Tiền hợp đồng là giai đoạn mặc dù hợp đồng chưa được ký kết nhưng có rất nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến hợp đồng về sau. Mặc dù pháp luật của một số quốc gia trên thế giới còn khiếm khuyết trong việc quy định về giai đoạn tiền hợp đồng nhưng rất nhiều học giả, luật sư vẫn đánh giá cao vai trò của giai đoạn này đối với toàn bộ quá trình giao kết hợp đồng, thậm chí là cả quá trình thực hiện hợp dồng. Có thể thấy, tiền hợp đồng là giai đoạn đàm phán hợp đồng từ khi một bên đưa ra lời mời hoặc biểu lộ ý muốn giao kết hợp đồng nhằm tìm kiếm thông tin, thảo luận các nội dung liên quan để hướng đến việc hình thành hợp đồng. Trong giai đoạn tiền hợp đồng, các chủ thể vừa có khả năng tự xử sự để đáp ứng các quyền dân sự nhưng đồng thời cũng chịu sự ràng buộc bởi các nghĩa vụ. Nghĩa vụ tiền hợp đồng bao gồm ba sự cần thiết phải xử sự: (i) Các chủ thể phải tiến hành một số hoạt động nhất định (cung cấp thông tin); (ii) Phải kiềm chế không được thực hiện một số hoạt động nhất định (kiềm chế việc đưa thông tin sai lệch, không khách quan); (iii) Phải chịu trách nhiệm dân sự khi xử sự không đúng với các quy định của pháp luật dân sự và các quy định khác về nghĩa vụ tiền hợp đồng (bồi thường thiệt hại hoặc buộc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ). Như vậy, nghĩa vụ tiền hợp đồng được hiểu là cách xử sự bắt buộc mà chủ thể phải thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và các quy định khác về tiền hợp đồng nhằm đáp ứng việc thực hiện quyền dân sự của chủ thể khác.
Việc nghiên cứu quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành về nghĩa vụ tiền hợp đồng là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, góp phần làm sáng tỏ các quy định pháp luật hiện nay về nghĩa vụ tiền hợp đồng, đưa ra các quan điểm hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ tiền hợp đồng và các vấn đề liên quan. Bộ luật Dân sự năm 2015 cho thấy tồn tại 04 nhóm nghĩa vụ trong giai đoạn tiền hợp đồng:
1. Nghĩa vụ cung cấp thông tin
Ở dạng chung nhất, thông tin luôn được hiểu như các thông báo nhằm mang lại một sự hiểu biết nào đó cho đối tượng nhận tin. Thông tin là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tiền hợp đồng; các bên tham gia đàm phán hợp đồng cần thông tin để xem xét, lựa chọn lĩnh vực giao kết hợp đồng, giúp thỏa mãn các nhu cầu về vật chất, tinh thần của các bên[1]. Thông tin trợ giúp các bên hiểu rõ về nhau cũng như sản phẩm (đối tượng) mà các bên hướng tới đàm phán, định hướng cho họ lựa chọn phạm vi phù hợp để giao kết hợp đồng. Nguyên tắc chi phối đến nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng thể hiện rõ nét ở khoản 3 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”. Sự thiện chí trong cung cấp thông tin của giai đoạn tiền hợp đồng là điều kiện cần trong nghĩa vụ cung cấp thông tin. Trong quá trình đàm phán, thương lượng để giao kết hợp đồng, mỗi bên luôn chiếm ưu thế về một loại thông tin nhất định. Vì thế, sự thiện chí trong cung cấp thông tin của giai đoạn tiền hợp đồng là các bên, đặc biệt là bên bán (nếu là hợp đồng mua bán) phải bày tỏ ý định, suy nghĩ tốt và thực lòng mong muốn được cung cấp các thông tin về tài sản do bên mình nắm giữ[2]. Nếu sự không thiện chí trong cung cấp thông tin xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thông tin và kết quả thông tin sau này. Nếu coi sự thiện chí là điều kiện cần thì trung thực được ví là điều kiện đủ trong nghĩa vụ cung cấp thông tin. Thông tin trung thực là những thông báo được gửi đi đúng với sự thật, không làm sai lệch đi so với sự vốn có của nó[3]. Theo nghĩa rộng, nghĩa vụ trung thực trong cung cấp thông tin bao gồm cả việc thông báo được gửi đi đúng với sự thật và gửi đầy đủ các thông tin mà bên chiếm ưu thế có được. Trong phạm vi rộng của trung thực thông tin hàm chứa cả tính chất của thiện chí khi cung cấp thông tin phục vụ cho giao kết hợp đồng.
Rõ ràng, với nguyên tắc trung thực, thiện chí khi cung cấp thông tin giao kết hợp đồng được ghi nhận tại những điều đầu tiên đã chứng tỏ pháp luật dân sự đặc biệt coi trọng vấn đề này khi thực hiện tiền hợp đồng. Nguyên tắc trung thực, thiện chí đóng vai trò là nền tảng của mọi giao dịch dân sự.
Bên cạnh đó, Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn ghi nhận: “Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết… Bên vi phạm quy định tại khoản 1… Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Điều 387 này đã quy định về “thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng”. Thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng được hiểu là những thông báo có tác động quyết định đến việc giao kết hợp đồng hay không. Với giá trị quan trọng như vậy của thông tin, Bộ luật Dân sự đặt ra nghĩa vụ phải thông báo của bên có thông tin là quy định rất phù hợp.
Ngoài ra, Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 về giải thích hợp đồng quy định: “1. Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng. 2. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng… 4. Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng. 5. Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng”. Về bản chất, giải thích hợp đồng là việc cung cấp thêm thông tin cho đầy đủ để hiểu thống nhất các nội dung của hợp đồng, nhưng theo Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc cung cấp thông tin bổ sung không được xa rời ý chí, nguyện vọng của các bên ở giai đoạn tiền hợp đồng. Quy định trên đây của pháp luật về giải thích hợp đồng được đánh giá cao ở tính chặt chẽ và thống nhất vì đã kết nối được những giai đoạn khác nhau của quá trình giao kết hợp đồng, tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột” về thông tin.
Như vậy, có thể thấy, Bộ luật Dân sự năm 2015 rất chú trọng tới nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng. Vì thông tin có vai trò “thành hay bại” của hợp đồng dân sự, có nhiều trường hợp, chỉ thiếu một chút thông tin cần thiết đã thay đổi toàn bộ hợp đồng, có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý từ việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng.
2. Nghĩa vụ bảo mật thông tin
Giai đoạn tiền hợp đồng là giai đoạn đầu tiên liên quan đến hợp đồng. Trong giai đoạn này, các bên tiến hành đàm phán với nhau để đi đến sự ưng thuận giao kết hợp đồng. Để đạt được sự ưng thuận thì trong giai đoạn này, các bên phải cung cấp cho nhau các thông tin cần thiết liên quan đến nội dung, đối tượng của hợp đồng. Do tính chất quan trọng của các thông tin mà các bên cung cấp cho nhau trong giai đoạn này nên xu hướng trong các hệ thống pháp luật hiện nay đều thừa nhận nghĩa vụ bảo mật thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng là một loại nghĩa vụ pháp lý.
Bảo mật thông tin là duy trì tính bảo mật, tính toàn vẹn, toàn diện và tính sẵn sàng cho toàn bộ thông tin. Bảo mật thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng cần tuân thủ đầy đủ các yếu tố: (i) Bảo đảm thông tin đó là duy nhất, những người muốn tiếp cận thông tin tiền hợp đồng phải được sự cho phép của người có quyền với thông tin; (ii) Bảo vệ sự toàn vẹn của thông tin; (iii) Việc bảo mật thông tin phải luôn sẵn sàng, phải thực hiện ở bất kì đâu và bất kì lúc nào.
So với các Bộ luật Dân sự trước, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có bước tiến mới trong nghĩa vụ liên quan đến thông tin của giai đoạn tiền hợp đồng, đó là trách nhiệm bảo mật thông tin. Bên cạnh việc tiếp tục ghi nhận nguyên tắc thiện chí, trung thực là nguyên tắc chung của pháp luật dân sự, đòi hỏi các bên phải xử sự với nhau một cách thiện chí, trung thực trong suốt quá trình đàm phán, giao kết, thực hiện và cả sau khi chấm dứt quan hệ hợp đồng thì lần đầu tiên Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định riêng về nghĩa vụ bảo mật thông tin giai đoạn tiền hợp đồng, cụ thể khoản 2 Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác”. Theo quy định này, mặc dù quy định không nêu rõ bảo mật thông tin của giai đoạn tiền hợp đồng hay trong hợp đồng nhưng hiểu rộng ra quy định trên bao hàm cả bảo mật thông tin tiền hợp đồng và nghĩa vụ bảo mật thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng là một loại nghĩa vụ pháp lý độc lập mà các bên phải tuân thủ.
Bằng việc quy định cụ thể nghĩa vụ bảo mật thông tin giai đoạn tiền hợp đồng, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tạo ra hành lang pháp lý góp phần đảm bảo an toàn cho các quan hệ hợp đồng, góp phần cân bằng quyền và nghĩa vụ của các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng. Đây cũng là căn cứ pháp lý để các cơ quan áp dụng trong giải quyết các tranh chấp phát sinh từ thực tiễn.
3. Nghĩa vụ của các bên trong đề nghị giao kết hợp đồng
Khoản 1 Điều 386 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị)”. Thông thường, một đề nghị phải đủ cụ thể cho phép hình thành hợp đồng khi được chấp nhận sẽ được hiểu là thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng. Luật pháp các nước thường quy định một đề nghị giao kết hợp đồng phải hàm chứa tất cả các nội dung thiết yếu của hợp đồng dự định ký kết. Pháp luật không liệt kê những nội dung được coi là nội dung thiết yếu của hợp đồng, vì vậy, thẩm phán sẽ căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ thể và căn cứ vào bản chất của từng loại hợp đồng để quyết định. Ví dụ, đối với một đề nghị giao kết một hợp đồng mua bán tài sản thì đề nghị cần nêu rõ đối tượng và giá cả.
Làm thế nào để xác định ý chí của người đề nghị là “mong muốn bị ràng buộc bởi đề nghị đó”? Thực ra, không nhất thiết bên đưa ra đề nghị phải tuyên bố rõ ràng rằng mình mong muốn bị ràng buộc bởi đề nghị này. Thông thường, người ta sẽ xem xét đến cách trình bày lời đề nghị, nội dung đề nghị để tìm ý định muốn bị ràng buộc của người đề nghị. Đề nghị càng chi tiết, càng cụ thể thì càng có cơ hội được xem như đã thể hiện mong muốn bị ràng buộc của người đề nghị.
Về nguyên tắc, một đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó và chấm dứt khi hết hạn trả lời. Trong thời gian có hiệu lực của lời đề nghị cũng sẽ phát sinh nghĩa vụ các bên - chủ yếu là bên đề nghị giao kết hợp đồng. Ngoài ra, bên đề nghị có quyền ấn định thời điểm đề nghị phát sinh hiệu lực. Nếu một đề nghị không nêu thời hạn trả lời thì liệu người đề nghị có bị ràng buộc trách nhiệm hay không? Điều 388 Bộ luật Dân sự năm 2015 không coi việc nêu thời hạn trả lời là điều kiện của đề nghị, do đó, một lời đề nghị giao kết hợp đồng không nêu thời hạn trả lời vẫn có thể được xem là một đề nghị giao kết hợp đồng. Pháp luật một số nước coi rằng thời hạn trả lời trong trường hợp này là khoảng thời gian “hợp lý” và do thẩm phán quyết định, căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, đối với một đề nghị không nêu thời hạn trả lời thì người đề nghị có quyền rút lại đề nghị chừng nào chưa nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.
Theo khoản 2 Điều 386 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh. Đây là quy định về vi phạm nghĩa vụ trong đề nghị giao kết hợp đồng. Quy định này một lần nữa nhắc lại nghĩa vụ của bên đề nghị giao kết, đồng thời cảnh báo về vi phạm nghĩa vụ nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.
Bên cạnh đó, trong đề nghị giao kết hợp đồng, pháp luật cho phép bên đề nghị thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng, tuy nhiên, họ phải có nghĩa vụ nhất định, cụ thể theo quy định tại Điều 389 Bộ luật Dân sự năm 2015. Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép bên đề nghị giao kết hợp đồng thay đổi hoặc rút lại đề nghị giao kết hợp đồng nhưng bên đề nghị phải có nghĩa vụ gửi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị cho bên được đề nghị ở thời điểm trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị. Nghĩa vụ này trong giao kết hợp đồng vừa cho phép bảo vệ quyền lợi cho bên được đề nghị, đồng thời nâng cao trách nhiệm (tránh sự tùy tiện) của bên đề nghị giao kết hợp đồng, ngoại trừ trường hợp xảy ra các điều kiện thay đổi, rút lại như đã nêu trước trong đề nghị giao kết hợp đồng (điểm b khoản 1 Điều 389 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Ngoài ra, trong giai đoạn tiền hợp đồng, nếu có sự chuyển hóa về vị trí các bên trong đề nghị giao kết hợp đồng như Điều 392 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu: “Khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới”, bên được đề nghị trở thành bên đề nghị giao kết hợp đồng sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ như trên đã phân tích. Điều này hoàn toàn phù hợp với bản chất của đề nghị giao kết hợp đồng.
4. Nghĩa vụ của các bên trong chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị (khoản 1 Điều 393 Bộ luật Dân sự năm 2015). Căn cứ vào quy định trên có thể hiểu, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Trên cơ sở những quy định có liên quan có thể thấy, việc trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng phải có những dấu hiệu cơ bản sau: (i) Bên được đề nghị phải trả lời chấp nhận toàn bộ nội dung lời đề nghị (Điều 393 Bộ luật Dân sự năm 2015); (ii) Bên được đề nghị không được đặt ra bất kỳ điều kiện, không được thêm vào bất kỳ điều khoản nào cũng như không được sửa đổi bất cứ nội dung nào trong lời đề nghị (Điều 392 Bộ luật Dân sự năm 2015); (iii) Nếu bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì bên được đề nghị phải trả lời chấp nhận trong thời hạn đó (Điều 394 Bộ luật Dân sự năm 2015); nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời; trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị. Thực tế, bên được đề nghị có thể trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng theo nhiều hình thức khác nhau (gặp trực tiếp, gọi điện thoại, gửi thư điện tử), thậm chí có thể im lặng sau khi nhận được đề nghị giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, sự im lặng chỉ được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng nếu các bên đã có thỏa thuận cụ thể, hoặc đó là thói quen đã được xác lập giữa các bên.
Điều 394 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, trong trường hợp ấn định thời hạn đưa ra chấp nhận đề nghị, bên đề nghị nhận được chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng trong thời hạn này, câu trả lời của bên được đề nghị phát huy tác dụng. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung khoảng trống không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong thời hạn hợp lý. Thời hạn hợp lý được tính như thế nào để đảm bảo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng không bị chấm dứt hiệu lực trong hoàn cảnh đề nghị không thể hiện rõ thời hạn trả lời thì Bộ luật Dân sự năm 2015 đến đây vẫn bỏ ngỏ. Phải chăng, thời hạn hợp lý này được xác định tùy từng tình huống cụ thể và do các bên tự định đoạt?
Về thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng, khoản 3 Điều 394 Bộ luật Dân sự năm 2015 thể hiện rõ nhất nghĩa vụ trả lời chấp nhận hay không của bên nhận được đề nghị giao kết hợp đồng (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Việc bên được đề nghị giao kết hợp đồng phải trả lời bên đề nghị giao kết hợp đồng là một loại nghĩa vụ tiền hợp đồng. Nghĩa vụ này được đặt ra cho ba tình huống cụ thể tương ứng với ba khoản của Điều 394 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, pháp luật cũng cần làm rõ tại khoản 1 Điều này về “một thời gian hợp lý” là như thế nào để các bên có căn cứ xác định và thực hiện nghĩa vụ tiền hợp đồng ở phần trả lời đề nghị giao kết hợp đồng.
Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã trực tiếp đặt nền móng về nghĩa vụ tiền hợp đồng. Qua phân tích các quy định liên quan về nghĩa vụ tiền hợp đồng cho thấy có những điểm hợp lý cùng những tồn tại chưa phù hợp. Để xem xét toàn diện vấn đề hơn, cần soi chiếu vào thực tiễn thực hiện pháp luật về nghĩa vụ tiền hợp đồng để có thể đưa ra những kiến nghị phù hợp, đầy đủ.
Khoa Kinh tế - Luật, Đại học Thương mại
[1]. Lê Trường Sơn, Nghĩa vụ bảo mật thông tin có được trong giai đoạn tiền hợp đồng, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 05/2015, tr. 26.
[2]. Vũ Thị Ngọc Huyền & Trần Ngọc Phương Minh, đăng tại https://lracuel.org/2018/03/08/cs-03-12-2017-trach-nhiem-trung-thuc-thien-chi-trong-giai-doan-tien-hop-dong-duoi-goc-do-luat-hoc-so-sanh-blds-2015-va-cisg/, ngày 08/3/2018.
[3]. http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Trung_th%E1%BB%B1c.