1.1. Đăng ký nuôi con nuôi trong nước
- Kết quả đăng ký nuôi con nuôi trong nước
Từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2017, thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết 1.887 trường hợp nuôi con nuôi trong nước, trung bình mỗi năm giải quyết khoảng 250 trường hợp. Trẻ em được nhận làm con nuôi đa số là trẻ sống tại gia đình (chiếm tỉ lệ 80,3%), trẻ em sống tại cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi chiếm tỉ lệ thấp (4,2%), còn lại là trẻ sống ở nơi khác (trẻ bị bỏ rơi chưa tiếp nhận vào cơ sở nuôi dưỡng...) chiếm tỉ lệ 15,5%. Hầu hết trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước là trẻ em có sức khỏe bình thường (tỉ lệ 98,6%), rất ít trẻ có nhu cầu đặc biệt được nhận làm con nuôi trong nước (tỉ lệ 1,4%).
Về đăng ký nuôi con nuôi thực tế: Tổng số các trường hợp nuôi con nuôi thực tế đã được rà soát là 207 trường hợp, đã được đăng ký là 186 trường hợp, 21 trường hợp chưa đăng ký (do không có nguyện vọng đăng ký, cha mẹ nuôi muốn giữ bí mật nhân thân của con nuôi, không đáp ứng đủ điều kiện đăng ký nuôi con nuôi thực tế). Trên thực tế, còn rất nhiều trường hợp nuôi con nuôi thực tế chưa được khai báo, đăng ký, do cha mẹ nuôi không muốn công khai quan hệ cha, mẹ nuôi, con nuôi, cũng như bí mật đời tư của con nuôi.
Về các trường hợp người tu hành của các tổ chức tôn giáo đăng ký nhận nuôi con nuôi: Trên địa bàn Thành phố có 07 trường hợp người tu hành của các tổ chức tôn giáo đăng ký nuôi con nuôi trong các năm 2011, 2012. Sau khi nhận được chỉ đạo của Cục Con nuôi hướng dẫn về việc không giải quyết cho người tu hành của các cơ sở tôn giáo nhận con nuôi vì không đảm bảo mục đích của việc nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 2 Luật Nuôi con nuôi, đến nay, trên địa bàn Thành phố không giải quyết việc người tu hành đăng ký nuôi con nuôi.
- Việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Ngay khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực, Sở Tư pháp đã chủ động hướng dẫn Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thực hiện đúng quy định tìm gia đình thay thế cho trẻ theo quy định tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi, Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (Nghị định số 19/2011/NĐ-CP). Nhìn chung, việc thực hiện nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước tại thành phố Hồ Chí Minh được bảo đảm thực hiện tốt, đầy đủ, đúng quy định. Tuy nhiên, rất ít trẻ có hoàn cảnh đặt biệt (trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi) tìm được gia đình thay thế trong nước theo quy định nêu trên (chỉ chiếm 4,2% đối với trẻ sống trong cơ sở nuôi dưỡng, 15,5% đối với trẻ chưa được tiếp nhận vào cơ sở nuôi dưỡng), mà đa số các trường hợp nhận con nuôi trong nước thuộc diện nhận con riêng/cháu ruột sống tại gia đình hoặc nhận trẻ em sống ngoài cộng đồng.
- Công tác theo dõi tình hình phát triển của con nuôi
Theo Điều 23 Luật Nuôi con nuôi, cha mẹ nuôi có nghĩa vụ thông báo tình hình phát triển của trẻ cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi (06 tháng/lần trong thời hạn 03 năm). Quy định này chưa được thực hiện đầy đủ, nhiều trường hợp cha mẹ nuôi không thực hiện việc thông báo.
- Thay đổi hộ tịch cho người được nhận làm con nuôi
Sau khi được công nhận việc nuôi con nuôi, phần lớn cha mẹ nuôi đều làm thủ tục xin thay đổi hộ tịch của con nuôi theo quy định của Luật Hộ tịch.
- Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước
Theo báo cáo của các quận, huyện, việc sử dụng lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước được thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, do số lượng đăng ký nuôi con nuôi tại các xã, phường, thị trấn ít và thường thuộc diện miễn lệ phí (trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi) nên lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước không đủ để chi phí cho công tác lấy ý kiến của người có liên quan về việc cho trẻ em làm con nuôi.
1.2. Giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài
- Kết quả đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài
Từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2017, thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết 935 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Đa số các trẻ em được nhận làm con nuôi sống tại các cơ sở nuôi dưỡng (tỉ lệ 92%), trẻ em sống tại gia đình chiếm tỉ lệ thấp (8%). Số lượng trẻ em có nhu cầu đặc biệt (trẻ khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo) được nhận làm con nuôi nước ngoài chiếm tỉ lệ cao hơn (65%) so với trẻ em có sức khỏe bình thường (35%).
- Tìm gia đình thay thế trong nước trước khi giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài
Thực hiện Điều 4, Điều 15, Điều 16 Luật Nuôi con nuôi, Sở Tư pháp thực hiện thông báo tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và tiếp nhận, giải quyết nhu cầu nhận con nuôi của công dân thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, Sở Tư pháp đã thông báo tìm gia đình thay thế trong nước cho 79 trường hợp. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào tìm được gia đình thay thế trong nước sau khi được thông báo; Sở Tư pháp cũng chưa tiếp nhận trường hợp nào đăng ký nhu cầu nhận con nuôi theo quy định tại Điều 16 Luật Nuôi con nuôi.
- Các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tham gia giải quyết con nuôi nước ngoài
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có 07 cơ sở trợ giúp xã hội công lập, 46 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, nuôi dưỡng gần 3.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, 08 cơ sở trợ giúp xã hội (05 cơ sở công lập và 03 cơ sở ngoài công lập) được Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ định tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Việc thành lập và hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập đã góp phần đáng kể trong việc giảm gánh nặng ngân sách nhà nước về đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực chăm lo cho các đối tượng bảo trợ.
- Lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 31/12/2017, 05 cơ sở trợ giúp xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã lập danh sách và hồ sơ trẻ em cần tìm gia đình thay thế cho 894 trường hợp, trong đó 872 trẻ được cho làm con nuôi nước ngoài và 22 trẻ được cho làm con nuôi trong nước. Thực tế cho thấy, còn rất nhiều trường hợp trẻ sống trong các cơ sở nuôi dưỡng chưa được lập danh sách cần tìm gia đình thay thế; việc xác định tình trạng sức khỏe của trẻ em để phân loại trẻ thuộc Danh sách 1 (sức khỏe bình thường) hay Danh sách 2 (trẻ em khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo) có nhiều vướng mắc, có biểu hiện bị lợi dụng (xếp trẻ em vào Danh sách 2 không đúng đối tượng để có thời gian giải quyết nhanh hơn).
- Việc xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài
Tại thành phố Hồ Chí Minh, Công an Thành phố, Công an các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã thực hiện công tác thẩm tra, xác minh nguồn gốc trẻ, giúp cho việc giải quyết việc trẻ em làm con nuôi nước ngoài chặt chẽ, đúng quy định. Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ Công an các địa phương khác hỗ trợ thẩm tra, xác minh tìm thân nhân của trẻ bị bỏ rơi. Tuy nhiên, do địa bàn rộng lớn, dân cư đông, tình hình cư trú của người nhập cư phức tạp nên việc thẩm tra, xác minh nguồn gốc trẻ thường thời gian kéo dài.
- Lệ phí, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài
Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị có số lượng giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài cao nhất trong cả nước, số lệ phí và chi phí giải quyết nuôi con nuôi được phân bổ sử dụng lớn, tuy nhiên, việc lập dự toán và sử dụng rất khó khăn do nội dung chi, mức chi không cụ thể, quy định việc điều chuyển về ngân sách địa phương…
2. Những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định số 19/2011/NĐ-CP
2.1. Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi
Khoản 1 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước. Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định: Đối với việc nuôi con nuôi trong nước, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi hoặc có sự thỏa thuận giữa người nhận con nuôi với cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
Như vậy, quy định tại Nghị định số 19/2011/NĐ-CP thu hẹp hơn so với Luật Nuôi con nuôi, không cho phép lựa chọn thẩm quyền theo nơi thường trú của người được nhận hoặc của người nhận con nuôi.
Bên cạnh đó, quy định của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đều quy định thẩm quyền được xác định theo nơi thường trú.
Các quy định trên chưa phù hợp thực tiễn, chưa tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chưa đồng bộ với các quy định của Luật Hộ tịch về xác định thẩm quyền của cơ quan đăng ký hộ tịch theo nơi cư trú (bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú và nơi đang sinh sống). Vì có nhiều trường hợp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, người có nhu cầu nhận trẻ em làm con nuôi không thực tế cư trú tại nơi có đăng ký thường trú hoặc không có nơi thường trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú...
2.2. Xác định trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đã quy định cụ thể các loại khuyết tật, các loại bệnh, sau đó được Cục Con nuôi hướng dẫn cụ thể tại Tài liệu hướng dẫn phân loại và lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế theo quy định pháp luật về nuôi con nuôi. Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP giao trách nhiệm cho trung tâm nuôi dưỡng trẻ em lập danh sách trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo (Danh sách 2) xin ý kiến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi gửi cho Sở Tư pháp. Trong thực tế, việc thực hiện quy định này gặp rất nhiều vướng mắc như: (i) Có nhiều dạng khuyết tật, bệnh tật không được nêu tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP cũng như Bảng hướng dẫn phân loại và lập danh sách trẻ em thuộc Danh sách 2 của Cục Con nuôi; (ii) Đối với các loại bệnh có trong danh mục thì việc đánh giá, kết luận của các tổ chức y tế cũng không cụ thể; hoặc được mô tả khác nhau bằng ngôn ngữ chuyên ngành, không có kết luận một cách cụ thể. Từ đó dẫn đến việc không thống nhất giữa các đơn vị trong việc phân loại trẻ theo diện Danh sách 1 hoặc Danh sách 2.
2.3. Thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước
- Chưa có quy định về việc xác minh nguồn gốc của trẻ em được cho làm con nuôi trong nước và chưa có quy trình giới thiệu trẻ em cho làm con nuôi trong nước nên người nhận con nuôi tự liên hệ với người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và thỏa thuận về việc cho nhận con nuôi.
- Nhìn chung việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được quan tâm. Các cơ sở nuôi dưỡng tại thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện việc lập danh sách trẻ cần tìm gia đình thay thế, chỉ có những cơ sở được chỉ định tham gia vào việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài mới lập danh sách, mục đích là để đảm bảo thủ tục giới thiệu trẻ làm con nuôi nước ngoài. Hiệu quả của việc tìm gia đình thay thế cho trẻ bằng hình thức Sở Tư pháp niêm yết, thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương là không cao.
- Về thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi, quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP không còn phù hợp với quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch.
2.4. Chỉ định cơ sở trợ giúp xã hội tham gia giải quyết con nuôi nước ngoài
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ có 08 cơ sở trợ giúp xã hội được Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ định tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Trên thực tế, hiện nay còn nhiều cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; có đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất đảm bảo tiêu chuẩn nhưng chưa được chỉ định tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, do trẻ em được nuôi dưỡng tại các cơ sở ngoài công lập có hồ sơ pháp lý, nguồn gốc không đảm bảo, gặp rất nhiều khó khăn trong việc thẩm tra, xác minh nguồn gốc trẻ khi giải quyết tìm gia đình thay thế cho trẻ.
2.5. Yêu cầu về xác nhận trẻ em có đủ điều kiện làm con nuôi ở nước ngoài
Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định: Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi ở nước ngoài, thì phải có văn bản xác minh và kết luận rõ ràng của Công an cấp tỉnh về nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi, không xác định được cha mẹ đẻ. Thực tế, nhiều trường hợp Công an Thành phố đã thực hiện công tác xác minh nhưng không xác minh được thông tin về cha mẹ đẻ của trẻ do không nhận được kết quả xác minh từ các địa phương khác hoặc thông tin về cha mẹ đẻ không chính xác. Nhiều trường hợp, Sở Tư pháp xác minh và tiếp xúc được với thân nhân, cha mẹ đẻ của trẻ thông qua việc xác minh trực tiếp ở các địa phương khác.
2.6. Yêu cầu về giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài
Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định: Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế phối hợp liên ngành để tham mưu, tư vấn trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài bảo đảm chặt chẽ, khách quan, phù hợp với nhu cầu và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trên thực tế, quy định này chưa được thực hiện vì không có tiêu chí đánh giá về tính phù hợp với nhu cầu và lợi ích tốt nhất của đứa trẻ.
2.7. Quản lý tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam
Khoản 2 Điều 37 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng Thông tư số 21/2011/TT-BTP ngày 21/11/2011 của Bộ Tư pháp về việc quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam lại không quy định vai trò của địa phương hoặc phải phối hợp với địa phương trong công tác quản lý đối với hoạt động của các Văn phòng con nuôi nước ngoài. Do đó, trường hợp Văn phòng con nuôi có các hoạt động không phù hợp nguyên tắc của Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp quốc tế trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, các nguyên tắc về giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài của pháp luật Việt Nam chưa được phát hiện, chấn chỉnh. Cụ thể như việc các Văn phòng con nuôi trực tiếp tìm trẻ em tại các cơ sở nuôi dưỡng để tiến hành việc hỗ trợ tìm gia đình thay thế ở nước ngoài; thực hiện các khoản hỗ trợ, tặng cho không đảm bảo nguyên tắc minh bạch về tài chính, không có chứng từ…
3. Một số kiến nghị
Đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định bất cập của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP như sau:
- Về thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi: Sửa đổi Điều 2 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP cho phù hợp với quy định tại Điều 9 Luật Nuôi con nuôi: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cư trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
- Về xác định trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh: Sửa đổi khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP theo hướng quy định tiêu chí xác định trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo (như mức độ bệnh, cần phẫu thuật, điều trị lâu dài...), giao cho Bộ Y tế chỉ định các cơ sở chuyên khoa có năng lực thực hiện việc khám, sàng lọc và kết luận về việc phân loại trẻ vào Danh sách 2.
- Về thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước: (i) Bổ sung quy định về quy trình giải quyết nuôi con nuôi trong nước. Đối với trẻ chưa được đưa vào cơ sở nuôi dưỡng thì phải thực hiện công tác xác minh nguồn gốc trẻ trước khi giải quyết làm con nuôi trong nước. Đối với trẻ sống trong cơ sở nuôi dưỡng thì người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm lập danh sách trẻ có nhu cầu tìm gia đình thay thế; giao cho Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã thực hiện công tác xác minh, xác nhận trẻ đủ điều kiện làm con nuôi; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc giới thiệu trẻ, ghép trẻ làm con nuôi trong nước (không để người có nhu cầu nhận con nuôi trong nước trực tiếp tìm trẻ tại cơ sở nuôi dưỡng và không giao cơ sở nuôi dưỡng trực tiếp giới thiệu trẻ, giải quyết việc nuôi con nuôi). (ii) Cải tiến việc tìm gia đình thay thế trong nước một cách hiệu quả và thực chất hơn; cần có các tổ chức làm công tác xã hội tìm kiếm, tư vấn việc nhận trẻ làm con nuôi, trao cho trẻ mái ấm gia đình trong nước. (iii) Sửa đổi khoản 3 Điều 10 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP về thay đổi hộ tịch sau khi được nhận làm con nuôi cho phù hợp với Điều 28 Luật Hộ tịch.
- Về cơ sở nuôi dưỡng tham gia giải quyết con nuôi nước ngoài: Sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP theo hướng không quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, mà căn cứ vào nhu cầu, năng lực của cơ sở nuôi dưỡng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định việc cơ sở tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài. Để tránh việc đưa trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng nhằm trục lợi, cần quy định chặt chẽ thủ tục đưa trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng, đảm bảo các thông tin về nhân thân, nguồn gốc trẻ được lưu trữ cùng với hồ sơ trẻ; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc ủy quyền cho Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra hồ sơ trẻ và quyết định đưa vào cơ sở nuôi dưỡng phù hợp (tránh tình trạng thu, gom trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng, đưa trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng không đảm bảo điều kiện, năng lực...).
- Yêu cầu về xác nhận trẻ em có đủ điều kiện làm con nuôi ở nước ngoài: Sửa đổi khoản 1 Điều 16 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP theo hướng: Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi ở nước ngoài, thì phải có văn bản xác minh và kết luận rõ ràng của cơ quan Công an về nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi, không xác định được cha mẹ đẻ.
- Yêu cầu về giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài: Bổ sung quy định về tiêu chí đánh giá về tính phù hợp với nhu cầu và lợi ích tốt nhất của trẻ trong việc giới thiệu trẻ làm con nuôi nước ngoài.
- Về quản lý tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam: Bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh trong việc phối hợp quản lý văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh