Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã thông qua 07 luật bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Việc ban hành các luật này nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người, quyền công dân, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chínhLuật này đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó, sửa đổi, bổ sung toàn diện 16 điều), sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 04 điều, bãi bỏ 03 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, với những điểm mới cơ bản liên quan đến những nội dung như: Những quy định chung; mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; về đối tượng, điều kiện, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể:
- Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực quản lý nhà nước, bao gồm: Giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, Luật còn bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như: Tín ngưỡng; đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; in; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; kiểm toán nhà nước; cản trở hoạt động tố tụng.
- Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Luật sửa đổi, bổ sung tên gọi/bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xuất phát từ việc một số cơ quan đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy (ví dụ như: Một số chức danh thuộc lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, quản lý thị trường, hải quan…). Bên cạnh đó, Luật bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lực lượng/cơ quan như: Kiểm ngư, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, kiểm toán nhà nước…
- Về thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về lập biên bản vi phạm hành chính; tăng thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính từ 24 giờ lên 48 giờ; sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp và thủ tục giải trình tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính; bổ sung quy định tổ chức cũng được hoãn, miễn, giảm tiền phạt để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho tổ chức/doanh nghiệp khi gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.
- Về đối tượng, điều kiện, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: (i) Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại các điều 90, 92, 94 và 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự. (ii) Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tế. (iii) Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 131 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng, đối với người không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng gia đình không đồng ý quản lý thì cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ quyết định: Giao cho trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; giao Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi vi phạm cư trú hoặc có hành vi vi phạm tổ chức quản lý trong trường hợp bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.
2. Luật Biên phòng Việt Nam
Luật Biên phòng Việt Nam được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của Đảng, Nhà nước trong những năm qua; kế thừa những quy định còn giá trị và khắc phục những bất cập, hạn chế của Pháp lệnh Bộ đội biên phòng năm 1997; luật hóa các quy định hiện đang ban hành trong các văn bản pháp luật có liên quan. Việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ nhằm tăng cường hiệu lực trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; đồng thời, là cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng Bộ đội biên phòng nói riêng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Luật Biên phòng Việt Nam gồm 06 chương (Chương I: Những quy định chung; Chương II: Hoạt động cơ bản về biên phòng; Chương III: Lực lượng Bộ đội biên phòng; Chương IV: Bảo đảm biên phòng và chế độ chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; Chương V: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về biên phòng; Chương VI: Điều khoản thi hành), 36 điều với những nội dung cơ bản như:
- Quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật và các vấn đề chung như: Chính sách của Nhà nước về biên phòng, nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng, nhiệm vụ biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng…
- Quy định nội hàm của những vấn đề cơ bản như: Nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng và hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.
- Luật xác định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động, hệ thống tổ chức, trang bị của Bộ đội biên phòng và hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, việc sử dụng vũ khí, trang bị của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng.
- Quy định về nguồn nhân lực, tài chính, tài sản để phục vụ nhiệm vụ biên phòng và chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng cũng như chế độ, chính sách ưu đãi riêng đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng công tác ở khu vực biên giới thuộc vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Trên cơ sở Luật Biên phòng Việt Nam, Chính phủ sẽ ban hành 02 nghị định, Bộ Quốc phòng sẽ ban hành 02 thông tư hướng dẫn thực hiện Luật.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
3. Luật Thỏa thuận quốc tế
Luật Thỏa thuận quốc tế gồm 07 chương, 52 điều, thay thế Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.
Luật Thỏa thuận quốc tế đã mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các chủ thể chưa được quy định trong Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007 như tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội -nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Đối với các thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ nhưng không phải là điều ước quốc tế thì việc ký kết cũng sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế.
So với Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007, Luật đã bổ sung 01 chương mới quy định về trình tự, thủ tục rút gọn với những tiêu chí, điều kiện cụ thể để áp dụng trong trường hợp cần xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Luật quy định hai hình thức rút gọn là rút gọn về quy trình và rút gọn về thời hạn, hồ sơ.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.
4. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 08 chương, 74 điều với một số điểm mới cơ bản như: (i) Bổ sung chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (ii) Bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể gồm các hành vi như: Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…; (iii) Mở rộng đối tượng áp dụng của Luật và bổ sung quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (iv) Nâng cao điều kiện hoạt động dịch vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; (v) Bổ sung quy định về việc xây dựng, vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
5. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều, có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 - 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định như: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 01 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có những điểm mới cơ bản như: (i) Lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Luật quy định nguyên tắc hoạt động bảo vệ môi trường phải công khai, minh bạch; quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; (ii) Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường, kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và môi trường thân thiện; (iii) Bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước; (iv) Luật thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Lần đầu tiên luật đã quy định việc thực hiện thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay; (v) Cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
6. Luật Cư trú năm 2020
Luật Cư trú năm 2020 có 07 chương, 38 điều và có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú năm 2020 nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng lý, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú, trọng tâm nhằm xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Luật có những điểm mới cơ bản như sau:
- Luật quy định rõ (tại Điều 4) việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân và các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú, trong đó, quy định mới trường hợp hạn chế đối với người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng; địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; địa điểm, khu vực, địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật…
- Luật bổ sung quy định về nơi cư trú của người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa trong cơ sở tín ngưỡng tôn giáo; người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp; người không có nơi thường trú, nơi tạm trú.
- Luật quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin thông qua việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.
- Luật đã bỏ toàn bộ các thủ tục về cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu. Thời hạn giải quyết đăng ký thường trú theo Luật hiện hành là 15 ngày, còn Luật mới quy định rút ngắn còn tối đa là 07 ngày.
- Luật bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, tức là việc đăng ký thường trú tại tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc, nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
- Luật bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú và xóa đăng ký tạm trú.
Kể từ ngày Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2021), sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trên Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.
7. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã sửa đổi, bổ sung 15 điều và bãi bỏ 02 điều so với Luật hiện hành, với những điểm mới cụ thể như: Luật bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV, trong đó người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn, người sống chung như vợ chồng của người nhiễm HIV, nhằm đảm bảo dự phòng lây nhiễm HIV cho các đối tượng trên; mở rộng các đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; luật hóa các biện pháp can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV; quy định rõ nguồn lực chi trả xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai. Theo Luật này, độ tuổi của trẻ được quyền tự nguyện đề xuất xét nghiệm HIV giảm từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế và sự gia tăng số trẻ em nhiễm HIV trong giai đoạn hiện nay.
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021.