1. Thực trạng một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong hoạt động của Tòa án nhân dân[1]
Ngày 25/5/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, khi phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ. Đây là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Bởi những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm các quy định của Luật Chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Cán bộ, công chức[2].
Trong hoạt động của Tòa án, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, tại phiên trả lời chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh) đã nêu lên một thực trạng là: Hằng năm ngày 30 tháng 9 là ngày kết thúc năm công tác của Tòa án vì vậy các Tòa án đua nhau xét xử, xét xử dồn dập để có thành tích, để không có án tồn; người dân nộp đơn vào thời điểm này thì khó được Tòa nhận, thậm chí là không nhận. Theo đó, người tiến hành tố tụng: Thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát, người tham gia tố tụng kể cả luật sư cũng bị động theo… dẫn đến vi phạm tố tụng, chất lượng xét xử không tốt[3]. Thực trạng Tòa án không xử lý đơn khởi kiện đúng hạn luật định, hạn chế thụ lý vụ án để tăng tỷ lệ giải quyết án là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị như Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nêu.
Ngoài ra, còn một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị như:
(i) Tình trạng một số thẩm phán “ngại” giải quyết các vụ án có tính chất phức tạp nên tìm cách hướng dẫn, giải thích pháp luật theo hướng đương sự rút đơn khởi kiện để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Sau khi Tòa án đình chỉ, vụ án không được giải quyết dứt điểm nên đương sự sẽ khởi kiện lại và được phân công cho thẩm phán khác giải quyết. Thẩm phán hướng dẫn, giải thích pháp luật cho đương sự rút đơn trước đó sẽ không được phân công vụ án đó nữa[4]. Mục đích của việc hướng dẫn, giải thích pháp luật cho đương sự rút đơn khởi kiện là để “né tránh trách nhiệm giải quyết án khó”, việc giải quyết các vụ án phức tạp sẽ làm tăng nguy cơ tỷ lệ án hủy, sửa của cá nhân thẩm phán đó. Mặt khác, trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, một bộ phận nhỏ các thẩm phán còn tư tưởng nể nang, ngại va chạm đến cơ quan nhà nước dẫn đến tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao[5].
(ii) Tình trạng chậm giải quyết các vụ án, để các vụ án kéo dài, quá hạn theo quy định của pháp luật dẫn đến cuối năm khi bình xét thi đua, thẩm phán có các loại vụ án này sẽ bị đánh giá phân loại cán bộ, công chức là chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
(iii) Tình trạng do hạn chế về năng lực nên có một bộ phận nhỏ thẩm phán để án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan cao hơn mức quy định và một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị khác.
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân của thực trạng xử lý đơn khởi kiện quá hạn luật định, hạn chế thụ lý vụ án là do các thẩm phán, các Tòa án vì bị áp lực về công tác thi đua khen thưởng, công tác tái bổ nhiệm của thẩm phán nên “chạy theo thành tích” và “dùng thủ thuật” việc tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện để quá hạn, hạn chế thụ lý vụ án của người dân để giảm lượng án phải thụ lý giải quyết, nâng cao tỷ lệ án đã giải quyết, đảm bảo các chỉ tiêu về tỷ lệ giải quyết án của từng thẩm phán và Tòa án.
Cũng vì áp lực thi đua, khen thưởng nên một số thẩm phán sợ tỷ lệ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vượt mức quy định[6] dẫn đến mất thi đua, khen thưởng và không được tái bổ nhiệm[7] nên một bộ phận thẩm phán sợ trách nhiệm nên tránh né, không dám giải quyết các vụ án có tính chất phức tạp. Minh chứng cho thực trạng này là tình trạng làm khống 57 hồ sơ vụ án của bà Bùi Thị Dung - thẩm phán sơ cấp Tòa án nhân dân huyện Đắk Song: Năm 2016, bà Dung có tỷ lệ án hủy cao hơn 1,16%, ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm thẩm phán vào năm 2017 nên bà Dung đã gian dối tự viết đơn kiện, ứng nộp án phí 57 hồ sơ để giải quyết theo hướng nguyên đơn rút đơn, tăng tỷ lệ án xử đạt để đủ điều kiện được bổ nhiệm[8].
Một bộ phận nhỏ thẩm phán còn thiếu bản lĩnh chính trị còn tư tưởng nể nang, ngại va chạm, hạn chế về năng lực nên dẫn đến việc giải quyết án bị kéo dài, quá hạn luật định; chất lượng xét xử còn hạn chế (tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn vượt mức quy định).
Mặt khác, số vụ việc các thẩm phán và các Tòa án phải giải quyết ngày càng tăng cao, làm cho công tác của một số thẩm phán và Tòa án trở nên quá tải. Số lượng án phải giải quyết của từng thẩm phán trong năm công tác một số nơi cao hơn gấp hai hoặc ba lần so với mức quy định (mức quy định là mỗi thẩm phán giải quyết trong năm là 72 vụ việc).
Một số quy định của pháp luật về một số tiêu chí thi đua và xem xét xử lý trách nhiệm của những người giữ chức danh tư pháp còn xung đột nhau, gây ảnh hưởng đến tâm lý của thẩm phán trong thi hành công vụ.
3. Một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến tình trạng có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong hoạt động của Tòa án nhân dân
3.1. Quy định về cách tính tỷ lệ án đã giải quyết
Hiện nay, cách tính tỷ lệ án đã giải quyết các loại án là tỷ lệ giữa tổng số các loại án đã được giải quyết trong năm công tác (bao gồm án xét xử, hòa giải thành, đình chỉ) trên tổng số án đã thụ lý trong năm.
Ví dụ: Mỗi tháng Tòa án thụ lý 10 vụ, trong một năm thụ lý tổng cộng là 120 vụ. Trong đó, có 80 vụ quá thời hạn chuẩn bị xét xử (đã được thụ lý trên 04 tháng); có 40 vụ mới thụ lý, dưới 04 tháng, trong thời hạn chuẩn bị xét xử.
Tòa án đã giải quyết được 90 vụ, trong đó đã giải quyết quá thời hạn chuẩn bị xét xử là 70 vụ, còn lại đã giải quyết những vụ mới thụ lý, trong thời hạn chuẩn bị xét xử là 20 vụ.
Khi đó, tỷ lệ án đã giải quyết của Tòa án trong năm sẽ là: (90 vụ đã giải quyết)/(120 vụ đã thụ lý) x 100% = 75%.
Do quy định này, nên phần lớn các Tòa án đều hạn chế thụ lý các vụ án vào những tháng cuối năm, do sợ bị ảnh hưởng đến việc bình xét thi đua khen thưởng. Giả sử trong 04 tháng cuối năm do Tòa án hạn chế thụ lý nên không thụ lý thì khi đó tổng lượng án phải giải quyết sẽ là 120 - 40 = 80 vụ. Khi đó tỷ lệ án đã giải quyết của Tòa án sẽ là (70/80) x 100% = 87,5%, đạt chỉ tiêu đã đề ra là từ 85% trở lên. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng Tòa án hạn chế thụ lý án vào những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, nếu thẩm phán, Tòa án không thụ lý án vào những tháng cuối năm sẽ vi phạm thời hạn về Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh cán Tòa án nhân dân tối cao về ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân (Quyết định số 120/QĐ-TANDTC). Cụ thể như sau:
Thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị khi thẩm phán có một trong những hành vi vi phạm trong việc xử lý đơn, thụ lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ, việc:
- Xử lý đơn khởi kiện để quá thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 3 Điều 121 Luật Tố tụng hành chính;
- Xử lý đơn yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự để quá thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Điều 363 Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Thụ lý vụ, việc chậm quá thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày đủ điều kiện thụ lý theo quy định tại Điều 195; khoản 4 Điều 363 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 125 Luật Tố tụng hành chính.
Như vậy, nếu như hạn chế thụ lý án vào những tháng cuối năm thì thẩm phán đều vi phạm thời hạn xử lý đơn và đều bị xử lý trách nhiệm theo quy định. Ngược lại, nếu không hạn chế thụ lý giải quyết án để không vi phạm thời hạn xử lý đơn và không bị xử lý trách nhiệm theo quy định thì tỷ lệ án đã giải quyết của thẩm phán, Tòa án không đạt chỉ tiêu. Do đó, cách tính tỷ lệ án đã giải quyết như hiện nay đã dẫn đến các hành vi vi phạm theo một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị của từng thẩm phán và Tòa án.
3.2. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Quyết định số 120/QĐ-TANDTC chưa phù hợp
Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án có quy định: “Hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án”.
Mục 2.4 của Chỉ thị số 01/2020/CT-CA ngày 09/01/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong tâm công tác năm 2020 của các Tòa án có quy định: “Bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5 tổng các loại án”.
Để hướng dẫn cách tính tỷ lệ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, ngày 15/12/2020, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 356/TANDTC-TĐKT. Tại khoản 1 Mục III Công văn có hướng dẫn: Báo cáo chất lượng xét xử: “Tổng” số bản án, quyết định bị (hủy, sửa) do nguyên nhân chủ quan “chia 2” không vượt quá “1,5%” tổng số các vụ (án, việc) đã giải quyết, xét xử trong năm thi đua “12 tháng”.
Trong khi đó, nếu thẩm phán có tỷ lệ án bị hủy do nguyên nhân chủ quan từ 1,16% trở lên đều bị xử lý trách nhiệm theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC.
Ví dụ: Trong một năm công tác hoặc một nhiệm kỳ, thẩm phán A đã giải quyết 100 vụ, bị hủy 02 vụ do nguyên nhân chủ quan, không bị sửa vụ nào với nguyên nhân chủ quan. Khi đó, tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được tính để xét thi đua từ năm 2020 trở về sau là: ((02+00)/2)/100 x 100% = 01%. Khi đó, thẩm phán vẫn được xét thi đua, khen thưởng bình thường.
Còn tỷ lệ án bị hủy do nguyên nhân chủ quan để làm cơ sở xử lý trách nhiệm đối với thẩm phán và làm cơ sở có tái bổ nhiệm đối với thẩm phán hay không được tính là: 02/100 x 100% = 02%. Khi đó, thẩm phán sẽ bị xử lý trách nhiệm theo khoản 7 Điều 10 Quyết định số 120/QĐ-TANDTC và kèm theo đó sẽ không xét thi đua, khen thưởng đối với thẩm phán đã vi phạm.
4. Một số giải pháp, kiến nghị
Một là, cần thay đổi cách tính tỷ lệ án đã giải quyết.
Tỷ lệ các loại vụ việc đã giải quyết là tỷ lệ giữa tổng số vụ việc đã giải quyết trên tổng số vụ việc đã thụ lý và có điều kiện giải quyết[9]. Theo đó, tổng số vụ việc đã thụ lý và có điều kiện giải quyết là tổng số vụ việc đã thụ lý giải quyết quá thời hạn chuẩn bị xét xử cộng với số vụ việc đã giải quyết trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Khi đó, việc tính tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc sẽ được tính như sau:
Tỷ lệ án đã giải quyết theo dẫn chứng cứ = (Tổng số các loại vụ việc đã giải quyết (90)/tổng số các loại vụ việc đã được thụ lý và có điều kiện (80+20 = 100)) x 100% = 90%.
Với cách tính này sẽ đảm bảo cho các thẩm phán xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo đúng thời hạn luật định, không bị xử lý trách nhiệm theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC nhưng tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc vẫn đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; tháo gỡ việc thẩm phán bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, giảm tải áp lực đối với thẩm phán và chấm dứt tình trạng các vi phạm dưới biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của thẩm phán trong thời gian qua. Mặt khác, cách tính này góp phần thúc đẩy các thẩm phán tập trung giải quyết các loại vụ việc tồn đọng, kéo dài vì nếu không giải quyết sẽ bị tính là án tồn…
Hai là, sửa đổi một số quy định của Quyết định số 120/QĐ-TANDTC.
Quyết định số 120/QĐ-TANDTC được ban hành từ năm 2017, trong khi đó, chỉ tiêu và cách tính tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan trong công tác xét thi đua, khen thưởng đã được thay đổi từ năm 2020 cho đến nay. Các quy định về xử lý trách nhiệm của thẩm phán trong Quyết định số 120/QĐ-TANDTC chỉ đặt ra tiêu chí tỷ lệ án bị hủy do nguyên nhân chủ quan, không có quy định đối với tỷ lệ án bị sửa do nguyên nhân chủ quan. Nên có thể nói, các quy định này của Quyết định số 120/QĐ-TANDTC đã “lỗi thời” cần phải được sửa đổi để đảm bảo cho thẩm phán an tâm công tác, thực hiện nhiệm vụ của mình.
Ngoài ra, theo tác giả cần tiếp tục tăng cường, kỷ luật công vụ trong các Tòa án nhân dân theo Chỉ thị số 05/2020/CT-CA ngày 28/7/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong Tòa án nhân dân.
Trần Tú Anh & Huỳnh Minh Khánh
Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang
[1] Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và đề ra các giải pháp khắc phục.
[2] https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/bo-truong-noi-vu-can-bo-lam-viec-cam-chung-ne-trach-nhiem-la-suy-thoai-khong-the-benh-bao-che-210838.html, truy cập ngày 10/4/2024.
[3] https://tapchitoaan.vn/can-thay-doi-cach-tinh-ty-le-an-giai-quyet, truy cập ngày 10/7/2023.
[4] Khoản 3 Điều 53 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[5] Trích kết quả trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa XV ngày 20/3/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
[6] Khoản 1 Mục III Công văn số 356/TANDTC-TĐKT ngày 15/12/2020 của Tòa án nhân dân tối cao: Báo cáo chất lượng xét xử: “Tổng” số bản án, quyết định bị (hủy, sửa) do nguyên nhân chủ quan “chia 2” không vượt quá “1,5%” tổng số các vụ (án, việc) đã giải quyết, xét xử trong năm thi đua “12 tháng”.
[7] Khoản 1 Điều 16 Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân.
[8] Trung Tấn – Đình Cương, “Làm khống 57 bộ hồ sơ: Viện KSND tối cao vào cuộc, chánh án nói “không cấu thành tội phạm”, https://tuoitre.vn/lam-khong-57-bo-ho-so-vien-ksnd-toi-cao-vao-cuoc-chanh-an-noi-khong-cau-thanh-toi-pham-20210617143909187.htm , truy cập ngày 14/7/2023.
[9] Án có điều kiện giải quyết là án đã thụ lý và đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử (quá 04 tháng hoặc 06 tháng tùy theo tiêu chí quy định); hoặc án trong thời hạn chuẩn bị xét xử những đã được giải quyết xong.