Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (tiền thân là Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa), với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, qua 45 năm xây dựng và trưởng thành ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng thông tin phục vụ hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và các hoạt động của Bộ Tư pháp nói riêng. Đối với công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp, Tạp chí luôn dành sự quan tâm đặc biệt, kịp thời phản ánh mức độ hội nhập của hệ thống pháp luật Việt Nam, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước và quần chúng nhân dân về sự cần thiết tuân thủ “luật chơi” chung trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tạp chí là người bạn đồng hành với công tác pháp luật quốc tế của bộ ngành tư pháp nói chung và của Vụ Pháp luật quốc tế nói riêng.
Với chức năng là đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến pháp luật quốc tế, ngay từ khi mới thành lập, Vụ Pháp luật quốc tế đã được giao đề xuất chủ trương phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế; chủ trì hoặc tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế; xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế; đầu mối thực thi một số điều ước quốc tế song phương, đa phương và đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế. Các nhiệm vụ này gắn chặt với việc hoàn thiện pháp luật trong nước nhưng thông tin đến các chủ thể có liên quan thường hạn chế. Đa phần các thông tin là từ nguồn tài liệu tiếng nước ngoài, tài liệu của các tổ chức quốc tế, tài liệu học thuật của các nhà nghiên cứu hoặc các văn bản điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên được Bộ Ngoại giao công bố, thiếu vắng thông tin, phân tích từ những người trực tiếp nghiên cứu, tham gia đàm phán, thực thi, rà soát văn bản điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam có liên quan tại Bộ Tư pháp. Tạp chí là diễn đàn phù hợp để trao đổi các thông tin quý báu này.
Trước yêu cầu của tình hình quốc tế, khu vực chuyển biến nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, dưới tác động mạnh của Cách mạng Công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn đe dọa tới hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý quốc tế đặt ra nhiều thách thức cho công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh của Việt Nam đi cùng tốc độ mở cửa, hội nhập quốc tế rất cao của đất nước đem lại ngày càng nhiều các vấn đề pháp luật có yếu tố nước ngoài cần được điều chỉnh, xử lý. Thực tế này đặt ra nhu cầu và yêu cầu được cung cấp các thông tin về pháp luật quốc tế. Ngoài bài viết của các cá nhân trong các số hàng tháng, Tạp chí Dân chủ và pháp luật đã tạo điều kiện cho Vụ Pháp luật quốc tế phát hành nhiều ấn bản chuyên sâu về pháp luật quốc tế với chủ đề phong phú, đa dạng, có thể kể đến như:
- Các số chuyên đề về pháp luật hội nhập quốc tế: cung cấp thông tin về pháp luật Việt Nam sau gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), chủ trương về hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước và hoàn thiện pháp luật trong thời kỳ hội nhập, phân tích các vấn đề về cải cách pháp luật Việt Nam từ góc độ hội nhập quốc tế: tư pháp quốc tế, công pháp quốc tế và nhân quyền, giải quyết tranh chấp đầu tư có yếu tố nước ngoài, công tác cấp ý kiến pháp lý của Bộ Tư pháp, cập nhật thông tin về Luật điều ước quốc tế năm 2016, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…
-Các số chuyên đề về hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự trước bối cảnh hội nhập quốc tế: trao đổi thông tin về tình hình nghiên cứu, ký kết, gia nhập, thực hiện các điều ước quốc tế song phương và đa phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, bàn luận về các định hướng và đề xuất sửa đổi Luật tương trợ tư pháp năm 2007 phần về dân sự và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này.
- Các số chuyên đề về các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc đang nghiên cứu, đánh giá khả năng gia nhập như: (i) Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi giữ và đưa trẻ em đi trái phép: giới thiệu nội dung Công ước, kết quả các nghiên cứu, đánh giá bước đầu về khả năng gia nhập Công ước của Việt Nam; (ii) Công ước Liên hợp quốc về thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải: Giới thiệu nội dung Công ước Singapore -điều ước mới trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế- phân tích so sánh với Công ước New York về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, đánh giá khả năng ký kết, gia nhập Công ước của Việt Nam (iii) Thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam: giới thiệu cơ chế Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước, cơ chế theo dõi thực thi các khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc, quá trình Việt Nam xây dựng Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị- một trong các điều ước quốc tế quan trọng nhất trong lĩnh vực nhân quyền…
- Số chuyên đề về Thể chế pháp lý ASEAN và vai trò của Việt Nam: thông tin về thể chế pháp lý ASEAN và xu hướng phát triển, đánh dấu việc Việt Nam kết thúc tốt đẹp Năm chủ tịch ASEAN 2020.
- Đặc san Sổ tay phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế: bao gồm các kiến thức lý luận và thực tiễn chuyên sâu về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Các ấn phẩm được xuất bản không chỉ giới thiệu nội dung của các điều ước quốc tế, nguồn luật quốc tế có liên quan mà còn trình bày kết quả rà soát các quy định pháp luật trong nước, đánh giá tác động của việc Việt Nam ký kết, gia nhập, thực hiện các điều ước quốc tế, thông tin về tình hình thực tiễn, đưa ra các đề xuất, khuyến nghị, gợi mở cho các nghiên cứu tiếp theo và các quyết định chính sách pháp luật.
Như vậy, thông qua phát hành các ấn phẩm, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã:
Thứ nhất, hỗ trợ Vụ Pháp luật quốc tế hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về pháp luật quốc tế, các thông tin, kiến thức và xu hướng phát triển của pháp luật quốc tế đến với bạn đọc;
Thứ hai, việc cung cấp thông tin quan trọng, chính thống về pháp luật quốc tế đến đông đảo đối tượng độc giả đáp ứng yêu cầu nâng cao nhận thức của các chủ thể về công tác pháp luật quốc tế của Bộ, ngành tư pháp.
Thứ ba, hoạt động viết bài cũng rèn luyện, nâng cao khả năng tư duy, nghiên cứu của các cán bộ, công chức Vụ Pháp luật quốc tế.
Ngày 14/4/2022, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/BCSĐ về những định hướng lớn về công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh nâng cao hơn nữa nhận thức về pháp luật quốc tế.
Trên cơ sở đó, để đáp ứng hơn nữa nhu cầu tìm hiểu các thông tin pháp luật quốc tế, pháp luật nước ngoài, trong thời gian tới Vụ Pháp luật quốc tế cần tiếp tục phát triển các bài viết, các bài nghiên cứu tập trung vào các nhóm vấn đề sau:
Một là, vấn đề liên quan đến việc tham gia xây dựng, gia nhập các thể chế pháp lý đa phương quốc tế mà Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì như về cải tổ cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong khuôn khổ UNCITRAL gắn với các vấn đề thực tiễn Việt Nam đang xử lý (cơ chế phối hợp tổ chức thực hiện, vấn đề phòng ngừa tranh chấp, vấn đề hậu giải quyết tranh chấp - phần thi hành), cải tổ và tăng cường hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế thông qua hòa giải, trọng tài.
Hai là, giới thiệu việc tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế mà Bộ Tư pháp được giao chủ trì và tác động của các điều ước quốc tế đối với Việt Nam cũng như thảo luận, trao đổi các giải pháp để đảm bảo tận dụng được hiệu quả tối đa cho Việt Nam vừa đảm bảo thực thi tốt cam kết như tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, thực hiện các Công ước về tư pháp quốc tế.
Ba là, giới thiệu chuyên sâu về các vấn đề tư pháp có tác động trực tiếp đến hội nhập quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp như trao đổi về nội hàm hoạt động tư pháp, cơ quan tư pháp, mối quan hệ giữa các điều ước quốc tế và pháp luật trong nước trong thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam, nguyên tắc giải thích pháp luật.
Với những định hướng tập trung tuyên truyền và giới thiệu công tác pháp luật quốc tế như trên, Vụ Pháp luật quốc tế hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Ngoài ra, cùng với Đề án “Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử”, Vụ Pháp luật quốc tế mong rằng Tạp chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng đơn vị, phát huy thành tựu đã đạt được, đổi mới hình thức thể hiện, mở rộng thu hút thêm nhiều độc giả, nhất là các độc giả trẻ. Tương lai, Tạp chí nên có thêm phiên bản ngoại ngữ, tuyên truyền thông tin không chỉ đến các độc giả trong nước mà cả các độc giả nước ngoài về tình hình pháp luật tại Việt Nam, hướng đến mô hình tạp chí khoa học pháp lý tầm cỡ khu vực và quốc tế.