Abstract: Joint circular No.17 BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP/TTLT (December 24, 2007) of the Ministry of Public Security - Supreme people's procuracy - Supreme people's court - Ministry of Justice instructed how to carry out the regulations in the chapter “Drug crimes”of Penal Law Code 1999, this Joint circular has contributed clarify and execute the rules correctly of Penal Law Code about solving druge cases. However, now adays, this Joint circular has incurred many obstacles in fact.
1. Vấn đề vận chuyển, tàng trữ nhằm mục đích mua bán trái phép chất ma túy cho người khác quy định tại tiểu mục 3.3 Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007
Tình huống 1: Ngày 01/01/2017, Tạ Minh A bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Q bắt khẩn cấp về hành vi vận chuyển trái phép 99,99 gam Methamphetamine. Tiếp tục khám xét nơi ở của A thu giữ 67,01 gam Methamphetamine. Quá trình điều tra A khai nhận số ma túy mà A vận chuyển và tàng trữ là nhằm mục đích bán cho người khác, trong ngày bị bắt khẩn cấp, khi đang trên đường vận chuyển ma túy để tìm đối tượng nghiện, nếu có ai mua thì A sẽ bán thì bị bắt giữ.
A vận chuyển trái phép 99,99 gam Methamphetamine và tàng trữ 67,01 gam Methamphetamine thuộc trường hợp các chất ma túy ở thể rắn có trọng lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam nên hành vi của A đã đủ yếu tố cấu thành tội vận chuyển trái phép chất ma túy và tội tàng trữ trái phép chất ma túy được quy định tại khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Q đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và chuyển vụ án đến Cơ quan cảnh sát điều tra huyện N để điều tra theo thẩm quyền. Tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát điều tra huyện N cho rằng do mục đích A vận chuyển, tàng trữ số ma túy trên là để bán cho người khác nên phải cộng tất cả trọng lượng này lại và tổng trọng lượng là trên 100 gam vì thế A phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội mua bán trái phép chất ma túy quy định tại khoản 3 Điều 194 Bộ luật Hình sự và thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Q. Sau đó vụ án đã được cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp thống nhất về tội danh mua bán trái phép chất ma túy và xác định thuộc thẩm quyền xử lý của cấp tỉnh bởi căn cứ vào tiểu mục 3.3 Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương “các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự, lời khai của A (A khai nhận vận chuyển, tàng trữ trái phép số ma túy trên nhằm mục đích mua bán trái phép cho người khác) nên phải chịu TNHS về tội mua bán phép chất ma túy là phù hợp. Đồng thời điều này cũng có lợi hơn việc tổng hợp hình phạt về hai tội tàng trữ và vận chuyển trái phép chất ma túy đối với bị cáo.
Tình huống 2: Thái Văn B vận chuyển trái phép 99,99 gram Methamphetamine (thuộc khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999) và tàng trữ 01 gram Methamphetamine nên thuộc khoản 1 Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999 và cũng nhằm mục đích mua bán. Và nếu việc định tội giống như đối với A ở tình huống 1 thì B cũng sẽ bị truy cứu TNHS về tội mua bán trái phép chất ma túy thuộc khoản 3 Điều 194 Bộ luật Hình sự khi cộng trọng lượng hai chất ma túy này lại với nhau (trên 100 gam) và vì cùng mục đích để mua bán.
Tình huống 3: Tô Thanh C bị bắt giữ về hành vi vận chuyển trái phép 99,99 gram Methamphetamine nên thuộc khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999 và tàng trữ 0,2 gram Methamphetamine thuộc trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo hướng dẫn tại điểm e tiểu mục 3.6 Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương “các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự, do các chất ma túy khác ở thể rắn có trọng lượng dưới 01 gam nên chỉ bị xử lý hành chính. Cũng tương tự với cách định tội của A và B thì tổng trọng lượng của hai chất thu giữ trên 100 gam nên C cũng sẽ bị khởi tố về tội mua bán trái phép chất ma túy theo khoản 3 Điều 194 Bộ luật Hình sự.
Như vậy, A phạm tội mua bán trái phép chất ma túy theo khoản 3 Điều 194 khi có 02 tội danh ở khoản 2 Điều 194; B phạm tội mua bán trái phép chất ma túy theo khoản 3 Điều 194 khi có 01 tội danh ở khoản 2 Điều 194, 01 tội danh ở khoản 1 Điều 194; C phạm tội mua bán trái phép chất ma túy tại khoản 3 Điều 194 khi có 01 tội danh ở khoản 2 Điều 194 và 01 trường hợp không cấu thành tội phạm. Từ ba tình huống trên cho thấy sự bất hợp lý và không công bằng trong việc định tội đối với A, B và C bởi từ 01 tội danh ở khoản 2 Điều 194 và một hành vi không cấu thành tội phạm cũng sẽ phạm vào khoản 3 Điều 194, tương đương với 02 trường hợp còn lại thay vì C chỉ bị khởi tố về tội vận chuyển trái phép chất ma túy với khung hình phạt tại khoản 2 Điều 194 nếu như không áp dụng tiểu mục 3.3 Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương “các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự. Điều đó là rất bất lợi đối với C đồng thời sẽ tạo ra sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật. Và sự không thống nhất này lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người phạm tội.
Khi không có chứng cứ khác chứng minh cho lời khai của người phạm tội là trung thực hay gian dối thì khó có thể chấp nhận hay bác bỏ lời khai đó mà cần kết hợp với những tình tiết có trong hồ sơ vụ án từ đó đánh giá chứng cứ phù hợp với diễn biến sự việc và hồ sơ. Bởi nếu như trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng sau khi đánh giá các chứng cứ đã đủ cơ sở để kết luận hành vi của bị can là hành vi mua bán trái phép chất ma túy thì không cần sự thừa nhận của người phạm tội về mục đích tàng trữ, vận chuyển là để mua bán trái phép chất ma túy. Một khi sự nhận tội phụ thuộc vào ý thức của người phạm tội thì ở giai đoạn nào đó, người phạm tội cũng hoàn toàn có thể chối tội. Hơn thế nữa, khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định “không dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. Tại một số tài liệu cũng như thực tiễn thì mua bán trái phép chất ma túy phải có ít nhất 02 đối tượng nghiện hoặc 02 người chứng kiến việc bị can bán ma túy, nếu không có chứng cứ khác chứng minh thì không thể kết luận bị can có hành vi mua bán trái phép chất ma túy bởi tất cả các chứng cứ và cũng là chứng cứ duy nhất đó chính là lời khai của bị can, không còn chứng cứ nào khác. Và nếu như đã không phụ thuộc vào sự thừa nhận của người phạm tội thì cũng không cần quy định về nội dung này, đồng thời việc xử lý tội phạm phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người phạm tội thì khó có thể có sự thống nhất quan điểm.
Phải chăng trong trường hợp này, nhằm bán trái phép cho người khác là mua bán trái phép chất ma túy cần được hiểu: là sự chứng minh của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử về chuỗi các hành vi của việc tàng trữ, vận chuyển, nếu các hành vi này thể hiện bị can mua bán trái phép chất ma túy thì sẽ bị xử lý về hành vi mua bán chứ không phải dựa vào ý chí, lời khai của người tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Nếu như bị can khai vận chuyển để mua bán là phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, vậy bị can khai vận chuyển mục đích để sử dụng thì có kết luận là bị can sử dụng trái phép chất ma túy hay không (vì hành vi này không bị xem là tội phạm) bởi việc vận chuyển, tàng trữ để mua bán hay để sử dụng đều cùng do ý chí, lời khai của bị can. Nếu như người phạm tội nắm được quy định này và trình bày lời khai theo hướng mục đích nhằm mua bán trái phép chất ma túy thì sẽ có lợi hơn là để sử dụng vì mục đích để sử dụng sẽ bất lợi hơn (bị khởi tố về vận chuyển trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy), điều này là không hợp lý, không công bằng và tạo ra tiền lệ.
Thế nhưng vấn đề đặt ra, liệu khi có một hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy thuộc khoản 2 Điều 194 và một hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy không đủ định lượng thì cơ quan điều tra vẫn khởi tố về tội mua bán trái phép chất ma túy theo mục đích lời khai của người phạm tội hay vẫn khởi tố đúng với tính chất, hành vi là chỉ vận chuyển. Cùng một quy định nhưng bối cảnh khác nhau thì áp dụng khác nhau, điều này là rất không chính xác và không đúng với tinh thần của điều luật.
Có thể viện dẫn điểm c tiểu mục 3.3 Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương “các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự về trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 194 (hoặc Điều 195 hoặc Điều 196) Bộ luật Hình sự mà các hành vi đó độc lập với nhau, thì bị truy cứu TNHS về những tội độc lập mà người ấy đã thực hiện. Khi xét xử, Tòa án áp dụng Điều 50 Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt chung. Ví dụ: một người mua bán một loại tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy và bị bắt, khi khám nhà phát hiện người đó còn tàng trữ một loại tiền chất khác nhưng không nhằm mục đích để mua bán. Trong trường hợp này, người phạm tội bị truy cứu TNHS về tội mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy và tội tàng trữ tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 195 của Bộ luật Hình sự. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người đó bị xử phạt mức hình phạt tương ứng đối với từng tội và sau đó quyết định hình phạt chung cho cả hai tội theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự. Đối chiếu với quy định trên thì hành vi của Tạ Minh A đã cấu thành hai tội độc lập là tội vận chuyển trái phép chất ma túy và tội tàng trữ trái phép chất ma túy, và có thể hiểu, nếu hành vi của A không cấu thành một tội độc lập trước đó là tội mua bán trái phép chất ma túy thì A không bị truy cứu TNHS về tội mua bán trái phép chất ma túy mà cấu thành hai tội độc lập là tội vận chuyển trái phép chất ma túy và tội tàng trữ trái phép chất ma túy chỉ vì khác nhau ở chỗ người phạm tội đã bị chứng cứ kết luận là đủ cơ sở cấu thành tội mua bán trái phép chất ma túy hoặc mua bán một loại tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy và bị bắt như ví dụ nói trên. Một tội danh mà có thể áp dụng tùy từng tình huống thì trong chừng mực nào đó, tính khuôn mẫu của pháp luật cũng đã giảm đi, và mỗi nơi sẽ áp dụng khác nhau tùy vào đánh giá tình huống của các cơ quan tiến hành tố tụng, tạo nên những hệ quả khác nhau. Do đó, đề xuất sửa đổi Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương “các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự theo hướng không nên quy định trong Thông tư này nội dung “nhằm bán trái phép cho người khác” vì điều này sẽ không cần thiết nhưng lại tạo ra cách hiểu khác nhau và áp dụng không thống nhất các quy phạm pháp luật.
2. Vấn đề tiền án về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy được quy định tại điểm a tiểu mục 3.7. Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007
Điểm a tiểu mục 3.7. Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương “các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào đã bị kết án về tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt một trong các chất ma túy có số lượng được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.6 trên đây, nếu không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều 194 Bộ luật Hình sự. Nếu là tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu TNHS theo khoản 2 Điều 194 của Bộ luật Hình sự”.
Sở dĩ Thông tư này chỉ liệt kê các án tích về tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy mà không quy định người đã bị kết án về tội mua bán trái phép chất ma túy là vì hành vi mua bán trái phép chất ma túy không cần định lượng, do đó, lần vi phạm tiếp theo, người thực hiện hành vi phạm tội không có tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy vẫn bị truy cứu TNHS. Thế nhưng, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương “các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự đã không dự liệu trường hợp một người tiếp tục tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt một trong các chất ma túy… không đủ định lượng (ví dụ dưới 0,1 gam đối với Hêrôin) mà trước đó đã từng bị kết án về tội mua bán trái phép chất ma túy, thì không thể bị xử lý theo liệt kê bên trên của Thông tư, trong khi đó, tội phạm mua bán trái phép chất ma túy là tội phạm gây ảnh hưởng không nhỏ cho xã hội. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự một người đã từng bị kết án về tội mua bán trái phép chất ma túy đương nhiên sẽ là căn cứ để tính tái phạm, tái phạm nguy hiểm nếu như người này chưa được xóa án tích theo quy định tại Điều 64 Bộ luật Hình sự. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Tái phạm nguy hiểm là đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý[1]. Đồng thời tái phạm nguy hiểm cũng được quy định tại khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự cũng như một số điều luật khác của Bộ luật này có cấu thành định khung tăng nặng.
Như vậy, nếu một người đã từng bị kết án, không phân biệt về tội gì, trong đó có cả tội mua bán trái phép chất ma túy, chưa được xóa án tích thì án tích đó sẽ được làm căn cứ để xác định tính tái phạm, tái phạm nguy hiểm theo Bộ luật Hình sự nhưng không được căn cứ để định tội (hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy) theo Thông tư liên tịch số 17/2007. Án tích không dùng làm căn cứ để định tội nhưng để định khung là điều không hợp lý và không phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự như đã phân tích. Vì vậy, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương “các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự cần bổ sung theo hướng người nào đã bị kết án về các tội ma túy, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, … nhằm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự về án tích và phù hợp với quy định của các nhóm tội về chiếm đoạt tài sản.
Tệ nạn ma túy là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khỏe, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia[2], kéo theo nhiều loại tội phạm khác như những người “ngáo đá” dễ gây ra ảo giác và dẫn đến giết người, do vậy, các quy định của pháp luật nói chung, pháp luật về ma túy nói riêng trong đó có Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương “các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự cần phải được hoàn thiện nhằm góp phần đấu tranh có hiệu quả hơn nữa với loại tội phạm ngày càng tinh vi và để lại nhiều hậu quả nặng nề cho xã hội như tội phạm ma túy.
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
2. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.
3. Luật Phòng chống ma túy năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
4. Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương “các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự.