TS. Đỗ Xuân Lân,
Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp,
Chánh Văn phòng Đảng-Đoàn thể
Năm 2022, tôi về công tác tại Bộ Tư pháp và gắn bó với Bộ, ngành từ đó đến nay. Trong suốt quá trình công tác, phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện để từng bước trưởng thành của mình, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, luôn là một trong những người bạn đồng hành thân thiết nhất của tôi.
Nhớ lại những ngày đầu về làm việc tại Bộ, một trong những việc làm đầu tiên của tôi là tiếp cận với Thư viện của Bộ và nguồn tư liệu mà tôi thường tìm đọc là các Đề tài nghiên cứu khoa học và những bài nghiên cứu chuyên sâu trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật. Bởi tôi hiểu rằng muốn làm việc thật tốt, muốn đóng đúng vai, làm đúng việc thì phải thuộc bài. Muốn vậy, việc đầu tiên là phải am hiểu vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cũng như lịch sử hình thành, phát triển của Bộ, ngành, nhất là những đóng góp vào đời sống chính trị, pháp lý cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật... Để có được những thông tin nêu trên một cách đầy đủ, toàn diện và có hệ thống, cả về lý luận và thực tiễn với nhiều cách tiếp cận khác nhau không đâu tốt hơn là tìm hiểu và chắt lọc từ những bài viết chuyên sâu của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật vì đây là nơi cung cấp thông tin và là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi về khoa học pháp lý, thông tin lý luận, nghiệp vụ và thực tiễn trong xây dựng, thực hiện pháp luật và hoạt động tư pháp. Nhờ nhận thức và phương pháp tiếp cận đúng đắn, tôi đã nhanh chóng làm quen với công việc, chủ động phát hiện những vấn đề mà lý luận và thực tiễn đang đặt ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và mạnh dạn đưa ra các giải pháp để giải quyết. Trong suốt quá trình đó, Tạp chí luôn là địa chỉ tin cậy để tôi trình bày và gửi gắm những ý tưởng và công bố những bài nghiên cứu chuyên sâu của mình đến với độc giả.
Trong quá trình cộng tác với Tạp chí, một trong những kỷ niệm rất khó quên đối với tôi là lần đầu tiên được PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, Tổng Biên tập Tạp chí mời lên để trao đổi về một bài viết đầu tay của mình. Với thái độ ân cần, tác phong giản dị nhưng rất nghiêm túc và trọng thị, cùng với những lời động viên, khích lệ ban đầu, anh đã đặt ra nhiều vấn đề cần tranh luận và góp ý trực tiếp cho bài viết kèm theo là bản thảo đã được biên tập với nhiều nét bút chì và một vài câu hỏi để làm sâu sắc hơn về vấn đề của bài viết. Từ gợi mở và góp ý của anh, bài viết “Cần có nhận thức thống nhất về tình tiết “đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự” đã được ra đời và đăng tải trên Tạp chí số tháng 12 năm 2003. Kể từ bài viết ban đầu đó, đến nay, nhờ sự khích lệ, cổ vũ và động viên của các đồng chí Lãnh đạo Tạp chí và anh chị em trong Ban Biên tập, tôi đã nghiên cứu và công bố gần 30 bài viết chuyên sâu trên Tạp chí xoay quanh các chủ đề gắn với triển khai các nhiệm vụ được giao như hoàn thiện chính sách, pháp luật về trợ giúp pháp lý; phổ biến, giáo dục pháp luật; chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; hoàn thiện chính sách pháp luật và thực hiện pháp luật đối với người nghèo trong bối cảnh xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa…có thể điểm qua một số bài viết sau đây:
Thứ nhất, từ năm 2002 đến năm 2013, với vị trí chuyên viên, Phó Trưởng phòng, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, thành viên Tổ biên tập dự án Pháp lệnh Trợ giúp pháp lý; dự án Luật Trợ giúp pháp lý và sau đó là trực tiếp tham mưu triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, tôi đã công bố 10 bài viết trên Tạp chí như: “Bàn về Phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Trợ giúp pháp lý”, (số tháng 2/2006); “Về người thực hiện trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý” (số chuyên đề năm 2006); “Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý” (số tháng 01/2008); “Cần tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý” (số tháng 11/2008); “Một số vấn đề về quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý” (số tháng 6/2009); “Nhìn lại một năm thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước” (số chuyên đề năm 2009); “Định hướng phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý đến năm 2020” (số thường kỳ tháng 3/2012); “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước” (số thường kỳ tháng 8/2012).
Thứ hai, từ tháng 2/2010 đến tháng 12/2011, sau khi được luân chuyển về làm Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên và là nghiên cứu sinh chuẩn bị bảo vệ Luận án tiến sĩ Luật học, tôi đã nghiên cứu và công bố 03 bài nghiên cứu chuyên sâu trên Tạp chí như: “Thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Điện Biên” (số chuyên đề tháng 10/2010); “Pháp luật về người nghèo thực trạng và giải pháp” (số thường kỳ tháng 6/2011) và “Đảm bảo thực hiện pháp luật đối với người nghèo” (số thường kỳ tháng 9/2011).
Thứ ba, từ tháng 10/2013 đến nay, với vị trí Phó Vụ trưởng, Quyền Vụ trưởng rồi Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và thành viên Hội đồng Biên tập của Tạp chí (9/2015), tôi đã phối hợp với Tạp chí chỉ đạo xây dựng, biên tập và phát hành 08 số chuyên đề chuyên sâu liên quan đến công tác tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; giáo dục pháp luật trong nhà trường; các mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam…Trong đó công bố 10 bài nghiên cứu chuyên sâu như: “Một số vấn đề về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở” (số chuyên đề tháng 01/2015); “Khái niệm, nội dung, hình thức tiếp cận pháp luật” (số chuyên đề năm 2015); “Tăng cường phối hợp giữa ngành tư pháp và ngành giáo dục đào tạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” (số chuyên đề tháng 3/2015); “Quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật – Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả” (số chuyên đề năm 2016); “Người bạn gắn bó và gần gũi của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” (số chuyên đề tháng 12/2017); “Các mô hình triển khai Ngày Pháp luật-Thực trạng và giải pháp” (số chuyên đề năm 2017); “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp” (số định kỳ tháng 4/2018); “Các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả - Thực trạng và giải pháp” (số chuyên đề năm 2018). Năm 2019, là Chủ nhiệm Đề án Khoa học cấp Bộ, tôi đã nghiên cứu và công bố bài viết chuyên sâu: “Giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam” (số định kỳ tháng 01/2020)...
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, với tôi, Tạp chí không chỉ là một địa chỉ tin cậy về học thuật, nơi được bày tỏ những trăn trở về đời sống Dân chủ và Pháp luật của đất nước mà đây còn là nơi để gặp gỡ, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, bồi đắp kỹ năng nghề nghiệp, tình yêu ngành, yêu nghề giữa các thế hệ cán bộ. Niềm vui lớn nhất đối với tôi là từ năm 2004 đến nay, tuy trải qua nhiều thế hệ Tổng Biên Tập, từ TS Nguyễn Văn Tuân đến TS Đặng Vũ Huân và gần đây là TS Vũ Hoài Nam nhưng hằng năm hoặc trong mỗi sự kiện quan trọng của Tạp chí, tôi luôn vinh dự là một trong những khách mời, một cộng tác viên thân thiết và thường xuyên của Tạp chí. Dù ở bất cứ vị trí công tác nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng luôn được các thế hệ Lãnh đạo, Ban Biên tập Tạp chí dành cho những tình cảm tốt đẹp và là một người bạn đồng hành, người cộng sự đắc lực, người cộng tác viên trung thành của Tạp chí. Hi vọng với bề dày thành tích 45 năm, Tạp chí sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng kỳ vọng của Bộ, ngành Tư pháp và các thế hệ độc giả của Tạp chí, cả trước mắt và lâu dài./.