Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính cho biết, Quy chế xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp được ban hành kèm theo Quyết định số 2026/QĐ-BTP ngày 28/10/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Quy chế năm 2024) gồm 04 chương, tương ứng với 18 điều, ít hơn 04 điều so với Quy chế xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp được ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-BTP ngày 26/3/2019 (Quy chế năm 2019). Việc tổ chức Hội nghị nhằm giới thiệu những nội dung cơ bản, những điểm mới của Quy chế năm 2024, phổ biến, giải thích rõ hơn căn nguyên các vấn đề được thay đổi; đặc biệt, Hội nghị đã hướng dẫn cách thức, nghiệp vụ, đưa ra một số lưu ý cho các đơn vị trong quá trình xây dựng kế hoạch công tác nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thực hiện.
Đồng chí Phạm Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính.
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Thị Mai Hương, Phó Chánh văn phòng Cục Kế hoạch - Tài chính cho biết, Quy chế năm 2024 có nhiều điểm mới căn bản so với Quy chế năm 2019, thể hiện đúng tinh thần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong giai đoạn mới, như: (i) cụ thể hóa chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ bằng việc quy định giảm thời gian, giảm thủ tục; (ii) nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trong công tác xây dựng kế hoạch; (iii) bảo đảm sự gắn kết giữa kế hoạch công tác với kế hoạch kinh phí.
Về phạm vi điều chỉnh, Quy chế năm 2024 quy định rõ hơn và chỉ giới hạn những kế hoạch thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Về vai trò, trách nhiệm, Quy chế năm 2024 kế thừa 04 nguyên tắc của Quy chế năm 2019 và bổ sung, chỉnh sửa lại bố cục, trong đó có 01 nguyên tắc mới, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ. Về mốc thời gian xây dựng, trình ban hành hoặc phê duyệt kế hoạch, Quy chế năm 2024 có sự thay đổi, quy định cụ thể về mốc thời gian bắt đầu xây dựng kế hoạch là trước tháng 12 năm liền trước năm kế hoạch, chậm nhất ngày 15/12 năm liền trước năm kế hoạch, các đơn vị phải trình Lãnh đạo Bộ xem xét và trước 31/12 năm liền trước năm kế hoạch, Lãnh đạo Bộ ký phê duyệt ban hành Kế hoạch. Về thời gian góp ý bằng văn bản của các đơn vị thuộc Bộ đối với dự thảo Kế hoạch cũng được điều chỉnh từ 05 ngày xuống còn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị góp ý. Về trình tự xây dựng kế hoạch, Quy chế năm 2024 đã có sự đổi mới, cắt giảm trình tự từ 04 bước xuống còn 03 bước, bỏ bước thẩm tra kế hoạch. Quy trình xây dựng kế hoạch trong Quy chế năm 2024 cũng được đổi mới và áp dụng đối với tất cả các đơn vị thuộc Bộ chứ không có sự khác biệt đối với các đơn vị thuộc Bộ đã tự chủ chi thường xuyên như trước đây. Điều này giúp Bộ kiểm soát chặt chẽ và thống nhất quy trình lập kế hoạch công tác của các đơn vị thuộc Bộ kể cả các đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên, bảo đảm hiệu quả việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên, hướng đến mục tiêu nâng mức tự chủ của các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Quy chế năm 2024 cũng quy định về việc điều chỉnh kế hoạch theo hướng chủ động, linh hoạt hơn cho các đơn vị, không còn quy định trong mọi trường hợp cần điều chỉnh kế hoạch thì Thủ trưởng đơn vị đều phải trao đổi với Cục Kế hoạch - Tài chính mà quy định trong trường hợp điều chỉnh kế hoạch dẫn đến sự thay đổi nhu cầu sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thì Thủ trưởng đơn vị xây dựng kế hoạch mới phải trao đổi, thống nhất với Cục Kế hoạch - Tài chính trước khi báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Đồng chí Trần Thị Mai Hương chia sẻ tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, đồng chí Trần Thị Mai Hương cũng trình bày một số nội dung mới khác của Quy chế năm 2024 như về hình thức trình bày kế hoạch; về thẩm quyền ký ban hành, phê duyệt kế hoạch và về vai trò, trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ trong việc triển khai thực hiện Quy chế trên cơ sở phù hợp với tình hình mới.
Trao đổi tại Hội nghị, đồng chí Lê Thị Khánh Chi, Trưởng phòng Phòng Quản lý ngân sách - tài sản, Cục Kế hoạch - Tài chính cho biết, trong công tác kế hoạch cần xác định rất nhiều nguồn lực về nhân lực, thời gian…, trong đó, nguồn lực về tài chính là hết sức quan trọng, là điều kiện tiên quyết để các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra. Công tác ngân sách và công tác kế hoạch có sự gắn bó rất mật thiết, luôn luôn song hành với nhau, là điều kiện cần và đủ để thực hiện kế hoạch. Vì vậy, các đơn vị cần phải căn cứ vào kế hoạch cụ thể để lập dự toán, không lập dự toán một cách chung chung, do hiện nay công tác thẩm định, thẩm tra các dự toán rất chặt chẽ, cụ thể, chi tiết đến từng nhiệm vụ. Các đơn vị cũng cần lưu ý khi xây dựng các hoạt động chuyên môn cần xây dựng có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả chi thường xuyên, hướng tới việc chi ngân sách nhà nước hiệu quả, bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên trên cơ sở yêu cầu triệt để tiết kiệm; rà soát, lồng ghép, điều chỉnh các chính sách, chương trình bảo đảm nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình thẩm định và bố trí kinh phí. Việc lập dự toán ngân sách nhà nước cần phải có đầy đủ các hồ sơ như căn cứ pháp lý (quyết định giao nhiệm vụ/phê duyệt kế hoạch); thuyết minh cụ thể, chi tiết về khối lượng công việc cần phải thực hiện và có căn cứ chế độ, định mức hiện hành của Nhà nước để lập dự toán chi tiết thực hiện từng hoạt động và tổng hợp dự toán thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Đồng chí cũng lưu ý trong vấn đề giải ngân kinh phí, các đơn vị phải bám sát kế hoạch, bám sát tiến độ thực hiện nhiệm vụ để giải ngân kinh phí kịp thời, khả thi, hiệu quả. Việc chậm giải ngân làm nguồn lực tài chính tồn đọng, không được đưa vào lưu thông, đây cũng là một hình thức gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Đồng chí Lê Thị Khánh Chi chia sẻ tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận, giải đáp những thắc mắc xoay quanh vấn đề xây dựng kế hoạch, thời gian xây dựng kế hoạch, những nhiệm vụ nên và không nên đưa vào trong kế hoạch, việc xây dựng kinh phí của từng nhiệm vụ trong kế hoạch, hướng dẫn xây dựng kế hoạch…
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính gửi lời cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo các đơn vị và các đại biểu đã tham dự Hội nghị, thể hiện sự quan tâm của các đơn vị trong công tác xây dựng kế hoạch. Hội nghị đã trao đổi, thảo luận và làm rõ nhiều nội dung, vấn đề để tạo sự thống nhất trong việc xây dựng kế hoạch của các đơn vị thuộc Bộ, phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính nội bộ của Bộ Tư pháp nói riêng và ngành Tư pháp nói chung.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Diệp Linh