Do đó, luật sư không chỉ là người có trình độ pháp lý đơn thuần, mà còn phải có đạo đức phù hợp và có kỹ năng nghề nghiệp. Việc hiểu sâu sắc và đầy đủ các đặc điểm của nghề luật sư có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về luật sư, từ quy chế vào nghề, tổ chức hành nghề, quản lý luật sư và sau khi chấm dứt hành nghề luật sư. Trong bài viết này, tác giả nghiên cứu, phân tích để chỉ ra những đặc trưng cơ bản của nghề luật sư, cụ thể như: Đây là một nghề nghiệp được thực hiện bởi các luật sư, là một nghề nghiệp tự do, là một nghề cung cấp dịch vụ có đối khoản được lượng hóa rất tương đối, là một nghề “bán kinh doanh”.
1. Nghề luật và nghề luật sư
Nghề luật nói chung là một nghề có nhiều thách thức nhất trên thế giới, bởi vào mọi thời điểm, người hành nghề đều phải trải qua quá trình khắc nghiệt của tư duy, toan tính và lý lẽ, đấy là chưa kể tới khi họ đóng vai trò thiết kế chính sách, tư vấn pháp lý, xét xử hay đại diện cho khách hàng thông thường trước Tòa án[1]. Vì vậy, trước hết luật sư mang những đặc điểm chung của nghề luật. Lý do chính của sự tồn tại nghề luật là sự đòi hỏi của xã hội đối với sự ra đời, tồn tại và phát triển của pháp luật để điều tiết các quan hệ phát sinh trong chính nó và phòng ngừa hay chống lại sự vi phạm sự điều tiết đó. Chỉ khi có sự xuất hiện của một thiết chế nhằm phân xử những sự vi phạm đó, nghề luật mới ra đời. Thiết chế đó là Tòa án - nơi những người chuyên lo việc xét xử tiến hành công việc của mình. Khi chưa có Tòa án, trong các bộ lạc, thôn, bản…, những vi phạm quy tắc chung của cộng đồng đã được phán xử bởi những nhân vật mà cộng đồng chấp nhận theo tập quán, chẳng hạn như thủ lĩnh bộ lạc, già làng, trưởng bản… Tuy nhiên, những hoạt động phân xử đó không thể được xem như một nghề nghiệp. Tiếp sau sự ra đời của thiết chế Tòa án, một loạt nghề nghiệp liên quan đã xuất hiện hoặc tồn tại và có sự mở rộng nhất định. Do đó, nghề luật nói chung là một nghề gắn liền với việc đòi hỏi tuân thủ pháp luật, chứ không phải là gắn cả với việc làm ra luật như một số quan niệm đã nêu[2]. Đặc điểm gắn với việc đòi hỏi tuân thủ pháp luật của nghề luật khác với quan niệm của Phan Trung Hoài, tác giả này cho rằng, nghề luật sư nói riêng và nghề luật nói chung phải tuân thủ pháp luật. Đòi hỏi tuân thủ pháp luật là một đòi hỏi chung mang tính khách quan đối với toàn bộ đời sống xã hội. Bất kể ai dù hành nghề hay không hành nghề, hoặc dù hành nghề nào đi chăng nữa, thì đều phải tuân thủ pháp luật. Nghề luật là nghề bảo đảm việc tuân thủ pháp luật bằng cách thức tổng quát là cưỡng chế hay khuyên răn hoặc ngăn cản. Đôi khi ngăn cản cả việc bất tuân thủ pháp luật của chính bản thân những người hành nghề luật. Chẳng hạn, quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân với Tòa án nhân dân, giữa Tòa án cấp trên với Tòa án cấp dưới, giữa luật sư với thẩm phán thể hiện rất rõ sự ngăn cản việc bất tuân thủ pháp luật của chính bản thân những người hành nghề luật. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) của Việt Nam có một chương riêng quy định các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (từ Điều 367 đến Điều 391) với nhiều tội danh liên quan tới cấm đoán hay ngăn cản các hành vi trong hoạt động một số nghề luật.
Luật sư là một nghề nghiệp đặc biệt không chỉ liên quan tới vấn đề pháp lý đơn thuần, mà còn liên quan tới việc bảo đảm cho tổ chức đời sống chính trị của một quốc gia xuất phát từ nguyên tắc quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật, nhà nước pháp quyền, dân chủ trong xét xử, tư pháp độc lập và thi hành pháp luật. Do đó, luật sư không chỉ là người có trình độ pháp lý đơn thuần, mà còn phải có đạo đức phù hợp và có kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, không phải vì thế mà có thể cho rằng, hoạt động nghề nghiệp của luật sư mang bản chất dân chủ, mặc dù sự ra đời của nền dân chủ luôn luôn là cơ sở quan trọng cho việc thúc đẩy nghề nghiệp luật sư. Trong nền pháp lý phát sinh ra nghề luật sư từ thủa ban đầu, không có quan niệm dân chủ như ngày nay và thực tế có sự bất bình đẳng giới và bất bình đẳng sâu sắc giữa các tầng lớp trong xã hội. Như đã biết, nghề luật sư xuất hiện đầu tiên ở Hy Lạp cổ đại. Lúc đó về chính trị, ở Hy Lạp cổ đại, người ta có xu hướng cho phép thường dân tham gia vào đời sống quốc gia làm xuất hiện tầng lớp công dân tự do, thế nhưng vẫn giữ nguyên chế độ nô lệ[3].
2. Những đặc trưng cơ bản của nghề luật sư
Đặc điểm của nghề luật sư được nghiên cứu với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong “Giáo trình luật sư và nghề luật sư” của Học viện Tư pháp, đặc điểm của nghề luật sư không được nghiên cứu một cách tập trung, mà được diễn giải rộng ra ở các lĩnh vực khác nhau liên quan tới hành nghề, chức năng xã hội, đối tượng khách thể nghề nghiệp, quản lý với nghề nghiệp luật sư, đặc thù của nghề luật sư[4]. Theo tác giả Phan Trung Hoài, “hoạt động luật sư” có những thuộc tính thể hiện bản chất của loại hoạt động này như: (i) Tuân thủ pháp luật; (ii) Dân chủ; (iii) Độc lập; (iv) Phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội; (v) Phụ thuộc uy tín nghề nghiệp của cá nhân[5]. Những cách tiếp cận này cho chúng ta thấy rất rõ vai trò, vị trí của nghề luật sư trong xã hội, cũng như những khó khăn thách thức mà luật sư cần vượt qua trong hoạt động nghề nghiệp của mình, nhưng chưa hoàn toàn làm rõ được nghề luật khác gì với những nghề còn lại trong xã hội, đặc biệt với những nghề luật khác. Tác giả Nguyễn Văn Tuân thì cho rằng, nghề luật sư có các đặc thù như: (i) Nghề luật sư đòi hỏi những người hành nghề luật sư phải có trình độ chuyên môn và có tính chuyên nghiệp cao; (ii) Luật sư hành nghề độc lập và tự chịu trách nhiệm cá nhân trước khách hàng về hoạt động nghề nghiệp của mình; (iii) Luật sư là một nghề không chỉ đòi hỏi về chuyên môn cao, mà còn đòi hỏi người hành nghề phải có tư cách đạo đức tốt[6]. Đây là những phân tích rất sâu và hữu ích không chỉ cho việc nghiên cứu lý luận, mà còn cho hoạt động thực tiễn hành nghề luật sư. Tuy nhiên, đây là các phân tích về luật sư hơn là phân tích về nghề luật sư. Theo quan điểm của tác giả, nghề luật sư có những điểm đặc trưng trong sự đối sánh với các nghề nghiệp khác như sau:
Thứ nhất, nghề luật sư là một nghề nghiệp được thực hiện bởi các luật sư - những người được đào tạo đặc biệt để có trình độ pháp lý, kỹ năng pháp lý và đạo đức nghề luật thích hợp. Đặc điểm này nói tới chủ thể của hoạt động luật sư (như trên trình bày, bao gồm: Tranh tụng, tư vấn, đại diện…). Chính bởi tính chất đặc biệt về chuyên môn của loại hoạt động này và sự tác động lớn của nó tới cá nhân cụ thể và cộng đồng, nên đòi hỏi phải có một loại chủ thể đặc biệt. Thông thường, nghề luật sư lựa chọn những người đã có trình độ pháp lý cao và có đạo đức thích hợp để đào tạo nghề. Hầu hết các nước đi theo khuynh hướng này, chứ không lựa chọn những người bình thường để đào tạo luật sư. Trong khi đó, hầu hết các nghề nghiệp khác đào tạo những người bình thường để có trình độ, kỹ năng và đạo đức phù hợp, trừ những yêu cầu nghề nghiệp đặc biệt về sức khỏe (như quân đội, thợ mỏ, hàng hải…), về năng khiếu (như kiến trúc, nghệ thuật…). Bác sĩ y khoa cũng không bắt đầu từ những người đã có trình độ y học nhất định. Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới, người ta đào tạo bác sĩ y khoa từ những người bình thường tốt nghiệp trung học phổ thông. Đối với nghề kiến trúc sư cũng vậy, nhưng bắt đầu từ người có năng khiếu nhất định về hội họa, tốt nghiệp trung học phổ thông… Đặc điểm này của nghề luật sư dẫn tới sự khác biệt lớn trong quy chế vào nghề của luật sư so với quy chế vào nghề của thương nhân và những người cung cấp dịch vụ khác mà đòi hỏi pháp luật phải chú ý.
Thứ hai, nghề luật sư là một nghề nghiệp tự do. “Luật sư độc lập trong hành nghề và tự chịu trách nhiệm về hoạt động nghề nghiệp của mình”[7]. Đặc điểm này của nghề luật sư hình thành do chính tính chất hoạt động “không thể dựa dẫm” của luật sư liên quan tới từng hoàn cảnh cụ thể quy định (vụ việc cụ thể, hoàn cảnh tư vấn cụ thể…). Đặc điểm này tác động rất lớn tới việc tổ chức hành nghề luật sư. Vì vậy, việc quản lý nhà nước đối với luật sư cũng có những tính chất riêng biệt so với việc quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực thương mại hoặc dịch vụ khác. Rất nhiều ý kiến hiện nay cho thấy, số lượng luật sư được cấp thẻ hành nghề thì đông, nhưng số lượng luật sư hành nghề và kiếm sống được bằng nghề luật sư một cách thực chất, đúng với nghĩa là hành nghề luật sư thì không nhiều, có thể chỉ chiếm khoảng 1/3 trong tổng số các luật sư được cấp thẻ hành nghề. Với số lượng luật sư như vậy, rõ ràng việc cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp toàn thời gian không nhiều. Số lượng luật sư làm theo kiểu “thời vụ” hoặc một phần thời gian cho thấy, việc ràng buộc luật sư vào một tổ chức nhất định không phải là khâu quản lý có tính chất bắt buộc.
Thứ ba, nghề nghiệp luật sư là một nghề cung cấp dịch vụ có đối khoản được lượng hóa rất tương đối. Dịch vụ mà luật sư cung cấp có các chức năng: (i) Chức năng chỉ dẫn; (ii) Chức năng phản biện. Đây là các chức năng chủ yếu của luật sư đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho luật sư, tức là, luật sư khi cung cấp dịch vụ pháp lý và luôn thu lại một đối khoản thể hiện đúng tính chất luật sư là một nghề nghiệp, trừ những hoạt động có tính chất đóng góp cho xã hội gần giống như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ví dụ như trợ giúp pháp lý, phổ biến, tuyên truyền pháp luật không lấy tiền. Bởi luật sư là những người am hiểu tường tận về pháp luật và cả những đường lối cũng như cách thức xử lý các vi phạm pháp luật, cho nên, luật sư cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý nhằm chỉ dẫn cho khách hàng hành xử đúng pháp luật trong các hoạt động sống của mình và góp phần phản biện để áp dụng đúng pháp luật cho những vụ việc tranh chấp cụ thể được đưa ra các cơ quan tài phán. Tuy nhiên, sự bù đắp công sức do luật sư bỏ ra và sự sáng tạo do luật sư đem lại luôn là vấn đề gây tranh luận. Sự bù đắp ở đây chỉ có tính chất tương đối trên những cơ sở thiếu chắc chắn, nhất là đối với những gì mà luật sư sáng tạo ra trong việc hiểu pháp luật và tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp cụ thể đó, góp phần phát triển án lệ.
Thứ tư, nghề nghiệp luật sư là một nghề “bán kinh doanh”. Tác giả Phan Trung Hoài đã viết: “Chức năng xã hội của luật sư được thể hiện thông qua khả năng đáp ứng nhu cầu pháp lý của người dân một cách minh bạch và tạo ra cho người dân nhận biết chân thực và công bằng các nhu cầu chính đáng ấy”, và với chức năng này, thì “phẩm chất của luật sư trong điều kiện hiện nay được đánh giá không chỉ là người tuân thủ pháp luật, có kỹ năng và kỷ luật, trình độ tinh thông nghề nghiệp, tận tâm với khách hàng, mà còn phải là người có tấm lòng yêu thương đối với xã hội, có lối sống lành mạnh, lòng đầy tự tin vào chính nghĩa, tin vào công bằng xã hội”[8]. Vì vậy, luật sư không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ để lấy tiền như những nghề nghiệp khác, mà còn là những người đóng góp trực tiếp cho việc bảo đảm tuân thủ pháp luật. Hoạt động kinh doanh đơn thuần thông qua việc mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ mà giá cả của nó do quan hệ cung cầu quyết định đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Còn trong nghề luật sư, mỗi hoạt động cung cấp dịch vụ đơn lẻ đều đóng góp trực tiếp cho sự tuân thủ pháp luật và bình ổn của xã hội.
3. Đặc điểm của nghề luật sư trong pháp luật một số nước
Như đã trình bày ở trên, nghề luật sư có các đặc điểm khác biệt so với hầu hết các ngành nghề khác, do đó, dẫn đến luật sư phải chịu một quy chế pháp lý khá nghiêm ngặt về tiêu chuẩn vào nghề, về chuẩn mực trong hành nghề và về kỷ luật cũng như chấm dứt hành nghề.
Luật Nhất thể Nghề luật của New South (Australia) năm 2014 (Legal Profession Uniform Law (NSW) (2014 No 16a) nêu rằng: “Mục đích của các quy định về tiêu chuẩn vào nghề luật sư nhằm bảo đảm nghề nghiệp pháp lý được tiến hành chỉ bởi những người có phẩm chất riêng để tiến hành nghề nghiệp đó vì lợi ích của việc thi hành công lý và bảo vệ khách hàng của thực hành nghề luật bởi bảo đảm rằng, những người tiến hành nghề nghiệp pháp lý được phép làm như vậy (Điều 9). Điều 10 của Đạo luật này quy định cấm bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào thực hành nghề luật mà không đủ tiêu chuẩn. Chế tài vi phạm điều cấm này là một khoản phạt tiền lên tới 250 đơn vị phạt (penalty units) theo đạo luật về chống tội phạm của New South Wales hoặc 02 năm tù hoặc cả hai hình phạt đó. Đạo luật này còn quy định một tổ chức hoặc cá nhân không được phép thu tiền mà vi phạm quy định cấm nói trên, nhất thiết phải trả lại khoản tiền đó (Điều 10).
Đạo luật về nghề luật (The Jamaica Legal Profession Act) ngày 03/01/1972 của Jamaica quy định một người được phép hành nghề luật khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: (i) Có chứng chỉ về năng lực; (ii) Đủ 21 tuổi; (iii) Không phải là công dân nước ngoài; (iv) Có đạo đức tốt (khoản 1 Điều 6). Khoản 1 Điều 8 Đạo luật của Jamaica quy định chế tài rất nghiêm khắc đối với người không được vào nghề mà tiến hành hoạt động nghề nghiệp như một luật sư như sau: “Phạt năm trăm nghìn đô la cho lần thứ nhất vi phạm và một triệu đô la cho lần thứ hai và các lần tiếp theo vi phạm hoặc một năm tù hoặc cả hai hình phạt tiền và tù”. Đạo luật này cũng sử dụng chế tài như vậy đối với những hành vi tạo dựng hay sử dụng tên hoặc danh nghĩa hoặc bộ điệu ngụ ý mình có đủ phẩm chất hay được thừa nhận là một luật sư (khoản 2 Điều 8). Những công việc của những người vi phạm dù thực hiện dưới danh nghĩa hay đại diện cho một luật sư thực sự cũng không được nhận phí (khoản 3 và 4 Điều 8).
Đạo luật về nghề luật (Legal Profession Act) năm 1966 (được sửa đổi năm 2009) của Singapore quy định người có đủ năng lực chỉ được vào nghề để trở thành luật sư tranh tụng (advocate) và luật sư tư vấn (solicitor) khi đáp ứng các tiêu điều kiện sau: (i) Đủ 21 tuổi; (ii) Có đức tính tốt; (iii) Đã trải qua một quá trình huấn luyện đạt kết quả khả quan; (iv) Đã tham dự và hoàn thành khóa học do nhà chức trách có thẩm quyền chỉ định; (v) Đã qua kỳ thi do nhà chức trách có thẩm quyền tổ chức (Điều 13).
Đặc tính quan trọng nhất hệ thống pháp luật Đức là tất cả các nghề luật được cùng giáo dục nghề nghiệp như nhau (the same professional education). Lars Gerold giới thiệu: “Từ thế kỷ thứ 19, luật được nghiên cứu tại trường đại học và hai năm tiếp theo, thực tập sinh pháp luật (judicial traineeship) được huấn luyện và chi trả bởi Nhà nước để học tập và huấn luyện làm tất cả các vị trí như thẩm phán, công tố, quản lý hành chính và luật sư hay cố vấn pháp lý, rồi sau đó những thực tập sinh đáp ứng được các tiêu chuẩn gia nhập các đoàn luật sư không cần phải qua kiểm tra”[9].
Luật sư có thể thực hiện nhiều chức năng hay nhiệm vụ khác nhau với các vai trò khác. Luật sư có thể là đại diện cho khách hàng (như làm đại diện cho thân chủ trong nhưng vụ việc dân sự, trong vụ án hình sự hay trong thương lượng…) hoặc là một bên thứ ba trung gian (như làm người hòa giải, tham vấn…), là một nhân viên của một hệ thống pháp lý nào đó (như làm người đánh giá các vấn đề pháp lý của một tổ chức hay tư vấn pháp lý cho công ty hay tổ chức…) hoặc là một người của công chúng có trách nhiệm đặc biệt trong việc tác động tới công lý (như làm người phổ biến, tuyên truyền pháp lý hay đại diện cho Nhà nước đưa ra các giải pháp lý trong những trường hợp đặc biệt…). Vì vậy, trước hết, có vai trò là người ảnh hưởng tới sự bình ổn của cộng đồng và sau đó, là tính chất đặc biệt của các hoạt động, đối với nghề luật sư, pháp luật cần thiết phải can thiệp để ấn định những tiêu chuẩn đặc biệt về nghề nghiệp.
Hiện nay việc tổ chức hành nghề luật sư ở các nước trên thế giới có một vài sự khác biệt. Ở Đức, luật sư có ba hình thức tổ chức hành nghề chủ yếu: Hành nghề độc lập (solo practice), công ty hợp danh (partnership) và liên kết (co-operation). Luật sư hành nghề độc lập có thể chia sẻ văn phòng cùng với hai hoặc ba đồng nghiệp, phân bổ thu nhập từ khách hàng theo sự đóng góp và hoạt động trên căn bản mỗi người tiến hành hoạt động riêng, tự chịu rủi ro và vì lợi ích riêng. Còn liên kết là sự nhóm hợp lại của một số luật sư hành nghề độc lập trong một tổ chức không rõ ràng về mặt pháp lý trên căn bản mỗi người hoạt động riêng rẽ và tự chịu trách nhiệm về các rủi ro và có các lợi ích riêng. Hình thức này thông thường được các luật sư có chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau liên kết lại với nhau để có thể chào hàng cho khách hàng trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý trong tất cả các lĩnh vực pháp luật[10].
Một số khảo sát ở trên về pháp luật của các nước quy định về tiêu chuẩn vào nghề của luật sư có những điểm tương đồng. Các tiêu chuẩn đều hướng tới đòi hỏi người vào nghề luật sư phải đạt đến một độ tuổi nhất định mà thường là độ tuổi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (có thể là 18 hay 21 tuổi tùy theo pháp luật của từng nước quy định), có năng lực về chuyên môn nhất định và có đạo đức tốt. Tuy nhiên, để trở thành luật sư thực sự được hành nghề, những người đáp ứng đủ các tiêu chuẩn nói trên phải xin và được nhà chức trách có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề. Các tiêu chuẩn phản ánh nội dung cần phải có. Việc được cấp chứng chỉ hành nghề phản ánh hình thức phải đạt được. Các vấn đề này giống như người đăng ký kinh doanh ở những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Việc hiểu sâu sắc và đầy đủ các đặc điểm của nghề luật sư có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về luật sư, từ quy chế vào nghề, tổ chức hành nghề, quản lý luật sư và sau khi chấm dứt hành nghề luật sư.
Công ty Luật TNHH Sao Việt
[1]. Amrit Kharel (2018), The Concept of Legal Profession, SSRN Electronic Journal· January 2018, Nepal, pp. 1.
[2]. Học viện Tư pháp (2018), Giáo trình luật sư và nghề luật sư, Tái bản lần thứ nhất, có sửa đổi, bổ sung, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 13.
[3]. Đỗ Đức Thịnh (2005), Lịch sử Châu Âu, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, tr. 17.
[4]. Học viện Tư pháp (2018), Giáo trình luật sư và nghề luật sư, Tái bản lần thứ nhất, có sửa đổi, bổ sung, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 12 - 18.
[5]. Phan Trung Hoài (2003), Cơ sở lý luận của việc hoàn thiện pháp luật về luật sư ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr. 19 - 25.
[6]. Nguyễn Văn Tuân (2008), “Đặc thù nghề nghiệp và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư” (tr. 20 - 33), Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Số chuyên đề Tổ chức và hoạt động luật sư, Hà Nội, tr. 20 - 24.
[7]. Nguyễn Hà Trang (2008), “Xây dựng quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư ở Việt Nam” (tr. 55 - 60), Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Số chuyên đề Tổ chức và hoạt động luật sư, Hà Nội, tr. 55.
[8]. Phan Trung Hoài (2008), “Bước chuyển lịch sử trong nhận thức và quản lý nghề nghiệp luật sư” (tr. 34 - 54), Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Số chuyên đề Tổ chức và hoạt động luật sư, Hà Nội, tr. 43 - 44.
[9]. Lars Gerold (2008), The Legal Profession in Germany, This background report was written by the author at the request of ODIHR for the Workshop on Reform of the Legal Profession, pp. 2.
[10]. Lars Gerold (2008), The Legal Profession in Germany, This background report was written by the author at the request of ODIHR for the Workshop on Reform of the Legal Profession, pp. 6 - 7.