Tuy nhiên, bên cạnh thành tích, kết quả đạt được, công tác theo dõi và thi hành án hành chính vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định được Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành và xã hội đặc biệt quan tâm đó là số lượng bản án, quyết định hành chính chưa được giải quyết xong hàng năm tuy có giảm, nhưng thực tế vẫn còn tồn đọng nhiều. Trong khi đó, vai trò theo dõi thi hành án hành chính của cơ quan thi hành án dân sự được quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định số 71/2016/NĐ-CP) không có ý nghĩa quyết định kết quả thi hành xong một bản án, quyết định hành chính, việc kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính không đơn giản bởi chủ yếu đối tượng phải thi hành án hành chính là Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân, là chủ thể có thẩm quyền chỉ đạo công tác thi hành án dân sự mà cơ quan thi hành án dân sự đang thi hành. Những hạn chế, tồn tại trên kéo theo hệ lụy là tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo trong theo dõi và thi hành án hành chính có xu hướng tăng lên hàng năm, làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn an ninh, trật tự.
1. Kết quả và những tồn tại, hạn chế trong công tác theo dõi và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Tại Nghệ An, trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh, công tác thi hành án dân sự và theo dõi thi hành án hành chính đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mỗi năm, các cơ quan thi hành án dân sự giải quyết xong trung bình 14.000 vụ việc, tương ứng với 350 tỷ đồng về dân sự, luôn đạt, vượt chỉ tiêu được giao và theo dõi thi hành án hành chính luôn đạt tỷ lệ 100%. Những kết quả trên được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao, tạo được niềm tin với đại đa số người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, mặc dù kết quả theo dõi thi hành án hành chính luôn đạt 100% trong 05 năm, từ năm 2016 đến năm 2020 nhưng đến tháng 9/2020, số bản án, quyết định về vụ án hành chính chưa được thi hành xong vẫn còn 18 bản án, dẫn đến tình trạng người dân còn khiếu nại, tố cáo.
Những tồn tại, hạn chế trong công tác theo dõi và thi hành án hành chính do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó:
- Về nguyên nhân khách quan
Thể chế về theo dõi và thi hành án hành chính mặc dù ngày càng được hoàn thiện với sự ra đời của nhiều văn bản pháp luật như Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính (Chỉ thị số 26/CT-TTg); Quyết định số 1130/QĐ-TCTHADS ngày 16/10/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự về việc ban hành Quy trình theo dõi thi hành án hành chính (Quyết định số 1130/QĐ-TCTHADS), tuy nhiên, cơ chế thi hành án hành chính đang là cơ chế tự thi hành nên tính tự giác chưa cao, cơ quan được giao theo dõi thi hành án hành chính là cơ quan thi hành án dân sự thì chịu sự chỉ đạo về công tác thi hành án dân sự của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân - chủ thể có trách nhiệm thi hành án hành chính, do đó, việc kiến nghị xử lý trách nhiệm khó có thể thực hiện được. Đặc biệt, trong các văn bản này, chưa ban hành quy định về quy trình để thi hành một bản án hành chính, dẫn đến sự lúng túng trong quá trình thi hành bản án hành chính. Chẳng hạn như: Cùng một nội dung bản án tuyên hủy quyết định hành chính nhưng mỗi cơ quan phải thi hành án hành chính lại thực hiện khác nhau (có cơ quan cho rằng bản án đã hủy quyết định hành chính thì cơ quan hành chính không cần tác động gì thêm, nhưng lại có cơ quan hành chính ban hành thông báo quyết định hành chính hết hiệu lực theo bản án của Tòa án, có cơ quan hành chính lại tổ chức họp công bố quyết định hành chính hết hiệu lực theo bản án của Tòa án) hoặc cùng nội dung bản án tuyên Ủy ban nhân dân phải thực hiện nhiệm vụ công vụ nhưng người đứng đầu lại không biết phải làm gì, làm như thế nào để hết trách nhiệm của mình.
Về thực tiễn, thi hành án hành chính chủ yếu liên quan đến đất đai, lĩnh vực vốn phức tạp và nhiều bất cập về pháp lý, việc khắc phục hậu quả từ các quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai trước đây, đặc biệt là liên quan đến giao đất, đền bù, giải tỏa, trả lại đất… thường qua nhiều giai đoạn, mất rất nhiều thời gian, hiện trạng việc quản lý, sử dụng đất đã thay đổi nên thực tế khó thi hành do ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều cá nhân khác; việc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất cũng mất nhiều thời gian như khảo sát, thẩm định giá, lập phương án bồi thường… Cùng với đó, một số bản án hành chính của Tòa án tuyên không rõ ràng, thiếu tính thuyết phục dẫn đến khó thi hành trong thực tiễn.
- Về nguyên nhân chủ quan
Một số cơ quan thi hành án dân sự chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo dõi thi hành án hành chính hoặc có thực hiện nhưng chưa “đến nơi đến chốn” hoặc chỉ có suy nghĩ đơn thuần đến những việc làm cụ thể được giao mà không liên hệ đến những vấn đề tổng thể của địa phương, đơn vị trong việc theo dõi và thi hành các bản án hành chính để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước và tổ chức thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực.
Một số bên phải thi hành án, nhất là Ủy ban nhân dân và người đứng đầu Ủy ban nhân dân chưa thực sự xác định rõ trách nhiệm phải thi hành bản án hành chính của Tòa án hoặc lúng túng trong việc tổ chức thi hành bản án, không xác định được nội dung, phạm vi phải thi hành án, dẫn đến chưa chủ động giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn trực thuộc giải quyết các công việc liên quan đến thi hành bản án hành chính.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, thậm chí có địa phương, đơn vị cấp huyện không tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản pháp luật về tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, dẫn đến người dân, doanh nghiệp nhận thức còn hạn chế trong việc chấp hành pháp luật, đặc biệt có trường hợp còn lợi dụng để khiếu nại, khiếu kiện kéo dài hoặc gửi đơn thư đến nhiều cấp, nhiều ngành.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước đối với công tác thi hành án hành chính chưa được quan tâm đúng mức, chưa xác định rõ cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chỉ đạo đối với việc thi hành bản án hành chính.
Sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc thi hành các bản án hành chính thiếu kịp thời, chưa thực hiện tối đa trách nhiệm khi có vấn đề về thi hành án hành chính liên quan đến ngành, địa phương mình, có khi một nội dung phải chuyển đi chuyển lại nhiều lần cho một ngành, địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
2. Một số giải pháp hiệu quả đã được thực hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên đòi hỏi về lâu dài cần phải có những nghiên cứu toàn diện thể chế về pháp luật tố tụng hành chính, theo dõi và thi hành án hành chính, nhất là cơ chế về thi hành án hành chính, thẩm quyền, trình tự, thủ tục hành chính cần phải rõ ràng, minh bạch hơn nhằm tạo điều kiện để bảo đảm cho bản án, quyết định về hành chính của Tòa án đã có hiệu lực được thi hành trên thực tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho tổ chức, cá nhân.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, để nâng cao hiệu quả theo dõi và thi hành án hành chính, Cục Thi hành án dân sự đã chủ động phát huy vai trò, trách nhiệm tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước về theo dõi và thi hành án hành chính với một số giải pháp hiệu quả như sau:
Thứ nhất, giải pháp về tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý nhà nước về theo dõi và thi hành án hành chính.
Xác định việc xây dựng chương trình, kế hoạch là chìa khóa để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về theo dõi và thi hành án hành chính, Cục Thi hành án dân sự đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Chỉ thị số 26/CT-TTg và Quyết định số 1130/QĐ-TCTHADS. Cùng với đó, Cục Thi hành án dân sự tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các công văn chỉ đạo đối với các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan, theo đó, chỉ đạo, yêu cầu bám sát các kế hoạch chủ động, tích cực triển khai thực hiện bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và giao Cục Thi hành án dân sự giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về thi hành án hành chính. Đặc biệt, trong đó yêu cầu mỗi sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện phân công một phòng, ban chức năng giúp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ thi hành bản án hành chính từ triển khai thi hành bản án đã tuyên đến lưu giữ hồ sơ, báo cáo lên cấp trên… Nhờ vậy, bước đầu giúp các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh xác định rõ nhiệm vụ, vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực; không để tình trạng quên hoặc thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chấp hành, chỉ đạo thi hành án hành chính; tăng cường kiểm tra, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo kết quả về việc triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
Cục Thi hành án dân sự đã chủ động phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức kịp thời các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, báo cáo viên pháp luật tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Phòng Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự; chỉ đạo Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh phát hành các số chuyên đề và tập san Pháp luật và Đời sống. Hàng năm, tập san Pháp luật và Đời sống phát hành đều kỳ, 01 năm là 08 số với số lượng mỗi số là 1.600 cuốn cấp phát miễn phí về cơ sở, trong đó có nhiều bài viết về nội dung Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, riêng năm 2016 có 01 tập san riêng để phổ biến các quy định của Nghị định này. Xây dựng chuyên mục, chuyên trang, số chuyên đề trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và các văn bản liên quan đến cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.
Thứ ba, giải pháp về quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Hàng năm, Cục Thi hành án dân sự đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và triển khai nhiệm vụ năm tiếp theo. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện thi hành kịp thời, nghiêm túc bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, tích cực phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc đôn đốc thi hành án hành chính.
Đối với các vụ việc thi hành án hành chính cụ thể đang thi hành, Cục Thi hành án dân sự đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều công văn để chỉ đạo, đôn đốc, triển khai xử lý kịp thời và báo cáo kết quả công tác thi hành án hành chính với cấp trên, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Đồng thời, tham mưu để Bí thư Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp dân giải quyết các vụ việc khiếu nại liên quan đến theo dõi và thi hành án hành chính.
Cục Thi hành án dân sự tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập đoàn liên ngành, tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; kịp thời xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức vi phạm trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; phối hợp với cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc đôn đốc các vụ việc có nội dung mà Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính và cơ quan thi hành án dân sự đang thực hiện quy trình theo dõi. Trên cơ sở các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, Cục Thi hành án dân sự đã chủ động làm việc với các Ủy ban nhân dân cấp huyện đang có các vụ việc thi hành án hành chính tồn đọng nhằm kiểm tra thực trạng, tìm giải pháp và đôn đốc, hướng dẫn thực hiện để thi hành dứt điểm các bản án đã có hiệu lực pháp luật (đây được xem là giải pháp hiệu quả trong giải quyết các vụ việc cụ thể về thi hành án hành chính).
Thứ tư, giải pháp về theo dõi thi hành án hành chính.
Trên cơ sở các kế hoạch, công văn của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự đã ban hành 06 Công văn[1] chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi thi hành án hành chính đến các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh cùng nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu người phải thi hành án hành chính nghiêm túc thực hiện nội dung thi hành án hành chính.
Đối với các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, Cục Thi hành án dân sự đã tổ chức một hội nghị tập huấn chuyên sâu nội dung của Nghị định số 71/2016/NĐ-CP đến toàn thể cán bộ, công chức ngành thi hành án; chỉ đạo các Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự phối hợp với Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện và đài truyền thanh, truyền hình địa phương tuyên tuyên, phổ biến các quy định pháp luật về thi hành án hành chính trên địa bàn. Chỉ đạo Văn phòng Cục Thi hành án dân sự phối hợp với Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án phổ biến các quy định về pháp luật thi hành án hành chính trên Trang thông tin điện tử của Cục. Hằng năm, Cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và triển khai nhiệm vụ năm tiếp theo; đồng thời, tổ chức các cuộc tập huấn nghiệp vụ chuyên đề liên quan đến công tác theo dõi thi hành án hành chính.
Trong công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan cùng cấp trên địa bàn đối với toàn bộ quá trình theo dõi thi hành án hành chính, Cục Thi hành án dân sự phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân các cấp trong việc chuyển đầy đủ và kịp thời các bản án, quyết định. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong việc tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan hành chính trên địa bàn liên quan đến việc thi hành án hành chính. Đối với các cơ quan, ban, ngành chuyên môn có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì Cục Thi hành án dân sự nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành bản án, quyết định, từ đó, tham mưu, đề xuất hướng giải quyết căn cơ, hiệu quả.
Để giải quyết các vụ việc thi hành án hành chính còn tồn đọng, Cục Thi hành án dân sự đã chủ động làm việc trực tiếp với các Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra thực trạng, tìm giải pháp và đôn đốc thực hiện để thi hành dứt điểm các bản án, quyết định về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật. Cục Thi hành án dân sự thường xuyên chỉ đạo các chấp hành viên thực hiện nghiêm việc tổ chức theo dõi đối với 100% bản án, quyết định về vụ án hành chính có nội dung theo dõi đã có hiệu lực thi hành; tổ chức đăng tải công khai các quyết định buộc thi hành án hành chính theo quy định; thực hiện theo dõi thi hành án hành chính theo đúng quy trình, quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Quyết định số 1130/QĐ-TCTHADS.
Có thể khẳng định, công tác theo dõi và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thực hiện kịp thời, khá bài bản, xuyên suốt, có trọng tâm, trọng điểm, nhiều biện pháp, giải pháp có hiệu quả. Nhờ vậy, kết quả theo dõi và thi hành án hành chính trong những năm gần đầy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến thời điểm hiện tại, số bản án, quyết định thi hành án hành chính đã thi hành xong là 18/19 bản án. Những kết quả trên đã thực hiện được nhiều mục tiêu hiện thực hóa bản án, quyết định về vụ án hành chính của Tòa án vào đời sống, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục Thi hành án dân sự
Phạm Quốc Nam
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An
[1]. Công văn số 1342/CTHADS-NV ngày 18/10/2016 triển khai thi hành và hướng dẫn theo dõi thi hành án hành chính theo Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; Công văn số 619/CTHADS-NV ngày 08/5/2019 triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về thi hành án hành chính; Công văn số 83/CTHADS-NV ngày 03/02/2020 triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg; Công văn số 376/CTHADS-NV ngày 01/4/2020 yêu cầu báo cáo kết quả theo dõi thi hành án hành chính; Công văn số 210/CTHADS-NV ngày 05/3/2021 yêu cầu báo cáo công tác thi hành án hành chính và cung cấp hồ sơ theo dõi thi hành án hành chính; Công văn số 216/CTHADS-NV ngày 08/3/2021 triển khai công văn hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi thi hành án hành chính.