Tóm tắt: Bài viết nêu một số vướng mắc về diện người được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật bảo đảm sự thống nhất pháp luật và quyền lợi của đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Abstract: The article outlines some problems regarding the category of legally-aided persons under the Law on Legal Aid of 2017 and proposes to improve the law to ensure legal consistency and the interests of the policy beneficiaries.
1. Dẫn nhập
Trợ giúp pháp lý là chính sách có ý nghĩa quan trọng thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho các đối tượng yếu thế trong xã hội góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Trợ giúp pháp lý khẳng định quan điểm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật được ghi nhận trong Hiến pháp[1].
Ở nước ta, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, đến nay, hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý đã thành lập và hoạt động được 25 năm, được chính thức luật hóa trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Ngày 20/6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 thay thế Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, với nhiều quy định quan trọng về trách nhiệm của Nhà nước trong hoạt động trợ giúp pháp lý, quy định rõ về nội hàm bản chất của hoạt động trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, của người được trợ giúp pháp lý… và đặc biệt là quy định chặt chẽ, rõ ràng về người được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Tuy nhiên, qua 05 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, thực tiễn đã phát sinh một số vướng mắc nhất định, trong đó có quy định về việc xác định người được trợ giúp pháp lý.
2. Người được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017
Theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, người được trợ giúp pháp lý gồm: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người thuộc các trường hợp có khó khăn về tài chính[2].
Điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý quy định: “Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 7 Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, các nhóm người trên đây thuộc diện hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước và khi có nhu cầu được trợ giúp pháp lý, họ cần liên hệ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố hoặc Chi nhánh của các Trung tâm để yêu cầu trợ giúp pháp lý. Khi đến yêu cầu, họ cần cung cấp giấy tờ chứng minh mình là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 33 Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý (Thông tư số 08/2017/TT-BTP).
3. Vướng mắc trong việc xác định một số diện người được trợ giúp pháp lý trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017
Trong thực tiễn thụ lý vụ việc yêu cầu trợ giúp pháp lý tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã phát sinh vướng mắc trong việc xác định diện người được trợ giúp pháp lý người có công với cách mạng và người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, cụ thể như sau:
3.1. Diện người được trợ giúp pháp lý là người có công với cách mạng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì người có công với cách mạng là người được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 33 Thông tư số 08/2017/TT-BTP, giấy tờ chứng minh là người có công với cách mạng gồm một trong các giấy tờ sau: Quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận là người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14); quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến, Bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Bằng Anh hùng, Bằng Có công với nước; quyết định trợ cấp, phụ cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyết định hoặc giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Tuy nhiên, thực tế thụ lý vụ việc yêu cầu trợ giúp pháp lý phát sinh vướng mắc khi người yêu cầu là người được hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ sau đây:
- Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg.
- Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.
- Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tướng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Vậy, nếu các đối tượng nêu trên yêu cầu được trợ giúp pháp lý thì họ có phải là người có công với cách mạng và thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý hay không thì còn có quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Những người này là người có công với cách mạng và thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo khoản 1 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 nên phải thụ lý vụ việc và thực hiện trợ giúp pháp lý.
Quan điểm trên đây được lý giải như sau: Trong hệ thống pháp luật hiện hành chưa có bất kỳ quy định nào giải thích hay định nghĩa thế nào là người có công với cách mạng mà chỉ có quy định về đối tượng người có công với cách mạng được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước được quy định trong Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành.
Mặt khác, các chế độ ưu đãi tại Điều 5 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 cũng không quy định về chính sách trợ giúp pháp lý mà được quy định trong khoản 1 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Người có công với cách mạng cần được hiểu là những người có công đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Những đối tượng được quy định trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên đây có thời gian tham gia vào sự nghiệp cách mạng, được Nhà nước ghi nhận và được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi nên họ là người có công với cách mạng.
Quan điểm thứ hai: Đồng ý với quan điểm thứ nhất rằng, những đối tượng hưởng chế độ theo các quyết định trên đây là người có công với cách mạng. Tuy nhiên, họ không được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước, vì căn cứ giấy tờ chứng minh là người có công với cách mạng theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư số 08/2017/TT-BTP dẫn chiếu quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 và những diện người này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 nên khi họ yêu cầu trợ giúp pháp lý thì không đủ điều kiện thụ lý vụ việc.
3.2. Diện người được trợ giúp pháp lý là người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Theo quy định tại khoản 4 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017: Người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là người được trợ giúp pháp lý. Theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 33 Thông tư số 08/2017/TT-BTP thì: “Giấy tờ chứng minh là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn gồm một trong các giấy tờ sau: a) Giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định người có tên là người dân tộc thiểu số và nơi cư trú của người đó; b) Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người dân tộc thiểu số và nơi cư trú của người đó”.
Theo quy định hiện hành, “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” được xác định dựa trên các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc[3]. Trong đó, các tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I (xã bước đầu phát triển), xã khu vực II (xã còn khó khăn), xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) được quy định cụ thể, chi tiết tại các điều 3, 4, 5, 6 Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg).
Tuy nhiên, tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17/01/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số (Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT) quy định: Người dân tộc thiểu số được hưởng trợ giúp pháp lý bao gồm: Người thường xuyên sinh sống (đã đăng ký thường trú, đã đăng ký tạm trú hoặc có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định của pháp luật.
Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT được ban hành để hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đã hướng dẫn thêm về vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và cả xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Hướng dẫn trên đây của Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT đã không còn phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các tiêu chí xác định xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn trong Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg và gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật vì hiện nay, Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT vẫn đang có hiệu lực.
Những vướng mắc, bất cập trên đây cần sớm được khắc phục để bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xác định người được trợ giúp pháp lý được thống nhất, chính xác.
4. Một số kiến nghị
Một là, về xác định người có công với cách mạng được trợ giúp pháp lý:
Cần thống nhất quan điểm và sớm ban hành văn bản hướng dẫn xác định người có công với cách mạng được trợ giúp pháp lý theo hướng không chỉ giới hạn trong các đối tượng theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 mà cần bao trùm cả các đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ như đã nêu trong mục 2.1 trên đây, bảo đảm được quyền lợi của những người đã có công đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Hai là, về xác định người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ giúp pháp lý:
Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT được ban hành năm 2012 có căn cứ pháp lý gồm các văn bản sau đây: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006; Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc (Nghị định số 05/2011/NĐ-CP); Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; Nghị định số 60/2008/NĐ-CP ngày 09/5/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc.
Trong các căn cứ ban hành văn bản trên đây, chỉ còn Nghị định số 05/2011/NĐ-CP còn hiệu lực, tất cả các văn bản khác đã hết hiệu lực và được thay thế bằng văn bản khác. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT vẫn đang có hiệu lực vì không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Như đã phân tích tại mục 2.2 trên đây, hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT đã không còn phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các tiêu chí xác định xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn trong Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.
Vì vậy, cần nghiên cứu ban hành Thông tư thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT để bảo đảm việc áp dụng pháp luật trong xác định người được trợ giúp pháp lý được thống nhất, chính xác.
Thiều Hữu Minh
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai
[1]. Điều 52 Hiến pháp năm 1992; Điều 16 Hiến pháp năm 2013.
[2]. Khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định diện người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý:
a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sỹ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sỹ còn nhỏ;
b) Người nhiễm chất độc da cam;
c) Người cao tuổi;
d) Người khuyết tật;
đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;
e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;
g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;
h) Người nhiễm HIV.
Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
[3]. Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 về Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vục II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số 374, tháng 2/2023)