Tóm tắt: Từ các quy định của pháp luật dân sự về chủ thể bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, bài viết phân tích sâu hơn các quy định có liên quan tới chủ thể bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng.
Abstract: Based on provisions of civil law on subjects sued for damage compensation, the paper deeply analyzes provisions relating to sued subjects for damage compensation in notary activities.
1. Chủ thể bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự
Chủ thể bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự Việt Nam có thể là cá nhân, pháp nhân hoặc Nhà nước. Một đặc điểm chung là khi các chủ thể này hoặc người của các chủ thể này được giao thực thi nhiệm vụ gây thiệt hại hoặc vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng, ngoài hợp đồng, về trách nhiệm dân sự họ phải chịu bồi thường thiệt hại. Dưới giác độ tố tụng dân sự, họ tham gia vụ án với tư cách là bị đơn - “là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm” hoặc có thể là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự “người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”[1].
1.1. Cá nhân bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Cá nhân là từ chỉ “con người cụ thể từ khi sinh ra cho đến khi chết đi và tồn tại trong một tập thể hoặc trong một cộng đồng xã hội”[2]. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. “Năng lực pháp luật dân sự của các nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”[3]. Các nhà làm luật chia năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại dựa trên việc cá nhân đó có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hay không hay mất năng lực hành vi dân sự. Về nguyên tắc, người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp người đó gây thiệt hại trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Đối với “người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”[4].
Về mặt tố tụng dân sự, khi các cá nhân tùy từng độ tuổi hay các trường hợp nêu trên bị chủ thể khác khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại thì có thể cá nhân đó hay người đại diện, người giám hộ của cá nhân đó sẽ tham gia tố tụng tại Tòa án.
1.2. Pháp nhân bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Pháp luật dân sự không định nghĩa pháp nhân là gì nhưng quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện: Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan; có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự năm 2015; có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập[5]. Nghĩa là, không phải mọi tổ chức đều được công nhận là pháp nhân, mà một tổ chức muốn được công nhận là pháp nhân thì phải đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật quy định.
Bộ luật Dân sự năm 2015 chia pháp nhân thành hai loại: Pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Theo đó, pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên; pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác[6].
Về trách nhiệm dân sự, pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác[7]. Trong quá trình hoạt động, nếu pháp nhân gây thiệt hại cho chủ thể khác thì họ sẽ bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
1.3. Nhà nước bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Nhà nước cũng được coi là chủ thể của pháp luật dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015[8]. Về việc đại diện cho Nhà nước tham gia các quan hệ dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước. Việc đại diện thông qua cá nhân, pháp nhân khác chỉ được thực hiện trong các trường hợp và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định[9]. Về trách nhiệm dân sự[10], Nhà nước chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của mình bằng tài sản mà mình là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Như vậy, khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự, nếu Nhà nước gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm dân sự bình đẳng như các chủ thể khác; quy định này là cần thiết vì trên thực tiễn trước đây đã phát sinh việc tham gia các giao dịch dân sự của Nhà nước và hạn chế tình trạng các chủ thể lạm quyền gây thất thoát cho tài sản của nhà nước.
2. Chủ thể bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng
Trong hoạt động công chứng, khi xảy ra thiệt hại, yếu tố quan tâm hàng đầu của chủ thể bị thiệt hại là kiện ai để yêu cầu bồi thường? Kiện ai là xác định chủ thể bị kiện hay nói cách khác xác định chủ thể sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho mình. Đứng trên giác độ người yêu cầu công chứng (là các tổ chức, cá nhân có yêu cầu công chứng hoặc có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới hoạt động công chứng) khi họ bị thiệt hại, họ sẽ phải khiếu nại hay khởi kiện tổ chức hành nghề công chứng (gồm phòng công chứng, văn phòng công chứng) hay khởi kiện cá nhân công chứng viên, nhân viên… gây thiệt hại cho họ?
2.1. Trách nhiệm bồi thường thuộc về tổ chức hành nghề công chứng hay cá nhân công chứng viên, nhân viên hay cả hai bên?
Tổ chức, cá nhân yêu cầu công chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới hoạt động công chứng khi bị thiệt hại thì họ sẽ khởi kiện tổ chức hành nghề công chứng hay cá nhân công chứng viên, nhân viên hay cả hai đối tượng này để đòi bồi thường thiệt hại? Nói cách khác, đây là trách nhiệm của cá nhân hay trách nhiệm của pháp nhân, trách nhiệm liên đới hay riêng rẽ?
Về mặt lý luận, trách nhiệm dân sự của pháp nhân có thể phát sinh từ quan hệ hợp đồng mà pháp nhân tham gia hoặc trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong bất cứ trường hợp nào, pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự về những hành vi được coi là hành vi của pháp nhân: Hành vi của pháp nhân được hiểu là hành vi của người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền nhân danh pháp nhân và hành vi của các thành viên pháp nhân trong phạm vi nhiệm vụ được pháp nhân giao. Trong trường hợp người đại diện của pháp nhân thực hiện với tư cách cá nhân, sẽ không làm phát sinh trách nhiệm dân sự cho pháp nhân. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân phát sinh trong trường hợp người của pháp nhân gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao, thông qua nội dung ủy quyền bằng văn bản hoặc bản hợp đồng lao động với pháp nhân. Người của pháp nhân được hiểu là bất cứ thành viên nào của pháp nhân, được pháp nhân tuyển dụng vào làm việc theo các quan hệ hợp đồng dài hạn, ngắn hạn, đang trong thời gian thử việc… Pháp nhân phải bồi thường cho người bị thiệt hại liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ mà pháp nhân giao cho thành viên đó thực hiện. Trong trường hợp này, hành vi của họ được hiểu là hành vi của pháp nhân. Chính vì vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về pháp nhân. Sau khi pháp nhân bồi thường thiệt hại, nếu thành viên của pháp nhân có lỗi gây thiệt hại cho chủ thể khác, thì pháp nhân có quyền yêu cầu thành viên này phải hoàn trả “một khoản tiền bồi thường do lỗi của mình gây ra theo quy định của pháp luật”. Do đó, việc xác định mức độ lỗi của thành viên khi gây thiệt hại là rất quan trọng và là cơ sở để xác định số tiền hoàn trả của thành viên đối với pháp nhân.
Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu không có sự thống nhất về bồi thường, bù đắp thiệt hại, thì đều dẫn tới tranh chấp. Loại trừ trường hợp bất khả kháng hay hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, đa phần các tranh chấp dạng này xoay quanh vấn đề cốt lõi là việc bóc tách trách nhiệm giữa cá nhân người lao động và doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Dưới góc độ pháp lý, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm pháp lý đặt ra cho cá nhân người lao động và người sử dụng lao động được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 là “Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra” và “Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra”. Theo nguyên tắc pháp lý, chỉ cần xác định được người lao động gây thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Sở dĩ, các nhà làm luật quy định như vậy cũng phần nào xuất phát từ lập luận: Người lao động có thể thay đổi nơi làm việc liên tục, nhưng pháp nhân là tổ chức có tính ổn định lâu dài hơn, để khi người bị thiệt hại sẽ tóm được “kẻ có tóc” trước. Tuy nhiên, ở vị trí của người sử dụng lao động, không ít trường hợp, họ có xu hướng “đẩy” phần trách nhiệm sang cho cá nhân người lao động. Vì họ biết, nếu cứ “đứng mũi chịu sào” trước bên thiệt hại, để rồi sau đó đi “đòi” người lao động thì chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”, cho dù mình có căn cứ để đòi. Thế nên, nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách chứng minh quan hệ giữa cá nhân và bên thiệt hại là quan hệ độc lập, không liên quan đến công ty. Cho dù cá nhân người lao động khi có hành vi vi phạm vẫn trong quá trình thực hiện công việc được giao, hoặc thậm chí vẫn dưới tư cách công ty.
Xuất phát từ cơ sở lý luận pháp luật dân sự nêu trên, trong hoạt động công chứng, bên bị thiệt hại có thể sẽ kiện tổ chức hành nghề công chứng hay kiện công chứng viên, nhân viên, hay người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng? Điều 38 Luật Công chứng năm 2014 quy định về bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng: “Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng. Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”. ở quy định này, theo nguyên lý, pháp nhân là chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra. Sau đó, pháp nhân có quyền yêu cầu cá nhân gây thiệt hại phải bồi hoàn khoản tiền mà pháp nhân đã bồi thường thay cho mình để bảo đảm cho thiệt hại luôn được bồi thường theo nguyên tắc “toàn bộ” và “kịp thời” của pháp luật dân sự.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chủ thể trực tiếp tiến hành các hoạt động công chứng (mà trước hết và chủ yếu là công chứng viên) mới phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Quan điểm này lập luận rằng, công chứng viên với tư cách đạo đức hành nghề, được Nhà nước trao quyền thực hiện “dịch vụ công” phải có nghĩa vụ cẩn trọng, cần thiết, tối cao của nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề. Công chứng viên cung cấp dịch vụ pháp lý phải đảm bảo độ tin cậy cao, phải đảm bảo thanh danh nghề nghiệp cho nên nếu gây thiệt hại thì phải trực tiếp chịu “trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. Vì lẽ đó, Điều 71 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Công chứng viên vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Hoặc theo khoản 3 Điều 2 Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng quy định nguyên tắc hành nghề của công chứng viên: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng, bồi thường thiệt hại do lỗi của mình trong trường hợp việc công chứng dẫn đến thiệt hại cho người yêu cầu công chứng”[11]. Nói cách khác, khi hành nghề công chứng viên phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc mình đã công chứng. Trách nhiệm cá nhân này bao gồm: Trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại).
Khoản 1 Điều 38 Luật Công chứng năm 2014 cũng quy định: “Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng”. Từ nội dung điều luật có thể thấy rằng, chủ thể được hưởng quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại không chỉ là “người yêu cầu công chứng” mà còn được mở rộng thêm sang “cá nhân, tổ chức khác” bị thiệt hại liên quan tới hoạt động công chứng. Ngoài ra, chủ thể có hành vi có lỗi gây thiệt hại không chỉ dừng ở công chứng viên mà còn mở rộng thêm nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, có thể thấy, pháp luật công chứng quy định cả công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng cùng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, Luật Công chứng cần phải đưa ra các tiêu chí để phân định rõ ràng trường hợp nào thuộc trách nhiệm bồi thường của công chứng viên, trường hợp nào thuộc trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng. Quy định không rõ ràng như hiện nay đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người bị thiệt hại, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật của cơ quan tố tụng.
Tham khảo pháp luật của các nước trên thế giới cho thấy, họ có quy định khá khác nhau về vấn đề này. Điều 43 Luật Công chứng của Trung Quốc năm 2006 quy định: “Đơn vị công chứng và các công chứng viên do lỗi sai gây ra tổn thất cho đương sự và các bên liên quan sự vụ công chứng sẽ do đơn vị công chứng chịu trách nhiệm bồi thường tương ứng. Sau khi đơn vị công chứng bồi thường có thể truy đòi bồi thường của công chứng viên đã cố ý hoặc có lỗi lớn”[12]. Điều 19 Luật Công chứng Cộng hòa Liên bang Đức quy định: “Nếu một công chứng viên do cố ý hoặc vô ý vi phạm nghiệp vụ nghề nghiệp với một người mà anh ta có trách nhiệm, thì anh ta cần phải tiến hành bồi thường tổn hại do mình gây ra. Nếu công chứng viên do vô ý vi phạm nghiệp vụ nghề nghiệp, thì anh ta chỉ bị yêu cầu bồi thường trong tình huống người bị hại không thể có được bồi thường từ con đường khác”[13]. Tại Cộng hòa Pháp, không có điều khoản luật pháp chuyên môn nào chuyên quy định về trách nhiệm dân sự của công chứng viên, Tòa án sẽ căn cứ theo nguyên tắc quy định trong Điều 1382 Bộ luật Dân sự: “Một người do lỗi của mình đã gây ra thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường”[14]. Như vậy, pháp luật công chứng trên thế giới có những nơi quy định trách nhiệm bồi thường thuộc về cá nhân công chứng viên hoặc thuộc về cả công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng.
2.2. Tổ chức hành nghề công chứng kiện chủ thể có hành vi cản trở hoạt động công chứng, giả mạo hồ sơ công chứng để trục lợi, gây thiệt hại cho tổ chức hành nghề công chứng
Trong hoạt động công chứng, tình trạng các chủ thể khác giả mạo hồ sơ công chứng, sửa chữa hồ sơ để qua mặt công chứng viên không phải là trường hợp ít gặp, bên cạnh đó là tình trạng các chủ thể cản trở công chứng viên thực thi chức nghiệp như không cung cấp thông tin… gây thiệt hại cho các tổ chức hành nghề công chứng thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường như thế nào?
Luật Công chứng năm 2014 quy định về một số chủ thể khác liên quan tới hoạt động công chứng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại như: “Người yêu cầu công chứng có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo, sửa chữa, tẩy xóa giấy tờ, văn bản trái pháp luật hoặc có hành vi gian dối khác khi yêu cầu công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” (Điều 75). Người yêu cầu công chứng được định nghĩa là “cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật này” (khoản 3 Điều 2). Quy định này nhằm ngăn cản hành vi vì vụ lợi để qua mặt công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác.
Luật Công chứng năm 2014 còn quy định xử lý vi phạm đối với người có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng: “Người có chức vụ, quyền hạn mà có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng hoặc cản trở công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện quyền, nghĩa vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” (Điều 73). Công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng khi thực thi chức nghiệp của mình trên thực tiễn có sự liên quan tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền rất nhiều, ví dụ như việc xác minh tình trạng hôn nhân của đương sự tại ủy ban nhân dân cấp xã, xác minh tình trạng đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai, phòng tài nguyên và môi trường... Thực tiễn cho thấy, quy định là vậy nhưng triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc do các chủ thể nêu trên lập luận rằng chưa có trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính và/hoặc chưa có quy chế phối hợp, quy trình quy định trách nhiệm. Do đó, việc chứng minh hành vi xâm phạm quyền lợi ích của công chứng viên hay cản trở công chứng viên thực thi chức nghiệp dường như bất khả thi, cần có hướng dẫn cụ thể. Điều này, phần nào cũng ảnh hưởng lớn tới thời hạn công chứng, quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng cần được sửa đổi.
3. Một vài kiến nghị thay lời kết
Từ sự trình bày, phân tích một số quy định có liên quan tới chủ thể bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng nêu trên, có thể đưa ra một số kiến nghị như sau:
(i) Sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng theo hướng xây dựng một mục riêng về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường và bồi hoàn trong hoạt động công chứng, trong đó quy định bên bị thiệt hại có quyền lựa chọn khởi kiện tổ chức hành nghề công chứng hoặc công chứng viên, nhân viên, người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Quy định như vậy sẽ rõ ràng, bảo đảm được quyền lựa chọn khởi kiện của bên bị thiệt hại sao cho thuận lợi nhất và bảo đảm được nguyên tắc thiệt hại phải được bồi thường “toàn bộ và kịp thời” của pháp luật dân sự.
(ii) Quy định rõ ràng hơn chủ thể có hành vi cản trở hoạt động công chứng, giả mạo hồ sơ công chứng để trục lợi, gây thiệt hại phải bồi thường cho tổ chức hành nghề công chứng.
(iii) Quy định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại giữa các chủ thể gây thiệt hại trong hoạt động công chứng và vấn đề bồi hoàn thiệt hại theo nguyên lý của pháp luật dân sự.
Văn phòng Công chứng Gia Khánh, Hà Nội
[1]. Khoản 3, khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[2]. Từ điển Luật học do Nxb Từ điển Bách khoa - Nxb. Tư pháp ấn hành năm 2006.
[3]. Khoản 3 Điều 16 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4]. Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5]. Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[6]. Điều 75, Điều 76 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[7]. Điều 87 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[8]. Điều 97 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[9]. Điều 98 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[10]. Điều 99 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[11]. Khoản 3, Điều 2, Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng quy định nguyên tắc hành nghề của công chứng viên.
[12]. Điều 43 Luật Công chứng Trung Quốc năm 2006.
[13]. Điều 19 của Luật Công chứng Cộng hòa Liên bang Đức.
[14]. Điều 1382 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp.