1. Nguồn gốc tư tưởng về quyền con người ở Việt Nam
Tư tưởng về quyền con người ở Việt Nam có cội rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc luôn nêu cao tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình và các giá trị nhân văn, đồng thời phản ánh nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam - từng là nạn nhân của các cuộc chiến tranh xâm lược và bị tước đoạt những quyền và tự do cơ bản nhất[1]. Với hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đất nước và con người Việt Nam luôn tự hào có bề dày lịch sử của một dân tộc sẵn sàng hy sinh xương máu, kiên cường, bền bỉ đấu tranh để giành lại những quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của con người. Đó là quyền được sống trong độc lập, tự do và quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Thực tiễn lịch sử Việt Nam cho thấy, không chỉ trong công cuộc đổi mới quyền con người mới trở thành động lực, mà nó đã được đề cao và phát huy trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thực tiễn đấu tranh của dân tộc Việt Nam cũng chỉ rõ việc bảo đảm quyền con người không thể tách rời độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và phát triển.
Với ý nghĩa là nền tảng của sự tôn trọng, bảo vệ các quyền con người và cũng như ở nhiều dân tộc trên thế giới, lòng khoan dung, độ lượng, vị tha, nhân đạo cũng là một trong những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, có ảnh hưởng đến cách thức cầm quyền qua các thời đại. Từ thời các vua Hùng dựng nước, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú ý kết hợp giữa “nhân trị” với “pháp trị”, giữa “trị quốc” và “an dân”. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” đã được Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đề cập một cách trực tiếp và gián tiếp từ thế kỷ XIV, XV[2]. Thời Lý - Trần, Nhà nước Đại Việt là Nhà nước quân chủ theo mô hình Nho giáo nhưng tư tưởng chính trị dựa trên ý thức hệ Tam giáo với đường lối tư duy và hành động khoan dung, nhân đạo, thấm đượm tinh thần Phật đạo. Ngay cả việc ban hành Hình thư ở triều Lý - Bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử dân tộc cũng xuất phát từ mong muốn giảm bớt nỗi khổ sở, bất công trong thiên hạ. Trong Bộ luật Hồng Đức (thời nhà Lê) chứa đựng nhiều điều khoản có ý nghĩa khẳng định và bảo vệ các quyền con người như: Bảo vệ tính mạng, nhân phẩm và tài sản của người dân; bảo vệ người dân khỏi nhũng nhiễu bởi giới quan lại; bảo vệ những đối tượng yếu thế trong xã hội... Ở một góc độ khác, tư tưởng về quyền con người xuyên suốt trong thời kỳ phong kiến Việt Nam còn thể hiện ở truyền thống dân chủ trong nhiều lĩnh vực, mà tiêu biểu là trong việc quản lý cộng đồng, tuyển dụng và sử dụng nhân tài và trong việc thảo luận, quyết định các vấn đề “quốc gia đại sự”. Hội nghị Diên Hồng được tổ chức dưới thời nhà Trần để hỏi ý kiến về việc chống quân Nguyên có thể coi là một ví dụ tiêu biểu về truyền thống dân chủ của dân tộc Việt Nam.
Nằm trong khu vực Đông Nam châu Á, Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực đã trải qua một thời kỳ dài dưới chế độ phong kiến và sau đó là chế độ thuộc địa nửa thực dân nửa phong kiến. Theo tác giả Nguyễn Đăng Dung, chính bối cảnh đó khiến Việt Nam không có một nền lập hiến với bề dày truyền thống như nhiều nước khác ở phương Tây[3]. Dưới chế độ phong kiến và chế độ thực dân nửa phong kiến, ở Việt Nam không có Hiến pháp, do đó không có chế định về quyền con người, quyền công dân. Khi dân tộc Việt Nam đang phải đấu tranh để thoát khỏi cảnh nô lệ thì ở hầu hết các nước phương Tây đã thiết lập được chế độ dân chủ tư sản với Hiến pháp bao gồm chế định về vấn đề quan trọng này.
2. Sự phát triển tư tưởng hiến định về quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam trước năm 1946
Tư tưởng lập hiến và quyền con người, quyền công dân đã được các nhà yêu nước Việt Nam chú trọng tìm hiểu ngay sau khi chứng kiến sự thất bại của chế độ phong kiến trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước trước sự xâm lược của thực dân Pháp. Từ thời điểm đó, nhiều sĩ phu yêu nước (Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Nguyễn An Ninh...) đã thấy rõ sự cần thiết và cổ vũ cho việc xây dựng Hiến pháp, đi liền với nó là việc bảo vệ, thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân.
Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, nhìn chung các quyền cơ bản của cả dân tộc và của mỗi người dân Việt Nam bị tước bỏ hoặc hạn chế nghiêm ngặt[4]. Tuy nhiên, cũng trong thời kỳ này, những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của Cách mạng tư sản Pháp và sau này là tư tưởng “tam dân” về độc lập, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của Cách mạng tháng Mười Nga đã được truyền bá mạnh mẽ vào nước ta, tạo ra những ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của tư tưởng, pháp luật và thực tiễn về quyền con người ở Việt Nam.
Ngay từ cuối thế kỷ XIX, nhiều nhân sĩ, trí thức và nhà cách mạng Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ái Quốc… đã tiếp thu các tư tưởng tiến bộ của nhân loại, đầu tiên là những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp, sau đó là tư tưởng về dân quyền và quyền bình đẳng, độc lập dân tộc trong các học thuyết Tam Dân của Tôn Dật Tiên, Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và trong các văn kiện của chủ nghĩa Mác Lênin... Kết quả là nhiều cuộc vận động cách mạng đã diễn ra vào đầu thế kỷ XX cả ở trong và ngoài nước nhằm mục tiêu đánh đổ ách phong kiến, thực dân, giành quyền độc lập cho dân tộc và các quyền con người, quyền công dân cho người dân Việt Nam. Do ảnh hưởng tiến bộ của cách mạng Pháp và phong trào đấu tranh của người Việt, vào cuối thời kỳ Pháp thuộc, một số quyền tự do cá nhân, ví dụ như tự do ngôn luận, quyền bình đẳng trước Tòa án, quyền được bào chữa trong tố tụng... đã được thừa nhận và thực hiện ở mức độ nhất định. Cụ thể, trên phương diện bình đẳng giới, nếu như trong cả thời phong kiến không có người phụ nữ Việt Nam nào được đi học thì đến đầu thế kỷ XX đã có một số trường trung học dành cho phụ nữ được lập ra ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Những điều này phản ánh sự phát triển thực chất cả về tư tưởng và pháp luật về quyền con người ở Việt Nam trong thời kỳ này so với thời kỳ phong kiến[5].
Trong bối cảnh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước chống thực dân Pháp dưới ngọn cờ tư tưởng phong kiến và tư sản của nhân dân Việt Nam diễn ra sôi nổi nhưng đều thất bại. Bằng nhãn quan chính trị, sớm nhận thức được hoàn cảnh đất nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Tư tưởng về một nền lập hiến gắn liền với quyền con người đã nảy sinh từ rất sớm ở Nguyễn Tất Thành. Điều này thể hiện ở việc trong bức thư tám điểm (bản Yêu sách của nhân dân An Nam) gửi đến Hội nghị Vécxay (Pháp) năm 1919 với bút danh Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đòi quyền tự do dân chủ - quyền cơ bản nhất của con người cho nhân dân Việt Nam. Bản Yêu sách này đã đưa ra những yêu cầu cụ thể về quyền cho dân tộc Việt Nam. Theo một tác giả, Bản yêu sách này có dáng dấp ban đầu của một “Tuyên ngôn về quyền con người của Việt Nam”[6]. Điều đó xuất phát từ tính toàn diện của những quyền con người cơ bản được Nguyễn Ái Quốc nêu ra trong Bản yêu sách. Đây chính là những quyền dân sự, chính trị cốt lõi nhất được đề cập trong luật quốc tế về quyền con người về sau và Hiến pháp của các quốc gia hiện nay. Yêu sách về quyền của người dân và chế độ pháp lý của Nhà nước với Hiến pháp ở vị trí tối thượng được Người khái quát, nâng lên thành tâm niệm linh thiêng, khắc khoải lòng người trong “Việt Nam yêu cầu ca” (1922)[7]. Trong bài diễn ca ấy, Nguyễn Ái Quốc đã viết[8]:
“Bảy xin Hiến pháp ban hành,
Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”
Có thể thấy, một trong những nội dung đấu tranh đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc chống thực dân Pháp là đòi hỏi cải cách nền pháp lý, mà muốn cải cách nền pháp lý thì phải xây dựng Hiến pháp làm nền tảng cho nền pháp lý ấy[9]. Từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh, con đường cách mạng không phải đến ngay một lúc mà đã trải qua một quá trình bắt đầu từ sự quan sát, học hỏi, so sánh, tìm ra những mô hình để thực hiện. Sự phát triển của tư tưởng lập hiến cũng từ sự quan sát đến ý tưởng, tư tưởng pháp lý và ý tưởng, tư tưởng pháp lý đã đi vào hiện thực bằng việc xây dựng một bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - bản Hiến pháp đầu tiên ở nước ta[10].
Như vậy, có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người Việt Nam đi tiên phong, đồng thời là người có cách tiếp cận mối quan hệ giữa Hiến pháp và quyền con người một cách toàn diện và khoa học. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa nhân văn, nhân quyền, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa yêu nước, giải quyết quan hệ “nhân quyền”, “dân quyền” và Hiến pháp một cách mẫu mực, hài hòa. Ở đây, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người muốn được tự do thì dân tộc phải được độc lập: “Một dân tộc nô lệ không thể có con người tự do”[11]. Tuy nhiên, độc lập dân tộc chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ; để bảo đảm phát triển bền vững thì phải xây dựng một Nhà nước thực sự “của dân, do dân và vì dân”[12], một xã hội mới “sửa sang thế đạo kinh dinh nhân quyền”[13]. Để làm được điều đó thì cần phải xây dựng và thông qua một bản Hiến pháp tiến bộ, ghi nhận đầy đủ các quyền con người, quyền công dân. Nói cách khác, chiến lược phát triển của cách mạng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết phải giành độc lập cho dân tộc nhưng sau đó quan trọng hơn phải xây dựng một Nhà nước tôn trọng và bảo đảm nhân quyền, coi nhân quyền, dân quyền là các giá trị thiêng liêng, là lý do và là mục tiêu tồn tại, là sự bảo đảm cho phát triển bền vững, bởi “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[14].
Tư tưởng nhân quyền gắn liền với độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ ràng và sâu sắc nhất thông qua bản Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945. Tuyên ngôn độc lập là sự kết tinh sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao không chỉ về tính nhân văn sâu sắc, giá trị đạo lý và chính trị to lớn đối với các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động trên toàn thế giới, mà còn ở tính khoa học - pháp lý chặt chẽ, sáng tạo, là phương pháp luận đúng đắn về giải phóng dân tộc, giải phóng con người, hiện thực hóa các quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người[15]. Theo tác giả Nguyễn Đăng Dung, việc gắn kết giữa quyền con người với quyền độc lập của dân tộc có thể coi là một sáng tạo lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy Người không chỉ là một nhà cộng sản quốc tế, một nhà yêu nước chân chính mà còn là một nhà tư tưởng xuất sắc về quyền con người[16]. Nhận định về vấn đề này, cố Giáo sư Vũ Đình Hòe từng viết: “Đáng chú ý là các điều mà Hồ Chủ tịch “suy rộng ra” ấy, thì ngày nay, Hội nghị thế giới về quyền con người họp ngày 25 tháng 6 năm 1993 đã biến thành quy phạm của luật quốc tế hiện đại. Hội nghị tuyên bố “Quyền dân tộc tự quyết không thể bị tước đoạt” và coi việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm quyền con người”[17].
Có thể thấy, trong suốt cuộc đời của Hồ Chí Minh, Người không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do, dân quyền... Xuất phát từ nhận thức về mối quan hệ không tách rời giữa nhân quyền và Hiến pháp, sau khi Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên càng sớm, càng tốt với mục đích để nhân dân thực hiện quyền tự do chính trị, quyền dân chủ, quyền công dân của mình là bầu ra Quốc hội, và Quốc hội có quyền thông qua một bản Hiến pháp ghi nhận các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân. Việc xây dựng Hiến pháp là nhiệm vụ cách mạng trọng đại đeo đuổi suốt quá trình đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, từ khởi đầu cho đến khi cách mạng thành công[18]. Người chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”[19]. Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam chi phối việc soạn thảo và thông qua không chỉ bản Hiến pháp năm 1946, mà còn các bản Hiến pháp sau này của Việt Nam. Điều đó thể hiện ở tất cả các bản Hiến pháp Việt Nam (Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001 và Hiến pháp năm 2013) đều có một chương riêng về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Có thể thấy, bảo đảm và bảo vệ quyền con người là mục tiêu và thành quả quá trình đấu tranh, hy sinh gian khổ của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước mà Việt Nam tiến hành gần 40 năm qua, con người (nhân dân) luôn được Đảng, Nhà nước ta đặt ở vị trí trung tâm, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao. Bảo đảm và bảo vệ quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục được Đại hội lần thứ XIII của Đảng kế thừa và phát triển. Theo Đại hội lần thứ XIII, cần “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”.[20] Đảng ta xác định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”[21]. Gần đây, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng yêu cầu “tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Ðảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” và “thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân”…/.
TS. LS. Trương Hồng Quang
Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội
Ảnh: Internet
* Bài viết là một phần kết quả của Đề tài nghiên cứu khoa học năm 2021 do Viện Khoa học pháp lý (nay là Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý), Bộ Tư pháp chủ trì: “Sự phát triển của chế định quyền con người, quyền công dân qua các bản Hiến pháp Việt Nam và một số vấn đề đặt ra đối với pháp luật Việt Nam hiện nay”, Chủ nhiệm: TS. Trương Hồng Quang.
[1] Đỗ Đức Minh (2015), “Nguồn gốc ý tưởng về quyền con người ở Việt Nam”, Tạp chí Luật học, (8), tr. 29 - 41.
[2] Văn phòng thường trực về nhân quyền & Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Phối hợp thực hiện, 2015), Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp Việt Nam (Sách chuyên khảo), Hà Nội, tr. 110 - 112.
[3] Phần này có tổng hợp nội dung từ tài liệu: Văn phòng thường trực về nhân quyền & Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Phối hợp thực hiện, 2015), Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp Việt Nam, tlđd, tr. 109 - 119; Nguyễn Thùy Dương (2014), Chế định quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp Việt Nam, tlđd, tr. 27 - 36...
[4] Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên, 2011), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 398.
[5] Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên, 2011), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, tlđd, tr. 399.
[6] Phan Đăng Thanh (1996), Tư tưởng lập hiến của một số phong trào đấu tranh giành độc lập trước Hiến pháp năm 1946, Luận án cao học Luật, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 106.
[7] Dương Thị Thanh Mai (2021), “Cảm nghĩ về bảo hiến theo tư tưởng pháp quyền dân chủ của Hồ Chí Minh”, in trong: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và Pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam” (Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 280.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr. 473.
[9] Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2012), Tư tưởng lập hiến Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 165.
[10] Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2012), Tư tưởng lập hiến Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, tlđd, tr. 165 - 166.
[11] Nguyễn Đình Lộc (2015), Tuyên ngôn độc lập năm 1945 - những giá trị truyền thống và đương đại, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/tuyen-ngon-doc-lap-nam-1945-nhung-gia-tri-truyen-thong-va-duong-dai-2424, ngày 07/10/2015, truy cập ngày 10/4/2024.
[12] Nguyễn Đình Lộc (1998), Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 41 - 92.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 502.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 64.
[15] Hoàng Văn Nghĩa (2021), Tính thống nhất biện chứng giữa quyền con người với quyền dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 - Ý nghĩa đối với cuộc đấu tranh vì quyền con người chân chính hiện nay, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/tinh-thong-nhat-bien-chung-giua-quyen-con-nguoi-voi-quyen-dan-toc-trong-tuyen-ngon-doc-lap-nam-1945-y-nghia-doi-voi-cuoc-dau-tranh-vi-quyen-con-nguoi-, ngày 08/9/2021, truy cập ngày 10/4/2024.
[16] Văn phòng thường trực về nhân quyền & Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Phối hợp thực hiện, 2015), Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp Việt Nam, tlđd, tr. 118.
[17] Vũ Đình Hòe (1998), “Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam: Một mô hình mới - Hiến pháp dân tộc và dân chủ”, in trong: Văn phòng Quốc hội, Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 67.
[18] Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2012), Tư tưởng lập hiến Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, tlđd, tr. 166.
[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 7.
[20] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 71.
[21] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, sđd, tr. 76.