Cô nghe tiếng gõ cửa, rồi chiếc đầu của người thư ký ló vào: - “Thưa cô, có một bà muốn gặp cô”. - “Ai vậy, anh có hỏi tên hộ tôi không?”. Người thư ký vội đáp: “Tôi có hỏi, bà ấy nói tên là Lan”.
Cô cố nhớ tên của các tác giả mới trong đầu. Không có ai là Lan cả, họ đều là phái nam. Cô nói với người thư ký: “Anh mời hộ bà Lan vào văn phòng ngoài đó, tôi sẽ ra. Cũng sắp đến giờ ăn trưa rồi”.
Đợi cho người thư ký khuất sau cánh cửa, cô quay điện thoại gọi bạn: “Hôm nay em muốn đi ăn mì ở Hải Ninh, em sẽ đến đó độ 20 phút nữa, em có một người khách đang chờ. Nhưng em sẽ tiếp họ 5 phút thôi”.
Người đàn bà khoảng ngoài 45 tuổi, ăn mặc giản dị nhưng lịch sự, nét mặt khô nhưng trí thức. Bà ta ngồi yên không đứng lên khi cô xuất hiện. Cặp chân mày hơi cau lại một chút, bà chờ cô tự giới thiệu trước. Cô hơi khựng lại một giây, nhưng tự chủ được ngay, cô quen với những người đến gặp cô để nhờ vả, nên cô hỏi với giọng không được vồn vã lắm: “Tôi là Tâm, bà cần gặp tôi có việc gì?”. Người đàn bà nhìn thẳng vào mặt cô, nói chậm và ngắn: “Tôi là Lan, vợ của ông Ngọc”.
Cô đứng lặng, nghe như có một đường nước mưa lạnh vừa chảy từ cổ áo xuống lưng. Cô biết chuyện này rồi thế nào cũng đến, nhưng cô không thể đoán trước là nó đến vào buổi trưa hôm nay. Cô biết rất rõ mình phải nói gì với bà Lan. Cô lấy lại bình tĩnh, kéo một chiếc ghế ngồi đối diện với vợ của người yêu mình (hay người mình yêu, cũng thế).
Cô ngồi yên, thở một hơi thật sâu, quan sát một bà vợ. Vợ của người đàn ông mình đang có quan hệ. Cô muốn biết chắc người đàn bà này sẽ hiểu những điều mình sắp nói. Cô đi thẳng vào vấn đề hộ người đàn bà: “Chắc bà đến đây để cho tôi biết là anh Ngọc đã có gia đình. Thưa bà, tôi biết điều này đã lâu. Và không bao giờ tôi có ý định kéo anh Ngọc ra khỏi gia đình của anh ấy”. Cô nói luôn một hơi dài.
Người đàn bà ngạc nhiên về sự bình tĩnh của cô, bà ngẩn ra một lúc ngắm tình địch của mình. Trước mặt bà là một phụ nữ trẻ (chắc chỉ lớn hơn con gái lớn của bà bốn, năm tuổi). Hai mắt sáng trên một khuôn mặt nhỏ, tóc cắt ngắn, mặt không phấn chỉ thoa một chút son mầu san hô nhạt, cùng mầu với chiếc sơ mi, chiếc quần jeans đen sát vào người. Cô ta hơi gầy. Cả người cô toát ra vẻ vừa thông minh, vừa bướng bỉnh.
Bà tự hỏi: “Cái vẻ nào của người con gái này đã quyến rũ chồng mình?”. Bà hỏi lại với giọng hơi ngập ngừng: “Cô không bao giờ có ý định kéo anh Ngọc ra khỏi gia đình của anh ấy, thì tại sao cô đi lại với anh ấy cả hai năm nay, có điều gì bảo đảm là cô sẽ không lấy anh ấy một ngày gần đây?”.
Cô điềm đạm trả lời: “Thưa bà, đã hai năm nay, kể từ khi anh Ngọc quen biết tôi, ngày nào anh Ngọc cũng có mặt ở nhà để ăn một bữa cơm với gia đình. Hôm thì về ăn trưa, hôm thì ăn cơm chiều. Buổi tối, anh Ngọc ngủ ở nhà, lương đem về không thiếu một đồng. Như thế, không chứng tỏ được là tôi sẽ chẳng bao giờ muốn chiếm đoạt anh ấy của bà hay sao?”.
Người đàn bà ngẩn ra vài giây trước lý luận lạ lùng của cô. Bà ta chưa biết phải nói gì thì cô đã tiếp, cô nói như cô đang tâm sự với một người bạn thân hay có thể, cô ta đang viết một trang tiểu thuyết thì cũng thế: “Xin bà cứ an tâm. Anh Ngọc kết bạn với tôi là một sự an toàn cho hạnh phúc gia đình của bà. Thú thực với bà, tôi đã hơn 30 tuổi, nhưng không bao giờ tôi có tư tưởng muốn lệ thuộc hay muốn làm sở hữu chủ nguyên một người đàn ông. Tôi xin lỗi bà khi phải nói điều này. Tôi không hiểu được tại sao phần đông những người đàn bà trên trái đất này lại có thể đặt mình lệ thuộc vào một người đàn ông nguyên một ngày, rồi những ngày đó kéo ra cả suốt đời mình. Hay có người đàn bà muốn làm chủ một người đàn ông như làm chủ một ngôi nhà, một cái thuyền, một chiếc xe. Rồi khi không ưng ý cũng không làm sao mà đem cầm, đem bán đi được như cái xe, như ngôi nhà. Đành đợi đến ngày họ chết mới đem chôn xuống đất. Tôi chỉ có thể ăn một bữa trưa hoặc một bữa chiều với anh Ngọc, gặp mặt anh ấy vài tiếng trong một ngày. Nếu bây giờ, anh Ngọc đòi hỏi tôi phải là của anh ấy 24 giờ trong một ngày, phải buộc vào một tờ văn tự như giấy chủ quyền động sản hay bất động sản, thì chắc chắn là tôi sẽ chấm dứt quan hệ ngay lập tức. Bà không mất mát gì cả. Anh Ngọc là người đàn ông đào hoa, anh ấy không có tôi, anh ấy sẽ đi với người khác. Lúc đó bà mới nên lo ngại. Nếu tôi không có anh Ngọc, dĩ nhiên cũng rất nhiều người đàn ông khác muốn đến làm bạn với tôi. Vì họ biết tôi không bắt họ cưới hỏi, không lệ thuộc vào họ, cũng không muốn làm chủ họ, tôi không nhận quà tặng... Khi đi ăn, đi chơi thì tôi cũng cùng họ thay phiên trả tiền...”
Người đàn bà ngắt lời cô bằng một cái khoát tay, trước khi nói: “Thế cô cho là cô chỉ gặp anh Ngọc có mấy tiếng một ngày, không phải là chiếm đoạt hay sao?”. Cô cười nhẹ và chia sẻ: “Thưa bà, tôi xin hỏi lại, trong một ngày của bà, bà nghĩ đến bà bao nhiêu tiếng? Bà nghĩ đến anh Ngọc bao nhiêu tiếng? Chúng ta, ai cũng có thế giới riêng của mình và ai trong một lúc nào đó, chắc cũng muốn người khác để cho mình được yên thân. Những lúc bà không cần có anh Ngọc bên cạnh, thì việc anh ấy đi đâu và làm gì có quan trọng lắm không? Tôi biết bà đang nghĩ gì trong đầu. Chắc bà cho tôi là một người mất thăng bằng. Hay có thể là bà cho tôi đang tìm cách lừa gạt bà, để rồi một ngày nào đó, tôi sẽ chiếm đoạt nguyên cả anh Ngọc. Không, không bao giờ tôi cần nguyên một người đàn ông cả, tôi chỉ cần một nửa thôi. Có nhiều người phải uống nguyên một ly trà mới thấy vị ngon, phải ăn nguyên một trái táo mới hài lòng, phải đến được chân núi hay trèo lên đỉnh núi để thưởng thức, thì mới mãn nguyện, sông thì phải đi hết dòng mới thỏa chí, phải được lấy nguyên một ông chồng và được gọi là vợ thì mới cho là sung sướng. Còn tôi, thì trà uống một ngụm, táo cắn một miếng, núi nhìn một góc, sông yêu một khúc, đàn ông chỉ cần hưởng thụ một nửa. Suốt đời, họ chỉ là người tình thì cũng đã thấy mình dư thừa hạnh phúc. Bà cứ an lòng ra về...”.
Người đàn bà kéo ghế đứng lên. Bà thấy không cần phải nghe thêm nữa. Bà biết có nói gì cũng vô ích. Ngọc sẽ không bao giờ buông được người con gái đầy quyến rũ, lạ lùng, mà không ai phải cưu mang này. Và cô ta là người sống với những sản phẩm của tưởng tượng đó thì cũng sẽ chẳng bao giờ muốn thế chỗ của bà. Bà ra về. Họ không chào nhau. Nhưng cô gái vẫn đứng nhìn theo cho đến lúc cái bóng của bà khuất ở một ngã rẽ.
Bà không an lòng chút nào như lời khuyên của cô ta. Bà vừa đi, vừa nghĩ về những câu nói của tình địch. Bà phân vân tự hỏi: “Cô ta là nhà văn, cô ta làm việc cả ngày với chữ, là những tưởng tượng của riêng cô và của thiên hạ trộn chung vào nhau. Những điều cô ta nói ra là sự thật sinh động của đời sống hay chỉ là một chương sách cô ta vừa đọc hoặc cô ta sắp viết? Nhưng thật hay không, đời sống hay tiểu thuyết..., những lời đó làm bà cần phải lưu ý. Hơn hai chục năm qua, tại sao bà lại để mình lệ thuộc vào nguyên một người đàn ông như thế? Nếu bà biết sớm suy nghĩ như cô ta, chỉ cần giữ một nửa thôi, thì cuộc sống sẽ thanh thản biết bao!
Cô đổi ý định ra ngoài ăn trưa, cô nhờ người thư ký mua giúp một phần ăn đem về phòng làm việc. Cô gác điện thoại bàn và tắt máy di động. Bạn tình - một nửa người đàn ông của cô hôm nay cũng không còn thấy hấp dẫn nữa
Diệu Anh