Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu về các nguyên tắc công bố thông tin trong Luật Chứng khoán năm 2019, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bảo đảm thông tin trên thị trường chứng khoán được công bố ngày càng minh bạch, rõ ràng và chính xác hơn.
Abstract: The article studies the principles of information disclosure in the Securities Law of 2019, from which, proposes a number of solutions to ensure that information on the stock market is published more transparently, clearly and accurately.
1. Đặt vấn đề
Đối với doanh nghiệp, “để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó không thể thiếu nguồn lực tài chính”[1]. Còn đối với thị trường chứng khoán, với vai trò “là kênh dẫn vốn trực tiếp cho nền kinh tế”[2], đã góp phần đáp ứng và giải quyết rất tốt nhu cầu huy động vốn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán còn mở ra cho các nhà đầu tư một kênh đầu tư hiệu quả, hiện đại. Hay thị trường chứng khoán chính “là nơi phân phối các nguồn vốn và có khả năng sinh lợi nhuận rất tốt cho các nhà đầu tư”[3]. Do đó, “bảo đảm sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường chứng khoán chính là bảo vệ sự ổn định và phát triển của cả nền kinh tế và đời sống xã hội”[4]. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn và công bằng cho tất cả các nhà đầu tư và giúp cho thị trường chứng khoán giữ được sự ổn định, bền vững thì việc công bố thông tin trên thị trường luôn phải thực hiện theo các nguyên tắc do pháp luật quy định. Hơn nữa, trong bối cảnh “thị trường chứng khoán Việt Nam đang diễn biến bất thường”[5] gây nên sự bất ổn định đối với nhà đầu tư và nền kinh tế thì việc công bố thông tin theo các nguyên tắc của pháp luật càng trở nên đặc biệt quan trọng. Vì vậy, việc nghiên cứu các nguyên tắc công bố thông tin trong Luật Chứng khoán năm 2019 càng trở nên cần thiết, để từ đó góp phần tìm ra các hạn chế, bất cập và đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
2. Nguyên tắc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán
Có quan điểm cho rằng: “Thị trường chứng khoán là thị trường của những thông tin. Nhà đầu tư quyết định mua, bán chứng khoán phụ thuộc vào thông tin trên thị trường”[6]. Tuy nhiên, “chứng khoán luôn là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và rất nhiều rủi ro”[7]. Mặt khác, “các rủi ro từ đầu tư chứng khoán rất đa dạng, phức tạp”[8]. Việc tiếp nhận và xử lý thông tin luôn giữ vai trò quyết định sự thành công hay thất bại của các nhà đầu tư. Chính vì để hạn chế bớt rủi ro của chứng khoán và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tất cả các nhà đầu tư, hoạt động công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cần phải được diễn ra trong khuôn khổ pháp luật quy định. Đó cũng chính là lý do, Luật Chứng khoán năm 2019 quy định khá đầy đủ, chi tiết, rõ ràng về các nguyên tắc công bố thông tin của thị trường chứng khoán. Thậm chí, nếu so sánh với quy định về công bố thông tin trong Luật Chứng khoán năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010) thì số lượng Điều luật quy định về công bố thông tin của Luật Chứng khoán năm 2019 đã tăng lên đáng kể[9]. Đặc biệt, nguyên tắc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán lần đầu được quy định thành một điều luật riêng.
Điều 119 của Luật Chứng khoán năm 2019, quy định các nguyên tắc công bố thông tin được áp dụng trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay như sau:
Nguyên tắc thứ nhất: Việc công bố thông tin phải đầy đủ, chính xác, kịp thời.
Khác với các thị trường giao dịch hàng hóa thông thường, thị trường chứng khoán là thị trường hàng hóa đặc biệt, bởi lẽ, tính chất đặc biệt thể hiện khi hàng hóa giao dịch trên thị trường này thường là các loại tài sản vô hình (giấy tờ có giá). Vì thế, nếu không có sự công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời trong các thông tin được công bố thì quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư rất dễ bị ảnh hưởng và chịu thiệt hại nặng nề. Trên thực tế, hiện nay, “trong hoạt động chứng khoán trên thị trường giao dịch, yếu tố thông tin đóng vai trò rất quan trọng. Thông tin là cơ sở để các nhà đầu xem xét và đưa ra quyết định đầu tư của mình. Để bảo đảm sự công bằng thì các nhà đầu tư phải được quyền tiếp cận thông tin thị trường ở một mức độ như nhau. Các thông tin này phải là nguồn thông tin được công bố công khai”[10]. Vì thế, tinh thần của nguyên tắc này đã thể hiện rất rõ ràng, đó chính là, việc công bố thông tin của các chủ thể có nghĩa vụ công bố phải bảo đảm sự đầy đủ, chặt chẽ. Ngoài ra, nội dung thông tin được công bố phải bảo đảm tính chính xác, minh bạch và rõ ràng. Bên cạnh đó, “công ty đại chúng phải công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin khác nếu các thông tin đó có khả năng ảnh hưởng đến giá chứng khoán và ảnh hưởng đến quyết định của cổ đông và nhà đầu tư”[11]. Bởi có như vậy, những chủ thể quan tâm và nhà đầu tư mới có thể nhận thức, nắm bắt đầy đủ, chính xác, kịp thời về những nguồn thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động của các chủ thể đang tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nói cách khác, “các thông tin càng được công bố công khai, minh bạch thì càng thu hút được nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán”[12]. Không những vậy, trách nhiệm đối với các chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin là còn phải bảo đảm tính khẩn chương, nhanh chóng và kịp thời. Bởi lẽ, thông tin thường có sau những hành vi hay quyết định, vậy nên, nếu thông tin cung cấp càng chậm trễ bao nhiêu thì càng có thể gây ảnh hưởng, hậu quả bất lợi cho những người có liên quan bấy nhiêu. Sở dĩ như vậy là vì một quyết định mua hay bán trên thị trường chứng khoán dù chỉ nhanh hay chậm một vài tích tắc nhưng cũng đã có thể ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường. Chính vì thế, qua những nguồn thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời được công bố, những chủ thể quan tâm và nhà đầu tư mới có thể nhanh chóng xử lý thông tin, để từ đó, đưa ra các quyết định phù hợp với tình hình thực tế của thị trường. Hay có thể nói, các nhà đầu tư mới kịp thời phản ứng trước các biến động đầy bất ngờ và phức tạp, khó lường của thị trường chứng khoán. Có thể khẳng định, đây là một trong các nguyên tắc cơ bản nhưng lại rất quan trọng của thị trường chứng khoán.
Nguyên tắc thứ hai: Đối tượng công bố thông tin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin công bố. Trường hợp có thay đổi nội dung thông tin đã công bố, đối tượng công bố thông tin phải công bố kịp thời, đầy đủ nội dung thay đổi và lý do thay đổi so với thông tin đã công bố trước đó.
Nguyên tắc này ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của đối tượng công bố thông tin với nội dung thông tin được công bố. Bởi lẽ, như đã phân tích, bất kỳ nội dung thông tin được công bố đều có thể gây ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và thị trường chứng khoán. Do đó, nếu thông tin được công bố không chính xác thì rất có thể dẫn đến việc thị trường hoảng loạn và các nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề. Có thể quan niệm, hành vi công bố thông tin không chính xác thì cũng không khác gì việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, mọi thông tin được công bố phải chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng, kịp thời, chính xác và đồng thời, đối tượng công bố thông tin phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật. Hơn thế nữa, để ràng buộc trách nhiệm và tính chính xác, minh bạch của các thông tin được công bố, Luật Chứng khoán năm 2019 còn yêu cầu trường hợp có thay đổi nội dung thông tin đã công bố, đối tượng công bố thông tin phải công bố kịp thời, đầy đủ nội dung thay đổi và lý do thay đổi so với thông tin đã công bố trước đó[13]. Đây là quy định rất quan trọng, để bảo đảm niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán và để cho các đối tượng công bố thông tin có ý thức, trách nhiệm cao hơn mỗi khi công bố các thông tin.
Nguyên tắc thứ ba: Một số đối tượng khi công bố thông tin phải đồng thời báo cáo Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và tổ chức nơi chứng khoán đó niêm yết, đăng ký giao dịch về nội dung thông tin công bố.
Theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019, các đối tượng công bố thông tin như công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức niêm yết trái phiếu doanh nghiệp, Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng, nhóm nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết, cổ đông lớn và nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phần có quyền biểu quyết…[14] là những đối tượng phải có nghĩa vụ đồng thời báo cáo UBCKNN và tổ chức nơi chứng khoán đó niêm yết, đăng ký giao dịch về nội dung thông tin công bố. Bởi lẽ, những đối tượng trên đều là những đối tượng có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chứng khoán và có thể tác động mạnh mẽ đến giá cổ phiểu niêm yết. Do đó, bất kỳ hoạt động của các đối tượng trên đều cần đặt dưới sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước và cần phải công khai, minh bạch để bảo đảm hạn chế các tác động tiêu cực lên thị trường. Ngoài ra, “theo luật định, các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin đầy đủ theo định kỳ, bất thường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. SGDCK công bố các thông tin về giao dịch chứng khoán trên thị trường. Các tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết công bố công khai các thông tin về tình hình hoạt động và tài chính định kỳ hàng năm của công ty, các sự kiện bất thường xảy ra đối với công ty, việc nắm giữ cổ phiếu của những người quản lý, điều hành công ty, của cổ đông đa số”[15].
Nguyên tắc thứ tư: Việc công bố thông tin của tổ chức phải do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền công bố thông tin thực hiện. Việc công bố thông tin của cá nhân do cá nhân tự thực hiện hoặc ủy quyền cho tổ chức hoặc cá nhân khác thực hiện.
Để việc công bố thông tin được hợp pháp và tạo sự tin tưởng cho toàn bộ thị trường, thông tin được công bố phải được người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền công bố thông tin thực hiện. Đây là cơ sở quan trọng để tạo dựng độ tin cậy đối với các nguồn thông tin được công bố. Bởi lẽ, từ thực tiễn kinh doanh trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam trong suốt thời gian qua cho thấy, thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư thường bị ảnh hưởng, tác động từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Không thiếu trường hợp chỉ vì một số thông tin mách lẻo hay bịa đặt vỉa hè đã làm cho không ít nhà đầu tư và ngay cả các tổ chức phát hành chứng khoán rơi vào tình trạng rất khó khăn, phức tạp. Mặt khác, tại Việt Nam, không ít trường hợp, dường như thông tin vỉa hè lại có giá trị rất lớn, vì nó đánh trúng và đúng tâm lý của các nhà đầu tư nhỏ, lẻ thiếu cả thông tin và sự hiểu biết. Hơn thế nữa, số lượng nhà đầu tư nhỏ, lẻ còn non kinh nghiệm tại Việt Nam thường rất đông đảo, vậy nên, đây lại là cơ sở quan trọng cho sự hình thành và tồn tại của các thông tin bịa đặt, thiếu xác thực. Chính vì vậy, để tạo dựng niềm tin và sự yên tâm cho các nhà đầu tư đối với các nguồn thông tin được công bố chính thức, việc công bố thông tin bắt buộc phải do những chủ thể được pháp luật quy định và cho phép thì mới có thể đưa ra các thông tin. Còn đối với các nguồn thông tin do cá nhân cung cấp thì việc công bố thông tin sẽ do cá nhân tự thực hiện hoặc ủy quyền cho tổ chức hoặc cá nhân khác thực hiện. Đương nhiên, cá nhân công bố thông tin trong trường hợp này cũng sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với tính chính xác của thông tin được công bố. Đây chính là các biện pháp mà Luật Chứng khoán năm 2019 quy định nhằm hạn chế tình trạng thông tin thiếu chính xác, tùy tiện gây ảnh hưởng, nhiễu loạn đến thị trường chứng khoán.
Nguyên tắc thứ năm: Đối tượng công bố thông tin có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ thông tin đã công bố, báo cáo theo quy định của pháp luật.
Việc quy định nguyên tắc này nhằm mục đích xác định rõ ràng trách nhiệm đối với các đối tượng công bố thông tin. Tinh thần của nguyên tắc này yêu cầu, các đối tượng công bố thông tin phải có trách nhiệm bảo quản. lưu giữ các thông tin đã được công bố theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, riêng đối với các đối tượng có nghĩa vụ phải báo cáo thì đối tượng đó sẽ phải thực hiện trách nhiệm báo cáo thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, so với Luật Chứng khoán năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010), Luật Chứng khoán năm 2019 quy định vấn đề công bố thông tin trên thị trường chứng khoán ngày càng chi tiết, đầy đủ, chặt chẽ và rõ ràng hơn. Điều này thể hiện việc quan tâm và sự linh hoạt, nhạy bén nắm bắt thị trường của pháp luật và đồng thời, thể hiện tầm quan trọng đặc biệt của các thông tin được công bố trên thị trường chứng khoán. Có như vậy, mới bảo đảm an toàn, công bằng cho tất cả các nhà đầu tư và duy trì niềm tin, uy tín cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
3. Kiến nghị
Hiện nay, “hầu hết các quốc gia có nền kinh tế phát triển đều có sự tồn tại và đóng góp rất lớn của thị trường chứng khoán”[16]. Còn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển kinh tế nhưng trên thực tế, vẫn chưa thật sự phát triển ổn định. Điều này được minh chứng khi rất nhiều thời điểm giá chứng khoán thay đổi hết sức bất thường. Điều đó đã gây nên những hoảng loạn tài chính và sự thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán[17]. Nhóm tác giả cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thay đổi bất thường của thị trường chứng khoán Việt Nam đó là các nguồn thông tin được công bố trên thị trường vẫn chưa thật sự minh bạch và công bằng đối với tất cả các nhà đầu tư. Từ đó, để hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng hiệu quả, an toàn và bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư thì nên xem xét giải pháp sau:
Như đã phân tích, thị trường chứng khoán cũng có thể được quan niệm đó là thị trường của các thông tin và sự thay đổi bất ngờ giá trị của chứng khoán phụ thuộc vào mức độ nhạy bén, chính xác của thông tin. Chính vì vậy, không ít chủ thể cố tình khai thác lỗ hổng từ các quy định pháp luật về công bố thông tin để trục lợi bất chính hoặc lừa đảo hàng loạt nhà đầu tư trên thị trường. Đặc biệt trong đó, những cá nhân, tổ chức nắm giữ các thông tin nội bộ càng có thể thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc nhanh chóng có được và khai thác chúng trước các nhà đầu tư phổ thông không chuyên nghiệp. Giả thiết đơn giản khi một thành viên trong Hội đồng quản trị của một công ty đại chúng mặc dù đã biết kết quả làm ăn của công ty đang rất khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 và công ty rất có thể bị các chủ nợ yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản do không trả được các khoản nợ quá hạn, thành viên đó cố tình tiết lộ thông tin nội bộ cho một số cá nhân, tổ chức có quan hệ đặc biệt để những nhà đầu tư này kịp thời bán tháo số lượng cổ phiếu rất lớn mà họ đang nắm giữ. Kết quả cuối cùng, rất có thể các nhà đầu tư nhỏ, lẻ và không biết thông tin khác đã vô tình mua hết thì sau đó, chính những nhà đầu tư này sẽ phải chịu những thiệt hại rất nặng nề. Mặc dù để hạn chế tình trạng khai thác, sử dụng thông tin nội bộ (những thông tin chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của tổ chức niêm yết)[18] thu lời bất chính, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định một số tội danh như tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán hay tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán[19], thế nhưng, về cơ bản, mức hình phạt đối với các tội danh sử dụng thông tin nội bộ còn quá nhẹ so với thiệt hại thực tế mà những nhà đầu tư phải chịu hay mức độ lợi ích quá lớn của các chủ thể tiết lộ thông tin nội bộ nhận được. Nói cách khác, mức độ xử phạt của Bộ luật Hình sự hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa và trừng phạt đối với những chủ thể cố tình vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Bởi lẽ, với một công ty có mức độ vốn hóa thị trường hàng nghìn tỷ hay thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng thì xử phạt một vài năm tù cộng với một vài tỷ tiền phạt dường như không có nhiều ý nghĩa. Mặt khác, việc sử dụng thông tin nội bộ của những thành viên vi phạm thường hết sức tinh vi, khéo léo nên để có đủ chứng cứ buộc tội những người đó đã cố tình tiết lộ thông tin nội bộ càng khó khăn, rắc rối và phức tạp. Thế nên, từ thực tiễn xét xử cho thấy, rất ít khi có chủ thể bị xử phạt vì tội tiết lộ thông tin nội bộ trên thị trường chứng khoán.
Từ đó, nhóm tác giả cho rằng, để thông tin công bố trên thị trường chứng khoán đến được tất cả các nhà đầu tư một cách nhanh chóng, công bằng, đầy đủ và rõ ràng thì không những cần tuyên truyền, vận động, giáo dục để nâng cao đạo đức kinh doanh của các chủ thể tham gia đầu tư, kinh doanh chứng khoán mà còn cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặc dù, so với Luật Chứng khoán năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010) thì Luật Chứng khoán năm 2019 đã rất chú ý đến vấn đề công bố thông tin nên đã bổ sung thêm khá nhiều quy định về công bố thông tin và thanh tra, kiểm tra, giám sát trên thị trường chứng khoán. Thế nhưng, quy định pháp luật có nhiều và chặt chẽ đến đâu nhưng chính bản thân những người đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm có thực sự hoạt động đúng với tinh thần trách nhiệm và ý thức với công việc hay không thì lại là một vấn đề khác. Do đó, nhóm tác giả cho rằng, cần có biện pháp hỗ trợ và khích lệ đối với đội ngũ đang trực tiếp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Cùng với đó là cần phải có những chế tài xử lý thích hợp đối với những cán bộ này nếu như họ cố tình vụ lợi hay bao che cho các chủ thể vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.
Ngoài ra, theo nhóm tác giả, công tác thanh tra, kiểm tra việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán của các đối tượng công bố cần được xây dựng theo chiều sâu và bài bản, khoa học hơn. Bên cạnh đó, cần tăng cường thẩm quyền cho đội ngũ thanh tra, kiểm tra lên mức cao hơn để nhờ đó, chủ thể tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra mới dễ dàng thực hiện được nhiệm vụ của mình. Đối với các quy định về xử phạt trong Bộ luật Hình sự hiện hành liên quan đến công bố thông tin chứng khoán cũng cần xem xét và nâng cao hơn nữa mức độ và hình thức xử phạt. Thiết nghĩ, có như vậy, mới đủ sức răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lợi dụng thông tin trên thị trường chứng khoán để thu lợi bất chính và bảo đảm sự công bằng cho các nhà đầu tư, cũng như uy tín, sự minh bạch, rõ ràng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
TS. Nguyễn Vinh Hưng
Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
ThS. Nguyễn Thị Khánh Ly
Vụ Xã hội - Ban Tuyên giao Trung ương
(Ảnh: Internet)
[1]. Nguyễn Đăng Nam (chủ biên 2006), Phân tích và đầu tư chứng khoán, Nxb. Tài chính, tr. 319.
[2]. Nguyễn Văn Tuyến (chủ biên 2008), Giáo trình Luật Chứng khoán, Nxb. Giáo dục, tr. 6.
[3]. Nguyễn Vinh Hưng (2019), Các loại hình chứng khoán phái sinh, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 08, tr. 26.
[4]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2012), Giáo trình Luật Chứng khoán, Nxb. Công an nhân dân, tr. 247.
[5]. Báo điện tử Tuổi trẻ và Pháp luật (2022), Chứng khoán diễn biến bất thường: Thứ trưởng Bộ Tài chính nói gì, nguồn truy cập: https://phapluat.tuoitrethudo.com.vn/chung-khoan-dien-bien-bat-thuong-thu-truong-bo-tai-chinh-noi-gi-73089.html, truy cập ngày: 06/12/2022.
[6]. Lê Thị Thu Thủy (chủ biên 2015), Giáo trình Pháp luật về thị trường chứng khoán, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 80.
[7]. Nguyễn Vinh Hưng (2021), Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong Luật Chứng khoán năm 2019, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 06, tr. 47.
[8]. Nguyễn Vinh Hưng (2021), Giải pháp nhằm bảo đảm an toàn, ổn định trong hoạt động của công ty chứng khoán, Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 7, tr. 87.
[9]. Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) quy định công bố thông tin trong chương VIII từ Điều 100 đến Điều 107 và trong nội dung của chương này chưa có nguyên tắc công bố thông tin. Luật Chứng khoán năm 2019 quy định công bố thông tin trong chương VIII từ Điều 118 đến Điều 128 và dành riêng toàn bộ Điều 119 để quy định nguyên tắc công bố thông tin.
[10]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2012), Giáo trình Luật Chứng khoán, sđd, tr. 124.
[11]. Khoản 1, Điều 295 của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, “quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán”.
[12]. Phạm Thế Anh (2007), Chiến lược đầu tư chứng khoán, Nxb. Thanh niên, tr. 20.
[13]. Khoản 2, Điều 119 của Luật Chứng khoán năm 2019.
[14]. Điều 118 của Luật Chứng khoán năm 2019.
[15]. Lê Thị Thu Thủy (chủ biên 2015), Giáo trình Pháp luật về thị trường chứng khoán, sđd, tr. 80.
[16]. Nguyễn Vinh Hưng (2019), Vai trò của chứng khoán phái sinh đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 12, tr. 24 - 25.
[17]. Báo điện tử Tuổi trẻ (2021), Chứng khoán giảm kỷ lục, nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo, nguồn truy cập từ địa chỉ: https://tuoitre.vn/chung-khoan-giam-ky-luc-nha-dau-tu-hoang-loan-ban-thao-20210119112426642.htm , truy cập ngày: 07/8/2021 .
[18]. Khoản 44, Điều 4 của Luật Chứng khoán năm 2019.
[19]. Điều 209 và 210 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).