Khi mặt trời đem giấu ánh sáng vào chân mây ảm đạm, phải chăng đầu óc con người ta cũng trở nên đầy mộng mị. Chuyện xảy ra như một giấc mơ dài!
Mùa đông năm ấy, vợ tôi chuyển dạ sinh thằng cu Út, khi cái Thu giống tôi như đúc thì thằng Út có cái mũi tẹt y hệt mẹ nó, đôi mắt tròn xoe như nói với tôi rằng: “Con chẳng giống ba tẹo nào!”. Thằng con quý tử chẳng giống mình tôi cũng chẳng buồn, giống vợ tôi, thì càng dễ thương chứ sao. Tôi sung sướng vì vợ tôi đẻ khéo nhưng chưa được bao lâu, thì thằng Út đã biết hư hỏng, nó ốm triền miên và khóc đêm ròng ròng. Tôi lo lắng bao nhiêu, thì vợ tôi vất vả với nó gấp ngàn vạn lần. Cũng thật xấu hổ cho một người cha, người chồng như tôi, khi lại đi phân bì với một đứa trẻ, mà đó lại là con của mình. Trong mắt vợ tôi chỉ còn có con, vợ không rời nó nửa bước. Tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi và xấu hổ. Trong lúc phòng lạnh đơn côi, tôi đã... phải lòng cô hàng xóm. Tôi trở thành người không chung thủy từ cái ngày sang nhà cô Hà bên hàng xóm giúp cô sửa lại mái tôn bị dột. Cơm nước xong, khi tôi ngà ngà say, cô kéo tay tôi bảo ở lại với cô thêm chút nữa. Thế là trong khoảnh khắc mùa đông bao trùm lên xứ núi, mang mưa dầm đổ lên các nẻo đường quê, có một vài tâm hồn trống vắng tìm thấy nhau, dù không thuộc về nhau, nhưng có lẽ họ đã không nghĩ suy được nhiều như thế. Tôi về nhà lúc một giờ sáng, vợ lo lắng hỏi: “Sao anh về trễ vậy?”. Tôi nhanh nhảu trả lời: “Anh chơi tú lơ khơ với mấy ông bạn cho vui ấy mà!”. Đó là lần đầu tiên tôi nói dối vợ. Thế rồi tôi tiếp tục nói dối vợ khi cô Hà tìm cớ nhờ tôi khi thì sửa chuồng gà, khi lại sửa giếng nước... Mỗi lần trở về, tôi thấy có chút tội lỗi với vợ, với con. Tôi ân cần với vợ hơn, lo cho con nhiều hơn, nhưng không biết tại sao, cứ cô hàng xóm gọi, là tôi lại đi mà không chút do dự.
Và những việc lén lút, không đường hoàng ấy có giấu đằng trời thì cũng bị lộ. Vợ tôi mở vách xông vào nhà cô Hà khi tôi đang say giấc nồng trong vòng tay cô ấy. Không la hét, không đánh đập hay khóc lóc ỉ ôi, vợ chỉ nhìn tôi, ánh mắt nhìn đau đớn, thất vọng xoáy vào tâm can tôi mà cho đến tận bây giờ, tôi cũng không thể nào quên được. Rồi vợ quay đi, chạy băng băng trong màn mưa. Đầu óc tôi rối bời, tôi chạy theo sau, nhưng không biết sẽ đối diện thế nào với vợ, với con.
Cái im lặng chết người bao trùm ngôi nhà nhỏ bé, chỉ có tiếng con Thu thỉnh thoảng hát ru em, giọng còn ngọng líu. Vợ tôi không nói, không rằng, không trách móc, chẳng xỉa xói như những người phụ nữ thường vẫn làm vậy. Vợ nựng con rồi cười nhạt, ánh mắt buồn xé nát trái tim tôi.
Sự việc cứ thế trôi qua, tôi không sang nhà cô hàng xóm nữa. Vì tôi chẳng muốn tiếp tục có lỗi với vợ con. Tôi vẫn tìm cơ hội để nói lời xin lỗi vợ và ước rằng, những mùa đông năm sau đừng lạnh lùng như mùa đông năm ấy.
Một năm trôi qua, thằng Út tròn một tuổi, nó cũng chẳng giống tôi tí nào. Mọi người đùa: “Không khéo lại là con hàng xóm mất!”. Vợ nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu, vừa như oán trách, vừa như thách thức: “Là con hàng xóm thật mà, có phải con ba Minh đâu, Út nhỉ!”. Thằng nhỏ chưa hiểu gì, nghe mẹ nựng nó cười toe toét rồi huơ huơ tay tỏ vẻ vui mừng. Nhìn cảnh ấy tôi bực không chịu được. Vài lần như thế, tôi kéo vợ vào phòng và trách:
- Sao em cứ nói thế! Em phải nghĩ đến cảm nhận của anh chứ? Tại sao cứ bảo nó không phải con anh?
Vợ nhìn tôi, lại ánh mắt đầy thách thức:
- Tôi thích thế đấy! Sao khi anh gian díu với người khác, anh không nghĩ đến cảm nhận của tôi?
Tôi cứng họng chẳng nói được gì, là mình có lỗi trước thì phải nhịn như thế. Tôi cứ tưởng cô ấy đã bỏ qua cho tôi một lần trót dại và quên chuyện ấy rồi, nhưng cô ấy không hề quên, thỉnh thoảng bất đồng, vợ vẫn lôi chuyện tôi trăng hoa ra nhắc và dù có không phục cỡ nào tôi vẫn là người thua trong cuộc tranh luận bất đồng. Ôi phụ nữ! Thù dai kinh khủng!
Vợ mắc màn và lên giường, thao thức mãi, tôi cũng không sao ngủ được. Tôi ôm vợ ôn tồn:
- Em sao vậy? Sao không ngủ?
Vợ có điều gì khó nói, ấp úng rồi lại ngập ngừng:
- Em... có chuyện... muốn nói với anh!
- Ừ, em nói đi, sao mà nghe nghiêm trọng vậy?
Vợ tỏ vẻ như người có lỗi, rồi bắt đầu nói. Trong lời nói có sự ăn năn, hối hận, có giọt nước mắt, rồi tiếng khóc sụt sùi:
- Anh tha lỗi cho em, thật ra là thằng Út không phải con trai anh! Là em đã gian dối, là em đã phản bội anh...!
Lời vợ như sét đánh bên tai, nhìn thái độ của vợ chẳng có vẻ gì là đùa, nhưng tôi vẫn mong đó không phải là sự thật:
- Em đùa đấy à ? Đừng có mang chuyện này ra mà đùa!
- Không! Tất cả là sự thật, hai năm trước, mấy ngày anh đi làm bên Xóm Mới không về, em ở nhà vừa lạnh, vừa buồn, trống trải quá nên em... trót dại.
Trời ơi! Là vợ tôi đây sao? Là thật sao? Đồ phản bội! Tôi đẩy vợ ra và hét lên như một con thú bị sập bẫy. Hai nửa chiếc giường như hai nửa thế giới, nửa kia là vợ tôi lạnh ngắt đến đau lòng, còn nửa bên này tôi bốc khói ngùn ngụt, cột khói căm phẫn, giận dỗi và thất vọng. Tôi bị cắm sừng ư? Sao có thể? Tôi vò đầu bứt tóc rồi chạy thục mạng ra ngoài, trời tối đen, mưa vẫn dầm dề không ngớt.
Vợ chồng tôi thật sự lạnh lùng từ đó. Tôi chỉ biết làm việc và làm việc để tạm quên đi nỗi đau đớn bị phản bội và lừa dối, Thằng Út hươ hươ tay về phía tôi đòi bồng, tôi cũng muốn lại bồng nó lên, hôn hít vào cái má phúng phính thơm mùi sữa của nó như mọi khi tôi vẫn làm, nhưng mà tôi biết cái khoảng cách giữa tôi và nó là khá lớn. Giận vợ, tôi giận luôn đứa trẻ bé nhỏ ấy, vì nó không phải con tôi, tôi không thể nào yêu thương nó như yêu thương con của chính mình. Có lần nó tập đi, ngã trầy đầu gối, khóc thét lên và chảy máu, tôi cũng mặc kệ. Vợ rơm rớm nước mắt nhìn nó rồi nhìn tôi, tôi quay đi trốn tránh cái nhìn trên đôi mắt ướt của vợ. Vợ tôi đó mà xa xôi đến lạ, tôi ghét vợ, ghét như chưa bao giờ ghét ai hơn thế. Và mỗi lần có ai đùa “con hàng xóm” là tôi buồn, nỗi buồn của kẻ bị cắm sừng, nỗi buồn của kẻ bị lừa dối, thật không tài nào diễn tả nỗi.
Rồi thằng Út phải đi viện và phẫu thuật vì bị u lạ. Bác sĩ bảo nó còn nhỏ nên rất yếu, phải cần một lượng máu hỗ trợ nhưng vẫn chưa có máu cùng nhóm, Vợ tôi không cùng nhóm máu, con bé Thu thì quá nhỏ để làm việc này. Ai có thể làm được đây? Tất nhiên tôi nghĩ mình không thể. Vợ lo lắng đến mất ăn, mất ngủ, gầy rộc và xanh xao. Liệu có nên bảo vợ tìm cha ruột thằng Út hay không, tìm được cha nó thì nó sẽ được cứu, nhưng khác nào vạch áo cho người xem lưng, gia đình có cái mã bề ngoài hạnh phúc mà biết bao người ao ước như gia đình tôi sẽ phải giải thích như thế nào với hai bên nội ngoại, với bàn dân thiên hạ? Ôi cuộc đời! Sao mà éo le đến thế? Đang mải suy ngẫm với điếu thuốc cháy dang dở trên tay thì vợ tôi đến bên:
- Anh ra bệnh viện với em bây giờ để người ta kiểm tra máu, nếu được thì ngày mai họ tiến hành phẫu thuật cho cu Út nhé!
Vẫn còn rất giận chuyện bị cắm sừng, nhưng nghĩ đến thằng Út đang đau đớn với bệnh tình, dù không là cha ruột, tôi vẫn có tình người, vẫn lo lắng cho nó lắm.
- Tôi thì làm gì được, cô nên tìm cha ruột của nó! – Tôi vẫn giữ thái độ lạnh lùng, ngụ ý rằng tôi vẫn không quên, không bao giờ tha thứ cho lỗi lầm của vợ. Và cũng hy vọng rằng có người giúp chúng tôi sớm phẫu thuật cho thằng Út.
- Cha nó, anh là cha nó chứ ai nữa, anh bảo em tìm đâu ra một người cha khác?
- Là sao?
Vợ lấy vội mấy thứ cần thiết rồi kéo tay tôi đi ra cửa. Bàn tay vợ nắm tay tôi thật chặt. Hơi ấm ấy tôi đã cố tình né tránh bao lâu nay, bất giác cảm nhận lại, tôi hơi chột dạ. Chiếc Dream II nổ bành bạch vì ống bô bị hư đưa tôi và vợ ra bệnh viện. Vợ khóc thút thít sau lưng tôi:
- Em xin lỗi vì đã lừa anh, ngoài anh ra em chưa từng có một người đàn ông nào khác. Thằng Út chẳng có người cha nào khác cả. Em xin lỗi!
Gì cơ? Sao lại thay đổi xoành xoạch như thế, lúc nào là con tôi, lúc nào lại không phải, giờ lại là con tôi? Cô ấy có nói thật không hay lại mang tôi ra đùa bỡn? Cái người phụ nữ tôi gọi là vợ kia, sao cứ làm khổ tâm tôi thế này ? Nhưng nếu là sự thật thì tôi phải mừng mới đúng, mà tại sao vợ lại đem chuyện này ra mà hành hạ tôi suốt những tháng ngày qua ?
- Vì em rất đau khổ khi bị anh lừa dối, em chưa từng tha thứ cho anh, anh biết không? Em muốn anh cảm nhận được con người ta sẽ đau đớn thế nào khi người mình yêu thương nhất lại đi lừa dối mình... giờ thì anh biết rồi chứ.
Tim tôi tan chảy, nếu không phải chứng tỏ cho vợ thấy tôi là một thằng đàn ông cứng cỏi thì tôi cũng đã khóc cùng với vợ. Ôi vợ tôi! Khi người phụ nữ bị tổn thương vì bị người đàn ông của mình lừa dối, họ sẽ trả thù, bằng cách này hay cách khác, họ sẽ làm cho kẻ đó đau, đau thật đau. Và vợ tôi đã dùng cách này đây, người phụ nữ của tôi cũng thật là ghê gớm! Nhưng nhờ đó mà tôi hiểu được cái cảm giác đau khổ của người bị lừa dối, để hiểu vợ hơn, yêu vợ hơn và tự hứa với lòng sẽ không bao giờ làm gì có lỗi thêm lần nữa: Em... ác quá! – Cũng tại anh hết thôi! Vợ vòng tay ôm tôi, má vợ nóng hổi áp vào lưng tôi và tôi biết bao giận hờn, oán trách của vợ đã nguôi ngoai... Tôi cũng thế. Tôi chạy xe thật nhanh ra bệnh viện. Điều duy nhất mà chúng tôi cùng quan tâm giờ này là chữa trị cho thằng Út và cầu mong nó mau lớn, khỏe mạnh.
Ai đó đã nói rằng, thời gian không phải đơn giản là năm này nối tiếp năm kia, mùa này nối tiếp mùa kia, mà là những sự kiện xâu chuỗi cuộc đời. Tôi thấy lạnh khi những cơn gió đông luồn qua vách gỗ, vợ ôm tôi vào lòng, một thằng đàn ông ngoài bốn mươi tuổi cũng muốn được che chở trong vòng tay ấm để cảm thấy vững lòng. Không phải cái cảm giác ấm nồng như vòng tay của mẹ ôm tôi thuở thiếu thời, cũng không phải yêu thương trìu mến như vòng tay các con tôi, tôi chẳng biết phải diễn tả thế nào, chỉ biết rằng, chính vòng tay ấy đã ôm ấp tôi, sưởi ấm tôi và dìu tôi qua những mùa đông giá lạnh.
Tôi ngửi thấy mùi cơm chín nồng nàn, mùi thịt xào sả thơm lừng mà ngoài vợ tôi ra không ai làm ngon hơn thế. Khi cha con tôi còn trong chăn ấm thì vợ tôi đã dậy sớm trong cái lạnh se sắt của mùa đông để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Thế mà đã có lúc tôi tưởng rằng, cái tổ ấm thân thương ấy sẽ vỡ tan như bong bóng chiều mưa xóm núi. Con người cũng lắm lúc mơ hồ, hạnh phúc ngay trước mặt mà cứ tìm kiếm ở đâu xa. Những ngày mùa đông không có mặt trời, nhưng có vợ con bên mình, tôi chẳng cần thêm mặt trời nào nữa
Thùy Dương