Để làm sáng tỏ những vấn đề cần trao đổi, tác giả xin nêu lên tình huống thực tế đã xảy ra. Đó là vụ tranh chấp dân sự về hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là vợ chồng bà Trịnh Thị S, người được thi hành án của 03 quyết định công nhận hòa giải thành số 02/DSST, số 05/DSST, số 06/DSST ngày 20/9/2015 của Tòa án nhân dân thành phố H với các bị đơn là vợ chồng ông Nguyễn Văn D, bà Nguyễn Thị B, bà Nguyễn Thị C với số tiền phải trả là 900 triệu đồng và lãi chậm thi hành án. Đồng thời, bà Trịnh Thị S cũng là người phải thi hành án theo 02 bản án số 11/DSST và số 12/DSST ngày 24/3/2014 với số tiền phải nộp án phí dân sự sơ thẩm của hai bản án là gần 100 triệu đồng.
Quá trình tổ chức thi hành các bản án và quyết định của Tòa án, xác minh thực tế tại địa phương cho thấy: Bà Trịnh Thị S là Giám đốc công ty TNHH X và tại thời điểm xác minh thi hành án thì công ty không còn hoạt động, kinh doanh thua lỗ và không có khả năng trả nợ, bản thân và gia đình bà S cũng không có tài sản, thu nhập gì để đảm bảo thi hành án. Do đó, cơ quan thi hành án đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành theo quy định tại Điều 44a Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) đối với 02 bản án số 11/DSST và số 12/DSST ngày 24/3/2014 về khoản tiền 100 triệu đồng án phí. Sau đó, đến năm 2016, bà S mới có đơn yêu cầu thi hành đối với 03 quyết định công nhận hòa giải thành số 02/DSST, số 05/DSST và số 06/DSST ngày 20/9/2015. Qua xác minh điều kiện thi hành án thì vợ chồng ông D, bà B, bà C đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định, đi làm thuê kiếm sống, thu nhập bấp bênh, chỉ đủ lo cuộc sống tối thiểu của gia đình và chỉ có duy nhất một ngôi nhà cấp 4 có giá trị khoảng hơn 100 triệu đồng (chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất). Quá trình giải quyết thi hành án, bà S đã thỏa thuận với vợ chồng ông D, bà B, bà C là không yêu cầu thi hành án và từ bỏ quyền lợi được hưởng và yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành theo điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự. Trên thực tế, đã nảy sinh nhiều quan điểm, ý kiến không thống nhất và trái chiều nhau về việc đình chỉ thi hành như sau:
Quan điểm thứ nhất:
Bà Trịnh Thị S là người phải thi hành 02 bản án số 11/DSST và số 12/DSST ngày 24/3/2014 với số tiền phải nộp án phí dân sự sơ thẩm là 100 triệu đồng, đồng thời là người được hưởng quyền lợi trong 03 Quyết định số 02/DSST, số 05/DSST và số 06/DSST ngày 20/9/2015 với số tiền được hưởng 900 triệu đồng và lãi chậm thi hành án. Trường hợp bà S từ bỏ quyền lợi được hưởng của 03 quyết định của Tòa án, trong khi đó lại không còn tài sản để thi hành khoản án phí thì việc yêu cầu đình chỉ thi hành 03 quyết định đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba là Nhà nước. Do đó, việc thỏa thuận đình chỉ này là không phù hợp với quy định tại Điều 6, điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự; khoản 3 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Quan điểm thứ hai:
Việc bà S không yêu cầu thi hành án là ý chí tự nguyện của bà với các bên đương sự, bà S từ bỏ quyền lợi được hưởng theo án tuyên. Hoàn cảnh gia đình của cặp vợ chồng ông D, bà B, bà C thực tế rất khó khăn, không có khả năng trả nợ, chỉ có một ngôi nhà duy nhất, không còn tài sản nào khác để đảm bảo thi hành án. Tài sản đó chưa được Nhà nước cấp giấy chứng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất nên không thể tiến hành kê biên, xử lý được. Nếu bán đấu giá tài sản sẽ không có người mua vì vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý cho người mua được tài sản bán đấu giá. Dù có kê biên, xử lý được đi nữa thì vấn đề cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá, cưỡng chế đưa cả gia đình ra khỏi nhà cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần tổ chức cuộc họp liên ngành, nếu Viện kiểm sát thống nhất cho rằng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba thì ra quyết định đình chỉ theo điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự là đúng quy định. Còn việc bà S phải thi hành khoản án phí thì xử lý theo hướng chưa có điều kiện thi hành theo điểm a khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự là phù hợp hơn.
Quan điểm thứ ba:
Theo quan điểm thứ nhất là đúng quy định và phù hợp hơn vì áp dụng theo quy định tại Điều 6, điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự; khoản 3 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Như vậy, chúng ta cần xem xét dựa trên các phương diện về cơ sở pháp lý có phù hợp không và thực tế có đúng là việc thỏa thuận đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ hay không thì mới xác định được việc đình chỉ thi hành có ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba.
Theo tình huống đưa ra, bà S là người được thi hành án với số tiền 900 triệu đồng và người phải thi hành trả cho bà S có tài sản là ngôi nhà cấp 4 với giá trị trên 100 triệu đồng có thể đảm bảo thi hành theo 03 quyết định công nhận hòa giải thành số 02/DSST, số 05/DSST và số 06/DSST ngày 20/9/2015. Mặc dù số tiền này không đủ đảm bảo hết nghĩa vụ dân sự trả cho bà S nhưng cũng có thể đảm bảo một phần đủ để bà S thi hành khoản án phí 100 triệu đồng cho Nhà nước. Trường hợp bà S và vợ chồng ông D, bà B, bà C thỏa thuận đình chỉ nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp án phí là không phù hợp, việc thỏa thuận đó là vi phạm điều cấm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba (Nhà nước). Còn quan điểm thứ hai cho rằng, tài sản của những người phải thi hành án chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận về quyền tài sản thì không thể kê biên, xử lý được là chưa phù hợp. Có những vụ việc cũng có thể áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để kê biên, xử lý. Tuy ngôi nhà cấp 4 chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chấp hành viên vận dụng Điều 110 Luật Thi hành án dân sự để xử lý sẽ là phù hợp và đúng quy định pháp luật hơn, bảo vệ được quyền lợi cho các bên đương sự và người thứ ba.
Xét thấy điều kiện của người phải thi hành án rất khó khăn thì chấp hành viên cần phải nâng cao kỹ năng thuyết phục vợ chồng ông D, bà B, bà C nộp số tiền 100 triệu đồng đủ để bà S thi hành khoản án phí, phần còn lại thì đình chỉ theo thỏa thuận của các bên đương sự là hiệu quả hơn, vừa giải quyết được 05 quyết định thi hành xong và vừa bảo vệ được quyền lợi cho Nhà nước và các bên đương sự.
Tác giả đồng tình theo quan điểm thứ ba và mong muốn nhận được các ý kiến trao đổi của quý đồng nghiệp, quý độc giả để góp phần tìm ra giải pháp phù hợp nhất, vừa hợp tình, hợp lý, vừa đúng quy định pháp luật tạo sự thống nhất trong cách giải quyết.
Chi cục Thi hành án dân sự TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên