Tết năm nay là tròn mười lăm năm kể từ ngày tôi xa mẹ mãi mãi. Mười lăm năm qua là một chặng đường rất dài, những đứa con bé bỏng của mẹ năm xưa cũng đã có một tổ ấm nhỏ, hạnh phúc. Nhưng mỗi khi Tết đến, xuân về, lòng tôi lại gợn những nỗi buồn. Tôi nhớ mẹ, nhớ những cái Tết năm xưa bên mẹ yêu thương.
Tết ngày xưa không giống như Tết thời bây giờ. Hiển nhiên rồi, Tết ngày xưa nghèo lắm! Gia đình tôi lại thuộc vào dạng nghèo nhất làng. Ba mẹ nuôi đàn con bốn đứa, chèo chống qua bệnh tật, đói khát. Mỗi lần Tết đến, tôi cảm tưởng như gánh nặng càng đè lên vai mẹ càng nhiều hơn. Thời gian những ngày cuối tháng Chạp của mẹ sao mà gấp gáp quá! Ngoài mấy sào ruộng mẹ trồng lúa, trồng khoai, trồng rau màu, mẹ còn tranh thủ chạy chợ. Phiên chợ quê ọp ẹp vẫn có bóng hình mẹ tôi ở đó, gầy còm và lặng lẽ với những mớ hàng xén, mớ rau củ bầy bán mỗi ngày. Chẳng bao giờ tôi thấy mẹ ngơi nghỉ. Mẹ chạy như một con thoi, miệt mài và vội vã. Hở chút thời gian, mẹ lại lấy chiếc xe đạp cũ kỹ đi tới tận tối mịt mua hàng về chất đống bên nhà, sửa soạn cho buổi ra chợ ngày hôm sau. Những ngày cuối tháng Chạp cái rét dường như càng buốt hơn, mẹ tỉnh giấc từ rất sớm, khoảng hai giờ sáng mẹ đã thắp đèn, ngồi tỉ mẩn buộc từng mớ mùi, mớ rau thơm chở ra chợ bán. Mẹ không nói ra nhưng tôi biết, để có một cái Tết như nhà người ta, để đám con không phải mặc áo cũ trong ngày đầu năm mới mẹ đã lăn lộn, cực nhọc đến như vậy.
Nhắc tới mẹ, tôi lại thương cái tính tằn tiện của mẹ. Mẹ không bao giờ để chồng con thiếu mặc, nhưng mẹ thì lại khác, quanh năm suốt tháng và ngay cả ngày Tết mẹ cũng chỉ vẻn vẹn hai bộ quần áo để thay đổi. Mỗi lần chị em tôi có nhắc mẹ mua đồ cho mình, mẹ cười xuề xòa: “Má mặc sao mà chẳng được, người nông dân như má thì cần gì đồ mới, đồ đẹp cơ chứ!”. Nhiều năm trôi qua, mỗi lần Tết đến sắm sửa quần áo mới cho đàn con, lòng tôi lại quặn thắt nghĩ tới mẹ. Mẹ cả đời lăn lộn, hy sinh cả tuổi xuân cho chồng, con mà chẳng màng đến bản thân của mình. Khi đám con có thể tự lập được, có chút ít của để dành thì mẹ lại ra đi mãi mãi. Lời hứa năm xưa tôi vẫn còn nợ mẹ, rằng khi nào đi làm có lương sẽ mua cho mẹ chiếc áo gấm hoa cà đẹp nhất mà tôi vẫn không thể thực hiện được. Ở nơi xa mẹ có trách con không hở mẹ? Mẹ ơi, con thương mẹ rất nhiều!
Nhớ chiều ba mươi Tết, mẹ chuẩn bị sẵn một nồi nước lá mùi già rất to, “đôn đốc” bốn đứa con tắm. Nhiều lúc, tôi muốn làm biếng không tắm cũng không được. Với mẹ, tắm nước mùi già chiều ba mươi không chỉ để cơ thể sạch sẽ, thơm tho hơn mà sâu xa còn có ngụ ý nồi nước để tẩy trần, gột bỏ những điều còn vướng bận trong năm cũ. Nồi nước lá, dịu dàng với hương thơm tinh khiết, mỗi gáo nước khoát lên người tôi như cảm nhận được cả sự bao dung của trời và đất, xóa đi bao ưu phiền mệt mỏi của ba trăm sáu lăm ngày mệt nhọc, đón năm mới trong bình yên dịu nhẹ. Hương mùi già đã xa bao năm rồi, nhưng mỗi độ Tết đến, xuân về vẫn còn vương vấn trên làn da thịt, trong không khí quê hương ấm cúng và trong niềm hạnh phúc được ở bên mẹ thuở xưa.
Với mẹ, dù có bận rộn đến đâu thì chiều ba mươi Tết phải đủ đầy tất cả các thành viên trong nhà ngồi ăn bữa cơm tất niên. Hôm đó, tự tay mẹ làm tất cả, rau củ mẹ lấy từ vườn, thịt thà mẹ chế biến ngon hết xẩy. Có những năm nghèo đói, bữa cơm đơn sơ, đạm bạc toàn rau củ vườn nhà nhưng cũng chẳng hề hấn gì, chúng tôi ăn vẫn thấy ngon lạ thường. Bởi tôi biết, dù có mâm cao, cỗ đầy cỡ nào nhưng không có mẹ, không có những thành viên trong gia đình thân thương thì ăn cũng không thấy ngon. Nếp sinh hoạt đó tưởng chừng dễ thực hiện nhưng trong cuộc sống bận rộn sau này không phải ai cũng duy trì được. Mười lăm năm trước bữa cơm tất niên có mẹ, mười lăm năm sau bữa cơm tất niên nhìn lên di ảnh của mẹ đám con lại rưng rưng. Lại ước giá mà có mẹ lúc này…
Kể từ khi mẹ mất, lập gia đình rồi, thời gian eo hẹp nhưng tôi vẫn thu xếp thời gian về nhà giúp ba chuẩn bị bữa cơm tất niên, rửa xấp lá dong, giã ít tiêu trút lọ, gói bánh theo như lời dặn dò của mẹ. Những năm tháng sống bên mẹ, bao mùa Tết trôi qua tôi đã học được rất nhiều từ mẹ, nó không chỉ là những món ăn mẹ làm, ứng xử đời thường của mẹ, mà còn là những gì thân thương nhất mẹ dành cho chúng tôi.