Tóm tắt: Bài viết nhận diện tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm và làm rõ những vấn đề cần đặt ra trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực này.
Abstract: The article identifies crimes and violations of the law in the field of insurance and clarifies issues that need to be raised in investigation, prosecution and trial activities, contributing to improving the efficiency of law enforcement in this field.
1. Nhận diện tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm
Lĩnh vực bảo hiểm là tổng thể quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình các chủ thể trong xã hội tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ, quỹ bảo hiểm, nhằm phòng ngừa, hạn chế, khắc phục những tổn thất, rủi ro nảy sinh trong đời sống xã hội. Là một khâu trong hệ thống tài chính, bảo hiểm có nhiều hình thức và nhiều quỹ tiền tệ khác nhau. Các quỹ này được hình thành từ sự đóng góp của những cơ quan nhà nước, pháp nhân, cá nhân tham gia bảo hiểm và được sử dụng để bồi thường tổn thất cho những chủ thể tham gia bảo hiểm tùy theo mục đích của quỹ.
Lĩnh vực bảo hiểm là lĩnh vực tập trung các quỹ tiền tệ, tập trung nhiều nguồn lực tài chính của xã hội, gồm nhiều hoạt động khác nhau trong quá trình đóng góp, tạo lập, phân phối, đầu tư, chi dùng quỹ, thanh toán tiền bồi hoàn.
Lĩnh vực bảo hiểm là lĩnh vực có nhiều quy định về chế độ, chính sách, pháp luật trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ như: Các quy định về tổ chức quản lý quan hệ bảo hiểm, hệ thống chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động bảo hiểm; các quy định về việc thành lập và hoạt động đối với từng loại tổ chức bảo hiểm, về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập, thủ tục được cấp và thu hồi giấy phép kinh doanh bảo hiểm; các chế độ với từng loại dịch vụ bảo hiểm; chế độ bảo đảm an toàn tài chính trong hoạt động của các tổ chức bảo hiểm; các quy định về giải quyết tranh chấp, khiếu nại…
Lĩnh vực bảo hiểm là lĩnh vực hoạt động của các chủ thể thuộc nhiều thành phần khác nhau từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi Chính phủ cho đến các cá nhân. Các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực này rất đa dạng, mức độ và tính chất tham gia vào các quan hệ tài chính của các chủ thể cũng khác nhau. Có những cơ quan tham gia hoạt động với tư cách cơ quan quản lý nhà nước như các cơ quan thuộc Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN), có đơn vị tham gia là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, có cơ quan, cá nhân tham gia với tư cách đóng góp, thụ hưởng…
Trong lĩnh vực bảo hiểm, hành vi phạm tội được thực hiện thông qua việc lợi dụng các hoạt động phân phối, tạo lập và sử dụng các loại quỹ tiền tệ trong xã hội. Do đó, tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm chịu tác động chi phối bởi những đặc điểm của lĩnh vực này. Tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm là hành vi lợi dụng các hoạt động tạo lập, phân phối và sử dụng các loại bảo hiểm của các đối tượng trong các cơ quan quản lý tài chính, cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm, doanh nghiệp và đối tượng liên quan khác.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã hình sự hóa những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, được quy định cụ thể tại Mục 1 Chương XVIII về các tội phạm trong lĩnh sản xuất, kinh doanh, thương mại, trong đó, các tội liên quan trực tiếp đến bảo hiểm gồm có: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216).
Bên cạnh đó, xuất phát từ đặc điểm của quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các loại quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có sự tham gia nhất định của các cơ quan quản lý nhà nước, của các chủ thể có sử dụng ngân sách nhà nước, thì bên cạnh các tội danh cụ thể được quy định trên, các hành vi được quy định trong các tội khác có liên quan nhiều đến lĩnh vực bảo hiểm như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179); Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 204); Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360), các tội phạm về hối lộ... Qua nghiên cứu và thực tiễn đấu tranh cho thấy, tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm có một số đặc điểm như sau:
1.1. Đặc điểm về đối tượng
Đối tượng phạm tội trong lĩnh vực bảo hiểm đa dạng, có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới quá trình tạo lập, phân phối, sử dụng các quỹ bảo hiểm. Về thành phần, có thể chia thành các nhóm cơ bản sau:
- Nhóm đối tượng là nhân viên, giám định viên khách hàng bảo hiểm trong các doanh nghiệp bảo hiểm, các đại lý bảo hiểm; bộ phận quản lý, sử dụng vốn và tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm. Các đối tượng này nắm rõ quy trình, thủ tục thực hiện giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm, thông tin khách hàng tham gia bảo hiểm, người thụ hưởng, tìm cách thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tiền của các doanh nghiệp bảo hiểm.
- Đối tượng là người sử dụng lao động; những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng vai trò là người sử dụng lao động; người làm việc trong các cơ sở khám, chữa bệnh, tại các vị trí, bộ phận như: Chủ doanh nghiệp, hội đồng thành viên, người điều hành, quản lý doanh nghiệp và người trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ tài chính (kế toán, thủ quỹ…). Đây là những đối tượng có những vai trò, nhiệm vụ nhất định trong thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT trong hoạt động thu chi, quản lý, thanh toán các quỹ bảo hiểm, nắm được thông tin của người lao động, bệnh nhân thuộc diện hưởng chế độ BHYT, thường tìm cách kê khống, lập hồ giả mạo, sửa chữa thông tin trong hồ sơ chiếm đoạt tiền bảo hiểm; hoặc móc nối, thỏa thuận với người lao động để lừa dối cơ quan bảo hiểm.
- Những cán bộ, nhân viên trong các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến BHXH, BHTN, BHYT trong các hệ thống của BHXHVN, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính. Những người này làm việc trong nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, nhiều khâu, nhiều bộ phận nhưng có điểm chung là nắm rõ các chính sách của nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT, làm công tác quản lý, nắm các chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm, tổ chức thu chi, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm; tổ chức ký hợp đồng, giám sát thực hiện hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh; tổ chức đấu thầu các loại thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh tham gia BHYT; kiểm tra, xác định chi phí khám, chữa bệnh BHYT… Có điều kiện thuận lợi để móc nối, câu kết với nhau hoặc bị các đối tượng khác mua chuộc, lôi kéo, tác động dẫn đến nhiều sai phạm khác nhau như: Tham ô tài sản, hối lộ, làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, về kế toán, về đấu thầu…
- Các cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, BHXH, BHYT, người lao động tham gia BHTN… là những người tham gia, người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm được bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, tìm cách câu kết, móc nối tạo hồ sơ khống, giả mạo giấy tờ về sự kiện bảo hiểm để chiếm đoạt tiền của các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ BHXH, BHTN, BHYT.
Đa số các đối tượng là người có trình độ, kiến thức về kế toán, tài chính; nắm được các chế độ quản lý các nguồn thu chi các quỹ bảo hiểm; nắm được toàn bộ hoặc một phần trình tự, thủ tục tạo lập, phân phối, sử dụng các quỹ bảo hiểm; biết lợi dụng kẽ hở của các văn bản pháp luật, lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý kinh tế, trong việc thực hiện các nguyên tắc chế độ quản lý tài chính, chế độ thu chi, thanh toán bảo hiểm để hoạt động phạm tội.
Đối tượng là những người làm việc trực tiếp, gián tiếp liên quan đến thu chi tài chính trong các bộ phận liên quan đến hoạt động tài chính trong tất cả các ngành, các cơ quan quản lý lĩnh vực bảo hiểm, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động bảo hiểm. Không ít đối tượng phạm tội lại có chức vụ, quyền hạn nhất định liên quan đến hoạt động quản lý các quỹ bảo hiểm, liên quan đến việc xác định, miễn giảm các khoản thu nộp bảo hiểm, liên quan đến việc cấp ngân sách, trợ cấp kinh phí, thanh toán bảo hiểm, cho vay vốn…
1.2. Đặc điểm về địa bàn
Lĩnh vực bảo hiểm có phạm vi rất rộng, do đó, hoạt động của tội phạm trong lĩnh vực này cũng có thể xảy ra ở nhiều địa bàn, nhiều khâu và nhiều bộ phận khác nhau:
- Trong hệ thống của các doanh nghiệp bảo hiểm: Thường có sự câu kết giữa các đại lý bảo hiểm, nhân viên, giám định viên, khách hàng với bộ phận thanh tra, kiểm tra hồ sơ bảo hiểm của khách hàng, bộ phận tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm; bộ phận quản lý, sử dụng vốn và tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến quá trình tạo lập, phân phối, sử dụng quỹ BHXH, BHTN, BHYT: Bộ phận tiếp nhận và quản lý hồ sơ; bộ phận thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT; bộ phận thu tiền đóng bảo hiểm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; bộ phận kế toán, chi trả và giám định BHYT; bộ phận cấp sổ thẻ và kiểm tra thuộc BHXH các cấp; các bộ phận thuộc Hội đồng Quản lý BHXHVN, quỹ BHXH, BHYT.
- Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng vai trò là người sử dụng lao động: Chủ doanh nghiệp, hội đồng thành viên, người điều hành, quản lý doanh nghiệp và người làm ở bộ phận thực hiện các nghiệp vụ tài chính (kế toán, thủ quỹ…).
- Các cơ sở khám, chữa bệnh: Bộ phận tiếp nhận thẻ, hồ sơ BHYT; bộ phận khám, chữa bệnh, kê đơn thuốc; bộ phận quản lý thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật…
Tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm thường gắn với việc vi phạm các chế độ thể lệ về tài chính. Địa bàn hoạt động của tội phạm thường là những cơ quan, đơn vị buông lỏng công tác quản lý kinh tế, có sự tùy tiện trong thực hiện các nguyên tắc về chế độ quản lý tài chính, có những cán bộ, công nhân viên mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, yếu kém về trình độ chuyên môn.
Hoạt động của tội phạm liên quan chặt chẽ đến giấy tờ, sổ sách kế toán, liên quan đến nhiều khâu trong công tác quản lý tài chính và các hành vi phạm tội thường được hợp thức hóa dưới hình thức các hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động, hồ sơ khám chữa bệnh…
1.3. Đặc điểm về phương thức, thủ đoạn
- Thủ đoạn của các đối tượng tham gia các loại hình bảo hiểm thương mại có hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm:
Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm. Đối tượng là người am hiểu về kỹ thuật nghiệp vụ bảo hiểm, ý đồ trục lợi của các đối tượng thường nảy sinh từ khi chuẩn bị tham gia bảo hiểm. Đối tượng có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng về hợp đồng bảo hiểm, mức phí phải đóng và chu kỳ đóng phí, sự kiện bảo hiểm phát sinh và các điều khoản, điều kiện bồi hoàn, mức bồi hoàn. Thông thường, các đối tượng lựa chọn các gói bảo hiểm phi nhân thọ vì thời gian để được bồi hoàn không quá dài, mức độ bồi hoàn lớn hơn rất nhiều so với mức phí bảo hiểm. Bên cạnh đó, đối tượng cũng có thể mua các gói bảo hiểm phi nhân thọ như: Bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm thân tàu… Sau đó, tự phá hỏng các bộ phận của xe hoặc hủy hoại bằng cách đốt xe, lao xe xuống vực (chủ yếu là xe cũ), tự đốt nhà xưởng, làm chìm tàu để đòi tiền bồi thường bảo hiểm. Đối tượng trục lợi trên quy mô lớn, số tiền gian lận, trục lợi rất cao, tài sản bảo hiểm thường bị hủy hoại, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan chức năng khi tổn thất xảy ra.
Câu kết, thỏa thuận với người có chức vụ trong doanh nghiệp bảo hiểm để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật. Các đối tượng có thể giả mạo hồ sơ để tham gia bảo hiểm, mua các gói bảo hiểm sau khi có tai nạn đã xảy ra, người đã bị tử vong, thương tật hoặc tài sản đã hỏng, tổn thất.
Người được bảo hiểm còn tìm cách lập hồ sơ giả, hiện trường giả, thay đổi tình tiết vụ tai nạn hay giả mạo tài liệu, làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường để được hưởng tiền bảo hiểm.
Lợi dụng sự sơ hở trong việc kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin về tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, đối tượng mua bảo hiểm cho một tài sản tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm để được nhận tiền bảo hiểm lớn hơn giá trị của tài sản; khai tăng hoặc khai khống mức độ tổn thất, sự kiện bảo hiểm, thường xảy ra trong hoạt động BHYT, bảo hiểm xe cơ giới.
Lợi dụng sự sơ hở trong việc kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin về tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, dù không có tổn thất nhưng đối tượng tham gia bảo hiểm vẫn khai báo gian lận về tổn thất.
- Thủ đoạn của các đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN có hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm:
Đối tượng lập hồ sơ giả, làm giả các giấy tờ, tài liệu như: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy khai sinh, giấy ra viện, giấy chứng minh nhân dân… nộp đến cơ quan BHXH để thanh toán các chế độ BHXH như: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng để duy trì việc làm cho người lao động và chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Móc nối với cơ sở y tế để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy khám thai không đúng quy định làm căn cứ thanh toán tiền trợ cấp ốm đau, thai sản.
Đối tượng lợi dụng thẻ BHYT hoặc thuê của người có thẻ BHYT, đặc biệt là những người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và được BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh, đi khám nhiều lần tại nhiều bệnh viện khác nhau. Sau khi được cấp thuốc BHYT, đối tượng đem bán tại các quầy thuốc để thu lợi.
- Thủ đoạn của các đối tượng là doanh nghiệp, người sử dụng lao động:
Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó làm giả, lập khống hồ sơ BHXH đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần nhằm chiếm đoạt tiền BHXH.
Doanh nghiệp lập và sử dụng hai hệ thống thang bảng lương khác nhau. Một hệ thống lương dùng để chi trả lương thực tế cho người lao động; một hệ thống lương khác, chỉ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng đã được doanh nghiệp dùng để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính mức đóng BHXH. Với thủ đoạn này, các doanh nghiệp đã trốn đóng một khoản chênh lệch không nhỏ BHXH, BHYT, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Lợi dụng cơ chế, chính sách BHXH còn có kẽ hở, quy định mức phạt lãi suất chậm đóng BHXH và mức phạt tối đa đối với hành vi chậm đóng BHXH thấp nên nhiều doanh nghiệp đã cố tình chây ỳ, trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền BHXH của người lao động, sử dụng số tiền đó để đầu tư trở lại sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp, người sử dụng lao động ký liên tiếp chuỗi hợp đồng theo thời vụ hoặc chuỗi hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng, kéo dài thời gian thử việc... để không phải tham gia BHXH bắt buộc.
Doanh nghiệp, người sử dụng lao động làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy khám thai hoặc sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy tờ này hoặc móc nối với cơ sở y tế để được cấp các giấy chứng nhận không đúng quy định làm căn cứ thanh toán tiền trợ cấp ốm đau, thai sản.
Thành lập doanh nghiệp “ma”, sau đó làm hợp đồng tuyển dụng lao động khống cho nhân viên nữ để đăng ký đóng BHXH hoặc hợp đồng tuyển lao động là phụ nữ có thai, đăng ký đóng BHXH đầy đủ 06 tháng theo quy định. Sau đó các đối tượng lập hồ sơ BHXH khống và làm thủ tục đề nghị thanh toán chế độ thai sản, chiếm đoạt tiền BHXH.
- Thủ đoạn của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bảo hiểm, các đại lý bảo hiểm:
Doanh nghiệp kinh doanh, môi giới, đại lý bảo hiểm lợi dụng giấy phép thành lập hoạt động ký hợp đồng, sau đó chiếm đoạt tiền phí bảo hiểm của người tham gia. Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung phạm vi hoạt động, điều kiện bảo hiểm gây tổn thất cho người mua bảo hiểm.
- Thủ đoạn của các đối tượng là những cán bộ, nhân viên trong các cơ quan BHXH, BHTN, BHYT, trong các cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan:
Làm giả, lập khống hồ sơ BHXH đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần nhằm chiếm đoạt tiền BHXH. Đại diện đại lý thu BHYT tự nguyện đã sửa chữa, tẩy xóa thẻ BHYT (đối với thẻ BHYT cũ đã hết hạn và in đè hạn sử dụng mới) thu tiền của người tham gia BHYT để chiếm đoạt tiền phí bảo hiểm.
Đối tượng là các y, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên trong các bệnh viện kê đơn thuốc khống, lập khống toàn bộ hoặc một số chứng từ thanh toán thuốc BHYT nhằm chiếm đoạt thuốc chữa bệnh trong quá trình khám bệnh và cấp phát thuốc. Đối tượng trong các cơ sở khám, chữa bệnh lấy dữ liệu thẻ của người đã khám, chữa bệnh, lập khống hồ sơ, chiếm đoạt tiền bảo hiểm; tách nhỏ các dịch vụ, phẫu thuật để thanh toán thêm chi phí; chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh không cần thiết, kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh…
2. Những vấn đề đặt ra trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử
Một là, triển khai áp dụng, đồng thời xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
- Tiếp tục triển khai áp dụng Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự (Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP), đây là một quy định về tội phạm hoàn toàn mới, trong một lĩnh vực khá phổ biến, do đó, nhận thức về tất cả các vấn đề liên quan đến loại tội phạm này như: Các dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; phân biệt hành vi vi phạm hành chính với hành vi phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; vai trò pháp lý của cơ quan BHXH các cấp trong quá trình tố tụng, các hành vi phạm tội về BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) sẽ có rất nhiều quan điểm khác nhau nếu không có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể của cấp trung ương.
- Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và BHXHVN cần phối hợp ban hành Thông tư hướng dẫn áp dụng các điều luật quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN và việc xử lý pháp nhân thương mại phạm tội trong lĩnh vực này để bảo đảm nhận thức thống nhất trong xử lý.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời, những vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT theo đúng Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc BHXHVN vận dụng đúng quy định về trình tự, thủ tục chuyển vụ việc theo Luật Thanh tra, các văn bản hướng dẫn và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu phạm tội do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố quy định về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.
Tăng cường vai trò quản lý, giám sát của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính và hoạt động thanh tra, kiểm tra của Thanh tra chuyên ngành thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Ba là, tăng cường công tác phát hiện, điều tra.
- Đẩy mạnh công tác tổ chức tiếp nhận thông tin tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực bảo hiểm.
Thông tin về tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực bảo hiểm rất đa dạng. Trong đó, các thông tin, tài liệu, kết luận thanh tra do các cơ quan BHXH, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính; Thanh tra Chính phủ và địa phương, Thanh tra chuyên ngành thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, Thanh tra lao động, Thanh tra y tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do vậy, trong quá trình tổ chức tiếp nhận thông tin, lực lượng Cảnh sát kinh tế cần tổ chức làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố, đặc biệt là các kết luận thanh tra và kiến nghị khởi tố của các cơ quan này.
- Áp dụng các hướng dẫn trong hoạt động điều tra các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, cần chú ý áp dụng Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP.
- Tăng cường sử dụng biện pháp thanh tra tài chính, giám định tài chính để thu thập tài liệu. Thông qua biện pháp này bảo đảm giúp cho việc xác định các vi phạm nguyên tắc chế độ, thể lệ tài chính, mức độ vi phạm của các đối tượng có liên quan. Trong công tác đấu tranh, phải xác định đường dây tổ chức của tội phạm, xác định những đối tượng chính, những đối tượng thứ yếu của vụ án, từ đó có phương thức xử lý phù hợp. Quá trình điều tra vụ án trong lĩnh vực bảo hiểm, phải chú ý xác định tài sản bị thiệt hại, việc phân chia, tẩu tán và có biện pháp bảo đảm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Bốn là, tăng cường quan hệ phối hợp trong phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Tiếp tục tăng cường quan hệ phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong quản lý và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm thông qua việc ký và thực hiện các quy chế phối hợp. Trong đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế và BHXHVN các cấp, cần tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả thực hiện các nội dung của Quy chế phối hợp số 3461/QCPH-TCCS-BHXH ngày 16/8/2017 trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các quy định mới cho phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tình hình tổ chức bộ máy của các lực lượng và các văn bản, tài liệu hướng dẫn trong hoạt động điều tra các vụ án, vụ việc trong lĩnh vực bảo hiểm.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy quan hệ phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tào án nhân dân tối cao và BHXHVN trong xây dựng quy định pháp luật có liên quan; phối hợp giữa Cảnh sát kinh tế và Thanh tra Chính phủ và địa phương, Thanh tra chuyên ngành thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, Thanh tra lao động, Thanh tra y tế trong công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực bảo hiểm.
ThS. Nguyễn Văn Hùng
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân