Đoàn công tác trợ giúp pháp lý chúng tôi đi từ mờ sáng khi thành phố Tuyên Quang mờ ảo, nhạt nhòa dưới những cơn mưa rào. Do đường xấu, trời lại mưa to nên xe không đi nhanh được, mãi gần 02 tiếng sau chúng tôi mới đến được thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa. Rẽ trái theo đường ĐT 188 để đến huyện Lâm Bình còn khoảng 80km nữa. Dọc theo đường đi là những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Dao thấp thoáng ẩn mình dưới chân núi. Qua những cánh đồng ở xã Phúc Sơn, Thổ Bình, Bình An đang thì con gái xanh mơn mởn, trong những thung lũng xanh mướt cây cối, mây trắng lãng đãng sườn núi, mờ mờ, ảo ảo làm cho cảnh vật nơi đây đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Đến chân đèo Khau Lắc (thuộc xã Bình An, huyện Lâm Bình) mới thấy được nỗi vất vả của bà con mỗi khi qua tuyến đường này. Độ dốc của đèo hơn 30%, dài hơn 3 km hiện đang thi công hạ thấp độ cao của đèo xuống, nên đường đi lổn nhổn toàn đá rất hiểm trở và khó khăn. Xe của đoàn công tác trợ giúp pháp lý ì ạch bò lên đèo, do ảnh hưởng của áp thấp nên trời mưa đường trơn rất khó đi. Phải mất nửa tiếng sau xe mới lên đến đỉnh đèo Khau Lắc. Từ đây, phóng xa tầm mắt, chúng tôi chiêm ngưỡng được toàn cảnh của thung lũng xã Lăng Can (thủ phủ của huyện Lâm Bình) thơ mộng, mờ ảo.
Huyện Lâm Bình nằm ở phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, diện tích tự nhiên trên 78.000 ha, với khoảng 30.000 nhân khẩu với 08 đơn vị hành chính. Xã Lăng Can - một trong tám đơn vị hành chính, là trung tâm rộng lớn của huyện với những khu nhà tiền chế san sát nhau. Với vẻ đẹp hùng vỹ của núi non trùng điệp và phong cảnh thiên nhiên thơ mộng đã khiến huyện Lâm Bình có sức hút kỳ lạ (tuy là huyện mới thành lập năm 2011).
Từ trung tâm huyện Lâm Bình đến xã Phúc Yên là 16 km nhưng phải mất 2 km đang thi công hạ độ cao của đèo nên đường hẹp, nhiều đoạn cua gấp và những hộc đá lởm chởm. Qua hết khoảng 2 km đường cấp phối này, thì đến đường rải nhựa nhưng đường vẫn quanh co, khúc khuỷu. Đi khoảng 30 phút, đoàn công tác trợ giúp pháp lý đến địa phận xã Phúc Yên, không gian, địa hình thay đổi hẳn, chúng tôi bảo nhau như là đi du lịch sinh thái vậy, hai bên đường là những cánh đồng lúa đang thì con gái xanh mơn mởn.
Đến Ủy ban nhân dân xã Phúc Yên trụ sở được xây dựng khang trang, tiếp đoàn chúng tôi là các đồng chí cán bộ làm việc tại Ủy ban xã, theo lời đồng chí cán bộ tư pháp - hộ tịch xã, ông Nguyễn Trọng Tấn: “Cả xã có trên 561 hộ với 2.676 khẩu, chủ yếu có 02 dân tộc sinh sống (dân tộc Tày 238 hộ chiếm 42%, dân tộc Dao 323 hộ chiếm 58%); xã có 6 thôn bản: Khau Cau, Nà Khậu, Bản Bon, Phiêng Mơ, Bản Tấng, Bản Thàng”. Được sự chỉ đạo của lãnh đạo xã, đồng chí cán bộ tư pháp - hộ tịch xã ông Nguyễn Trọng Tấn và ông Chẩu Văn Ngưu đã bố trí họp 02 thôn Phiêng Mơ và thôn Bản Bon tại nhà văn hóa xã. Tổng số có 206/223 hộ của 02 thôn đi họp, chủ yếu là người dân tộc Tày, Dao. Bao mệt nhọc đều tan biến đi khi thấy số lượng bà con đến họp rất đông, anh em chúng tôi những cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý rất phấn khởi.
Trao đổi trực tiếp với Ông Triệu Kim Minh (Trưởng thôn Phiêng Mơ), ông nói: “Việc đi báo họp cho bà con rất vất vả vì các hộ ở không chụm, ở rải rác nhiều nơi khác nhau. Sáng nay, thôn đã báo cho bà con đi họp nội dung khác do Ủy ban nhân dân xã triển khai, sau đó lại báo cho bà con chiều đến họp để nghe tuyên truyền về công tác trợ giúp pháp lý và nghe tư vấn giải đáp, pháp luật”. Ông nói: “Tưởng bà con ngại sẽ không đi họp nữa, nhưng không ngờ số lượng bà con lại đến quá đông, điều đó cho thấy ý thức của bà con chấp hành rất tốt”.
Sau khi nghe cán bộ trợ giúp pháp lý nói về hoạt động trợ giúp pháp lý và mục đích của đoàn công tác đến trợ giúp cho bà con, muốn nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con, bà con không hiểu hoặc vướng mắc về pháp luật là đoàn công tác trả lời ngay tại buổi lưu động hôm nay. Bà con trong thôn hỏi một số ý kiến xoay quanh vấn đề: “Nạn tảo hôn ở trong thôn hiện nay có 03 cặp, các cháu lấy nhau khi mới 14 - 15 tuổi và có một số gia đình chưa đăng ký kết hôn, hiện đã có 02 con nhưng chưa đăng ký kết hôn thì nay muốn đăng ký kết hôn có được không... và hỏi về một số trường hợp thuộc diện đang hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng nay lại bị cắt chế độ, việc này giải quyết như thế nào...”.
Tạm biệt bà con 02 thôn Phiêng Mơ và Bản Bon, ngày hôm sau, đoàn chúng tôi đến trợ giúp pháp lý lưu động tại thôn Bản Thàng. Thôn chưa có nhà văn hóa kiên cố, mà nơi họp thôn là một ngôi nhà gỗ tạm sát với nhà trẻ của thôn, điều kiện kinh tế của thôn Bản Thàng hết sức vất vả, khó khăn, kinh tế chủ yếu là làm nông nghiệp và chăn nuôi, đời sống sinh hoạt của bà con là tự sản tự tiêu. Thôn có 122 hộ với 524 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày, Dao. Ở thôn này không có nạn tảo hôn và không có cặp vợ chồng nào chưa đăng ký kết hôn. Chỉ có một số ý kiến bà con hỏi về chế độ đối với người cao tuổi và chế độ đối với người có công với cách mạng...
Các ý kiến của bà con hỏi đoàn công tác trợ giúp pháp lý đã được chúng tôi giải đáp, trả lời ngay tại buổi lưu động hôm đó, ai ai cũng mừng vui vì mọi thắc mắc về pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống của bà con đã được giải tỏa. Ông Quan Văn Tọng (Trưởng thôn Bản Thàng) cho biết: “Nội dung của đoàn công tác trợ giúp pháp lý hôm nay rất hữu ích đối với bà con thôn chúng tôi, nội dung truyền tải kiến thức pháp luật xúc tích, ví dụ cụ thể dễ hiểu, mong rằng, năm nào đoàn công tác trợ giúp pháp lý cũng đến đem kiến thức pháp luật để truyền tải cho bà con thôn Bản Thàng chúng tôi”. Những biểu hiện đó của bà con làm chúng tôi thấy vui, phấn khởi khi mình đã thực hiện chuyến đi trợ giúp pháp lý lưu động thành công. Với niềm vui hân hoan, bà con trong thôn “cám ơn Đảng, cám ơn Chính phủ đã cho bà con cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cám ơn Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Tuyên Quang đã đem pháp luật đến cho bà con”.
Qua đợt công tác này, chúng tôi đã trợ giúp pháp lý 12 vụ việc cho 12 người, tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho 206 lượt người, phát 1.500 tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho bà con, để bà con tự tìm hiểu những kiến thức pháp luật cơ bản liên quan thiết thực đến cuộc sống hàng ngày.
Lúc trở về, vẫn trên con đường ngoằn ngoèo, dốc đá và vực sâu thăm thẳm đó nhưng chúng tôi thấy bớt khó khăn, hiểm trở hơn. Chia tay bà con xã Phúc Yên - huyện Lâm Bình trong lòng chúng tôi dạt dào tình cảm, xa rồi những dốc đá cao sừng sững và rừng cây cổ thụ, xa những khuôn mặt rạng rỡ, những nụ cười và ánh mắt thân thiện của bà con. Để lại trong lòng mỗi cán bộ trợ giúp pháp lý chúng tôi những tình cảm trìu mến, những con người mộc mạc, chân chất, giàu tình cảm, luôn phấn đấu để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình và góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh
Vũ Thanh Thủy