1. Nhận diện hành vi vi phạm pháp luật của người có ảnh hưởng trên không gian mạng và nguyên nhân
KOLs (viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Key Opinion Leaders”, tức là “người dẫn dắt dư luận chủ chốt”) hay còn gọi là “người có ảnh hưởng” là một cá nhân hay tổ chức có kiến thức sản phẩm chuyên môn và có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực hay ngành, nghề của họ. Với sự ảnh hưởng của mình, KOLs thường sẽ được mời tham gia vào các chiến dịch quảng bá thương hiệu nhằm lan tỏa thông tin, sản phẩm đến với khách hàng với độ tin cậy cao. Theo đó, KOLs được phân loại dựa trên các tiêu chí: Độ phủ, sự liên quan của thương hiệu và khả năng thay đổi ý kiến của người tiêu dùng. Với cách phân loại này, ở Việt Nam, hiện nay, có thể phân chia thành ba nhóm chính sau đây:
- Nhóm Celeb: Celeb là tập hợp những người có mức độ nổi tiếng cao nhất, sức ảnh hưởng của họ cũng rất rộng và mạnh mẽ trong một lĩnh vực hay độ tuổi nhất định nào đó. Theo đó, họ có vai trò không chỉ là đại diện hình ảnh cho một nhãn hàng, thương hiệu mà sức ảnh hưởng của họ còn tác động đến lối sống, tư tưởng, hành vi, văn hóa của một thế hệ. Độ nổi tiếng của Celeb không chỉ trên nền tảng mạng xã hội mà còn phủ rộng ở khắp các phương tiện truyền thông, báo chí, truyền hình...
- Nhóm Influencer: So với Celeb, nhóm này có tầm ảnh hưởng nhỏ hơn. Thông thường nhóm Influencer chỉ có tầm ảnh hưởng trên một nền tảng mạng xã hội. Sức ảnh hưởng của họ khá mạnh trong một lĩnh vực nhất định.
- Nhóm Mass Seeder: Sức ảnh hưởng của những Mass Seeder chỉ là những tệp khách hàng nhỏ, hướng tới một lĩnh vực cụ thể. Nhóm này mang đến cho độc giả những bài viết khách quan, chân thực nhất về một sản phẩm hoặc dịch vụ. Ngoài ra, họ cũng có thể viết bài để truyền thông, quảng bá hoặc tạo dựng hình ảnh cho một thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, sự kiện của doanh nghiệp, thu hút sự quan tâm của công chúng (PR) dựa theo nội dung mà hai nhóm trên đã chia sẻ.
Trong giai đoạn hiện nay, internet nói chung, lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng KOLs là một công cụ hữu hiệu để phát triển các kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tiếp cận được nhanh chóng tới khách hàng, tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, xuất hiện thực trạng KOLs có hoạt động phức tạp về an ninh, trật tự trên không gian mạng. Điển hình là một số nhóm KOLs sau đây:
Thứ nhất, nhóm KOLs có vị trí, địa vị trong xã hội “tiếp tay” cho một số đối tượng chống đối bên ngoài phát động “chiến dịch” tuyên truyền phá hoại tư tưởng. Các đối tượng triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội, đặc biệt là Youtube, TikTok, biên tập video với nội dung chống phá Đảng và Nhà nước; cắt ghép, pha trộn thông tin thật - giả, biên tập thành các bài viết, video ngắn có khả năng “thao túng tâm lý, định hướng dư luận” làm cho một bộ phận người dùng internet ngộ nhận, tin theo, tiếp tay chia sẻ các nội dung này trên không gian mạng.
Thứ hai, nhóm đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò, ngôn ngữ thô tục để thu hút lượng người theo dõi lớn, trở thành “hiện tượng mạng”, động cơ, mục đích của họ rất đa dạng như có thể bán hàng, tăng lượng tương tác để tạo độ nổi tiếng, từ đó có mục đích liên quan đến vụ lợi cá nhân. Nội dung các đối tượng xây dựng, biên tập và phổ biến trên không gian mạng, nơi có hàng triệu người dùng là thanh, thiếu niên đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, lối sống, phát ngôn, bình luận của những người tham gia. Thậm chí, có những nội dung phân biệt tôn giáo, vùng miền, gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Thứ ba, nhóm văn nghệ sĩ có hành vi vi phạm trong phát ngôn, đưa nội dung vi phạm pháp luật, quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng, cụ thể như: Đưa tin sai sự thật về sự việc trong đời thực, quảng cáo tiền ảo, bói toán, mê tín dị đoan, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe...
Thứ tư, nhóm “KOLs ẩn” là các tổ chức, cá nhân quản lý các trang, kênh, nhóm có lượng người theo dõi lớn nhưng chưa xác định được người quản trị, người điều hành các thành viên trong nhóm. Những trang, kênh, nhóm này có khả năng chi phối, điều hướng dư luận, tác động lớn đối với an ninh, trật tự, một số trường hợp còn đăng tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, những thông tin chưa được kiểm chứng, vi phạm pháp luật.
Thứ năm, nhóm người có sức ảnh hưởng không lớn (Mass Seeder) nhưng xây dựng nội dung, livestream quảng bá sản phẩm, tăng lượt theo dõi bằng những đoạn video nhạy cảm để bán các sản phẩm làm đẹp, thời trang, mỹ phẩm... trái với thuần phong mỹ tục, nhiều kênh có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, quảng cáo sai sự thật công dụng, chức năng của sản phẩm.
Trước tình hình phức tạp về an ninh, trật tự có liên quan đến KOLs trên không gian mạng trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm quản lý hiệu quả nội dung được đăng tải trên internet, như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021 về Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 512/QĐ-BTTTT ngày 31/3/2023 về việc ban hành Kế hoạch hành động cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025, trong 19 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, có nhiệm vụ quản lý người nổi tiếng trên mạng. Theo đó, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) được giao chủ trì, phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) triển khai quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Bộ Công an với chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm trên không gian mạng đã phối hợp với cơ quan chức năng trong triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, tiến hành lọc nội dung, ngăn chặn, yêu cầu một số nhà cung cấp vô hiệu hóa các tài khoản, bài viết, video xấu độc có lượng chia sẻ, tương tác lớn. Những quy định của các cơ quan quản lý nhà nước, các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát được triển khai đã có tác dụng tích cực, làm lành mạnh môi trường không gian mạng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Tuy nhiên, các chế tài của pháp luật hiện hành chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm, các kênh, trang, hội nhóm trên mạng xã hội vẫn xuất hiện rất nhiều nội dung vi phạm; một nội dung vi phạm có thể xuất hiện ở các kênh, hội nhóm khác nhau; việc chặn, xóa, yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm ở kênh, hội nhóm này có thể được các KOLs chuyển sang kênh khác hoặc chuyển hướng biên tập, xuất bản các nội dung khác trên nhiều nền tảng khác nhau. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân cơ bản như:
- Mức xử phạt còn nhẹ dẫn đến các trường hợp vi phạm có xu hướng tái phạm trong khi nguồn lợi nhuận mà các KOLs có được rất lớn thông qua các nền tảng khác nhau trên không gian mạng. Bên cạnh đó, nhận thức của KOLs về vị trí, vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, xã hội còn hạn chế; một số KOLs với động cơ, mục đích vụ lợi cá nhân, tư tưởng chống phá Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
- Hoạt động vi phạm của các KOLs trên không gian mạng với đặc tính dễ dàng che giấu dấu vết, xóa nội dung, khóa kênh làm cho hoạt động xác minh, truy vết, điều tra những nội dung vi phạm còn gặp nhiều khó khăn đến từ yếu tố kỹ thuật. Các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ của Ngành Công an cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai nhưng rất khó để thu thập được nội dung vi phạm, khó chuyển hóa thành chứng cứ nếu hành vi đó vi phạm pháp luật hình sự.
- Một số KOLs hoạt động ẩn danh, có dấu hiệu của tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hoạt động tinh vi, tạo nhiều kênh trên nhiều nền tảng khác nhau, đặc biệt là đối với các hội nhóm kín trên các nền tảng có máy chủ đặt tại nước ngoài, việc truyền - gửi dữ liệu đều được mã hóa gây khó khăn cho hoạt động điều tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
2. Giải pháp phòng ngừa, đấu tranh
Dự báo trong thời gian tới, sự phát triển của KOLs sẽ ngày càng đa dạng về nội dung, hình thức và sẽ vẫn còn sự tồn tại của những nội dung vi phạm pháp luật, những nội dung xấu, độc ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên không gian mạng. Để bảo đảm không gian mạng thực sự an toàn, tích cực, lành mạnh, cần triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp hiệu quả với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xây dựng và hoàn thiện quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đối với ca sĩ, nghệ sĩ... có tầm ảnh hưởng trên không gian mạng. Theo tác giả, cần tăng mức xử phạt đối với người nổi tiếng, nghệ sĩ vi phạm hành chính trên không gian mạng (các mức xử phạt hiện nay còn thấp với mức từ 05 - 10 triệu đồng hoặc từ 10 - 15 triệu đồng), đồng thời, triển khai các biện pháp xử lý kết hợp là khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo, cắt sóng, cấm biểu diễn trong trường hợp các vi phạm nghiêm trọng. Đi đôi với những chế tài xử lý nghiêm khắc, cơ quan chức năng liên quan cần tuyên truyền sâu rộng đến người nổi tiếng, văn nghệ sĩ về nội dung của các quy tắc, quy trình xử lý đối với hành vi vi phạm trên cơ sở nhận thức sâu sắc và hành động đúng đắn.
Hai là, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp trong việc xây dựng và hoàn thiện quy định của pháp luật đối với KOLs có hành vi vi phạm. Ngoài việc xây dựng, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử, quy trình xử lý nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên không gian mạng cần tham mưu cụ thể hóa khái niệm KOLs, các hành vi vi phạm cụ thể và chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả pháp luật hình sự.
Ba là, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an nâng cao mối quan hệ phối hợp trong trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ và nâng cao chất lượng hoạt động rà quét nội dung trên không gian, chủ động xây dựng bộ lọc nội dung tích hợp trí tuệ nhân tạo nhằm tạo ra tính hiệu quả hơn nữa trong việc phân loại thông tin, xác định nội dung vi phạm. Khi xác định được nội dung vi phạm, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục đấu tranh, buộc các nền tảng xuyên biên giới phải chặn, gỡ bỏ các nội dung xấu, độc, khóa các trang, kênh, nhóm vi phạm nghiêm trọng.
Bốn là, Bộ Công an với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự trên không gian mạng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin. Nội dung tuyên truyền tập trung làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của KOLs, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm lợi dụng các nền tảng trên không gian mạng xây dựng nội dung vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự; đối tượng tuyên truyền là người dân, trong đó tập trung chủ yếu vào thanh niên, học sinh, sinh viên là những đối tượng chính tương tác với KOLs trên không gian mạng thông qua các trang mạng xã hội, bản tin truyền hình, các buổi tuyên truyền tại các cơ sở giáo dục đào tạo nhằm trang bị những kiến thức về an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng, nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nội dung xấu, độc, có ứng xử đúng đắn trên không gian mạng.
Năm là, Bộ Công an tiếp tục làm tốt hơn nữa trong công tác phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Xây dựng quy chế hợp tác và tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra đối với tội phạm liên quan đến KOLs nhằm xử lý kịp thời, hiệu quả đối với loại tội phạm này, hoạt động phát hiện, điều tra có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung, phòng ngừa từ xa trong toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả mối quan hệ hợp tác quốc tế trong việc truy vết, gửi yêu cầu tra cứu thông tin, chặn bắt thông tin, điều tra đối với tội phạm có tính chất xuyên quốc gia liên quan đến KOLs./.
ThS. Đinh Thành An
Học viện Cảnh sát nhân dân
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 402), tháng 4/2024)