Vì vậy, việc nghiên cứu nguyên tắc khi xét xử, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của các quốc gia trên thế giới để hoàn thiện nguyên tắc này ở Việt Nam là điều cần thiết. Điển hình đó là pháp luật của các quốc gia như Hoa Kỳ - biểu hiện sinh động cho học thuyết “tam quyền phân lập”, quốc gia hàng đầu trong việc xây dựng các chế định đảm bảo Tòa án mạnh mẽ và độc lập; Cộng hòa Pháp - quốc gia điển hình của chính thể cộng hòa hỗn hợp và Trung Quốc - đất nước rộng lớn với dân số khổng lồ, là hình mẫu tiêu biểu trong việc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa.
1. Nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán theo pháp luật Hoa Kỳ
1.1. Về cơ cấu tổ chức
Thứ nhất, về mô hình tổ chức.
Ở Hoa Kỳ tồn tại hệ thống Tòa án kép (Dual court system), bao gồm hệ thống Tòa án liên bang được thiết lập bởi Hiến pháp liên bang và Đạo luật tư pháp liên bang; hệ thống Tòa án bang được thiết lập bởi Hiến pháp và Luật của 50 bang khác nhau.
Trong đó, hệ thống Tòa án liên bang gồm Tòa án tối cao, các Tòa án phúc thẩm liên bang và các Tòa án sơ thẩm liên bang. Tòa án tối cao là cơ quan tư pháp cao nhất được thành lập theo Hiến pháp, bên dưới là Tòa án phúc thẩm và Tòa án sơ thẩm do Nghị viện liên bang thành lập. Các Tòa án phúc thẩm liên bang (còn gọi là Tòa án khu vực liên bang) được tổ chức thành 13 Tòa, trong đó, có 12 Tòa phụ trách 12 khu vực được phân chia về mặt địa lý[1]. Tòa phúc thẩm thứ 13 không phụ trách một khu vực địa lý cụ thể, mà có thẩm quyền xét xử toàn quốc, xét xử những vụ án đặc biệt có liên quan đến Luật Bản quyền hoặc các vụ án được sơ thẩm bởi Tòa án thương mại quốc tế Hoa Kỳ[2].
Với mô hình tổ chức theo thẩm quyền xét xử như trên, sự độc lập giữa các cấp Tòa án trong hệ thống Tòa án Hoa Kỳ sẽ được đảm bảo một cách tối ưu nhất. Đặc biệt là việc tôn trọng và ghi nhận tối đa “quyền tự trị” của tiểu bang[3], các cấp Tòa án nhằm đảm bảo sự độc lập về mặt tổ chức, không phụ thuộc vào cùng một chủ thể thành lập, không áp dụng cùng một hệ thống pháp luật và được thành lập tách biệt với hệ thống cơ quan quản lý nhà nước. Điều này tạo cơ sở cho thẩm phán ở các cấp Tòa án sẽ độc lập trong việc đưa ra phán quyết, vì thẩm quyền xét xử giữa các cấp Tòa án là khác nhau.
Thứ hai, về bổ nhiệm thẩm phán.
Các thẩm phán Tòa án tối cao, Tòa án phúc thẩm liên bang và Tòa án sơ thẩm liên bang do Tổng thống bổ nhiệm sau khi được thông qua với đa số phiếu ở Thượng viện[4]. Hoa Kỳ không thực hiện chế độ đào tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán, pháp luật Hoa Kỳ cũng không quy định về các tiêu chuẩn cần thiết để một người có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán. Tuy nhiên, có ít nhất bốn yếu tố cần thiết để xác định ai có thể đảm nhận chức vụ thẩm phán liên bang, bao gồm: Năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, sự khẳng định mong muốn trở thành thẩm phán và yếu tố may mắn[5]. Thẩm phán liên bang và thẩm phán tiểu bang đều có thể được lựa chọn trong số các luật sư. Theo đó, để trở thành luật sư Hoa Kỳ, trước hết phải tốt nghiệp đại học, sau đó thi vào trường luật. Trải qua 03 năm đào tạo, học viên phải tiếp tục thi đỗ kỳ thi tư pháp quốc gia thì sẽ có bằng hành nghề luật sư[6].
Thứ ba, về nhiệm kỳ của thẩm phán.
Các thẩm phán được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ suốt đời, trên cơ sở không vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Một thẩm phán sẽ không lo bị mất việc khi không có lý do chính đáng[7]. Thẩm phán liên bang chỉ có thể bị bãi nhiệm thông qua một quy trình xem xét vi phạm đạo đức, trong đó Hạ viện là bên đưa ra báo cáo buộc tội và việc xét xử sơ thẩm được thực hiện bởi Thượng viện. Các cơ chế này giúp thẩm phán có thể độc lập xét xử các vụ án mà không e sợ những can thiệp chính trị hay ảnh hưởng bên ngoài vào hoạt động của họ.
1.2. Về hoạt động
Thứ nhất, Tòa án độc lập với các cơ quan được trao quyền lập pháp, hành pháp.
Tòa án liên bang độc lập trong việc thực hiện quyền tư pháp, còn công tác hành chính của toàn bộ hệ thống tư pháp liên bang (quản lý ngân sách, xem xét các vụ việc về kỷ luật thẩm phán, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thẩm phán…) sẽ do văn phòng hành chính của các Tòa án quản lý. Hệ thống Tòa án có vị thế độc lập với chính quyền, không một công dân nào ở Hoa Kỳ bị Tòa án đưa vào tù vì ý muốn của chính quyền. Phán quyết một người có phạm tội hay không chỉ có giá trị khi nó được đưa ra bởi quan tòa và Ban Bồi thẩm dựa trên những chứng cứ, các quy định pháp luật nhằm đảm bảo nguyên tắc chỉ những người có tội mới bị kết án và trừng phạt.
Thứ hai, sự độc lập trong hoạt động giữa hệ thống Tòa án liên bang và hệ thống Tòa án tiểu bang.
Hiến pháp Hoa Kỳ trao quyền lực tư pháp cho cả chính quyền liên bang lẫn chính quyền tiểu bang. Theo đó, có những Tòa án liên bang để xét xử những hành vi vi phạm pháp luật liên bang và cũng có những Tòa án bang dành cho những hành vi vi phạm pháp luật bang. Cơ chế này một mặt giúp đảm bảo sự độc lập tối đa giữa các hệ thống Tòa án, mỗi hệ thống Tòa án chỉ được hoạt động trong phạm vi thẩm quyền của mình và không được can dự vào hoạt động của hệ thống Tòa án khác. Mặt khác, nó còn giúp đảm bảo tính độc lập, không chồng chéo về mặt luật pháp giữa chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang, giúp cho nguyên tắc “khi xét xử, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” được thực hiện một cách thống nhất và hiệu quả.
Thứ ba, sự độc lập giữa thẩm phán và bồi thẩm đoàn.
Thẩm phán là người tìm ra sự thật trung lập, không thiên vị và trong một số trường hợp còn là người tìm ra luật pháp[8]. Sự hiện diện của bồi thẩm đoàn vừa có tác dụng hỗ trợ thẩm phán, vừa nhằm xác minh chứng cứ, vừa mang tiếng nói của dân chúng vào quyết định có tội hay không có tội hay định hướng giải quyết một vụ việc dân sự[9]. Giữa thẩm phán và bồi thẩm đoàn phải độc lập khi thực hiện chức năng của mình, không làm thay công việc, không chồng chéo vai trò với nhau.
Với mô hình cộng hòa tổng thống tiêu biểu của việc xây dựng nhà nước theo học thuyết tam quyền phân lập với ba nhánh quyền lực lập pháp - hành pháp - tư pháp luôn cân bằng, đối trọng, Hoa Kỳ đã tỏ ra vô cùng thành công trong việc bảo đảm nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Tòa án, của thẩm phán. Tuy nhiên, để xây dựng và áp dụng các quy định tương tự như Hoa Kỳ thì cần phải lưu ý đến hoàn cảnh pháp luật quốc gia, những điều kiện, những yêu cầu kèm theo như dân trí, xã hội, ý thức pháp luật… của quốc gia sở tại có tương đồng với Hoa Kỳ hay không nhằm đạt được hiệu quả cao nhất của nguyên tắc này.
2. Nguyên tắc khi xét xử thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật theo pháp luật Cộng hòa Pháp
2.1. Về cơ cấu tổ chức
Thứ nhất, về mô hình tổ chức Tòa án.
Hệ thống Tòa án Pháp được tổ chức theo mô hình cấp xét xử, kiểu cấu trúc nhị nguyên, tồn tại song song hai nhánh Tòa án có chức năng xét xử riêng biệt, độc lập với nhau về thẩm quyền lẫn quy trình tuyển chọn nhân sự, gồm nhánh Tòa án tư pháp và nhánh Tòa án hành chính. Mỗi nhánh Tòa án có một thẩm quyền chuyên trách riêng, các Tòa án không phải chịu trách nhiệm với nhau. Các Tòa được phân chia theo lĩnh vực xét xử và chỉ được xét xử đúng với lĩnh vực của mình. Thẩm quyền sơ thẩm, phúc thẩm đối với các vụ việc được chia theo loại tội phạm, mức hình phạt, hậu quả của hành vi vi phạm hoặc giá trị tranh chấp trong vụ việc dân sự. Bên cạnh các Tòa tư pháp và Tòa hành chính thường, ở Pháp còn có các Tòa án đặc biệt như Tòa dân sự đặc biệt, Tòa hình sự đặc biệt và Tòa hành chính chuyên biệt. Với cách tổ chức này sẽ tạo điều kiện để nâng cao chất lượng thẩm phán, tăng cường tính chuyên môn, tính độc lập, đồng thời tăng tính thuyết phục trong phán quyết của Tòa án.
Thứ hai, thủ tục bổ nhiệm và nhiệm kỳ của thẩm phán.
Đối với thẩm phán công tố thì việc bổ nhiệm thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp (Vụ quản lý Tòa án), Bộ Tư pháp tham khảo ý kiến của Hội đồng Thẩm phán tối cao, trình Tổng thống ra quyết định bổ nhiệm. Đối với thẩm phán xét xử thì Hội đồng Thẩm phán tối cao có quyền đề xuất bổ nhiệm các thành viên của Tòa tư pháp tối cao, chánh án các Tòa phúc thẩm và chánh án các Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng, trình Tổng thống quyết định bổ nhiệm. Các trường hợp còn lại (thẩm phán sơ cấp và phúc thẩm), Bộ Tư pháp tham khảo ý kiến của Hội đồng Thẩm phán tối cao trước khi ra quyết định bổ nhiệm[10].
Xuất phát từ quan niệm coi thẩm phán là một loại nghề đặc biệt, nên việc bổ nhiệm thẩm phán ở Pháp phải tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ sau: Bổ nhiệm suốt đời, không cho phép thẩm phán có thu nhập ngoài lương, tuyển chọn thẩm phán thông qua thi tuyển và phải đáp ứng các tiêu chí tuyển chọn nghiêm ngặt (có quốc tịch Pháp, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chưa từng có tiền án, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe tốt, có trình độ từ đại học trở lên)[11].
2.2. Về hoạt động
Thứ nhất, về cơ chế xét xử.
Trong nhánh Tòa án tư pháp, ngoài Tòa án phá án, Tòa án phúc thẩm được tổ chức thống nhất thì bên dưới được chia ra làm hai nhánh nhỏ là nhánh dân sự và nhánh hình sự, mỗi nhánh bao gồm các Tòa án riêng biệt, có thẩm quyền xét xử các vụ án thuộc lĩnh vực được phân công của mỗi nhánh. Cơ chế này một mặt giúp giảm bớt gánh nặng về số lượng án cần giải quyết, mặt khác giúp cải thiện tính chuyên môn của thẩm phán về từng loại án, từ đó, tăng cường tính độc lập, tính khách quan và tính đúng đắn của thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án.
Thứ hai, về mối quan hệ giữa thẩm phán và bồi thẩm đoàn.
Thẩm phán là người quyết định các vấn đề có tính pháp lý, còn bồi thẩm đoàn sẽ là người trả lời các câu hỏi có tính sự kiện (bị cáo có mặt ở hiện trường lúc xảy ra vụ án hay không? hành vi trên có phải là bất khả kháng hay không?). Thẩm phán và bồi thẩm đoàn độc lập, khách quan khi thực hiện chức năng tố tụng, làm tốt nhiệm vụ được phân công và không được ảnh hưởng đến quyết định của nhau.
Thứ ba, về phân công công tác xét xử.
Hệ thống Tòa án Pháp hoạt động theo chế độ hai thủ trưởng là Chánh án và Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Tòa án. Mọi công việc quản lý chung trong nội bộ Tòa án đều do hai nhân vật này thống nhất quyết định. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Chánh án có quyền phân công thẩm phán xét xử, Viện trưởng Viện Công tố có quyền phân công thẩm phán công tố[12]. Việc quy định hai nhóm thẩm phán thuộc sự phân công riêng biệt của hai nhà lãnh đạo đã giúp đảm bảo hơn sự khách quan, độc lập của thẩm phán khi xét xử, đồng thời tránh việc trộn lẫn chức năng làm cho một thẩm phán xét xử lại mang trong mình khuynh hướng buộc tội.
Thứ tư, về xử lý kỷ luật thẩm phán.
Đối với thẩm phán xét xử, Hội đồng thẩm phán tối cao là cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, trên cơ sở nguyên tắc công khai và tranh tụng. Đối với thẩm phán công tố, Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật, với sự tư vấn của Hội đồng thẩm phán tối cao. Quyết định xử lý kỷ luật thẩm phán có thể bị khiếu kiện ra Tham Chính viện (Tòa hành chính tối cao của Pháp)[13]. Có thể thấy, việc xử lý kỷ luật các thẩm phán không do đơn vị nơi thẩm phán làm việc tiến hành mà thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý cấp trên. Quy định này giúp thẩm phán có thể tự tin trong việc giải quyết vụ án mà không e sợ hay chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ đơn vị nơi mình công tác. Từ đó, nâng cao hơn tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán trong hoạt động tố tụng.
Thứ năm, về trách nhiệm vật chất.
Nguyên tắc chung là Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do thẩm phán gây ra trong hoạt động nghề nghiệp. Sau đó, thẩm phán có nghĩa vụ hoàn lại đối với Nhà nước toàn bộ hoặc một phần khoản bồi thường này tùy theo mức độ lỗi[14]. Với quy định này, thẩm phán sẽ có đủ bản lĩnh, tự tin để đưa ra phán quyết chính xác, đúng pháp luật mà không còn quá lo lắng về thiệt hại phát sinh do hoạt động xét xử gây ra, không cần cân nhắc hay hỏi ý kiến của chủ thể khác làm ảnh hưởng đến tính độc lập.
Nhìn chung, Cộng hòa Pháp đã làm rất tốt trong việc bảo đảm tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán thông qua những quy định tiến bộ về tổ chức, về hoạt động của Tòa án, của thẩm phán. Có thể nói, các quy định của pháp luật Pháp gần như là toàn diện trong việc bảo đảm cũng như tăng cường tính độc lập, khách quan và tuân theo pháp luật của thẩm phán Pháp.
3. Nguyên tắc khi xét xử thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật theo pháp luật Trung Quốc
3.1. Về cơ cấu tổ chức
Thứ nhất, về tổ chức Tòa án.
Hệ thống Tòa án Trung Quốc được tổ chức theo mô hình đơn vị hành chính lãnh thổ[15]. Các Tòa án được phân bổ theo từng đơn vị hành chính, được thành lập và giám sát bởi Đại hội nhân dân, được quy định báo cáo công tác trước cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp tại địa phương trong quá trình hoạt động của mình[16]. Ủy ban thường vụ của Đại hội nhân dân địa phương ở cấp quận hoặc cao hơn có quyền giám sát nhiệm vụ của Tòa án nhân dân[17]. Tòa án nhân dân tối cao giám sát hoạt động tư pháp của Tòa án nhân dân các cấp địa phương và Tòa án nhân dân đặc biệt. Tòa án nhân dân cấp trên giám sát việc thực hiện công lý của Tòa án nhân dân cấp dưới[18]. Việc tổ chức hệ thống Tòa án như vậy tuy tạo được môi trường kiểm tra, giám sát hoạt động giữa các cơ quan nhà nước và trong nội bộ Tòa án, nhưng mặt khác lại khiến Tòa án chịu ảnh hưởng không nhỏ từ chính các cơ quan này trong việc thực thi công vụ của mình, điều này sẽ hạn chế sự độc lập của Tòa án và của thẩm phán.
Thứ hai, về ảnh hưởng của Đảng chính trị đối với công tác nhân sự và chính sách xét xử của Tòa án.
Ở Trung Quốc chỉ có duy nhất một chính Đảng cầm quyền là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo Hiến pháp, Đảng Cộng sản không đóng vai trò chính thức trong chính quyền hay hệ thống Tòa án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các công chức giữ các trọng trách quan trọng hầu như bao giờ cũng giữ một chức vụ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc với trọng trách tương tự như chức vụ dân sự của họ. Thêm vào đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc thực sự có ảnh hưởng đến chính sách xét xử thông qua các Ủy ban chính trị và pháp luật của mình (Ủy ban Chính pháp). Vai trò của các Ủy ban này là lãnh đạo, giám sát, phối hợp, quản lý, chỉ đạo và phục vụ công tác chính trị - pháp luật và thi hành pháp luật bằng việc tăng cường hệ thống giám sát của Đảng đối với các cơ quan tư pháp thông qua các Hội đồng nhân dân và trình tự, thủ tục tư pháp[19]. Tuy vai trò này không thực hiện trực tiếp trong quá trình xét xử, cũng như chưa có báo cáo chính thức nào về mức độ ảnh hưởng của các Ủy ban này đối với Tòa án, nhưng thông qua vai trò nói trên, nhận định về sự ảnh hưởng của Đảng chính trị đối với tính độc lập của Tòa án, của thẩm phán là hoàn toàn có cơ sở.
Thứ ba, về nhiệm kỳ và bổ nhiệm chánh án, thẩm phán.
Hiến pháp quy định Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (sau đây gọi tắt là Quốc hội) bầu[20]. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tối cao giống như nhiệm kỳ của Quốc hội và chánh án sẽ phục vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp[21]. Tương tự, Đại hội nhân dân địa phương (sau đây gọi tắt là Hội đồng nhân dân) cấp quận trở lên bầu và có quyền bãi nhiệm chánh án Tòa án nhân dân cấp tương ứng[22]. Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (sau đây gọi tắt là Ủy ban Thường vụ Quốc hội) bổ nhiệm phó chánh án, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Ủy ban Tư pháp và Chánh án Tòa án quân sự theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao[23]. Tương tự, các phó chánh án, Ủy viên Ủy ban xét xử, trưởng phòng, phó trưởng phòng và thẩm phán Tòa án nhân dân địa phương do Thường trực Đại hội nhân dân địa phương cùng cấp bổ nhiệm, miễn nhiệm[24].
Với cơ chế bổ nhiệm và nhiệm kỳ như trên, hệ thống Tòa án sẽ phụ thuộc vào hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán.
3.2. Về hoạt động
Bên cạnh Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Trung Quốc còn ban hành một đạo luật riêng về thẩm phán là Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về thẩm phán (sau đây gọi tắt là Luật Thẩm phán Trung Quốc). Điều này cho thấy Trung Quốc rất đề cao vai trò của thẩm phán, cũng như coi trọng tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán trong công tác xét xử. Cụ thể:
Thứ nhất, độc lập giữa Tòa án với các cơ quan nhà nước khác về nhân sự.
Hiến pháp Trung Quốc quy định thành viên của cơ quan quyền lực không được giữ bất kỳ chức vụ nào trong cơ quan tư pháp (chánh án, thẩm phán, thư ký Tòa án,…)[25]. Quy định này góp phần đảm bảo tính độc lập tương đối giữa các nhánh quyền lực trong cơ cấu quyền lực nhà nước, là cơ sở để cân bằng quyền lực hiệu quả, hạn chế sự can thiệp, ảnh hưởng của cơ quan quyền lực vào hoạt động xét xử của cơ quan tư pháp, làm mất đi tính độc lập, khách quan trong công tác xét xử.
Thứ hai, độc lập trong nội bộ Tòa án.
Pháp luật Trung Quốc quy định thẩm phán là vợ chồng, họ hàng trực hệ, ruột thịt trong vòng ba đời, họ hàng ruột thịt với nhau không được đồng thời đảm nhiệm các chức vụ trong Tòa án[26]. Như vậy, các nhà lập pháp Trung Quốc đã nhìn thấy được mối nguy hại tiềm tàng này và đưa ra quy định cấm. Đây là quy định tiến bộ, đảm bảo cho thẩm phán độc lập và thượng tôn pháp luật khi xét xử, không chịu ảnh hưởng từ bên ngoài.
Thứ ba, Tòa án hoạt động dưới sự giám sát của nhân dân.
Để đảm bảo tính độc lập của thẩm phán, việc đảm bảo và tăng cường sự giám sát của nhân dân vào công tác xét xử là cần thiết nên Điều 11 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân Trung Quốc năm 2018 đã quy định Tòa án nhân dân chịu sự giám sát của nhân dân. Bởi lẽ, đứng trước sự giám sát của nhân dân thì thẩm phán không thể nào có những hành vi sai lệch, họ buộc phải độc lập, khách quan khi giải quyết vụ án. Nhờ đó mà tính đúng đắn và hợp pháp của phán quyết cũng được tăng cường.
Thứ tư, về điều kiện trở thành thẩm phán.
Pháp luật Trung Quốc đặt ra rất nhiều điều kiện để một người có thể trở thành thẩm phán (quốc tịch, học vấn, phẩm chất chính trị, thời gian công tác)[27].
Thứ năm, cơ chế tự bảo vệ khi bị xâm phạm tính độc lập xét xử của thẩm phán.
Điều 52 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân Trung Quốc năm 2018 ngoài việc cấm các cá nhân, tổ chức can thiệp vào hoạt động của thẩm phán, pháp luật Trung Quốc còn tạo cơ chế để thẩm phán tự bảo vệ trong trường hợp có sự can thiệp bằng cách ghi nhận việc đó và báo cáo lại. Mọi hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử của thẩm phán, tùy theo tính chất, mức độ mà sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua cơ chế này, thẩm phán sẽ tự tin hơn trong công tác xét xử, có thể ban hành phán quyết một cách độc lập.
Thứ sáu, cơ chế bảo vệ thẩm phán và người thân của họ.
Trung Quốc dành hẳn một chương trong Luật Thẩm phán Trung Quốc năm 2019 để quy định về cơ chế bảo vệ cho thẩm phán và người thân của họ (từ Điều 52 - Điều 65 Chương VII An ninh nghề nghiệp cho thẩm phán). Việc Trung Quốc ban hành một chương riêng quy định về An ninh nghề nghiệp cho thẩm phán đã góp phần đáng kể trong việc bảo đảm tính độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán. Thiết nghĩ, chúng ta có thể nghiên cứu, tham khảo quy định này và có thể áp dụng vào tiến trình cải cách tư pháp hiện nay, điều đó sẽ góp phần làm cho tính độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán Việt Nam được nâng cao đáng kể.
Có thể thấy, bên cạnh những quy định tiến bộ thì pháp luật Trung Quốc cũng tồn tại không ít điểm bất cập ảnh hưởng đến tính độc lập khi xét xử và chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán. Do đó, trong quá trình tham khảo kinh nghiệm của pháp luật Trung Quốc về nguyên tắc này thì cần có sự chọn lọc, tiếp thu những điểm tích cực, tiến bộ và bỏ qua những điểm hạn chế, bất cập.
Nguyễn Thanh Quyên
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Ảnh: internet
[1] Tham khảo United States Courts: About Federal Courts, https://www.uscourts.gov/about-federal-courts/court-role-and-structure, truy cập ngày 02/01/2024.
[2] Tham khảo Lore Rutz-Burri: Introduction to the American Criminal Justice System – Structure of Court: Federal Courts, https://openoregon.pressbooks.pub/ccj230/chapter/7-3-structure-of-the-courts/, truy cập ngày 02/01/2024.
[3] Mỗi tiểu bang được quyền tự do tổ chức chính quyền cá biệt của mình theo bất cứ hình thức nào mà mình thích miễn sao chính quyền tiểu bang phải tuân thủ một điều kiện duy nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ rằng họ có “một chính thể Cộng hòa” (có nghĩa rằng mỗi Chính phủ tiểu bang phải là một Chính phủ Cộng hòa). Trên thực tế, mỗi tiểu bang đều áp dụng một hệ thống chính quyền gồm ba ngành (lập pháp, hành pháp và tư pháp) giống như Chính phủ Liên bang - mặc dù điều này không phải là bắt buộc.
[4] https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=2326, truy cập ngày 02/01/2024.
[5] https://tapchitoaan.vn/so-luoc-ve-che-dinh-tham-phan-cua-indonesia-thai-lan-hoa-ky-canada-uc-trung-quoc-va-nga, truy cập ngày 02/01/2024.
[6] https://tapchitoaan.vn/so-luoc-ve-che-dinh-tham-phan-cua-indonesia-thai-lan-hoa-ky-canada-uc-trung-quoc-va-nga, truy cập ngày 02/01/2024.
[7] https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1715, truy cập ngày 02/01/2024.
[8] Theo Laura Safer Espinoza - Thẩm phán bang New York.
[9] Theo Steve Mayo - một luật sư ở San Francisco, Giám đốc Viện Nghiên cứu hệ thống pháp lý.
[10] https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=1059, truy cập ngày 02/01/2024.
[11] https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=1059, truy cập ngày 02/01/2024.
[12] https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=1059, truy cập ngày 02/01/2024.
[13] https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=1059, truy cập ngày 02/01/2024.
[14] https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=1059, truy cập ngày 02/01/2024.
[15] Điều 129 Hiến pháp Trung Quốc năm 2018; Điều 12, Điều 13 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân Trung Quốc năm2018.
[16] Điều 3, Điều 129 Hiến pháp Trung Quốc năm 2018; Điều 9 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân Trung Quốc năm 2018.
[17] Điều 104 Hiến pháp Trung Quốc năm 2018.
[18] Điều 132 Hiến pháp Trung Quốc năm 2018.
[19] Thông tri của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc về công tác chính trị - pháp luật năm 1982.
[20] Khoản 8 Điều 62 Hiến pháp Trung Quốc năm 2018.
[21] Điều 129 Hiến pháp Trung Quốc năm 2018.
[22] Điều 101 Hiến pháp Trung Quốc năm 2018; Điều 43 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân Trung Quốc năm 2018.
[23] Khoản 12 Điều 67 Hiến pháp Trung Quốc năm 2018.
[24] Điều 43 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân Trung Quốc năm 2018.
[25] Điều 103 Hiến pháp Trung Quốc năm 2018.
[26] Điều 23 Luật Thẩm phán Trung Quốc năm 2019
[27] Điều 12 Luật Thẩm phán Trung Quốc năm 2019.