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…
Tuy có những bước tiến nhất định nhưng các quy định pháp luật thuế điều chỉnh đối với giao dịch TMĐT vẫn còn một số tồn tại: Hiện nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật hoặc một quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng nghĩa vụ thuế đối với giao dịch TMĐT. Thay vào đó, các giao dịch TMĐT và các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực TMĐT chủ yếu chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật thuế áp dụng cho các hoạt động kinh doanh nói chung bao gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế nhập khẩu, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Vai trò của pháp luật và thực trạng quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam
2.1. Vai trò của pháp luật quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam
Quản lý thuế TMĐT là một trong các nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đó có các cơ quan quản lý thuế. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thuế TMĐT không chỉ bảo đảm sự vận hành thông suốt hệ thống cơ quan nhà nước, mà có tác động tích cực tới quá trình thu, nộp thuế vào NSNN. Đó chính là vai trò của quản lý thuế, thể hiện như sau:
- Quản lý thuế có vai trò quyết định trong việc bảo đảm nguồn thu từ thuế được tập trung chính xác, kịp thời, thường xuyên, ổn định vào NSNN. Thông qua việc lựa chọn áp dụng các biện pháp quản lý thuế có hiệu quả, cũng như xây dựng và áp dụng quy trình, thủ tục về thuế hợp lý, cơ quan thuế bảo đảm thu thuế đúng luật, đầy đủ và kịp thời vào NSNN.
- Thông qua hoạt động quản lý thuế góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như các quy định về quản lý thuế. Những điểm còn bất cập trong chính sách thuế và khiếm khuyết trong các luật thuế được phát hiện trong quá trình áp dụng luật vào thực tiễn và qua các hoạt động quản lý thuế. Trên cơ sở đó, cơ quan điều hành thực hiện pháp luật đề xuất bổ sung, sửa đổi các luật thuế.
- Thông qua quản lý thuế, Nhà nước thực hiện kiểm soát và điều tiết các hoạt động kinh tế của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Theo quy định của pháp luật thuế, người nộp thuế có trách nhiệm phải kê khai thuế. Nội dung kê khai thuế là kê khai các hoạt động kinh tế có liên quan đến việc tính toán nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, tức là phải kê khai các hoạt động kinh tế phát sinh, các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế. Mặt khác, để quản lý thuế, cơ quan thuế phải tổ chức thu thập, nắm bắt, lưu giữ thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, phải tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế. Như vậy, có thể thấy, thông qua quản lý thuế, Nhà nước đã thực hiện kiểm soát các hoạt động kinh tế của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Từ việc kiểm soát các hoạt động kinh tế này, Nhà nước có thể có các chính sách quản lý phù hợp để điều tiết hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế theo định hướng của Nhà nước.
2.2. Thực trạng quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam
Thứ nhất, nhiều chủ thể tham gia hoạt động TMĐT tại Việt Nam không tiến hành đăng ký kinh doanh nên cơ quan nhà nước khó theo dõi, quản lý, xác định đối tượng. Đặc biệt là đối với loại hình quảng cáo trực tuyến, bán hàng qua mạng xã hội (như thông qua Google, Facebook, Zalo...). Trong đó, các hành vi mà chủ thể kinh doanh vi phạm như không kê khai hoặc kê khai chưa đúng doanh thu thuế giá trị gia tăng; không kê khai thuế nhà thầu đối với dịch vụ của một số công ty đa quốc gia có phát sinh dịch vụ ở Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân hiện nay đang bùng phát nhanh chóng, trong khi cơ quan quản lý lại thiếu chế tài để tiến hành thu thuế kinh doanh khi phát sinh giao dịch buôn bán.
Thứ hai, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng tài khoản cá nhân để thanh toán các khoản phí dịch vụ nước ngoài không kê khai doanh thu tính thuế. Trong đó, một bộ phận khá lớn các tổ chức, cá nhân sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa, bán trực tiếp cho người tiêu dùng là cá nhân không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ ba, một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh; một số hoạt động TMĐT còn chưa được xác định thuộc vào loại hình kinh doanh nào, dẫn đến khó khăn trong việc xác định bản chất, loại hình để thu thuế hoạt động kinh doanh, trong khi tùy theo loại hình hoạt động mà cơ quan quản lý thuế áp dụng các mức thuế khác nhau.
Thứ tư, vấn đề quản lý doanh thu, thu nhập của các đối tượng kinh doanh TMĐT gặp khó khăn. Hiện nay, công tác quản lý TMĐT chưa có các công cụ để kiểm soát, theo dõi lượng hàng hóa cũng như doanh thu phát sinh từ các hoạt động này. Việc xác định doanh thu chủ yếu dựa trên hóa đơn bán hàng và nội dung giao dịch thanh toán. Thực tế, nhiều đối tượng kinh doanh TMĐT khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn không đúng thực tế; thực hiện phương thức thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu, hoặc nếu thanh toán qua ngân hàng thì sử dụng các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế.
Trong khi đó, pháp luật cũng chưa có quy định về trách nhiệm của ngân hàng trong việc cung cấp thông tin giao dịch thanh toán TMĐT, trách nhiệm của các đơn vị cho thuê máy chủ về cung cấp thông tin các doanh nghiệp vận hành các trang mạng có hoạt động kinh doanh TMĐT... nên cơ quan thuế còn gặp khó khăn trong quản lý kê khai, xác định doanh thu của các đối tượng kinh doanh TMĐT.
3. Giải pháp nâng cao vai trò của quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, thông qua đường dây nóng của cơ quan thuế và báo, đài, các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn công nghệ thông tin, để chủ thể nộp thuế (đặc biệt là chủ thể nộp thuế bán hàng qua mạng internet) nhận thức đúng về chính sách, pháp luật thuế, nghĩa vụ thuế, khai báo đầy đủ các thông tin và kê khai nộp thuế theo quy định, cơ quan thuế có thể căn cứ vào đó để kiểm soát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của chủ thể nộp thuế.
Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý và kiểm soát từ khi chủ thể bắt đầu thực hiện giao dịch TMĐT đến khi giao dịch thương mại điện tử hoàn tất để trao đổi, thu thập, nắm bắt thông tin của các đơn vị có hoạt động kinh doanh TMĐT.
Phối hợp và tăng cường trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức ngân hàng, các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán trong việc quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán và chủ động cung cấp thông tin nhằm phục vụ công tác quản lý thuế đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới; thực hiện trách nhiệm khấu trừ, kê khai nộp thuế thay cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành có liên quan (Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công an, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các cơ quan trung ương đóng tại địa phương để tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có giao dịch TMĐT trên địa bàn. Trong trường hợp có vi phạm trong kê khai, nộp thuế, có hành vi trốn thuế, các cơ quan liên quan tiến hành các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Cơ quan thuế có thể cân nhắc thuê bên thứ ba thực hiện tìm kiếm, sử dụng công nghệ tìm kiếm. Một mặt để việc kiểm soát thông tin chính xác hơn, mặt khác hỗ trợ các chuyên gia của Ngành Thuế có thể nâng cao kỹ năng tìm kiếm, khai thác sử dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thu thập thông tin phục vụ cho mục đích quản lý thuế, vì trên thực tế hiện nay cơ sở dữ liệu điện tử của cơ quan thuế chưa được đầy đủ và đồng bộ.
Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân có giao dịch TMĐT (công ty chuyển phát; công ty bưu chính, viễn thông...) cung cấp thông tin về số lượng hàng hóa vận chuyển, doanh thu thu hộ (nếu có) của từng tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT.
Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế để phân chia quyền thu thuế, bảo vệ quyền thu thuế của các quốc gia, giúp cung cấp thông tin, hỗ trợ thu thuế để bảo đảm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế đối với giao dịch thương mại điện tử.
Về quy định pháp luật, cần sửa đổi thuật ngữ “cơ sở thường trú” theo hướng bảo đảm một quốc gia có quyền đánh thuế đối với thu nhập của doanh nghiệp phát sinh tại quốc gia đó. Do vậy, về mặt quản lý thuế, cơ quan thuế các quốc gia cần phối, kết hợp trong việc trao đổi trong việc dành quyền ưu tiên thu thuế TMĐT phù hợp, đồng thời điều chỉnh thống nhất các quy định để bảo đảm việc thu thuế đối với các hàng hóa, dịch vụ được cung cấp xuyên biên giới được phân chia hợp lý giữa các quốc gia (phân bổ lợi nhuận, thu nhập giữa các quó gia để thực hiện đánh thuế hoặc bảo vệ chủ quyền đánh thuế) bảo đảm sự minh bạch, bình đẳng giữa các quốc gia, tránh thu thuế hai lần.
Đồng thời, cần thiết tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan thuế các quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết hiệp định tránh thu thuế hai lần nhằm xác định nghĩa vụ thuế, ngăn ngừa hành vi gian lận trốn thuế, tạo cơ chế thỏa thuận phân bổ số thuế phải nộp đối với một số giao dịch phức tạp, khó xác định như giao dịch giữa doanh nghiệp và cá nhân người tiêu dùng.
Ngoài ra, cơ quan thuế Việt Nam cần hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng để bảo vệ hạ tầng thông tin quan trọng, tránh phát tán thông tin sai lệch, cùng tìm ra biện pháp để quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT phù hợp.
ThS. Hoàng Thị Hải Yến
Học viện Phụ nữ Việt Nam
[1]. Bài viết dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học của tác giả với đề tài “Pháp luật về quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam” năm 2022.