Trong những năm gần đây, các giao dịch dân sự như mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp… trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng tăng. Từ năm 2016 đến 2018, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện công chứng hơn 226.000 hợp đồng, giao dịch, thu phí công chứng 72,6 tỷ đồng, thù lao công chứng 4,5 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 14,2 tỷ đồng[2]. Trong đó, các trường hợp có sự tham gia của người dân tộc thiểu số và người phiên dịch chiếm một số lượng lớn. Khi người dân tộc thiểu số tham gia hợp đồng, giao dịch mà không thông thạo tiếng Việt, công chứng viên sẽ áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Công chứng năm 2014, yêu cầu mời người phiên dịch. Quy định này nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho giao dịch, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia giao dịch mà ở đây chính là người dân tộc thiểu số, phần lớn đều làm nông, không biết tiếng Việt, không có trình độ học vấn, không am hiểu về pháp luật. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn thường xuyên xảy ra những trường hợp lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản mà nạn nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Tác giả xin đưa ra một trường hợp cụ thể như sau:
Anh K (sinh năm 1980, huyện Ia Grai, Gia Lai) cho biết: “Năm 2017, ông B (sinh 1965, thành phố Pleiku, Gia Lai) thấy nhà tôi bị dột nên đề nghị vay tiền ngân hàng hộ để sửa nhà. Ông B nói với tôi, sổ đỏ đứng tên người Kinh sẽ được vay vốn thuận lợi hơn nên tôi đã giao sổ đỏ cho ông B. Sau đó, ông B đưa xe ô tô đến đón năm anh chị em nhà tôi đến phòng công chứng tại thành phố Pleiku thực hiện chuyển nhượng 05 sào đất ở của bố mẹ tôi để lại, sang tên con gái ông B là bà T (sinh năm 1997, hiện đang là sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh). Có sổ đỏ, cha con ông B đến thế chấp tài sản và vay vốn của một Ngân hàng X tại thành phố Pleiku. Về làng, ông B đưa 50 triệu đồng cho tôi và hứa sẽ chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất khi tôi trả lại hết tiền cho ông B”. Đầu năm 2018, ông B tiếp tục dụ dỗ anh D thế chấp 09 sào đất rẫy cà phê của gia đình, vay ngân hàng thêm 150 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được ông B vay lại của anh D. Anh D cho biết, ông B tiến hành làm hết các thủ tục vay ngân hàng, anh D chỉ lên ngân hàng đặt bút ký và không đọc lại nội dung hợp đồng[3].
Trong trường hợp trên, lợi dụng lòng tin cũng như sự thiếu hiểu biết của người dân tộc thiểu số, một số đối tượng đã dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Vấn đề đặt ra ở đây là, khi tham gia xác lập các giao dịch như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng tại các tổ chức hành nghề công chứng, người dân tộc thiểu số lại không hề biết về nội dung của giao dịch, cũng như không hiểu gì về hậu quả pháp lý sẽ xảy ra sau khi xác lập những giao dịch trên. Trong khi đó, các trường hợp công chứng mà người yêu cầu công chứng là dân tộc thiểu số hầu như đều có sự tham gia của người phiên dịch. Người phiên dịch xuất hiện với vai trò vô cùng quan trọng, họ tham gia vào giao dịch với trách nhiệm phiên dịch lại toàn bộ nội dung hợp đồng, giao dịch từ tiếng Việt sang ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng với mục đích đảm bảo rằng người yêu cầu công chứng đã hiểu rõ toàn bộ nội dung cũng như quyền, nghĩa vụvà hậu quả pháp lý của việc xác lập giao dịch. Theo tác giả, việc quy định một cách chung chung cũng như chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề người phiên dịch trong hoạt động công chứng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên bởi những lý do như sau:
Thứ nhất, quy định “trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch”: Trong thực tế công chứng xảy ra nhiều tình huống khác nhau, có người nói và viết được tiếng Việt nhưng ở mức độ rất hạn chế, có người nghe và hiểu được tiếng Việt nhưng lại không đọc được tiếng Việt. Để đánh giá mức độ thông thạo tiếng Việt thì công chứng viên cần dựa vào những tiêu chí nào? Luật Công chứng năm 2014 cũng như văn bản hướng dẫn thi hành đều không quy định bất kỳ một tiêu chí cụ thể nào về việc đánh giá mức độ thông thạo tiếng Việt. Do vậy, phần lớn các công chứng viên trên địa bàn tỉnh Gia Lai khi tiến hành công chứng các hợp đồng, giao dịch có chủ thể tham gia là người dân tộc thiểu số thường dựa vào nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm làm việc của bản thân và thông qua quá trình giao tiếp để đánh giá mức độ thông thạo tiếng Việt của họ.Cũng chính việc xác định theo ý chí chủ quan của mỗi công chứng viên đã dẫn tới những trường hợp công chứng hợp đồng, giao dịch không có sự tham gia của người phiên dịch trong khi chủ thể tham gia là người dân tộc thiểu số không biết tiếng Việt, không đọc được nội dung của hợp đồng, giao dịch.
Thứ hai, “người phiên dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng”: Việc xác định người thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng hiện nay có rất nhiều vấn đề tranh cãi và không có tiêu chuẩn nào cả. Trên thực tế, tại các tổ chức hành nghề công chứng, khi gặp trường hợp cần phải có người phiên dịch tiếng dân tộc thiểu số thì người yêu cầu công chứng thường mời người phiên dịch là người cùng dân tộc hoặc người quen trong làng để việc công chứng diễn ra nhanh chóng, đỡ mất thời gian. Tuy nhiên, căn cứ vào đâu để biết rằng người phiên dịch thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng? Cũng giống như xác định khả năng thông thạo tiếng Việt của người yêu cầu công chứng, việc xác định người phiên dịch thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng cũng chỉ thông qua hình thức trao đổi trực tiếp với với người phiên dịch, bằng cách đặt câu hỏi về nội dung của giao dịch cần công chứng như: “Đất này bán bao nhiêu mét? Bán hết hay bán một phần? Bán giá bao nhiêu tiền?”. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chính bản thân người phiên dịch cũng không thông thạo tiếng Việt, họ chỉ nghe và trả lời theo chỉ đạo của người khác. Lúc này, nếu công chứng viên lơ là, thiếu sự nhạy bén trong quá trình kiểm tra sẽ dễ dẫn tới tình trạng bị qua mặt và tiến hành chứng nhận hợp đồng, giao dịch có sự tham gia của người phiên dịch nhưng lại không đáp ứng đủ điều kiện để làm người phiên dịch.
Thứ ba, “người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phiên dịch của mình”: Quy định này tạo ra sự chủ động cho người yêu cầu công chứng, giảm bớt gánh nặng cho công chứng viên. Người yêu cầu công chứng được tự do mời người phiên dịch phù hợp với quy định của pháp luật. Song, có những trường hợp người yêu cầu công chứng mời người phiên dịch theo chủ quan của họ, lựa chọn người thân trong gia đình để thực hiện việc phiên dịch thì có đảm bảo được tính khách quan hay không? Khi phát sinh những tình huống như vậy thì công chứng viên phải xử lý như thế nào? Trường hợp người phiên dịch có hành vi gian dối nhằm mục đích trục lợi, truyền đạt sai bản chất của giao dịch, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người yêu cầu công chứng thì trách nhiệm trước pháp luật mà người phiên dịch phải gánh chịu là như thế nào? Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015) thì người phiên dịch sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu có hành vi gian dối, không trung thực khi phiên dịch. Ngoài ra, Luật Công chứng năm 2014 cũng như những văn bản khác đều không có quy định gì thêm về vấn đề này.
Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tránh phát sinh tranh chấp cũng như phát huy được hết vai trò của người phiên dịch tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công chứng, pháp luật cần có quy định cụ thể để xác định rõ trách nhiệm của người phiên dịch nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự. Đồng thời, có sự quản lý nhà nước đối với những người phiên dịch tiếng dân tộc thiểu số. Theo đó, có thể quy định các tổ chức hành nghề công chứng ký hợp đồng cộng tác viên với họ để đảm bảo tính chuyên nghiệp và ràng buộc nhiệm pháp lý chứ không để người yêu cầu công chứng mời vì những lý do đã phân tích ở trên.
Phòng Công chứng số 1 tỉnh Gia Lai